Khai thác vàng lộng hành
Chưa hoàn tất thủ tục theo quy định, nhưng Công ty CP Vạn Phát vẫn xây dựng nhà máy, khai thác và tinh tuyển vàng rầm rộ từ nhiều năm nay tại mỏ vàng Nhâm, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế.
Rừng tự nhiên bị san bạt và nước thải từ tinh tuyển vàng thải trực tiếp ra môi trường – Ảnh: B.N.L
Ngày 18.9, chúng tôi đã thâm nhập vào khu vực mỏ vàng và chứng kiến hàng chục ha rừng trồng và cả rừng tự nhiên đã bị các phương tiện xe múc, xe ủi đào bới tan hoang. Rừng bị san bạt, cây gỗ bị đốn hạ ngả nghiêng, nước thải từ hoạt động tinh tuyển vàng xả ra một đường cống đỏ ngầu chảy trực tiếp ra môi trường. Bên trong nhà máy, tiếng động cơ vẫn chạy ì ầm với hàng chục công nhân làm việc.
Video đang HOT
Phát hiện nhóm phóng viên đang tác nghiệp, nhà máy lập tức phát kẻng dừng thi công và huy động công nhân tổ chức rượt đuổi, bao vây. Hàng chục công nhân quá khích đã xông vào hò hét, vây bủa, giật máy ảnh và chửi bới loạn xạ.
Khi anh Trần Thanh Quang (trú tại 63 đường Tịnh Tâm, phường Thuận Thành, TP.Huế), chủ rừng bị nhà máy chiếm đất trái phép mà chưa bồi thường, yêu cầu những người này không được tấn công phóng viên thì bị một người xông vào đánh túi bụi. Người này còn đe dọa: “Cái thằng Quang, mày không can thiệp vào nhiều. Chỉ bảy năm tù thôi, tau cho mày chết luôn với cái đất này…”. Những người quá khích còn xông vào túm tay, túm cổ áo, giật máy ảnh, túi xách của phóng viên.
Cuộc tấn công chỉ chấm dứt khi cán bộ Đồn biên phòng 629 xuất hiện. Thế nhưng, ông Lê Minh Hùng, GĐ Chi nhánh Công ty CP Vạn Phát, vẫn lớn tiếng yêu cầu cả cán bộ biên phòng tịch thu và xóa dữ liệu trong máy ghi hình của các phóng viên và đe dọa: “Anh em của tôi mà xua đàn chó ra thì nó sẽ cắn các anh chết”.
Vào ngày 19.7, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên- Huế có công văn (số 54/TNMT-TTr) yêu cầu Công ty CP Vạn Phát tạm dừng việc sử dụng đất tại mỏ vàng gốc xã Nhâm, H.A Lưới, vì trong quá trình thực hiện dự án tại mỏ vàng trên, công ty chưa hoàn tất các thủ tục đất đai trước khi tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản.
Trước đó ngày 29.6.2012, Đoàn kiểm tra do Sở TN-MT chủ trì phối hợp cùng các bên liên quan đã kiểm tra hoạt động khai thác vàng của DN này. Tại buổi kiểm tra, phía DN đã không xuất trình được các hồ sơ thủ tục đất đai liên quan cần có trước khi tổ chức hoạt động tại khu vực mỏ được cấp. Thanh tra Sở TN-MT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với DN.
Ông Phan Văn Đáng, Chánh thanh tra Sở TN-MT Thừa Thiên-Huế, cho biết ngoài vi phạm về thủ tục đất đai, DN cũng chưa đảm bảo về môi trường, nguồn nước thải… Sau khi bị xử phạt hành chính và đình chỉ mỏ, ngày 31.8, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành quyết định về việc cho phép Công ty CP Vạn Phát thuê 1,9 ha đất sử dụng vào mục đích khai thác mỏ vàng gốc ở xã Nhâm. Đến nay thủ tục giao đất trên thực địa vẫn chưa hoàn tất. Thế nhưng, trước đó, DN này đã phá rừng, san bạt núi và ngang nhiên khai thác.
Theo TNO
Nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép ở Nghệ An
Khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Lam, đoạn chảy qua huyện Tương Dương và các khe suối thuộc các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng, Nga My... của huyện Tương Dương, Nghệ An, đã diễn ra suốt nhiều năm nay với quy mô ngày càng mở rộng và hoạt động công khai.
Một điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép dưới lòng sông ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tình trạng này đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương kiên quyết dẹp bỏ.
Trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có 15 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có 11 doanh nghiệp khai thác vàng ở 14 điểm mỏ. Vì vậy, nếu không quản lý và xử lý kiên quyết thì không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn tác động nghiêm trọng đến môi trường và làm cạn kiện nguồn tài nguyên.
Hiện, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của Tương Dương vẫn còn lúng túng, nhất là xử lý vi phạm thiếu quyết liệt. Một số đối tượng từ các tỉnh khác đến, cùng với người dân địa phương tập trung khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến lòng sông Lam ngổn ngang đất đá, nước sông chuyển vàng, đặc quánh, nhiều đoạn tắc kín dòng chảy, xâm hại đến các công trình giao thông, thủy lợi.
Nguyên nhân là ý thức của một số cán bộ, nhân dân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn hạn chế, ý thức chấp hành kém, dẫn đến hiện tượng bao che cho người khác vi phạm, bất chấp cả tính mạng con người. Bên cạnh đó, lực lượng, kinh phí cho công tác truy quét, đẩy đuổi các đối tượng vi phạm còn nhiều bất cập. Công tác kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.
Mặc dù trước đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương phải kiểm tra và thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép, những địa phương nào để xảy ra tình hình trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịchỦy bân nhân dân tỉnh, nhưng tình hình trên vẫn chưa giảm.
Theo VNE
Đinh tặc lộng hành giữa Thủ đô, hàng trăm phương tiện dính đòn Hàng trăm phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy đã bị thủng lốp, bục săm. Mặt đường các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học dày đặc một lớp đinh. Hàng trăm phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy đã bị thủng lốp, bục săm cả tuyến đường Nguyễn Thái Học đến đường Kim Mã kéo dài...