Khai thác bôxit: Càng làm càng lỗ
Nhà máy chế biến bôxit đầu tiên ở Lâm Đồng đã đi vào hoạt động. Nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động của nhà máy không hiệu quả, nhất là việc đầu tư đường sắt rồi cảng cần xem lại vì không biết bao giờ thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV – Vinacomin), cho rằng công nghiệp sản xuất alumin – nhôm là ngành công nghiệp mới, rất phức tạp trong khi hai nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ là những dự án đầu tiên, mang tính thử nghiệm, mới ở giai đoạn đầu nên không tránh khỏi khó khăn. Ông Biên nhấn mạnh hiệu quả phải tính ở dài hạn, nếu một hai dự án khó khăn cũng không thể tính cả ngành công nghiệp sẽ khó khăn.
Chạy dưới công suất
“TKV đã thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tính toán hiệu quả dự án nhưng nhiều khả năng viện này không thể tính ra hiệu quả theo ý TKV nên đã… trả lại”.
Theo ông Nguyễn Cảnh Nam – trợ lý hội đồng thành viên TKV, hiện Nhà máy alumin Tân Rai thuộc tổ hợp bôxit-nhôm Lâm Đồng đã ra những sản phẩm đầu tiên.
Các sản phẩm xuất ra TKV mới chỉ bán cho tiêu dùng trong nước vì chưa có cảng xuất khẩu, giá bán 340 USD/tấn. Ông Nam cho biết theo tính toán của TKV, giá thành sản xuất của hai nhà máy alumin khoảng 295 USD/tấn (Nhà máy Tân Rai rẻ hơn vì đường vận chuyển ngắn hơn), tức có lãi.
Tuy nhiên, ông Nam công nhận giá thành trên là ứng với nhà máy chạy được 100% công suất (650.000 tấn/năm), nhưng nhu cầu thị trường mới ở khoảng 100.000 tấn/năm nên nhà máy phải chạy theo nhu cầu, không thể chạy hết công suất. Do nhà máy chạy dưới 1/6 công suất nên khấu hao cũng tăng tương ứng.
Ông Nguyễn Cảnh Nam còn nói đang có sự dư thừa lớn trong công suất của ngành công nghiệp chế biến alumin và luyện nhôm trên toàn cầu. Giá bán thấp, rất nhiều nhà sản xuất alumin và nhôm bị đóng cửa. Mặt hàng nhôm cũng tồn kho cao, áp lực giảm giá trong trung hạn của thị trường nhôm sẽ vẫn còn, ít nhất đến năm 2015. Tuy nhiên, ông Nam cũng nói thời gian đầu khó khăn, thậm chí lỗ là “tất nhiên” nhưng vẫn cần xây dựng các dự án nhà máy alumin bởi trong tương lai nhu cầu alumin chất lượng cao vẫn lớn, VN mỗi năm cũng nhập khẩu một lượng nhôm không nhỏ.
Đóng gói và vận chuyển alumin về kho (Ảnh chụp ở Nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng) – Ảnh: Nguyễn Sang
Video đang HOT
Tiết lộ TKV đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thủy điện và nhiệt điện để tiến tới tìm đối tác xây dựng nhà máy điện phân nhôm với công suất dự kiến 0,3-0,6 triệu tấn/năm, ông Nam nhấn mạnh muốn phát triển ngành công nghiệp bôxit quy mô lớn ở Tây nguyên cần có đường sắt và cảng biển.
Vì sao chọn cảng Vĩnh Tân?
Ông Lê Minh Chuẩn, tổng giám đốc TKV – Vinacomin, cho biết tập đoàn đã thuê Công ty Tedi chuyên nghiên cứu đánh giá về đầu tư cảng và Tedi đưa ra ba phương án, nếu lựa chọn cảng Kê Gà thì tổng mức đầu tư 5.095 tỉ đồng, lựa chọn cảng Mũi Gió thì mức đầu tư là 4.528 tỉ đồng và cảng Vĩnh Tân là 2.131 tỉ đồng. Với công suất như hiện nay, cảng Vĩnh Tân là lựa chọn ưu tiên số 1, mặc dù dài hơn 60km nhưng tính hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn bởi do tận dụng mặt bằng Vĩnh Tân đã đầu tư và chỉ cần mở rộng thêm.
