Khám phá 3 chiến hạm Trung Quốc hiện diện trên biển Đỏ
Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai Biên đội tàu hộ hàng số 15, bao gồm: Tàu vận tải đổ bộ số hiệu 999 Tỉnh Cương Sơn Type 071, tàu hộ vệ tên lửa 572 Hoành Thủy Type 054A và tàu vận tải tổng hợp 889 Thái Hồ lớp Phúc Trì, đến khu vực biển Đỏ và vịnh Aden – Somalia đảm nhận nhiệm vụ hộ tống hành trình, chống cướp biển.
Bắt đầu từ khi triển khai biên đội đầu tiên thực hiện nhiệm vụ quốc tế là hộ tống hàng hải vào tháng 12/2008 đến nay, tổng cộng hải quân Trung Quốc đã hoàn thành 613 lượt nhiệm vụ hộ tống hành trình cho 5.257 tàu vận tải Trung Quốc và nước ngoài. Biên đội tàu Hộ hàng (hộ tống hàng hải) số 15 bắt đầu nhổ neo rời Trung Quốc vào ngày 8-8 vừa qua, để thay thế nhiệm vụ cho Biên đội số 14.
1. Tàu vận tải tàu đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn
Tỉnh Cương Sơn là tàu đổ bộ Type 071 có lượng giãn nước lớn nhất trong biên chế hải quân Trung Quốc, do nhà máy đóng tàu Phố Đông-Thượng Hải đóng và hạ thủy ngày 8/11/2010. Đây là chiếc thứ 2 thuộc Type 071, chiếc đầu tiên mang số hiệu 998 Côn Luân Sơn được hạ thủy tháng 12/2006.
Nó thuộc dạng tàu vận tải đổ bộ binh lính và các phương tiện tác chiến như: Tàu đổ bộ đệm khí, tàu xung phong, xe chiến đấu các loại và binh lính lên bờ. Tàu đổ bộ Type 071 có thể hợp thành với tàu khu trục thành một biên đội tác chiến đổ bộ lập thể.
Các tham số cơ bản:
- Chiều dài: 210m, rộng: 28m, mớn nước 7m, lượng giãn nước 20.000 tấn. Tàu được lắp đặt 4 động cơ Diezen với hệ thống động lực 2 trục đẩy.
- Vũ khí: Phía đầu tàu gắn 1 bệ pháo hạm 76mm kiểu mới, 2 bên thân là 2 bệ pháo phòng không tầm gần. Ngoài ra tàu còn lắp đặt thiết bị phóng nhiễu kim loại tầm gần để đánh lừa tên lửa địch.
Tàu vận tải đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc
- Lượng chuyên chở:
Tàu đổ bộ Type 071 có thể chuyên chở hơn 800 lính hải quân đánh bộ, sàn chuyên chở thiết giáp có thể mang theo 24-32 chiếc xe đột kích lưỡng thê tốc độ cao loại ZBD-05 hoặc xe thiết giáp lưỡng thê loại 63A. Boong máy bay có thể đồng thời cất, hạ cánh 2 chiếc trực thăng hạng trung Z-8, nhà kho máy bay có thể chứa được 3-4 chiếc. Hầm chứa tàu đổ bộ có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn.
2. Tàu hộ vệ tên lửa lớp 054A số hiệu 572 Hoành Thủy
Tàu hộ vệ tên lửa 572 Type 054A (NATO gọi là lớp Giang Khải 2) được đặt theo tên thành phố Hoành Thủy thuộc tỉnh Hải Nam. Nó được hạ thủy vào ngày 21/5/2011, biên chế cho lực lượng hải quân ngày 9/7/2012. Hiện nay, hải quân Trung Quốc hiện có 15 tàu lớp này, ngoài ra còn 4 tàu đang đóng hoặc đang thử nghiệm ở nhà máy, chưa bàn giao cho hải quân. Tàu hộ vệ Hoành Thủy trực thuộc hạm đội Nam Hải
Các tham số cơ bản:
- Kích thước: chiều dài 134m, rộng 16m, lượng giãn nước không tải 3600 tấn, đầy tải 4053 tấn.
Video đang HOT
- Vận tốc: Tốc độ tối đa 27 hải lý/h, vận tốc tuần tra 18 hải lý/h với phạm vi hành trình 8600 hải lý.
- Thủy thủ đoàn: 165 người
- Tàu có thể mang theo 1 trực thăng Nga Ka-28 hoặc 1 trực thăng quốc nội Z-9.
