Khai thác cát “nuốt” bờ sông Lô (kỳ cuối): “Đổ quanh” trách nhiệm quản lý
“Để xảy ra tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, bờ kè ở huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) trong thời gian qua, trách nhiệm chính thuộc Sở TNMT, Sở NNPTNT, Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, UBND huyện Sông Lô và các xã để xảy ra tình trạng trên”. Ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
5 năm thanh tra không phát hiện vi phạm (?)
Trong cuộc làm việc với phóng viên Báo NTNN, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc sạt lở, trôi mất đất nông nghiệp, bờ kè ở các xã Phương Khoan, Đôn Nhân, Đức Bác… do khai thác cát, sỏi, trách nhiệm chính thuộc Sở TNMT, mà trực tiếp là Thanh tra Sở TNMT (đơn vị được giao trách nhiệm, thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị khai khoáng) và các đơn vị liên quan khác như Sở NNPTNT, CSGT đường thủy, UBND huyện Sông Lô và các xã liên quan.
Hầu hết các tàu khai thác cát trên sông Lô đều không có biển hiệu, không cắm phao chỉ giới gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: V.T
Việc khai thác cát sỏi chủ yếu diễn ra trên sông, do đó việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Nên CSGT đường thủy cũng phải có trách nhiệm đảm bảo về mặt giao thông trên sông; ngành thủy lợi, đê điều phải có trách nhiệm giữ đê… Nếu để mỗi ngành TNMT chúng tôi không thể quản lý hết được”. Ông Nguyễn Văn Khước -
Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hùng – Chánh Thanh tra Sở TNMT Vĩnh Phúc lại tự hào cho rằng: “So với các tỉnh khác, công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực khai thác cát, sỏi, Vĩnh Phúc “làm chặt” hơn rất nhiều”. Phóng viên hỏi lại: Vậy tính từ năm 2012 đến nay, Thanh tra Sở đã xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm và số tiền xử phạt là bao nhiêu, ông Hùng tự tin trả lời: “Chúng tôi chưa xử trường hợp vi phạm nào, công ty nào”. Lý do ông Hùng đưa ra là do khi đi kiểm tra không phát hiện vi phạm của các công ty khai thác cát, sỏi nên không thể xử phạt (!?)
Phóng viên hỏi tiếp: Trong các báo cáo của UBND các xã Đôn Nhân, Phương Khoan, Đức Bác hay UBND huyện Sông Lô gửi Sở TNMT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đều khẳng định, việc sạt lở đất nông nghiệp và bờ kè đê có nguyên nhân chính từ việc khai thác cát, sỏi, đặc biệt là việc khai thác sai mốc giới, lấn sâu vào đất nông nghiệp của người dân. Thậm chí người dân phải dùng biện pháp ném đá xua đuổi tàu khai thác. Vậy tại sao Thanh tra lại không phát hiện sai phạm của các đơn vị này?
Video đang HOT
Ông Hùng trả lời: Mỗi năm Thanh tra Sở chỉ thanh tra một lần theo kế hoạch, có thể là đầu năm, giữa hoặc cuối năm. “Khi chúng tôi thanh tra thì không phát hiện các công ty vi phạm. Hơn nữa chưa có cơ quan nào khẳng định, công ty này, kia gây sạt lở. Chúng tôi ghi nhận phản ánh của phóng viên và sẽ lưu ý khi đợt tới thanh tra” – ông Hùng nói.
“Một thực tế đang diễn ra, ở khu vực nào có điểm mỏ, nơi đó xảy ra hiện tượng sạt lở đất, nếu không phải nguyên nhân từ khai thác cát, sỏi của các công ty, chẳng nhẽ có sự trùng hợp ngẫu nhiên nhiều vậy sao?” – với câu hỏi này, ông Hùng khẳng định: “Hiện diện tích dưới lòng sông dọc sông Lô hầu hết đã cấp phép cho các đơn vị khai thác. Từ khi được cấp phép, tình trạng “cát tặc” hầu như không còn nữa, chứ trước đây rất “ nóng”. Buổi chiều đất chưa sạt, sáng mai ra thấy đất sạt lở, người dân “đổ” cho là do các công ty khai thác cát gây sạt lở thì không đủ căn cứ. Sạt lở có nhiều nguyên nhân, như địa tầng yếu, do mức nước lên xuống thất thường… chứ đâu phải cứ sạt lở là do “cát tặc”.
Ông Vũ Chí Giang cho biết, tỉnh đang giao cho Sở TNMT, Sở NNPTNT và công an phối hợp làm rõ nguyên nhân của tình trạng sạt lở, tinh thần là sẽ xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.