Còn trong khi chờ đợi cảng Vĩnh Tân hoàn thành, sản phẩm của hai dự án sẽ được vận chuyển tới cảng Gò Dầu.
Chinhphu.vn
Tuy nhiên, ông Nam kiến nghị: do cảng và đường sắt này không chỉ phục vụ ngành công nghiệp bôxit mà còn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Nhà nước và địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc xây dựng cảng, đường sắt Tây nguyên chứ không thể bỏ mặc cho ngành công nghiệp bôxit lo liệu.
Sản xuất sẽ “bổ sung” lỗ
Trong khi đó ông Nguyễn Thành Sơn – trưởng Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng trực thuộc TKV – nói ngay từ đầu khi đặt vấn đề làm nhà máy chế biến bôxit thành alumin, ông đã đề nghị lãnh đạo TKV cân nhắc về hiệu quả.
Là người của TKV nhưng với tư cách chuyên gia, ông Sơn tiết lộ với giá bán 340 USD/tấn thì Nhà máy Tân Rai chắc chắn lỗ vì công suất quá thấp so với thiết kế. Với giá bán hiện nay, nếu cứ sản xuất, Nhà máy alumin Tân Rai càng sản xuất càng lỗ.
Dù nhà máy đầu tiên đã xây xong, ông Sơn vẫn cho rằng nên dừng bởi sản xuất sẽ “bổ sung” lỗ. Về thời gian để thu hồi vốn đầu tư, ông Sơn nói không rõ khi nào. Về ý kiến cho rằng hiệu quả nhà máy phải tính về lâu dài, ông Sơn không đồng tình bởi hiện nay đầu tư một nhà máy alumin đã khoảng 750 triệu USD, riêng tiền trả lãi vay và khấu hao một năm đã khoảng 100 triệu USD. Ông Sơn tiết lộ thêm: TKV đã thuê Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tính toán hiệu quả dự án nhưng nhiều khả năng viện này không thể tính ra hiệu quả theo ý TKV nên đã… trả lại.
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban nhôm của Tổng công ty Khoáng sản, đồng tình với quan điểm đầu tư nhà máy alumin hiện nay rất khó có hiệu quả. Chỉ dựa trên các số liệu do chính TKV cung cấp, trước đây các chuyên gia khuyến cáo và chứng minh được trong hội thảo có cả TKV tham dự là sẽ không hiệu quả. Hiện tại mới làm một nhà máy mà đã bộc lộ những vấn đề khổng lồ khó giải quyết, trong đó nan giải nhất là bài toán vận chuyển.
Theo ông Ban, tham vọng của TKV quá lớn nhưng lại làm theo cách vận chuyển bằng ôtô thì dự án khó có hiệu quả bởi tổng khối lượng phải vận chuyển lên tới cả triệu tấn/năm. Để nhà máy có hiệu quả hơn, ông Ban khẳng định phải chọn đối tác đúng, chứ bản thân đối tác Trung Quốc mà TKV chọn không có kinh nghiệm về loại quặng ở VN, công nghệ Trung Quốc cũng không hẳn tốt. Cần nghiên cứu phương án đưa nhà máy xuống gần biển để giảm bài toán nhức nhối là vận chuyển.
“Làm đường ống chuyển tinh quặng xuống không phức tạp, xuất hàng sẽ dễ hơn, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đề nghị như thế” – ông Ban khẳng định. Ông Ban cho rằng việc chuyển nhà máy là hợp lý bởi làm hồ bùn đỏ ở vùng cao nếu có vấn đề gì rất nguy hiểm.
Theo báo cáo của ông Phan Bội Lợi – trưởng Ban quản lý dự án tổ hợp bôxit-alumin Lâm Đồng tại hội nghị tổng kết năm 2012 của TKV, dù đã sản xuất được tới 190.000 tấn quặng tinh vào thời điểm tháng 1/2013 nhưng nhà máy “còn vấn đề”. Cụ thể, theo ông Lợi, “vấn đề lớn nhất còn tồn tại là lắng bùn ở bể cô đặc và hồ thải”.