Tàu hộ vệ tên lửa 572 Hoành Thuỷ, Type 054A
Hệ thống vũ khí:
- 8 đơn nguyên phóng thẳng đứng (mỗi đơn nguyên 4 ống phóng) dùng chung cho tên lửa chống ngầm và tên lửa phòng không Hải Hồng Kỳ 16 (HHQ-16).
- 2 bệ, mỗi bệ 4 ống phóng tên lửa chống hạm Ưng Kích-83 (YJ-83).
- 1 pháo hạm AK-176 do Nga sản xuất, 1 pháo hạm quốc nội PJ-76 loại 76mm.
- 2 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần 7 nòng H/PJ12 và AK-630 loại 30mm.
- 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm, phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Y-7 .
- 2 cụm 6 ống phóng rocket chống ngầm nước sâu Type 87.
- 2 bệ phóng loại 18 nòng rocket gây nhiễu Type 726-4.
3. Tàu vận tải tổng hợp 889 Thái Hồ lớp Phúc Trì
Phúc Trì là lớp tàu vận tải tổng hợp lớn nhất, thế hệ mới nhất của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc có 3 tàu thuộc lớp này là, tàu 886 Thiên Đảo Hồ, 887 Vi Sơn Hồ và 889 Thái Hồ. Cũng trên cơ sở thiết kế của lớp tàu này, Trung Quốc còn chế tạo chiếc tàu bệnh viện cỡ lớn số hiệu 866 Đại Sơn Đảo (thường gọi là tàu bệnh viện “Hòa Bình”).
Tàu vận tải tổng hợp 889 Thái Hồ, lớp Phúc Trì
Tàu vận tải tổng hợp 889 Thái Hồ là chiếc thứ 3 trong lớp tàu này. Nó được hạ thủy tháng 3/2012 và biên chế chính thức cho hải quân ngày 18/6/2013. Hiện Thái Hồ trực thuộc biên chế một chi đội tàu chi viện tác chiến thuộc hạm đội Bắc Hải.
Các tham số cơ bản
- Kích thước: Dài 171,4m, rộng 24,6m, mớn nước 9m, lượng giãn nước 23.000 tấn.
- Tốc độ: Tối đa 19 hải lý/h, tốc độ tuần hành 14 hải lý (phạm vi hoạt động 10.000 hải lý).
Thủy thủ đoàn: 30 người.
Vũ khí:
- 4 khẩu pháo 2 nòng bắn nhanh 37mm, Type 76F. Tàu có thể mang theo 2 trực thăng quốc nội Z-8 hoặc Z-9.
Lượng chuyên chở:
- Trên tàu có 2 trạm dự trữ vật tư dạng lỏng và 1 kho chứa vật tư thể rắn. Lượng dầu mang theo 10.500 tấn, nước ngọt 250 tấn, đạn dược 680 tấn.
Theo ANTD
Thực hư chuyện chiến hạm Trung Quốc "xuất hiện gần Syria"
Theo trang tin Military-informant, ngày 5-9, thủy thủ Nga làm việc trên các chiến hạm hoạt động tại khu vực biển Đỏ, đã nhìn thấy một chiến hạm rất lớn của Trung Quốc mang số hiệu 999, đi qua kênh đào Suez hướng đến biển Đỏ, với tốc độ khoảng 14 hải lý/giờ.
Số hiệu 999 thể hiện đây là tàu đổ bộ đa năng Tỉnh Cương Sơn, thuộc Type 071 của Trung Quốc. Nó có lượng giãn nước hơn 20.000 tấn, có khả năng vận chuyển các phương tiện tác chiến đổ bộ như: Tàu đổ bộ đệm khí, xe chiến đấu các loại và binh lính lên bờ...
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin hải quân nước này sẽ phái một số tàu chiến đến Địa Trung Hải để theo dõi các hoạt động của NATO. Một số nguồn tin khác cho rằng, tàu này sẽ phối hợp với tàu chiến của Nga để vận chuyển vũ khí hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Assad.
Một số trang tin còn đưa ra thông tin cụ thể là, tàu chiến của Trung Quốc được cử đến để theo dõi tình hình Syria và nó sẽ chỉ quan sát các hoạt động của các chiến ham phương Tây, chứ không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào vào cuộc xung đột có thể sắp xảy ra.
Tàu vận tải đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn của Trung Quốc
Lại có trang tin cho rằng, Syria có thể đang sở hữu các phiên bản hệ thống tên lửa phòng không mô phỏng theo hệ thống S-300 của Nga do Trung Quốc sản xuất dưới tên gọi HQ-9. Thông tin trên không được chính thức xác nhận, còn các tàu đổ bộ của Trung Quốc vẫn chưa được phát hiện tại các cảng của Syria.