Sai hệ thống
Không chỉ gây sạt lở đất nông nghiệp, bờ kè đê, hiện một số điểm mỏ còn được cấp “chồng” lên đất nông nghiệp, đất bãi đang trồng ngô, khoai của bà con nông dân. Việc “nới tay” của cơ quan quản lý nhà nước đã vô hình chung “tiếp tay”, trở thành một trong các nguyên nhân khiến cho các đơn vị khác thác cát, sỏi, gây sạt lở đất, đề kè trong thời gian qua.
Ngay sau khi được phóng viên phản ánh, ông Vũ Chí Giang đã gọi điện cho cấp dưới, các cơ quan chuyên môn, yêu cầu kiểm tra mốc giới các giấy phép đã cấp. Ông Giang nói: “Khai thác cát là khai thác dưới lòng sông, không có chuyện cấp phép trên đất bãi. Nếu ông nào cũng khai thác cát thế này thì còn đâu đất để người dân trồng trọt”.
Ông Trần Minh Dương – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT Vĩnh Phúc) thừa nhận, hiện một số điểm mỏ đang nằm trên… đất bãi, đất nông nghiệp mà người dân sản xuất. Để được khai thác, các công ty phải thực hiện việc đền bù cho người dân.
“Xã Đôn Nhân chỉ có 4,8km bờ sông, nhưng có tới 6 đơn vị được cấp phép, trong đó có điểm mỏ chỉ dài 900m và cách chân đê chỉ 34m. Vì sao Phòng lại tham mưu cấp phép dày như vậy? Đây có phải là một trong các nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng bờ kè đê và đất nông nghiệp của người dân không?” – phóng viên Báo NTNN đặt câu hỏi. Ông Dương cho rằng, việc gây sạt lở đê kè và đất nông nghiệp là do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Còn việc 4,8km có 6 đơn vị được cấp phép là hoàn toàn bình thường. Chúng tôi tham mưu cấp phép nằm trong quy hoạch chứ không phải ngoài quy hoạch” – ông Dương lý giải.
Ông Dương cũng khẳng định, việc để xảy ra sạt lở và một số đơn vị chậm nộp thuế khi thai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Sông Lô, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND xã và UBND huyện Sông Lô. “Các xã có điểm mỏ và huyện Sông Lô được hưởng các phí từ hoạt động khai thác, thì phải có trách nhiệm giám sát và xử lý các đơn vị khai thác nếu vi phạm. Nếu không thể xử lý được phải có báo cáo lên cấp trên” – ông Dương nói. Song khi phóng viên đưa ra hàng chục văn bản của UBND các xã và UBND huyên Sông Lô gửi Sở TNMT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc “cầu cứu”, thì ông Dương bảo: “Chúng tôi không nhận được”.
Theo Danviet
Khai thác cát "nuốt" bờ sông Lô: Mất dần bãi bồi, bờ xôi ruộng mật
Nhiều năm qua, nhiều ha bờ xôi ruộng mật của người dân dọc hai bờ sông Lô, thuộc các xã Phương Khoan, Cao Phong, Đôn Nhân... (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) liên tục bị sạt lở. Nhiều đoạn bờ kè cũng bị sụt lún, sạt lở, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do việc khai thác cát sỏi trái phép gây ra.
4,8 km bờ sông có 6 đơn vị hút cát
Những ngày này, về huyện Sông Lô, đi dọc bờ sông Lô, đâu đâu cũng bắt gặp các tàu cuốc hút cát rầm rập trên sông, cùng với đó là hàng ha đất bãi bồi, bờ xôi ruộng mật ven sông của người dân đang bị kéo tuột xuống sông, trước sự bức xúc, bất lực của người dân và chính quyền nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Tất - Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, xã có 4,8km dọc theo bờ sông, trên chiều dài ấy hiện có tới 6 đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản gồm: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Bắc Ái; Công ty CP Khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát; Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc...
Hàng chục ha đất phù sa bãi bồi ven sông Lô, đã bị lôi tuột xuống sông do việc khai thác cát sỏi bừa bãi (chụp tại xã Đôn Nhân). ảnh: Việt Tùng
Chỉ vào những vết nứt to tướng, loằng ngoằngtrên diện tích đất bãi ven sông, một phần đã bị trôi tuột xuống sông Lô, anh Thành - một nông dân xã Đôn Nhân ngao ngán: "Vài năm gần đây, các doanh nghiệp khai thác cứ ùn ùn kéo về hút cát sỏi, khiến bờ sông liên tục sạt lở, lấn cả vào diện tích bãi sản xuất của chúng tôi".
