Khai thác gỗ trái phép bên tuyến đường Đông Trường Sơn
Lợi dụng tuyến đường Đông Trường Sơn đang trong giai đoạn thi công, thời gian qua nhiều đối tượng trong và ngoài địa phương đến khu vực giáp ranh giữa xã Trà Giác (H. Bắc Trà My) và Trà Mai (H. Nam Trà My, Quảng Nam) để khai thác gỗ trái phép. Điều đáng nói, từ cuối năm 2017 đến nay, tại khu vực giáp ranh này lực lượng chức năng phát hiện 5 vụ khai thác gỗ trái phép, khối lượng gỗ tang vật thu được lên đến gần 200m3.
Những gốc cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ ở khu vực rừng giáp ranh Trà Giác – Trà Mai.
Trước đây, khi tuyến đường Đông Trường Sơn chưa thi công, người dân giáp ranh giữa hai xã trên đi lại rất khó khăn, bởi đồi núi hiểm trở. Kể từ khi tuyến đường được thi công, mở rộng, việc đi lại của người dân tương đối thuận lợi. Cũng từ đó, lợi dụng sự sơ hở, buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng, các đối tượng “lâm tặc” thâm nhập vào các cánh rừng nguyên sinh để khai thác lâm khoáng sản trái phép. Ngày 8-8, có mặt tại khu vực thôn 3 và thôn 4 (xã Trà Mai), chúng tôi tiếp cận vào các điểm khai thác gỗ trái phép tại đây không quá khó khăn. Qua quan sát hiện trường để lại cho thấy nhiều khoảnh rừng bị “lâm tặc” tàn phá tan hoang. Có những điểm diện tích vài trăm mét vuông nhưng có đến hàng chục cây cổ thụ đường kính trên 1m bị đốn hạ. Gỗ đã được các đối tượng cưa xẻ ra thành phách đưa ra khỏi rừng. Hiện trường còn lại là những gốc cây cổ thụ và những tấm ván bìa các loại. Tiếp tục đi dọc theo dòng sông lên hướng thượng nguồn, nhiều cây cổ thụ cũng bị đốn nằm chắn lối đi. Những phách gỗ còn tươi mới được “lâm tặc” đem dựng dọc bìa rừng phơi nắng. Nhiều cây gỗ lớn mới bị đốn hạ chưa kịp xẻ ra vẫn còn ngổn ngang. Phía trên, những túp lều trong rừng được dựng lên trái phép để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển gỗ…
Điều đáng nói, cũng tại khu vực giáp ranh này, tháng 4 vừa qua lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 100m3 gỗ bị “lâm tặc” triệt hạ không thương tiếc. Trước đó, cuối năm 2017, cũng tại khu vực này có hơn 70m3 gỗ các loại bị lâm tặc đốn hạ. Ngoài ra, cũng theo các ngành chức năng, từ đầu năm đến nay còn có 3 vụ phá rừng khác bị lực lượng chức năng phát hiện, truy tố… Trước thực tế này, dư luận đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cũng như các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại trong việc quản lý, bảo vệ rừng?
Video đang HOT
Gỗ được xẻ phách lấy đi, còn lại phần bìa và gỗ hư nằm ngổn ngang.
Ngày 9-8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hoan – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My cho biết, liên quan đến 2 vụ phá rừng quy mô lớn vào cuối năm 2017 và tháng 4-2018 hiện Hạt Kiểm lâm đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho CAH để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Còn đối với các vụ phá rừng mà chúng tôi đề cập, ông Hoan chưa nắm được. “Lợi dụng đường Đông Trường Sơn mở ra, người dân địa phương cũng lén lút khai thác gỗ về làm nhà. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý”-ông Hoan nói thêm. Còn ông Lê Văn Trường – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My kiêm Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh (chủ rừng) cho rằng ông không nắm rõ có bao nhiêu mét khối gỗ đã được tịch thu trong các vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên. Và hiện các tang vật của các vụ phá rừng với gần 200m3 gỗ đã được bán thanh lý hết. “Các vụ phá rừng hiện đã được chuyển hồ sơ sang CQĐT CAH Bắc Trà My thụ lý. Có gì các anh liên hệ bên đó để người ta cung cấp thông tin, số liệu chứ giờ tôi không nhớ rõ. Công an họ đang làm giờ mình tham gia vô nó vướng… Còn số gỗ thu giữ được đã xử lý vật chứng bán hết rồi”.
