Khám hậu COVID-19: Nơi 2,1 triệu/gói, nơi 2,4 – 6,4 triệu đồng/gói
Tại TP.HCM, người bệnh đi khám hậu COVID-19 có thể đến khám, điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau với nhiều gói giá từ 2,1 – 6,4 triệu/gói.
Gói khám này có gì mà Sở Y tế phải yêu cầu “chấn chỉnh tình trạng loạn giá khám hậu COVID-19″?
Nhân viên y tế Bệnh viện Lê Văn Thịnh hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân để họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe hậu COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Khảo sát tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, gói khám sức khỏe hậu COVID-19 chuyên sâu giá 6,4 triệu đồng, gói cơ bản có giá 2,4 triệu đồng và gói nâng cao có giá 5,2 triệu đồng.
Đưa gói khám để phụ huynh bệnh nhi không quá bất ngờ, bỡ ngỡ!
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh – trưởng phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược – cho biết từ ngày 6-12-2021, khi bệnh viện thành lập khoa hậu COVID-19, đã thiết lập các gói khám sức khỏe này để người bệnh “hình dung” trước được chi phí khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, trong thực tế có rất ít bệnh nhân được áp dụng những gói khám chữa bệnh này. Người bệnh đến bệnh viện khám trong những tình trạng nặng, nhẹ khác nhau. Do vậy, có những bệnh nhân không cần xét nghiệm và không phải bệnh nhân nào cũng làm hết các xét nghiệm trong các gói.
“Có những người bệnh đến với triệu chứng mất ngủ thì cũng không cần phải cho đi xét nghiệm máu làm gì. Bệnh nhân chỉ khám như các bệnh bình thường khác!”, bác sĩ Như Vinh ví dụ.
Trong quá trình khám điều trị hậu COVID-19 cho bệnh nhân, hầu hết các bác sĩ đều “cá thể hóa” điều trị trên từng bệnh nhân.
Trước dư luận cho rằng giá các gói tương đối cao, bác sĩ Như Vinh cho hay, gói 1 (2,4 triệu đồng) sẽ được thực hiện các xét nghiệm về đông máu, viêm, nhiễm trùng, chức năng gan, thận…
Gói 2 (5,2 triệu đồng) sẽ dành cho những người nghi ngờ bị thuyên tắc phổi. Trong gói này, người bệnh được chụp CT động mạch phổi có tiêm thuốc cản quang để phát hiện tổn thương phổi và bệnh lý trong lồng ngực. Riêng chi phí để chụp loại CT này đã hơn 2 triệu đồng, chưa kể siêu âm một số mạch máu trên cơ thể xem có bị huyết khối hay không.
Video đang HOT
Gói 3 (6,4 triệu đồng) dành cho những người khi đã sử dụng các xét nghiệm của hai gói trên mà bác sĩ vẫn không giải thích được nguồn gốc của bệnh nên phải đi tìm những nguyên nhân khác. Hậu COVID-19, nhiều trường hợp có thay đổi sức khỏe theo chiều hướng lạ, nên phải làm thêm một số xét nghiệm xem cơ thể có thiếu vi chất gì hay không…
“Tuy nhiên, gói chuyên sâu này không phải bệnh nhân nào cũng được bác sĩ chỉ định cho làm”, bác sĩ Vinh cho biết.
Trong khi đó, giá khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) công khai hiện nay là khoảng 2,1 triệu đồng. BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết đây là giá tối đa với mục đích khi phụ huynh đưa trẻ đi khám sẽ không quá bất ngờ, bỡ ngỡ.
Giá khám, điều trị hậu COVID-19 cho bệnh nhi tại bệnh viện được xây dựng theo quy định của Bộ Y tế. “Gói này bao gồm cả làm một số xét nghiệm, siêu âm tim, chụp X-quang, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng…
Tùy theo triệu chứng của bệnh nhi gặp phải, bác sĩ sẽ khám bệnh đó mà không phải em nào cũng làm hết gói này, Chẳng hạn trẻ hay mệt khi vận động, leo cầu thang thì sẽ đo chức năng hô hấp… “, bác sĩ Tiến nói và cho hay bệnh viện khám theo yêu cầu người nhà, không có gói khám dịch vụ mà là gói khám sức khỏe hậu COVID-19.
Có triệu chứng nào, khám triệu chứng đó, nên chăng?
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết bệnh nhi đến khám hậu COVID-19 sẽ được thu phí như đến khám các bệnh thông thường khác.
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – cho hay với những nhóm người nằm trong chương trình khám miễn phí sẽ khám theo gói. Còn bệnh nhân có nhu cầu khám hậu COVID-19 có bảo hiểm y tế hoặc không có bảo hiểm y tế đều thu phí theo quy định của nhà nước. Viện không có gói dịch vụ khám hậu COVID-19.
Khi sức khỏe của bệnh nhân gặp vấn đề nào “nổi bật”, các bác sĩ sẽ đưa ra các kỹ thuật chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp nhất. Lúc này, chi phí điều trị cũng theo bảng giá quy định và không phát sinh thêm chi phí nào trong điều trị mỗi triệu chứng.