Tuy vậy, các thông tin trên đều phán đoán sai sự thực, ngoại trừ một điểm là sự xuất hiện của tàu này qua kênh đào Suez hướng đến biển Đỏ. Suez là một kênh đào nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, chạy theo hướng Bắc-Nam đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nối Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Hồng Hải.
Biển Đỏ (Hồng Hải) là vùng biển hẹp nằm giữa châu Á và châu Phi, xung quanh là các nước Israel, Saudi Arabia, Ai Cập, Ethiopia, Sudan... Đây là lối đi tắt cho những con tàu đi qua cảng châu Âu, châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại dương.
Tỉnh Cương Sơn vào cảng Jeddah của Saudi Arabia
Tuy nhiên, tàu vận tải đổ bộ 999 Tỉnh Cương Sơn không chỉ hoạt động trên biển Đỏ và số lượng tàu cũng không phải là 1 mà sẽ là 3 chiến hạm của Trung Quốc có mặt ở đây. Bao gồm: Tàu vận tải tàu đổ bộ số hiệu 999 Tỉnh Cương Sơn, tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 572 Hoành Thủy và tàu bổ trợ hậu cần mang số hiệu 889 Thái Hồ, biên đội mang theo 3 máy bay trực thăng.
Các chiến hạm này đi qua kênh đào Suez để thực hiện một nhiệm vụ riêng của nó ở Hồng Hải và Vịnh Aden - Somalia (nằm ngay ở lối ra của Hồng Hải) chứ không nhằm mục đích do thám tình hình Syria, cũng không tự mình vận chuyển hoặc phối hợp với tàu Nga đưa vũ khí đến Syria.
Vào lúc 9h sáng 5-9, Tỉnh Cương Sơn đã cập cầu cảng Jeddah - thành phố lớn thứ 2 của Saudi Arabia để tiếp tế bổ sung trong vòng 5 ngày, đây cũng là chuyến tiếp tế ở nước ngoài đầu tiên của nó (cả 3 tàu trong biên đội số 15 đều lần đầu tiên chấp hành nhiệm vụ hộ hàng). Đồng thời, thủy thủ và thuyền viên của tàu cũng lên bờ giao lưu thăm hỏi chính quyền địa phương và lãnh sự quán Trung Quốc ở Saudi Arabia.
Tàu hộ vệ tên lửa Hoành Thủy cử tàu cao tốc đến kiểm tra tàu lạ
Thực chất, 3 tàu Tỉnh Cương Sơn, Hành Thủy và Thái Hồ của Trung Quốc có mặt ở khu vực này để đảm nhận một nhiệm vụ thường xuyên. Chúng thuộc biên đội tàu Hộ hàng (hộ tống hàng hải) số 15 của hải quân Trung Quốc đến vịnh Hồng Hải và Vịnh Aden - Somalia thực hiện nhiệm vụ hộ tống hành trình, chống cướp biển, thay cho biên đội Hộ hàng số 14 vừa kết thúc nhiệm vụ trở về nước.
Từ khi triển khai đến khu vực này, biên đội tàu Trung Quốc (do Tỉnh Cương Sơn làm tàu chỉ huy) đã hộ tống hành trình cho 5 tốp thương thuyền, bao gồm 28 tàu của Trung Quốc và nước ngoài an toàn. Để đảm bảo cho công tác hộ tống hành trình liên tục, không bị gián đoạn, 3 tàu này thay phiên nhau, mỗi lần 1 tàu vào cảng để nhận tiếp tế dầu, nước ngọt và lương thực, thực phẩm.
Ngày 05/09, trong khi Tỉnh Cương Sơn vào cảng Jeddah tiếp tế, thì 2 tàu Thái Hồ và Hoành Thủy đang hộ tống hành trình cho một tốp 6 tàu vận tải của 4 nước bao gồm: Trung Quốc, Singapore, Panama và Thổ Nhĩ Kỳ, đi từ phía tây sang đông vịnh Aden. Trong quá trình hộ tống, họ đã bao vây, kiểm tra 2 tàu nhỏ chở dầu lậu. Như vậy, sự có mặt của biên đội tàu Trung Quốc không có liên quan gì đến tình hình căng thẳng ở Địa Trung Hải.
Theo ANTD
Ảnh độc tàu sân bay nội địa Ấn Độ sắp hạ thủy Chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ được hạ thủy vào ngày 12/8 tại thành phố cảng Kochi, chỉ vài ngày sau khi Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng DDH183 Izumo. Một số hình ảnh tàu sân bay INS Vikrant ngày 11/8. Việc hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant, Ấn Độ...