Khám họng phát hiện ung thư máu
“Cháu Nhi bị sốt và ho suốt một tuần không khỏi. Sau khi đi khám gia đình mới té ngửa cháu bị ung thư máu”, chị Nguyễn Thị Nền (Yên Khánh, Ninh Bình) rớt nước mắt chia sẻ.
Dễ bị nhầm tưởng sang bệnh khác
Bệnh nhi Trần Phương Nhi, 19 tháng tuổi có biểu hiện ho, sốt kéo dài một tuần. Gia đình cho uống các loại kháng sinh mà bệnh vẫn không thuyên giảm.
Lo lắng, chị Nền đưa con đến khám tai mũi họng. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ cháu Nhi bị ung thư máu và chuyển đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ thông báo cháu Nhi bị ung thư máu.
Cháu Trần Phương Nhi (19 tháng tuổi) điều trị ung thư máu suốt 13 tháng tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương
Chị Nền cho biết, suốt 13 tháng nằm viện, cháu Nhi ăn ít, không lên cân. Lúc 5 tháng cháu Nhi được hơn 8,5 kg và bây giờ (19 tháng) vẫn chỉ 8,5kg. Hiện tại, cháu Nhi gầy rộc, xanh xao, đứng không vững.
Tại phòng 605, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, anh Bùi Chí Trung (Hà Đông, Hà Nội), bố của bệnh nhi Bùi Thị Ngọc chia sẻ, bệnh của cháu Ngọc nặng do phát hiện muộn. Gia đình cũng không biết các dấu hiệu điển hình của bệnh để cho cháu đi khám sớm. Ban đầu Ngọc bị sốt, ho nên tự mua thuốc về uống. Một tuần sau, bệnh của Ngọc không đỡ, môi bỗng trắng nhợt. Gia đình đưa đi cấp cứu, các bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu thể bạch cầu cấp. Đến nay, sau hai đợt điều trị, tóc của Ngọc đã rụng gần hết, chỉ còn lơ phơ vài lọn.
Video đang HOT
Sau hai đợt truyền hóa chất, tóc của cháu Ngọc đã rụng gần hết
“Bác sĩ đã nhiều lần gọi sang nói về sức khỏe của cháu và nói gia đình chuẩn bị tâm lý. Còn nước còn tát nên gia đình vẫn cố chạy chữa”, anh Trung ngậm ngùi.
Ung thư máu không có dấu hiệu điển hình
Theo BS Mai Lan, Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khoa đang điều trị cho 100 cháu. Trong số này, khoảng 60-70% bệnh nhi ung thư máu đều phát hiện muộn.
Trẻ mắc bệnh nhưng các gia đình nhầm tưởng con chỉ mắc những bệnh thông thường, tự mua thuốc về uống, không đi khám và đến khi bệnh đã nặng thì rất khó điều trị.
Cùng quan điểm với BS Lan, BS Vũ Thị Hồng Phúc, Khoa Bệnh máu trẻ em- người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi cũng cho biết, trẻ nhỏ mắc ung thư máu ít có biểu hiện gì đặc trưng, nhất là đối với trẻ vài tháng tuổi thường chỉ sốt nhẹ. Rất nhiều phụ huynh chủ quan nghĩ con mọc răng, không đi khám đến khi xét nghiệm máu mới phát hiện con mắc bệnh thì diễn tiến bệnh đã rất nhanh, bạch cầu giảm mạnh. Những bệnh nhân thể nặng chỉ có thể điều trị duy trì để ngăn ngừa sản sinh tế bào ung thư máu chứ không thể chữa khỏi.
Bệnh ung thư máu không có biểu hiện điển hình. Do đó, phụ huynh có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây để nhận biết ung thư máu ở trẻ như: Sốt kéo dài, vã mồ hôi về ban đêm. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, xanh xao, sút cân. Tay chân xuất hiện các vết bầm tím kèm theo đau đầu buồn nôn….
Nếu những triệu chứng này xuất hiện kéo dài vài ngày hoặc vài tuần thì cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thông thường, nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm trẻ có nhiều cơ hội được cứu sống. Việc chữa trị là sự kết hợp giữa hóa trị, phẫu thuật… tùy theo dạng bệnh và lứa tuổi. Trẻ càng được điều trị sớm thì càng có nhiều cơ hội khỏi hoàn toàn và phát triển bình thường.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, tái khám định kỳ là một việc hết sức quan trọng trong điều trị ung thư máu. Bác sĩ sẽ tiếp tục kiểm tra bệnh nhân chặt chẽ để đảm bảo ung thư không tái phát.
Ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp là một bệnh ác tính của tế bào tiền thân tạo huyết. Tế bào ác tính mất khả năng trưởng thành và biệt hóa. Những tế bào này tăng sinh một cách không kiểm soát được và rồi thay thế hoàn toàn các phần tử bình thường của tủy xương.
Đây cũng là căn bệnh ung thư duy nhất không tạo ra u (ung bướu). Hiện nay căn bệnh này đã có một số biện pháp điều trị nhưng hiệu quả không cao.