Anh Thành bức xúc cho biết anh và bà con trong xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng, yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường và có biện pháp khắc phục. "Không những họ không chịu bồi thường, mà ngày càng khai thác rầm rộ, táo tợn hơn. Cứ đà này chẳng mấy chốc nữa là lở đến chân đê" - anh Thành than.
Về thực trạng ở xã Đôn Nhân, trao đổi với phóng viên Báo NTNN - Dân Việt, ông Nguyễn Văn Khước - Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc thừa nhận mật độ các điểm mỏ cát sỏi dày. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ các thủ tục như thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường... và đề nghị xin cấp phép khai thác thì Sở không thể từ chối.
Việc lý giải của lãnh đạo Sở TNMT Vĩnh Phúc là không thuyết phục. Bởi theo quy định, Sở TNMT là cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấp phép và thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Do đó, Sở TNMT hoàn toàn có thể chủ động việc khoanh vùng điểm mỏ để cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, Sở TNMT đã không làm như vậy, mà làm theo kiểu "một miếng bánh chia thành nhiều phần cho nhiều doanh nghiệp cùng hưởng". Việc làm này đang khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi. Phải chăng có sự "ăn chia", "quan hệ" trong việc cấp phép mỏ này? Và việc làm này đã và đang gây ra một hệ lụy là Sở TNMT không quản lý nổi các công ty khi đi vào khai thác, dẫn tới nhiều công ty đã khai thác sai điểm mỏ, tọa độ, cốt... gây sạt lở hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân và đê kè dọc hai bờ sông Lô.
Ném đá đuổi tàu khai thác cát
Cực chẳng đã, người dân đành phải dùng đá ném lên các tàu khai thác cát để xua đuổi. Dù biết việc làm này rất nguy hiểm, gây mất an ninh trận tự ở địa phương, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác".
Ông Thành (người dân xã Đôn Nhân)
Chúng tôi cũng đã về các xã Phương Khoan, Đức Bác, Cao Phong... ở ven bờ sông Lô. Lội ra mép sông, chúng tôi giật mình khi chứng kiến những ta luy bãi cao 7 - 8m so với mặt nước sông, trên là bãi ngô xanh mơn mởn, dưới chân taluy đang bị móc hàm ếch, nứt toác nham nhở, chực chờ đổ xuống sông. Nhiều đoạn sạt lở sâu vào bãi ngô, khiến hàng nghìn m2 đất, hàng nghìn cây ngô bị nhấn chìm xuống đáy sông. Dưới lòng sông hàng chục tàu cuốc, tàu chở cát vẫn hoạt đồng ầm ầm...
Theo tìm hiểu của phóng viên, sáng 24.2.2017, nhiều người dân các thôn Dân Chủ, Đôn Mục, Trung Kiên (xã Đôn Nhân) đã tập trung phản đối, yêu cầu các công ty không khai thác cát vào sát bờ gây sạt lở đất bãi của người dân. Tuy nhiên, các công ty này vẫn ngoan cố tiếp tục khai thác.
Ông Nguyễn Văn Khước - Giám đốc Sở TNMT Vĩnh Phúc thừa nhận việc các doanh nghiệp khai thác cát sỏi gây nên tình trạng sạt lở đất ven sông Lô là có thực. Song ông Khước cũng cho rằng, một phần do mực nước sông thấp, bờ khô nhiều tháng, nên khi nhà máy thủy điện ở Tuyên Quang xả nước để nhà nông lấy nước sản xuất đã gây nên sạt lở.
"Năm nào cũng thế, cứ đến kỳ thủy điện xả nước phục vụ tưới tiêu là bờ sông Lô lại sạt lở, chứ không hẳn khai thác cát gây sạt lở. Chúng tôi không bao giờ bao che cho "cát tặc". Cũng có thể khi cơ quan chức năng không có mặt các công ty sẽ lợi dụng khai thác, nếu phát hiện chúng tôi phạt ngay" - ông Khước cho biết.
Theo Danviet
Kinh nghiệm chống 'cát tặc' thành công ở Đắk Nông Trước đây, "cát tặc" từng là vấn nạn nhức nhối, là nguyên nhân khiến hàng chục hécta đất sản xuất nông nghiệp của bà con bị sạt lở trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Cỏ cây đã lên xanh trên một điểm từng sạt lở trên bờ sông Để giữ đất, nhiều "cuộc chiến" giữa người dân và "cát tặc"...