Khám Phá Lịch Sử Ẩm Thực Trung Hoa
Trung Quốc là một đất nước vĩ đại cả về diện tích, về dân số và cả về nền văn hóa tồn tại bao nghìn năm ở nơi đây. Vì thế sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi ẩm thực Trung Hoa từ lâu đã có tiếng vang khắp nơi trên thế giới và nó cũng theo chân những người dân di cư đến mọi vùng miền. Nhưng không hẳn ai cũng biết những món ăn đã nổi tiếng từ lâu đời đó bắt nguồn từ bao giờ, từ vùng nào trên đất nước rộng lớn đó đâu nhé! Giờ thì hãy theo dấu lịch sử để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa ẩm thực nơi đây nào!
Trở về xa lắm lắm là xa, thời kỳ mà những món ăn của nó được người ta xưng tụng là “thực đơn cổ” nhất của đất nước Trung Quốc, thời kỳ Thương Chu. Cơ mà các ấy có biết thời kỳ này là lúc nào không đấy? Đó là vào khoảng từ những năm 2205 – 256 TCN, thời kỳ của của những nhân vật như: Đát Kỷ, Tây Thi… đã quá nổi tiếng rồi í! Vào khoảng thời gian này, ẩm thực Trung Quốc được phát triển mạnh chủ yếu là ở khu vực trung và hạ lưu sông Hoàng Hà với những món ăn mang phong vị nhẹ (điểm tâm), nổi tiếng cho đến tận thời gian này chủ yếu là các món cá, chè, mật ong hay cách chế biến những món ăn được làm từ các loại quả. Vị của món ăn được đặt lên làm tiêu chí hàng đầu, họ cầu kỳ trong việc chế biến và tìm tòi để tạo ra hương vị tuyệt hảo nhất cho món ăn của mình. Việc trừ bỏ mùi tanh, hôi để lấy được sự tươi ngon nhất của món ăn, sự kết hợp tinh vi giữa vị ngọt, chua, cay, mặn luôn được người đầu bếp tuân thủ hoàn toàn. Chẳng thế mà đến giờ, người Trung Quốc vẫn giữ truyền thống trọng ba điều: “ngũ vị tam tài” (nguyên liệu và gia vị), “chín sôi chín đổi” (nhiều lần nước sôi, nhiều lần thay đổi), “lửa là đầu mối”.
Sang đến thời kỳ Tần Hán (vào khoảng những năm 221 TCN – 220 CN), sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, Trung Quốc trở thành một đất nước đa dân tộc. Điều này thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc và các địa phương, chính sự pha trộn này đã tạo nên những sáng tạo độc đáo trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa. Đặc biệt là thời kỳ này, người ta không chỉ nghiên cứu để sáng tạo ra những món ăn ngon, phong vị lạ, mà còn để tâm đến những tác dụng của món ăn đó đối với con người. Nếu để ý kĩ môt chút, các ấy sẽ dễ dàng nhận ra, yếu tố “âm – dương” rất được coi trọng trong các món ăn ở nơi đây, đặc điểm này cũng ảnh hưởng đến cả nền văn hóa ẩm thực nước chúng mình nữa đấy. Nếu thời kỳ đầu tiên là thời kỳ của trường phái ẩm thực Sơn Đông, Tứ Xuyên thì giai đoạn này người ta thấy có sự góp mặt của trường phái ẩm thực Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang. Một số món ăn còn để lại tiếng vang đến bây giờ như: Tam xà long hổ phượng, lợn quay Quảng Đông…
Video đang HOT
Điều mà rất nhiều dân tộc trên thế giới phải khâm phục Trung Hoa chính là dù trải qua bao nhiêu năm, người dân nơi vẫn giữ lại những nét đặc trưng nhất của văn hóa cũng như ẩm thực nơi đây. Thời kỳ phồn thịnh của chế độ phong kiến – Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (khoảng 220 – 420 CN) cũng là giai đoạn phồn vinh của ẩm thực Trung Quốc. Đó là sự kết hợp khéo léo và tinh tế về mọi mặt chế biến, từ nêm nấu thức ăn và thức ăn chữa bệnh đều đồng loạt xuất hiện. Những món ăn như lẩu Tứ Xuyên, vây cá kho khô… cũng được hoàn thiện vào giai đoạn này. Những người đầu bếp cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc bảo quản, lưu trữ thức ăn cũng như sáng tạo ra những loại rượu nổi tiếng của đất nước rộng lớn này.
Các ấy chắc hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh quen thuộc trong những bộ phim Trung Quốc, đó là tách trà xuất hiện ở khắp nơi từ những quán xá bình dân ven đường cho đến nơi cung đình, vua chúa xưa. Văn hóa trà đạo của người dân Trung Quốc bắt đầu được hình thành và phát triển từ những năm 589 đến khoảng 1279, thời kỳ nhà Tùy – Đường – Tống. Bên cạnh đó, nền ẩm thực của đại gia đình Trung Quốc cũng không hề bước chậm lại, người ta tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo ra những món ăn vừa mang những phong vị chung và riêng của từng vùng miền. Trường phái ẩm thực Hồ Nam cũng ra đời trong thời kỳ này kéo theo sự lên ngôi của vị chua và cay. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở khu vực này mà thôi.