Đa số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp có tình trạng ốm yếu, da xanh xao, xuất huyết dưới da, niêm mạc, chảy máu lợi, chảy máu cam, phụ nữ bị rong kinh (cũng có trường hợp đi khám vì sưng lợi nặng và đau sưng khớp, các dấu hiệu nhiễm khuẩn). Xét nghiệm máu thấy giảm 3 dòng tế bào ngoại biên.
Về điều trị: Bệnh bạch cầu cấp trước đây cho là nan y nhưng nay thì chữa được và có tiềm năng khỏi hẳn bằng hóa trị phối hợp và ghép tủy. Tuy nhiên việc điều trị cũng rất tốn kém và lâu dài.
Thu Trịnh
Theo Khampha
Phóng xạ liều thấp cũng gây ung thư máu
Phát hiện "phóng xạ liều thấp cũng gây ung thư máu" của các nhà khoa học Mỹ, Ukraina và Nhật là mới mẻ về mặt khoa học, hệ trọng về mặt bảo vệ sức khoẻ con người.
Một kết quả mới về sự tác động đến sức khoẻ con người khi phơi nhiễm phóng xạ (tức chịu một liều chiếu xạ) ở liều thấp nhưng kéo dài đã được các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California, San Francisco, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Y tế bức xạ ở Ukraina vừa công bố trên Tạp chí Environmental Health Perspectives, số ra ngày 8/11/2012.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA và Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân của nhiều nước, đối với dân chúng nên áp dụng một liều nhiễm giới hạn là 5 mSv (milisievert) trong một năm, còn đối với những người làm nghề phóng xạ thì giới hạn đó là 50 mSv.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, trong môi trường sống và làm việc, một liều chiếu phóng xạ khoảng dưới 50 mSv/năm cũng được xem là liều thấp và không ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ của con người. Nhưng ảnh hưởng này như thế nào nếu thời gian phơi nhiễm phóng xạ kéo dài? Các kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives đã cố gắng bước đầu làm sáng tỏ câu hỏi này.
Các nhà nghiên cứu Mỹ và Ukraina thực hiện cuộc điều tra tình hình sức khoẻ của 110.645 công nhân trực tiếp tham gia quét dọn tại Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Chernobyl (Ukraina) từ khi xảy ra thảm họa (1986) đến năm 2006. Trong số công nhân trên, 57% số người bị phơi nhiễm tích luỹ trong 10 năm, và 78% phơi nhiễm dưới mức 200 mSv. Họ phát hiện ra rằng, trong tổng số công nhân được khảo sát có 137 người mắc bệnh ung thư máu, trong số này 79 người mắc bệnh ở thể mãn tính.
Sau khi loại bỏ các yếu tố di truyền và các ảnh hưởng khác có khả năng gây ra ung thư máu, nhóm nghiên cứu đưa ra con số sác suất xấp xỉ 16% trường hợp ung thư máu phát hiện trong khoảng thời gian 20 năm có thể được xác định là do phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl.
Như vậy, phơi nhiễm phóng xạ ở liều thấp đối với công nhân tham gia dọn dẹp Chernobyl làm tăng rõ rệt nguy cơ ung thư máu. Điều này, theo kết luận của nhóm nghiên cứu, hoàn toàn phù hợp về mặt thống kê với các tính toán đối với những nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 còn sống sót.
Rõ ràng, tác động của phơi nhiễm phóng xạ liều thấp, nhưng kéo dài, đối với sức khoẻ của con người là không thể xem nhẹ. Sự phát hiện này rất bổ ích, trong việc đánh giá những tác động của phơi nhiễm phóng xạ liều thấp, nói chung, và của việc phơi nhiễm phóng xạ trong khi sử dụng thiết bị y tế, nói riêng.
Dẫn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Ukraina trên đây, Thời báo Nhật Bản liên hệ với sự cố nóng chảy nhiên liệu tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ở đây, từ ngày 11/3/2011, Tổng Công ty Điện lực Tokyo (gọi tắt là TEPCO) nâng ngưỡng phơi nhiễm phóng xạ tối đa cho phép đối với công nhân viên nhà máy lên 250mSv/năm so với mức cũ là 100 mSv/năm.
Cũng theo Thời báo Nhật Bản, Ông Keigo Endo, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Kyoto, đồng thời là một chuyên gia an toàn bức xạ cho biết thêm: Có những số liệu độc lập khác trước đó cho thấy nguy cơ gia tăng khả năng bị bệnh máu trắng của những người phơi nhiễm phóng xạ ở liều tích luỹ thấp khoảng 120mSv.
Các phát hiện của các nhà khoa học Mỹ, Ukraina và cả Nhật là mới mẻ về mặt khoa học, hệ trọng về mặt bảo vệ sức khoẻ con người và rất cần thiết phải nghiên cứu tiếp tục một cách sâu sắc và đầy đủ hơn.
Theo Minh Trần (Vietnamnet)
Ghép thành công tế bào gốc cho BN ung thư máu Ngày 9/11, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, bệnh viện vừa ghép thành công tế bào gốc cho bệnh nhân bị ung thư máu. Trước đó, bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần (25 tuổi, Quỳ Hợp, Nghệ An) được các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư ghép thành công tế bào...