Khám bệnh 40 lần/tháng để trục lợi Quỹ bảo hiểm
Đây là trường hợp bệnh nhân tại Tp Hồ Chí Minh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin ngày 1.3.
Cụ thể bệnh nhân Nguyễn Gia H. (Tp Hồ Chí Minh) từ 27.6.2016 đến 24.2.2017 đã khám chữa bệnh (KCB) 308 lần tại 23 nơi. Số tiền mà bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi cho bệnh nhân này là hơn 51 triệu đồng. Như vậy, nếu tính trung bình bệnh nhân này đã KCB 38,5 lần/tháng.
Xếp thứ 2 trong danh sách khám chữa bệnh trên 100 lần trở lên trong 8 tháng là bệnh nhân Nguyễn Thị G (khám bệnh ở Bình Dương và Tp Hồ Chí Minh) từ 14.7.2016 đến 15.2.2017 đã khám bệnh 197 lần tại 5 nơi với số tiền BHYT chi trả là gần 66 triệu đồng, trung bình khám bệnh hơn 24 lần/tháng.
Bệnh nhân Nguyễn Hữu Nh (Nghệ An) từ cuối tháng 5.2016 đến giữa tháng 2.2017 “chỉ khám” 156 lần, tuy nhiên BHYT đã chi trả số tiền lên đến gần 74 triệu đồng. Bệnh nhân này đã khám bệnh ở cả Nghệ An và Hà Nội.
Theo BHXH Việt Nam, danh sách các trường hợp khám, lấy thuốc trên 100 lần trong 7 tháng (từ 1.7.2016 đến 24.2.2017) có tới 12 người. Số tiền mà BHYT chi trả cho các bệnh nhân này cao nhất là gần 74 triệu đồng, thấp nhất cũng lên tới gần 13,5 triệu đồng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, toàn quốc có 208 trường hợp khám chữa bệnh 15 lần/tháng; trong đó Bến Tre có nhiều trường hợp nhất (50 người), tiếp đó là Hậu Giang (38 người), Tp Hồ Chí Minh (29 người), Sóc Trăng (22 người), Cần Thơ (19 người)…
Gia tăng tình trạng người bệnh khám chữa bệnh nhiều lần để lấy thuốc… (ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, trong 8 tháng qua (từ tháng 7.2016 đến tháng 2.2017), số trường hợp khám chữa bệnh 7-15 lần/tháng cũng lên đến gần 3.400 trường hợp, 3-6 lần/tháng là hơn 83.000 trường hợp. Theo BHXH Việt Nam: “Số liệu trên chưa đầy đủ do quý III/2016 mới có gần 40% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc liên thông dữ liệu lên hệ thống, quý IV/2016 và quý I/2017 mới đạt 70%”.
Ngoài ra, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ (2-3 lần/tuần), bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tiểu đường 1 lần/tháng), có đến 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng, chủ yếu ở các bệnh viện quận/huyện thuộc các tỉnh miền Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tại Tp Hồ Chí Minh xuất hiện cả các trường hợp cư trú tại tỉnh khác nhưng hàng ngày đến khám, lĩnh thuốc tại nhiều bệnh viện quận/huyện của thành phố.
Tần suất khám chữa bện/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Năm 2016 có khoảng 18 triệu lượt người đi khám chữa bệnh thông tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện, tăng 9,4 triệu lượt người so với năm 2015. Đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân số lượt khám chữa bệnh tăng gấp khoảng 3 lần so với 2015.
Theo BHXH Việt Nam, đây là một trong những hạn chế của chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Những con số này cho thấy, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT đang gia tăng. Ngoài việc người bệnh đi khám chữa bệnh hàng ngày, hàng tuần để lấy thuốc thì một số cơ sở chữa bệnh cũng gia tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc… BHXH kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành các giải pháp để hạn chế lạm dụng quỹ BHYT như: ban hành phác đồ điều trị chuẩn, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản; Phối hợp BHXH Việt Nam chỉ đạo việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB để các cơ sở KCB; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc chỉ định điều trị đối với người bệnh BHYT, xử lý nghiêm các cơ sở KCB có vi phạm trong chỉ định điều trị không đúng phác đồ quy định….
Theo Danviet