Sự thống trị của nhà Nguyên đã đem đến một vài sự thay đổi trong nền văn hóa ẩm thực Trung Hoa. Thời kỳ Nguyên – Minh – Thanh, những món ăn vốn chỉ tồn tại ở các dân tộc thiểu số bắt đầu xuất hiện và vươn lên mạnh mẽ trong danh sách các món ăn nổi tiếng của đất nước rộng lớn này. Bên cạnh sự phát triển của những trường phái ẩm thực quen thuộc như Bắc Kinh, Sơn Đông, Quảng Đông, những món ăn điểm tâm đến từ hai tỉnh Triết Giang và Giang Tô cũng được nhắc đến. Đặc biệt, vào cuối thời kỳ nhà Thanh, người ta còn thấy sự xuất hiện của những món ăn phương Tây rải rác chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nữa.
Chà, cuối cùng chúng mình cũng đi đến đoạn cuối của con đường phát triển của lịch sử ẩm thực Trung Hoa rồi đấy! Ở đoạn cuối đường này, sự du nhập của văn hóa phương Tây chỉ dừng lại ở việc xuất hiện những cửa hàng thực phẩm, nhà hàng trên đất nước Trung Quốc chứ không tạo ra được sức ảnh hướng lớn làm thay đổi truyền thống ẩm thực đất nước này. Thay vào đó, chính những bước tiến ngày một lớn mạnh Trung Hoa, đã đem nền ẩm thực lâu đời nơi đây không chỉ dừng trong khuôn khổ của một quốc gia mà còn lan ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở những nước láng giềng, trong đó có cả Việt Nam chúng mình đấy!
Theo PLXH
Hủ tiếu của người Hoa
Đất Sài Gòn vốn "dung nạp" nhiều món hủ tiếu đến từ mọi miền: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang..., theo đó là những biến tấu đã thành quen thuộc: hủ tiếu bò kho, hủ tiếu khô...Trong số này, hủ tiếu của người Hoa có những sắc màu rất riêng...
Hủ tiếu Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá... Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ làm thực khách thỏa lòng.
Dần dà, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá... Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô.
Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ... Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Một tô hủ tiếu như thế dư sức làm "ngất ngây" thực khách.
Từ những tô hủ tiếu với thành phần món ăn phong phú trên, người ta còn sáng chế ra hủ tiếu bò viên, hủ tiếu bò kho (có lẽ chất nước đặc quánh của bò kho chỉ thích hợp với cái dai của hủ tiếu thay vì bún, phở) hay hủ tiếu khô trộn chút mỡ, xì dầu, nước lèo để riêng. Người Hoa còn có món hủ tiếu lòng bò, ăn rất lạ miệng.
Nhưng từ "lạ" chỉ đúng nghĩa khi kể đến món hủ tiếu cá, hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bột lọc.
Đầu tiên phải kể đến món hủ tiếu cá, món ăn thành danh của quán Nam Lợi, một quán người Hoa lâu đời trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Sợi hủ tiếu có hai loại: loại nhỏ, dai như thường thấy, loại sợi mềm như bánh phở nhưng bản to gấp đôi. Đôi khi người ta còn thêm vào tô hủ tiếu những vắt mì tươi vàng óng.
Cá dùng để chế biến là cá lóc tươi, đã bỏ xương, xắc từng lát mỏng, qua tay nghề của đầu bếp được xoắn hình lò xo rất đẹp mắt. Trước khi bỏ vào tô, cá được chần sơ qua nước lèo. Tô hủ tiếu rắc thật nhiều tiêu, vừa có vị ngọt của cá, lại vừa thoang thoảng mùi mực khô và xương hầm. Cái ngon của nó chính là ở hương vị vừa lạ mà quen: dù đây là món "rặc" Hoa, nhưng khi ăn cứ thấy như lẩn quất chút hương vị của bún cá miền Tây. Nếu không thích cá, thực khách có thể thay bằng món hủ tiếu gà, cũng lạ miệng không kém.
Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: sợi hủ tiếu làm bằng bột lọc. Sợi hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm, không giống miến cũng chẳng giống bánh canh. Chính cái dai dai của hủ tiếu bột lọc khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm. Món ăn này xuất hiện ở nhiều quán ăn trong khu vực quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống.
Cũng ở quận 5, trên đường Triệu Quang Phục, ta lại bắt gặp một "vẻ" khác của món ăn này: hủ tiếu sa tế. Không quán xá gì cả, đó chỉ là một xe hủ tiếu nằm trước một ngôi chùa Hoa. Dẫu buôn bán đã hơn 40 năm nhưng cái xe hủ tiếu đó vẫn không hề thay đổi hay "nâng cấp". Thế mà giá một tô hủ tiếu lại không hề rẻ (20 - 25 ngàn/tô). Có lẽ đó chính là cái giá trả cho công phu của chủ quán chăm chút cho tô hủ tiếu rất "ngộ" này.
"Ngộ" từ sợi hủ tiếu mềm và to bản y như sợi phở, đến thứ thịt được dùng là thịt bò, rồi cả gân, bao tử, bò viên... và rau ăn kèm là rau thơm, dưa leo, cà chua. Cái đặc biệt nhất là mùi vị của nước lèo: phảng phất mùi sa tế, hương tỏi, sả, hồi, quế, đậu phộng băm nhuyễn... Nó khiến người ăn có cảm giác đang thưởng thức một món phở lạ miệng.
Hủ tiếu sa tế, ngoài vị xé lưỡi, còn độc đáo ở cái nước lèo hơi sệt, thơm cả mùi phở lẫn cà ri, lại béo ngậy đậu phộng xay. Chính nét đặc trưng ấy tạo nên điểm nhấn cho hủ tiếu sa tế. Món hủ tiếu này cũng góp thêm chút sắc màu vào sự phong phú của các món hủ tiếu Hoa.
Theo Phụ nữ