“Khai tử” bà ngoại kiểu sinh viên Mĩ
Học kỳ đầu tiên ở Wake Forest, tôi “bơi” muốn chết, nhưng có lẽ nên dùng chữ của bà giáo sư cố vấn là “struggle”: chiến đấu hay nỗ lực, để đạt được cái điều mà người giỏi giang có thể vừa làm vừa chơi.
Có ba nguyên nhân chính: Tôi đang yêu và muốn lấy chồng nhưng ba tôi không chấp nhận chàng rể. Đương nhiên lòng tôi thường bấn loạn, ngồi học mà đầu óc cứ tính đến chuyện có nên cưới vào mùa hè tới không! Nguyên nhân thứ hai là do tính lãng mạn. Rừng chung quanh trường mùa thu đổi màu đẹp đến nỗi nhiều phen tôi chết lặng giữa cơn mưa lá cây vàng rực hay nâu đỏ, quyển sách lẽ ra phải đọc cứ bỏ mặc trên chiếc ghế gỗ vùi trong lớp lá khô. Và nguyên nhân cuối cùng, thành thực mà nói, tôi viết chậm, viết tiếng Anh càng chậm, nghĩ ra một câu mươi chữ thế nào cũng có một hai chữ phải tra tự điển rồi mới yên tâm viết. Một bài làm giữa khóa, tụi bạn cùng lớp dành ra một buổi tối là viết xong, tôi rị mọ cả ngày trời.
Nói tắt cho gọn, đến hạn chót nộp bài làm cuối khóa (20 trang cho mỗi lớp, 3 lớp là 60 trang đánh máy) tôi phải “struggle” dữ dội. Suốt tuần lễ cuối cùng, tôi ôm cái laptop 20/24 giờ mỗi ngày. Mà đồng hồ điểm tới giờ cuối cùng rồi, tôi vẫn chưa viết xong. Ngồi trong thư viện, tôi tuyệt vọng phát khóc. Cô bạn cùng lớp khuyên: “Không việc gì phải khổ thế, cứ e-mail cho giáo sư xin gia hạn nộp bài. Lý do ư? Bà ngoại chết!”. Tôi nói : “Nhưng bà ngoại tôi chết lâu rồi!”. Cô bạn bật cười vì cái mặt lo âu đến ngố của tôi. “Bà ngoại của sinh viên thường phải chết nhiều lần, hoặc mỗi sinh viên phải có nhiều bà ngoại. Như tôi đã có ba bà ngoại chết: Một bà là mẹ ruột của mẹ tôi, một bà là mẹ ghẻ của mẹ tôi, một bà là mẹ của mẹ kế tôi. Phen này có lẽ đến bà nội phải chết!”.
Cái vẻ mặt của tôi chẳng hiểu ra sao mà cô bạn cố nín cười, đổi giọng chân thành giải thích: “Đó là một cái cớ mà giáo sư không thể kiểm tra hư thực. Bà ngoại chết không nghiêm trọng như cha mẹ chết, nhưng giáo sư cũng không thể lạnh lùng bảo bà ngoại chết kệ bả. Vả lại, các giáo sư đều biết đó là cái cớ mà họ phải chấp nhận. Mùa thi nào, các vị ấy cũng nhận được hàng tá e-mail sinh viên báo tin bà ngoại chết! Có lẽ, họ đã để sẵn chế độ e-mail tự động trả lời cho những tin báo tử đó”.
Năm đó, thú thật, tôi còn rất lương thiện (mới đi học lại sau 17 năm làm cô giáo). Tôi không có cách nào khác hơn viết thư cho giáo sư xin gia hạn, nhưng tôi thật thà viết là tôi “struggle” cả tuần nay với ba bài làm và tôi làm không kịp. Bà giáo sư e-mail lại khuyên tôi nên cố gắng nộp nội trong ngày nay, nếu không, bà sẽ hạ một bậc điểm cho mỗi ngày nộp trễ! Tôi quyết định là trong một giờ nữa viết được gì hay chăng cũng cứ nộp quách, vì cái bài cụt đuôi này chắc được điểm C (phải tệ lắm mới bị điểm D), mà còng lưng một ngày nữa thì có thể cũng chỉ đạt tới điểm B rồi bị hạ xuống C. Cô bạn tôi thì được hồi âm như vầy: “Tôi thành thật chia buồn với gia đình em. Mất mát là điều đáng tiếc nhưng phải chấp nhận. Bài làm của em có thể nộp trễ, nhưng vì luật chung áp dụng cho tất cả những lý do nộp bài trễ khác, bài của em cũng sẽ bị hạ một bậc điểm cho một ngày trễ. Xin Chúa đón nhận linh hồn bà nội em!”.
Cái cảm giác nộp xong bài thi (cho dù cụt đuôi sứt đầu) sao mà thảnh thơi nhẹ nhõm sung sướng hỉ hả tận cùng! Thế là trong khi cô bạn vẫn è cổ viết bài (sau khi dự “đám tang bà nội” ở party sinh nhật bạn trai), tôi lăn ra ngủ bù, thức dậy ăn bù, rồi nhong nhong đi chơi bù. Lúc đó, tôi nhớ vụ “bà ngoại chết” mà cô bạn xúi, bèn tìm hiểu. Thì mèn ơi, đó là chuyện phổ biến trong sinh viên cả nước Mỹ, trên toàn thế giới không chừng! Đến nỗi có người đã nghiên cứu hiện tượng này một cách có vẻ khoa học và đề ra các giải pháp mà tôi nhân lúc rảnh rang sau khi thi, “sưu tầm” chơi.
Nhà nghiên cứu này – Maike Adams – lo rằng mỗi năm cứ đến mùa thi là bà ngoại các sinh viên hè nhau chết, tất nhiên không tốt, nên ông đề nghị bãi bỏ hẳn các kỳ thi. Nhưng nghĩ lại thì không ổn. Học mà không thi có khác gì ăn ớt mà không cay! Không có kết quả thi cử thì làm sao cấp bằng này bằng nọ, hay phân biệt sinh viên giỏi – dở. Trường học chỉ còn nước đóng cửa, và kinh tế xã hội sẽ lao dốc không phanh. Giải pháp này còn tệ hơn vấn đề gốc.
Biện pháp thứ hai nhằm triệt để ngăn chặn từ gốc hiện tượng bà ngoại sinh viên chết vào mùa thi là trường chỉ tuyển sinh viên mồ côi. Rõ nhé: Mồ côi thì làm gì có bà ngoại để mà chết. Vấn đề là không có đủ trẻ mồ côi cho các trường đại học tuyển. Vả lại, gốc của vấn đề là ngăn chặn những cái chết trong gia đình cũng không được giải quyết rốt ráo.
Giải pháp thứ ba ông Adams đề nghị là sinh viên tuyệt đối không để cho bà ngoại biết là mình sắp thi, thậm chí giấu cả chuyện mình đi học đại học, để giữ gìn sức khỏe cho bà ngoại. Cứ nói dối là mình đi lính, đi du lịch, hay bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Dĩ nhiên nói dối là phi đạo đức. Nhưng theo kinh nghiệm ông Adams thì các chánh khách đều nói dối như cuội mà có chết thằng Tây nào đâu? Chẳng hơn là cứ để các bà ngoại tội nghiệp chết đi chết lại trong các mùa thi!
Theo Bưu Điện VN