Khai thêm đồng phạm để được hoãn thi hành án tử hình
Ngày 29/12, Hội đồng Thi hành án (THA) tỉnh Long An cho biết đang tiếp tục xem xét thủ tục THA tử hình đối với tử tù Nguyễn Viết Trường (37 tuổi, ngụ huyện Đô Lương, Nghệ An) sau một thời gian hoãn THA để thẩm tra lại.
Qua thẩm tra xác định đó chỉ là lời khai man nhằm… “câu giờ”.
Theo hồ sơ, Trường là kỹ sư cầu đường tham gia thi công đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Trước đó, Trường và chị Mai (36 tuổi, công nhân may tại TP.HCM) có quan hệ tình cảm. Sau khi lập gia đình, Trường vẫn thường xuyên qua lại với chị Mai và có mượn tiền của chị.
Vụ việc bị gia đình của Trường phát hiện. Ngày 12/11/2008, Trường gọi điện thoại hẹn Mai đến thị trấn Bến Lức (Long An) để giải quyết chuyện tình cảm của hai người. Do Trường nói lời chia tay với chị Mai nhưng không trả tiền nên hai người đã phát sinh cãi vã.
Tối cùng ngày, Trường chở Mai đến khu vực đường cao tốc thuộc ấp 4, xã Nhị Thành (Thủ Thừa, Long An). Do người phụ nữ tiếp tục đòi tiền nên Trường tức giận bóp cổ chị Mai rồi dùng dao đâm nhiều nhát làm nạn nhân tử vong. Gây án xong, Trường kéo xác nạn nhân xuống bờ ruộng rồi trở về nhà trọ tại xã Thạnh Đức (Bến Lức) làm việc bình thường.
Ảnh minh họa
Ba ngày sau, Trường bị bắt. Tháng 6/2009, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm đã phạt Trường án tử hình về tội Giết người. Trường kháng cáo xin tha tội chết nhưng tháng 9/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm.
Đến ngày 22/8/2014, Hội đồng THA tỉnh Long An đã có quyết định THA tử hình đối với Trường. Trong quá trình lực lượng chức năng tiếp xúc với Trường để chuẩn bị thủ tục THA, Trường đã bất ngờ xin khai thêm hai đồng phạm nên theo quy trình, Hội đồng THA tỉnh phải hoãn thi hành để thẩm tra lại.
Theo lời khai thêm của Trường, trong quá trình Trường sát hại chị Mai còn có sự giúp sức của hai đồng phạm khác (đều là công nhân từng làm chung với Trường, ngụ TP.HCM). Trường khai Hùng đã cùng Trường sát hại chị Mai, sau đó Trung chở xác nạn nhân đi phi tang.
Tuy nhiên, đến ngày 27/11, qua thẩm tra, cơ quan điều tra kết luận hai “đồng phạm” mà Trường khai đã từng được điều tra trước đây. Hai người này có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng cho thấy không liên quan gì đến hành vi phạm tội của Trường.
* Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi.
Theo Phap luât TPHCM
Trước ngày thi hành án tử hình, Hồ Duy Hải vẫn thảm thiết kêu oan
Hồ Duy Hải đã kêu oan trong suốt quá trình xét xử vụ án. Theo yêu cầu nhờ hỗ trợ kêu oan của gia đình phạm nhân, Luật sư Trần Hồng Phong đã dành hơn hai tháng nghiên cứu hồ sơ vụ án, đi gặp một số nhân chứng và đi thực địa ở địa bàn có liên quan.
Không có chứng cứ nào thể hiện hành vi Hải giết người
Video đang HOT
Đơn đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM đã chứng minh là việc xét xử phiến diện, thiếu khách quan, bất chấp kết quả giám định khoa học, bỏ qua tình tiết ngoại phạm của bị cáo; Kết luận trong bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm sai lệch hồ sơ vụ án; Áp dụng pháp luật không đúng, xét xử sai tội danh. Trên hết là có thể dẫn đến việc kết tội oan cho phạm nhân Hồ Duy Hải, đồng thời bỏ lọt kẻ phạm tội thực sự.
