Khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu dân cư như thế nào?
Công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy ý kiến đóng góp của người dân trong thời gian 2 tháng.
Theo dự thảo, cơ quan nhà nước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải chỉ định cán bộ làm đầu mối phụ trách kết nối và chia sẻ dữ liệu; công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, tên và vị trí, chức năng cán bộ đầu mối phụ trách.
Cán bộ đầu mối phụ trách có trách nhiệm tiếp nhận, theo dõi quá trình kết nối, phối hợp, xử lý các vấn đề về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia do đơn vị quản lý.
Đồng thời tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin; các quy định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến dữ liệu; quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm dữ liệu chia sẻ phải có khả năng gửi, nhận, lưu trữ, xử lý được bằng thiết bị số…
Video đang HOT
Căn cước công dân gắn chíp (Ảnh minh họa).
Đáng chú ý, công dân có thể khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, nếu khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không mất phí khai thác thông tin, nhưng phải trả phí sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của bên cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đối với công dân thực hiện khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công quốc gia, có 2 loại tài khoản có thể đăng nhập trên cổng dịch vụ công quốc gia gồm: Tài khoản cấp bởi cổng dịch vụ công quốc gia và tài khoản cấp bởi hệ thống định danh xác thực điện tử.
Công dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 trực tuyến thực hiện cài đặt và đăng ký tài khoản ứng dụng VNEID.
Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu theo thẩm quyền; hướng dẫn thanh tra, kiểm tra hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có quyền từ chối đề nghị chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu nếu đề nghị cung cấp thông tin, dữ liệu không phù hợp với quy định; đồng thời nêu rõ lý do từ chối và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết vướng mắc.
Bộ Công an đề xuất dữ liệu danh mục dùng chung nhằm thu thập, xử lý, lưu trữ ở dạng điện tử các danh mục dùng chung của các bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả và tạo sự thống nhất trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin gồm 11 thông tin: 1. Nhóm máu; 2. Giới tính; 3. Dân tộc; 4. Tôn giáo; 5. Tình trạng hôn nhân; 6. Quốc tịch; 7. Quốc gia; 8. Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; 9. Quận/huyện/thị xã; 10. Xã/phường/thị trấn; 11. Quan hệ với chủ hộ.
Thẻ căn cước công dân sẽ thay bằng lái xe, bảo hiểm y tế, thẻ cán bộ
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh được Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu thẻ căn cước công dân sẽ thay thế một số giấy tờ như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thẻ cán bộ, công chức... Thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án đặt mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số chứng minh nhân dân (9 số) với căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.
Đề án đặt ra mục tiêu thẻ căn cước công dân sẽ thay bằng phép lái xe, bảo hiểm y tế, thẻ cán bộ (Ảnh: P.S).
Đáng chú ý, đề án đặt ra mục tiêu trong năm 2022, bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID).
Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy bảo hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
Theo đề án, trong năm 2022 sẽ cung cấp dịch vụ xác thực thông tin đối với các đương sự, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng... trên Cổng dịch vụ của Tòa án nhân dân để phục vụ triển khai tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% công dân không phải xuất trình hồ sơ chứng minh thông tin của bản thân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đề án, trong giai đoạn 2022 - 2023, sẽ tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi (ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước...) lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Giai đoạn 2024-2025, hoàn thiện hệ sinh thái các ứng dụng số, tiện ích cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp bảo đảm dữ liệu dân cư được xác thực thông qua việc định danh và xác thực thông tin dân cư mức độ định danh có đảm bảo yếu tố sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục duy trì vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử; mô hình định danh xác thực điện tử bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị ký số điện tử, hợp đồng điện tử, định danh điện tử tạo nền tảng chính phủ số với giá trị mới được tạo ra phục vụ công dân số.
Gửi tin nhắn SMS để khai thác thông tin công dân như thế nào? Công dân được khai thác, sử dụng các dịch vụ từ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác thông tin của mình bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin. Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định dịch vụ được khai thác, sử dụng thông tin...