“Vì người bệnh hậu COVID-19 có thể mắc nhiều triệu chứng khác nhau nên chúng tôi cố gắng khám “gói gọn” nhất mà không khám theo gói. Và để giảm chi phí điều trị cũng như nâng cao hiểu biết, tôi đã viết những bài hướng dẫn chung về tập luyện, thư giãn, dùng thuốc… trên trang web của viện cho người bệnh thực hiện theo”, TS.BS Ngọc Lan chia sẻ thêm.
Là cơ sở y tế đầu tiên triển khai khám hậu COVID-19 tại TP.HCM và thành lập Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu cho F0 khỏi bệnh hồi tháng 9-2021, BS.CKII Trần Văn Khanh – giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết số bệnh nhân cần khám hậu COVID-19 trong thời gian gần đây tăng so với tháng trước là 20%.
Hiện bệnh viện không có gói khám dịch vụ hậu COVID-19. Chi phí khám ban đầu của bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán chi trả theo thông tư số 13 của Bộ Y tế năm 2019 và theo hạng bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các bệnh viện tư nhân sẽ tự cấu thành giá, báo cáo sở để theo dõi và công khai để người dân nắm.
Bà Mai giải thích thêm, từ khi TP “nở rộ” các phòng khám Trung Quốc, TP đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân kê khai giá dịch vụ khám chữa bệnh. Bảng giá tại các cơ sở y tế tư nhân được cấu thành dựa trên nhiều yếu tố và do thị trường quyết định.
Sở Y tế không phải là cơ quan kiểm soát giá khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân mà chỉ tiếp nhận thông tin giá họ đăng ký. Sau đó, bộ phận liên quan của sở sẽ kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân có thực hiện theo đúng giá công khai hay không. Nếu cơ sở y tế thu phí bệnh nhân cao hơn giá công khai thì sai quy định.
Trong buổi họp báo chiều 10-2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết: “Thanh tra sở đã kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có triển khai khám, điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 và sẽ sớm thông báo kết quả”.
Đến nay cả nước đã ghi nhận gần 2,4 triệu ca mắc COVID-19, khám hậu COVID-19 sẽ ngày càng nhiều lên, dù đây là dịch vụ mới nhưng không thể để “mỗi nơi một giá”! Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm “để ý” đến loại dịch vụ mới này.
Vì sao F0 nhập viện ở TP HCM tăng?
Lượng F0 nặng phải vào Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân Y 175, tăng gần gấp đôi trong 5 ngày qua, song ở các bệnh viện Covid-19 tầng 1, 2 số nhập viện không tăng.
Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 là đơn vị thuộc tầng 3 trong tháp Covid-19, có chức năng điều trị cho nhóm F0 nặng và nguy kịch trên địa bàn TP HCM. 5 ngày qua, lượng bệnh nhân tại đây liên tục tăng.
Theo Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc trung tâm), trung bình trước 29/10, số F0 nhập viện là 20 ca. Từ 29/10 đến nay, bệnh nhân nhập viện tăng rõ rệt, lên trung bình 30 ca mỗi ngày. Đỉnh điểm là ngày 1/11, trung tâm tiếp nhận 36 ca - gần gấp đôi so với giai đoạn trước. Trong khi đó, số ca xuất viện mỗi ngày duy trì 25-30 ca. Vì vậy, hiện số F0 nhập viện đang có xu hướng cao hơn số xuất viện.
Lượng F0 này đến từ hai nguồn. Thứ nhất, là bệnh nhân cũ được chuyển đến từ các bệnh viện dã chiến đang giải thể (số 2, 5, 9), bệnh viện chuyển đổi công năng về ban đầu (không còn điều trị Covid-19 như Gò Vấp, quận 12, Hóc Môn, Hồng Đức); hoặc bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới; chỉ khoảng 4-5 ca mỗi ngày. Nguồn thứ hai, chiếm đa số là F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, như các chùm ca gia đình, doanh nghiệp, công ty..., bác sĩ Ân nhận định.
Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 thực hiện một ca ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Bệnh viện Quân y 175
Ghi nhận tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Văn Quả (trưởng trạm y tế phường) cho biết, hai tuần nay, số F0 mới có sự chênh lệch. Như từ 18 đến 26/10, trung bình phát hiện 7-26 ca mắc mới mỗi ngày. Ngày 27/10, số F0 mới phát hiện chỉ còn 3, sau đó tăng nhẹ, lần lượt là 4, 6, 10 và 7 trong những ngày sau đó. Những bệnh nhân này được khám, phân loại nguy cơ, nếu có bệnh nền, yếu tố trở nặng hoặc không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đến các khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện Covid-19 còn hoạt động.
Tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 ngày 1/11, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhận định, số F0 nhập viện giảm mỗi ngày, nhưng vẫn cao hơn so với số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 27/10 có 1.272 F0 nhập viện trong khi 869 người xuất viện; ngày 28/10 có 1.212 F0 nhập viện, 718 người xuất viện; ngày 29/10 có 982 F0 nhập viện, 846 người xuất viện; ngày 31/10 có 624 F0 nhập viện, 473 người xuất viện. Bà Mai cũng chỉ ra nguyên nhân tương tự như bác sĩ Ân.