Trong khi khiếu nại và kêu oan về vụ này chưa được giải quyết, Mẹ bị án Hồ Duy Hải cho biết TAND Tỉnh Long an thông báo sắp tử hình Hồ Duy Hải, bà đang ra Hà Nội tiếp tục kêu oan cho con. PV sẽ lần lượt giới thiệu các luận cứ kêu oan và sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng có liên quan, các chuyên gia pháp luật có ý kiến về vụ án này. Nhưng trước mắt với quan điểm thà tha lầm hơn giết lầm, chúng tôi khẩn thiết đề nghị TAND Tối Cao, TAND tỉnh Long An tạm hoãn thi hành án trong một thời gian nhất định để làm sáng tỏ những lời kêu oan, để phạm nhân nếu được tử hình cũng được chết trong trạng thái tâm phục, khẩu phục. Phạm nhân đang bị giam giữ, cách ly với xã hội, thì không có nguy cơ, không thể làm gì gây tác hại, không nên thi hành án tử với bản án mà phạm nhân đang kêu oan, dư luận đang thắc mắc.
Vụ án hai nữ nhân viên Bưu Điện Cầu Voi (Thủ Thừa, Long An) tên Hồng và Vân bị giết oan khốc đã nhiều lần được dư luận báo chí thông tin và nhiều tờ báo trong đó có Pháp Luật Việt Nam đã từng đưa ra quan điểm Hồ Duy Hải có thể bị kết án oan.
Tóm tắt sự việc như sau: Sáng 14-1-2008, người dân đã phát hiện hai nữ nhân viên Bưu Điện Cầu Voi (nằm trên mặt tiền Quốc Lộ 1 A, địa phận huyện Thủ Thừa, Long An) bị cắt cổ chết ngay tại cơ sở bưu điện này. Cơ quan điều tra vào cuộc khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án và đã mời nhiều nhân chứng, người có liên quan lấy lời khai nhưng sau hai tháng vẫn không tìm ra hung thủ.
Hơn hai tháng sau, Hồ Duy Hải bị công an triệu tập lấy lời khai trong vụ án cá độ bóng đá và đánh đề. Chỉ hai ngày sau, Hải khai nhận giết hai cô gái và bị bắt tạm giam ngày 31-3-2008 tới nay.
Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa sáng 29-11-2008 - Ảnh: Diệu Hi/Tuoitre
Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu điện Cầu Voi: Lật lại vụ án mạng kinh hoàng
Án sơ phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội, không có chứng cứ nào
Theo bản án phúc thẩm, khoảng 19 giờ ngày 13-1-2008, Hải đi xe mô tô của bà Rưỡi (dì ruột) đến bưu điện Cầu Voi, vào bên trong ngồi nói chuyện với chị Hồng. Khoảng 20h30 Hải đưa tiền và kêu Vân đi mua trái cây. Khi chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với Hồng, nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải tức giận đánh vào mặt, bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu làm chị Hồng bị ngất. Hải lấy dao cắt vào cổ chị Hồng.
Sau đó, từ chân cầu thang, Hải thấy Vân đi mua trái cây về, kéo cửa sắt xuống đóng cửa và đi vào. Khi Vân vừa xuống phòng sau Hải dùng ghế đánh vào đầu làm ngã xuống nền gạch. Sau đó Hải xốc nách Vân kéo đến chỗ xác chị Hồng, đặt đầu Vân nằm trên bụng chị Hồng và lấy dao inox cắt vào cổ chị Vân 2-3 cái.
Sau đó, Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao, bỏ dao vào sau tấm bảng, mở tủ lấy 1.400.000đ, sim card điện thoại, điện thoại Nokia 1.100, tiếp tục xuống nơi xác chị Hồng và chị Vân nằm lấy nữ trang của các nạn nhân.
Sau đó, Hải leo qua hàng rào ngăn giữa sân phía sau và sân trước, lấy xe rồi chạy về nhà dì ruột tên Len, kêu cửa mẹ ruột (chị Loan) mở cửa, cất nữ trang vào bịch nilon rồi đi ngủ.