Điều đáng nói, cách đây 3 năm, chúng tôi đã từng phản ánh tình trạng phá rừng quy mô lớn tại khu vực Rừng phòng hộ Sông Tranh. Vụ việc sau đó được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào cuộc kiểm tra hiện trường và yêu cầu các ngành chức năng điều tra, xử lý nghiêm. Thế nhưng đến nay, những kẻ đứng sau vụ phá rừng vẫn chưa được làm rõ. Cũng mới đây, ngày 5-8, từ tin báo của quần chúng, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Nam phát hiện vụ cất giữ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp tại một bìa rừng tại thôn 2 (xã Trà Giang, H. Bắc Trà My) với khối lượng 7,745m3, là gỗ rừng tự nhiên, không có dấu búa kiểm lâm, không có chủ sở hữu, người quản lý. Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ tang vật để điều tra, xử lý theo quy định. Trước đó, ngày 2-8, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Quảng Nam kiểm tra, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ ông Trần Văn Tân (1965, trú xã Trà Mai, H. Nam Trà My) về hành vi chế biến gỗ không có nguồn gốc hợp pháp. Theo đó, cơ quan chức năng tạm giữ 1,664m3 gỗ từ nhóm I-VI để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật…
Qua đây có thể thấy, mặc dù thời gian qua chính quyền tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp ban hành các chỉ thị, công văn yêu cầu chủ rừng và các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, giám sát xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng. Thế nhưng chính sự lơ là, buông lỏng quản lý của một bộ phận những người quản lý, bảo vệ rừng khiến rừng ở Quảng Nam vẫn liên tục “chảy máu”.
Bão Bình – Lê Vương
Theo cadn
Phát hiện gần 1000 cây cần sa xanh tốt trồng trong rẫy
Hơn 1.000 cây cần sa cao từ 60 cm đến 1,8m trồng trong rẫy sâu vừa bị lực lượng chức năng huyện Krông Nô phát hiện và nhổ bỏ. Trong số này, nhiều cây đã cho thu hoạch, được phơi khô, đóng bao.
Ngày 17/7, lãnh đạo xã UBND xã Quảng Phú cho biết, Công an huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) vừa phát hiện và tiêu hủy một số lượng lớn cây cần sa và cần sa khô được trồng trái phép ở tiểu khu 1336 và cất giấu tại một căn chòi gần đó.
Lực lượng chức năng nhổ bỏ, tiêu hủy cần sa
Theo thông tin ban đầu, ngày 16/5, sau khi nhận tin báo của trinh sát địa bàn và quần chúng nhân dân, Công an huyện Krông Nô phát hiện và lập biên bản hơn 1.000 cây cần sa (cao từ 60 cm đến 1,8m), trọng lượng gần 30kg tại thôn Phú Vinh (xã Quảng Phú)
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành nhổ bỏ cần sa để tiến hành tiêu hủy. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một số gốc cần sa to lớn đã được thu hoạch hiện đang trong giai đoạn đâm chồi, phát triển lứa thứ sinh và nhiều cây đã được phơi khô, đóng bao.
Được biết, các đối tượng đã lợi dụng địa hình đồi núi, thưa thớt khu dân cư để trồng cây cần sa trái phép.
Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an tiến hành xác minh, làm rõ.
Dương Phong
Theo Dantri
Màn truy bắt cướp nghẹt thở hơn phim hành động Cuộc truy đuổi bằng xe máy với tốc độ cao, vượt qua nhiều tuyến đường. Các đối tượng chống trả quyết liệt. Nhưng bằng tinh thần qủa cảm các hiệp sĩ đường phố đã tóm gọn các tên trộm. Mời các bạn cùng xem clip . Thành An