Khám, chữa bệnh tại TP.HCM thay đổi ra sao?
Ngày 1.4, Sở Y tế TP.HCM có chỉ đạo khẩn đối với các bệnh viện (BV), phòng khám đa khoa trên địa bàn TP, theo đó đến nhà khám chữa bệnh (KCB), phát thuốc cho người trên 60 tuổi.
Người cao tuổi không cần phải đến bệnh viện trong thời điểm này khám chữa bệnh (trừ cấp cứu) – Ảnh: Duy Tính
Việc này nhằm hạn chế người trên 60 tuổi ra đường, hạn chế tập trung đông người.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, đối với người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, Sở Y tế chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị phân công bác sĩ, điều dưỡng đến KCB tại nhà cho họ… Về hình thức cấp phát thuốc sau khi KCB, nhân viên y tế giao thuốc tại nhà cho người bệnh. Tuy nhiên, người nhà người bệnh có thể đến nhận thuốc tại đơn vị.
Mặt khác, các BV chủ động phối hợp các trạm y tế xã phường nơi người bệnh cư trú để có kế hoạch điều chuyển người bệnh có bệnh lý mãn tính ổn định về trạm y tế để được tiếp tục theo dõi và điều trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh và giảm tải cho BV.
Đáp ứng nhu cầu xe cấp cứu
Liên quan đến việc cấm các xe vận tải hành khách, các xe taxi truyền thống và công nghệ hoạt động có gây khó khăn cho người dân đi khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP.HCM cho biết việc cấm các phương tiện trên là nhằm hạn chế việc đi du lịch, đi việc riêng nhằm đáp ứng chỉ đạo trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Còn xe quân đội, xe cấp cứu, xe y tế vẫn hoạt động. Do vậy, khi người dân có nhu cầu cấp cứu thì gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ. Hiện nay Trung tâm cấp cứu 115 có 32 trạm vệ tinh phủ khắp 24 quận, huyện để điều phối. Mặt khác, khi cần cấp cứu, người dân có thể gọi đến các đơn vị y tế trên địa bàn cư ngụ để được hỗ trợ. Đến hôm nay, ngành y tế chưa nghe than phiền về việc cấp cứu.
“Với người dân đi khám bệnh như người cao tuổi, mãn tính đã được ngành y tế phục vụ như nói trên. Những đối tượng khác mắc các bệnh thông thường, thì chỉ nên đến cơ sở y tế địa phương, trạm y tế cũng có thể đáp ứng được, không lý gì phải đi xa lên trung tâm TP”, bác sĩ Mai nói.
Video đang HOT
Giải pháp cho bệnh nhân tái khám
Hầu hết các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM đều đã có kế hoạch và giải pháp cho bệnh nhân (BN) có lịch hẹn tái khám.
TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho hay, từ trước khi có quyết định cấm xe vận tải hành khách vào TP.HCM, BV đã chủ động kéo dài thời gian hẹn tái khám BN để tránh tập trung đông phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số BN đến hẹn tái khám.
BN tái khám có điều kiện thì đến BV khám bình thường, còn nếu không đến được thì BV đã thực hiện tư vấn qua điện thoại để BN đến BV địa phương điều trị nếu cần thiết. BV sẽ scan giấy tờ, cả giấy xuất viện để BN điều trị tại BV địa phương, hưởng bảo hiểm y tế.
Còn nếu BN chờ được (bệnh không nặng) thì chờ cho đến khi hết thời hạn cấm xe vận tải hành khách. Ngoài ra, BV đang phối hợp nhà mạng để làm những đầu số cho các khoa, BN cần tư vấn thì gọi trực tiếp vào số tư vấn của từng khoa. BV cũng sẽ phối hợp với các BV địa phương để điều trị cho BN.
Duy Tính
Người Việt Nam tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả phí điều trị nếu mắc COVID-19
BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm virus Corona
Phối hợp thanh toán chi phí KCB BHYT, chế độ ốm đau
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch COVID-19. Ngày 31/01/2020, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Để chủ động, chung tay phòng chống dịch COVID-19, ngay từ ngày 31/01/2020, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 280/BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị với trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Trong đó, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh của quý I/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus Corona.
Người Việt Nam tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh nếu mắc COVID-19, người không tham gia BHYT được ngân sách nhà nước chi trả.
Ngày 29/01/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Và theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đa thông nhât vơi Ban Chỉ đạo về vấn đề kinh phí điều trị với bệnh nhân mắc COVID-19. Theo đó, người Việt Nam tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia BHYT được ngân sách nhà nước chi trả.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ lượng thuốc men liên quan đến việc khám chữa bệnh, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho COVID-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHXH chi trả 100%.
Quỹ BHYT thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus Corona. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.