Hồ Duy Hải và kỳ án bưu điện Cầu Voi: Liên tục kêu oan
Bản án nhận định như sau:
"Mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn, dao thái lan - song những cung khai của bị cáo đều trùng khớp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bông, bịch trái cây, tấm nệm... có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox, có việc bị cáo đốt quần áo...
Các nhân chứng Hùng, Thu, Ngọc, Vàng khi khám nghiệm thu con dao thái lan không dính máu phù hợp với cung khai của bị cáo rằng sau khi gây án đã rửa sạch dao.
Những cung khai và bản tự khai của bị cáo còn phù hợp với các biên bản nhận dạng về hung khí, về các tài sản đã chiếm đoạt của các nạn nhân, về các địa điểm mà bị cáo đã đến sau khi gây án.
Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thừa nhận chính là thủ phạm giết chết Hồng và Vân, ngay cả bản tự khai, các bản cung có Luật sư, có đại diện VKS tham gia bị cáo đều xác định và mô tả tỉ mỉ hành vi giết người của bị cáo.
Toàn bộ chứng cứ có đủ căn cứ xác định Hải là người đã giết chết chị Hồng và chị Vân".
Đọc kỹ phần nhận định này, chúng ta không thấy một bằng chứng nào về hành vi gây án của Hải, ngay cả chứng cứ quan trọng nhất là hung khí gây chết người (con dao và cái thớt). Tất cả cái gọi là chứng cứ để buộc tội Hải đều dựa vào lời khai nhận tội với cơ quan điều tra và trước tòa sơ thẩm. Trong khi chính bản án sơ thẩm cũng ghi nhận Hải đã phản cung kêu oan tại phiên tòa sơ thẩm. Trang 5 bản án sơ thẩm có đoạn ghi "Tại tòa có lúc (Hải) cho rằng không phạm tội, sở dĩ khai nhận bởi vì thời gian bất minh không chứng minh được, mô tả việc phạm tội là do Nguyễn Văn Hải là công an viên của xã Nhị Thành kể lại cái chết của Ánh Hồng và Thu Vân".
Day dứt về tờ giấy 'vô tiền khoáng hậu' trước giờ hành quyết tử tù Hồ Duy Hải
Dao thớt hung khí được mua ngoài chợ
Một trong những điều "kỳ lạ" nhất trong vụ án này là việc kết tội, qui kết hung thủ dùng 3 loại hung khí là dao, thớt và ghế giết người, để lại hàng loạt dấu vết, máu me ... nhưng tại hiện trường khi cơ quan điều tra khám nghiệm lại không phát hiện bất kỳ vật nào có dấu vết phạm tội. Theo Cáo Trạng, Hải đã dùng "con dao thái lan dài 28cm, ngang 3 cm" tại bưu điện để cắt cổ hai nạn nhân. Nhưng tại hiện trường không hề có con dao nào - dù khi khám nghiệm hiện trường, có đầy đủ thành phần, đông người.
Mãi đến ngày hôm sau khi những người dân phòng dọn dẹp hiện trường mới phát hiện được một con dao và tấm thớt tròn không dính máu (con dao thu được sau đó chỉ cách vị trí xác hai nạn nhân chưa đầy 0,5m). Tiếp đó, việc cơ quan điều tra lần lượt "bổ sung" vào hồ sơ vụ án những hung khí để "chứng minh" lại đầy rẫy những sự vô lý, sai nguyên tắc. Cơ quan điều tra đã "mặc nhiên" cho rằng đây là con dao của bưu cục và sau này cho rằng chính Hải đã sử dụng con dao này đề cắt cổ hai nạn nhân. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là con dao được phát hiện đó thực tế vẫn là một con "dao ảo" - hoàn toàn chỉ do các dân phòng thấy - con dao này cũng đã bị mất, không thu giữ. Sau đó các dân phòng tự đi mua lại một con dao "giống" như con dao "ảo" này.