Về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, số F0 tăng nhẹ và nhập viện trong thời điểm này " phản ánh đúng thực tế"sau khi TP HCM tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 diện rộng và mở cửa trở lại. "Khi sống chung với Covid-19 thì con số F0 tăng hay nhập viện không phải là điều cần quan tâm, cái chính là tỷ lệ bệnh nặng thở máy", ông nói.
Thời gian gần đây, lượng F0 nhập viện tăng tại một số đơn vị, song có thể thấy hầu hết là bệnh nhẹ, chỉ cần theo dõi, không cần can thiệp thở máy hay thở oxy. Riêng về tình trạng số ca nhập viện cao hơn ca xuất viện, theo bác sĩ Khanh là do số bệnh nhẹ xuất viện nhiều, nên chỉ còn số bệnh nặng phải điều trị lâu hơn, dẫn đến chênh lệch tỷ lệ.
Tính đến 1/11, TP HCM đã ghi nhận 432.703 ca mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố. Hiện, 11.230 bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện, trong đó 255 F0 nặng đang thở máy, 11 ca can thiệp ECMO.
Sau nhiều ngày quan sát tình hình thực tiễn, khi thành phố về bình thường mới, bác sĩ Ân cho rằng, có rất nhiều người dân chủ quan, lơ là khi tràn ra đường, tụ tập đông đúc ở địa điểm vui chơi mà không tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Đây chính là nguyên nhân khiến số người mắc Covid-19 mới vẫn cao. "Chúng ta đang sống chung với lũ, sểnh chân sẽ bị lũ cuốn ngay", ông Ân ví von.
Thêm nữa, với những trường hợp F0 trở nặng, có thể do vai trò của hệ thống y tế cơ sở khi chăm sóc, tư vấn cho F0 tại nhà chưa đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh có nguy cơ chưa được đưa đến bệnh viện sớm. Đồng thời, việc người bệnh tự sử dụng, lạm dụng các loại thuốc Corticoid (kháng viêm) khi điều trị Covid-19 tại nhà có thể dẫn đến tình trạng bùng phát cơn nhiễm khuẩn, nhiễm trùng song song với sự tấn công của Covid-19. Từ đó, người bệnh dễ nguy kịch, phải chuyển đến tuyến cao nhất để sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như lọc máu, thở máy, ECMO...
Một bệnh nhi 8 tuổi, bị hội chứng viêm đa hệ thống nguy kịch sau khi mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Tại một số bệnh viện tầng dưới khác, nhìn chung số F0 mới nhập viện không tăng, như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (một trong hai bệnh viện chuyên khoa Nhi triển khai mô hình "bệnh viện tách đôi" điều trị song song cho bệnh nhi Covid-19 và các bệnh thông thường) và Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 3 (TP Thủ Đức - nơi thu dung bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ).
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) chia sẻ, đợt đỉnh dịch, khu điều trị Covid-19 có khoảng 500 ca, ngày 2/11 giảm còn 86 ca, gồm cả 7 trẻ mới nhập viện trong ngày. Trong đó, chủ yếu là trẻ dưới 12 tuổi. Các em chưa được tiêm vaccine và thường bị lây bệnh từ cha mẹ, người sống cùng nhà, vài trường hợp cá biệt là lây từ hàng xóm, người tới thăm. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ đã khỏi Covid-19, được xuất viện, nhưng sau đó mắc hội chứng viêm đa hệ thống, liên quan đến Covid-19 nên phải tái nhập viện điều trị.
Vài tuần nay, hàng ngày bệnh viện tiếp nhận 5-10 ca từ bệnh viện tuyến dưới, hoặc ca cộng đồng mà quận, huyện gửi tới. Ngoài ra, có khoảng 10 ca phát hiện mới thông qua khám sàng lọc ở các phòng khám trong bệnh viện. Song trẻ thường có triệu chứng nhẹ nên được cách ly, điều trị tại nhà, theo dõi từ xa.
Tương tự, bác sĩ Trần Văn Khanh (Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3) thông tin, nhiều ngày qua, số ca nhập viện mới không tăng, duy trì 20-50 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân xuất viện ngày càng nhiều, có hôm chỉ 20 bệnh nhân nhập viện nhưng có đến 100 bệnh nhân xuất viện. Do đó, từ quy mô hơn 3.000 giường bệnh, đến nay chỉ còn khoảng 700 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
"Hiện nay độ bao phủ vaccine đã rộng khắp, số ca mắc dần giảm. Hơn nữa người bệnh có triệu chứng tương đối nhẹ, hoặc không triệu chứng nên nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà", bác sĩ Khanh lý giải nguyên nhân bệnh viện dần vắng bệnh nhân.
Nam sinh lớp 8 tự tử vì bị cấm chơi game: Cha mẹ nên cản con bằng cách nào? Vụ việc nam sinh lớp 8 quyên sinh vì bị cấm cản chơi game đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nghiện trò chơi điện tử mà nhiều trẻ em mắc phải. Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) đã cứu sống kịp thời một trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng vì mâu thuẫn gia đình. Bệnh...