Theo Công văn số 505/BYT-BH của Bộ Y tế, trường hợp được miễn chi phí khám, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/12/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, bao gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV; Ca bệnh có thể nhiễm nCoV; Ca bệnh xác định nhiễm nCoV.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, trường hợp người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn.
Nếu điều trị tại nơi không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí khám chữa bệnh đã được miễn. Người không có thẻ BHYT thì phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác.
Trường hợp người bệnh tự đi khám chữa bệnh được kết luận không phải áp dụng biện pháp cách ly y tế, người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT; Người không có thẻ BHYT phải tự thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Gần đây nhất, BHXH Việt Nam cũng có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất với ngành Y tế về vấn đề trong quy định cần bổ sung nguồn kinh phí đặc thù cho việc chống dịch bệnh. Nếu các địa phương nhận thấy cần thiết phải có nguồn kinh phí phòng, chống và dập dịch thì cần sớm cho ý kiến để BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam và chủ động nguồn kinh phí trong năm 2020 để phòng chống dịch bệnh.
Cấp thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 02 tháng
Ngày 20/3/2020, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế việc tập trung đông người bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh, tránh lây lan dịch bệnh COVID-19, sau khi thống nhất với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 902/BHXH-CSYT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến huyện trở lên trên địa bàn như sau: đối với các trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp... đang được các cơ sở khám chữa bệnh khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú theo hàng tháng, khi đến khám lại theo hẹn sẽ được cấp thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 02 tháng và hẹn khám lại cho người bệnh 02 tháng một lần nếu vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và không ảnh hưởng tới liệu trình điều trị bệnh.
Để phòng chống dịch COVID-19, đối với các trường hợp người bệnh được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp... sẽ được cấp thuốc đủ dùng trong 2 tháng
Hiện trên thế giới, mới chỉ có Trung Quốc chi trả toàn bộ phí xét nghiệm và điều trị cho người mắc COVID-19, một số nước khác chỉ miễn phí điều trị cho công dân mình hoặc miễn phí xét nghiệm. Ở một số quốc gia phát triển, người bệnh mắc COVID-19 phải tự chi trả những chi phí điều trị rất đắt đỏ trong quá trình điều trị.
Cạnh đó, đối với người đang tham gia BHXH bắt buộc bị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona thì thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh, có Giấy ra viện hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền cấp đúng, đủ nội dung theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 26, Điều 28 Luật BHXH.
Thời gian nghỉ việc để thực hiện cách ly y tế phòng dịch không phải là trường hợp ốm đau, do vậy không được hưởng chế độ ốm đau. Hiện BHXH Việt Nam đang xin ý kiến Bộ LĐ-TB&XH về nội dung này, trường hợp có hướng dẫn khác thì BHXH Việt Nam sẽ thực hiện theo hướng dẫn.
Theo số liệu trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT cập nhật đến 15h00' ngày 20/3/2020, số liệu khám chữa bệnh BHYT toàn quốc tính từ 01/01/2020 đến 20/3/2020 như sau: Tổng số lượt khám chữa bệnh là 34.486.954 lượt (ngoại trú là 31.510.845 lượt, nội trú là 2.976.109 lượt). Tổng chi khám chữa bệnh BHYT cơ sở khám chữa bệnh đề nghị quỹ BHYT thanh toán là 19.300 tỷ đồng (ngoại trú là 11.717 tỷ đồng, nội trú là 7.583 tỷ đồng).
Trong đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trong tháng 01 và tháng 02/2020 là 26.693.949 lượt, tăng 198.319 lượt so với cùng kỳ năm trước (tăng 0,7%); tổng chi phí đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 14,846 nghìn tỷ đồng, tăng 0,912 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,5%).
Trong quý I năm 2020 (tính đến hết ngày 17/3/2020), BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 1.714.443 lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 186.088 lượt người (12%) so với cùng kỳ năm 2019; với số tiền chi trả từ quỹ ốm đau, thai sản lần lượt là 768.211.161.019 đồng tăng 19% so với cùng kỳ 2019.
Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, càng cho thấy chính sách BHYT, BHXH của Đảng, Nhà nước ta có giá trị nhân văn, nhân đạo to lớn, góp phần bảo đảm chăm sóc sức khỏe Nhân dân và ổn định, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong những thời điểm dịch bệnh hoành hành. Trong giai đoạn này, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của mình, BHXH Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong công tác chung tay của các cấp, các ngành phòng chống dịch COVID-19.
Thái Bình
An tâm khi đến bệnh viện Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM cho biết, lượng bệnh nhân đến bệnh viện (BV) khám chữa bệnh sụt giảm hơn so với trước. Nguyên nhân được cho là do tâm lý e ngại đến nơi đông người của người dân. Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo, một số người bệnh có nguy cơ bệnh trở nặng...