Liệu những tình tiết như trên, từ một con dao mơ hồ về nguồn gốc, không có dấu vết tội phạm và không còn tồn tại, căn cứ vào điều luật nào để có thể "kết luận" rằng đó là con dao của bưu điện và Hải đã dùng con dao đó để giết người? Trong khi một trong những nguyên tắc cơ bản để xác định tang vật là phải "có thật" và "liên quan trực tiếp" đến tình tiết của vụ án?
Tại "BB ghi lời khai" (BL 232), ông Hùng tả về con dao phát hiện tại hiện trường như sau: "lưỡi bằng inox trắng, lưỡi dài khoảng 20cm, lưỡi phần dưới bằng phần sóng dao, bầu xuống, lưỡi hơi nhọn, cán bằng nhựa màu đen, hơi dẹp dài khoảng 10cm". "Con dao rất sạch, còn rất mới vì phần lưỡi dao vẫn còn dấu sọc sọc như chưa được mài".
Các ông Thu, Vàng (BL 226 &242,243) cũng đều khai : "lưỡi bén dao còn mới ", "dao rất sạch giống như vừa mới được để vào chứ không phải là đã để từ lâu. Lưỡi dao rất bén".
Qua đó, cho thấy con dao các dân phòng phát hiện còn rất mới. Trong khi đó, con dao "thật" là một con dao cũ, đã qua sử dụng.
Tại "BB lời khai" ngày 19-1-2008 chị Hiếu khai: "trong bưu điện có sử dụng 2 con dao. Một con dao thái nhỏ dài khoảng 15cm, phần lưỡi cỡ 5cm. Con dao lớn thì dài khoảng 35cm, phần lưỡi kim loại trắng dài 25cm, bề ngang khoảng 5cm, thường để ngay ghế, bàn nấu ăn". Tại "BB ghi lời khai" ngày 21-6-2008 ông Sol khai ở bưu điện có 2 con dao, "một con dao nhỏ dài trên 10cm. Một con dao lớn dài khoảng gần 30cm, có cán nhựa màu đen, lưỡi dao bằng inox, mũi nhọn, lưỡi dao chỗ rộng nhất 4cm, kiểu dao thái lan. Con dao này trong ngày thứ Tư 9-1-2008 tôi có sử dụng dùng để sửa chữa nhà vệ sinh tại bưu điện".
Như vậy, liệu có đủ căn cứ để kết luận rằng con dao mới mà các dân phòng nhìn thấy chính là con dao đã cũ ở bưu điện? Nhất là khi lời khai của chị Hiếu và ông Misol là quan trọng hơn. Vì họ đã mô tả con dao có thật tại Cầu Voi. Lẽ ra, khi có sự khác biệt như vậy thì phải cho nhận dạng, đối chất làm rõ. CQĐT đã không cho chị Hiếu nhận dạng dao. Còn ông Misol thì chỉ nhận dạng qua hình vẽ, không thể xác định độ mới cũ của con dao. Điều đáng lưu ý trong Biên bản lời khai của chị Hiếu ngày 19-1-2008, kích thước của con dao lớn đã bị sửa bất hợp pháp, không có chữ ký xác nhận của người khai. Chiều dài từ 35cm sửa thành 30cm, lưỡi dao từ 25 sửa thành 20cm.
Bỏ lọt bằng chứng ngoại phạm: Dấu vân tay không phải là của Hải
Theo Cáo trạng, hung thủ (Hải) khi giết hai nạn nhân đã thực hiện hàng loạt động tác bằng tay như: bóp cổ, kéo xác, dùng dao, thớt, ghế đập đầu, cắt cổ hai nạn nhân. Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận: "trên kính (cửa vào buồng ngủ) có dấu vết đường vân", "ở mặt trong của kính trên cánh cửa (buồng vệ sinh) có 1 số dấu vết đường vân", "trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân". Những vết vân tay này đều đã được thu giữ.
Như vậy, dấu vân tay tại hiện trường chắc chắn phải là của hung thủ. Không thể khác được. Khoa học đã khẳng định và tới nay chưa thể bác bỏ - mỗi người chỉ có dấu vân tay duy nhất, không trùng khớp với ai.
Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định số 05 yêu cầu giám định vết vân tay.
Theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11-4-2008) thì: "các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải". Như vậy, đây là chứng cứ ngoại phạm quan trọng và rõ ràng nhất, đủ cơ sở khoa học chứng minh Hải không thể là thủ phạm đã giết hai nạn nhân.
Thế mà bản án sơ thẩm đã nhận định về vấn đề này rất nhập nhằng rối rắm và tối nghĩa như sau: "Vết máu thu được tại hiện trường tuy giám định không phải là của bị cáo. Song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay cũng như mẫu tóc ngắn bị gãy không giám định được là đương nhiên".
Thực tế, nội dung quyết định trưng cầu giám định là vân tay, không liên quan gì đến máu và kết quả giám định cũng không nói gì đến là "máu không đủ lượng" hay "không giám định được". Cơ quan giám định chỉ giám định và kết luận dấu vân tay không phải của Hải (xin mời xem bản kết quả giám định). Hay nói cách khác, các cấp tòa đã diễn giải sai lệch chứng cứ khoa học về dấu vân tay bằng một lý lẽ phản khoa học và vô lý như vậy là không thể chấp nhận, vi phạm nghiêm trọng qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Bỏ lọt chứng cứ ngoại phạm quan trọng nhất của Hồ Duy Hải.
Từ vụ Hồ Duy Hải, cần cấp thiết ghi nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã trưng cầu giám định nhiều dấu vết/tang vật khác như máu, tóc, tro. Toàn bộ các kết quả giám định đều không có chỉ dấu liên quan đến Hải.
Ba bạn trai cô Hồng cùng có mặt : dấu vân tay tại hiện trường là của ai?
Tại thời điểm xảy ra vụ án, những người bạn thân nhất của hai nạn nhân đều khẳng định Hồng đang có quan hệ tình cảm với ba người là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Misol và một kỹ sư tên Trung.
Quan hệ tình cảm giữa Hồng - Sol là sâu đậm. Hồng đeo trên tay nhẫn cưới do Sol tặng, hai người đang sống "như vợ chồng". Hàng tuần Sol thường xuyên từ TP.HCM về thăm Hồng và mỗi lần như vậy đều ngủ lại ngay tại bưu điện. Tại "BB ghi lời khai" ngày 21-6-2008 (BL 209,210) ông Sol khai : "Sau khi lên TP.HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với Hồng. Trung bình cứ một tuần lễ thì về một ngày. Thời gian gần nhất trước khi Hồng, Vân bị giết, về bưu điện vào ngày thứ tư 9-1 đến sáng thứ năm 10-1 tôi mới đi TP.HCM làm tiếp".
Đặc biệt trong hồ sơ điều tra thể hiện thông tin cho thấy ngay tối 13-1-2008 Misol có cuộc hẹn với Hồng tại bưu điện Cầu Voi. Cụ thể: Tại "BB ghi lời khai" ngày 19-1-2008 (BL 197) chị Hiếu (bạn thân của hai nạn nhân và là người thường xuyên đến chơi, ngủ lại tại bưu điện Cầu Voi) khai: "Tôi nghe chị Vân nói: hai đứa gái không đường xe cộ không mà đi làm gì. Chiều anh Sol về chứ gì phải đi".
Chị Hiếu khẳng định với luật sư Phong trong buổi chiều ngày 13-1-2008, chính chị có thấy Hồng nói chuyện điện thoại di động với Sol hai lần và khẳng định chắc chắn tối hôm đó Sol sẽ về Cầu Voi. Vì tới lúc 17 giờ chiều, không hề nghe nói Sol không về./.
Theo Pháp luật Việt Nam
Chính thức hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải Chiều 5/12, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An đã chính thức thông báo tạmhoãn thi hành án đối với tử tù Hồ Duy Hải trong vụ án giết - cướp chấn động. Liên quan đến vụ tử tù Hồ Duy Hải (SN 1985, ngụ Q.5, tạm trú huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) được hoãn thi hành án tử hình tội "giết...