Báo cáo cho biết đến tháng 1/2013, nhà máy alumin thải ra hồ bùn đỏ tới 61.000m3 và ông Lợi phải đề xuất tăng chi tiêu cho tiêu hao chất trợ lắng, đồng thời rắc thêm vôi bột ở hồ thải quặng đuôi số 5 để đảm bảo yếu tố môi trường.
Theo 24h
Lo "ông" bôxit phá đường
Thông tin cảng Kê Gà (Bình Thuận) được quy hoạch vận chuyển bôxit bị "vỡ" làm cả Đồng Nai lẫn Bình Thuận hết sức lo lắng khi hay tin có phương án vận chuyển bôxit về cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hoặc cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
Sau khi hay tin dự án cảng Kê Gà bị dừng, một người có trách nhiệm ở Đồng Nai thốt lên: "Vậy là phương án vận chuyển bôxit về cảng Gò Dầu đi qua quốc lộ 20, tỉnh lộ 769 và quốc lộ 51 sắp tới sẽ là gánh nặng cho tỉnh. Bởi các tuyến đường này hiện đã quá tải lượng xe lưu thông và đang xuống cấp". Một cán bộ huyện Định Quán ngao ngán nói: "Chỉ mới gánh xe chở nguyên liệu sản xuất bôxit (xút, than...) từ cảng Gò Dầu về Nhà máy Tân Rai mà đường sá ở Đồng Nai đã tan nát, đến lúc xe chở bôxit chạy nữa thì còn gì là cầu đường".
Oằn mình gánh xe chở nguyên liệu bôxit
Ngày 20/2, phóng viên trở lại quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là con đường bị hư hỏng nặng mà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từng thay mặt cử tri "kêu" đến Quốc hội và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Ở quốc lộ này có nhiều đoạn đường loang lổ ổ gà, ổ trâu nhưng chỉ được trám trét tạm bợ, mặt đường như tấm áo vá chằng vá đụp.
Anh Nguyễn Thanh Phong (xã Phú Tân, huyện Định Quán) cho biết quốc lộ 20 từ trước đến nay đã xuống cấp do xe tải chở nông sản từ Lâm Đồng và xe khách chạy liên tục. Từ lúc gánh thêm xe chở nguyên liệu cho Nhà máy bôxit Tân Rai chạy thì tuyến đường này xuống cấp ngày càng nhanh. Anh Lê Văn Tiến (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) cũng nói: "Cầu La Ngà rõ ràng ghi tổng tải trọng là 23 tấn, thế nhưng xe đầu kéo vận chuyển nguyên liệu cho Nhà máy bôxit Tân Rai là loại đầu kéo của Mỹ to hơn cả xe đầu kéo container 30 tấn cứ vô tư đi qua cầu".
Bà Nguyễn Thị Mỵ Dung - chủ tịch UBND xã Túc Trưng, huyện Định Quán - cho biết đoạn quốc lộ 20 đi qua địa bàn xã dài 8km nhưng hầu hết bị hư hỏng nặng. Người dân địa bàn xã có nghe hứa hẹn sửa chữa nâng cấp đường nhưng đến nay đoạn đường này chỉ thấy lấy đất đỏ lấp tạm con đường.
Tuyến đường 769 (do tỉnh Đồng Nai quản lý) nối từ quốc lộ 20 sang quốc lộ 51 cũng vậy. Khu vực này đang được bỏ vốn nâng cấp nhưng nhiều đoạn mặt đường vẫn còn ổ gà, ổ voi. Người dân địa phương nói hằng ngày họ thường chứng kiến xe tải, nhất là xe tải nặng dạng đầu kéo của nhà máy bôxit, vận chuyển nguyên liệu đi về từ cảng Gò Dầu.
Nói về chuyện vận chuyển bôxit, ông Trần Văn Danh - chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất - cho biết thời gian qua người dân rất bức xúc về việc tuyến đường 769 là đường tỉnh có nền rất yếu nhưng xe tải nặng các loại và xe tải chở nguyên liệu cho Nhà máy bôxit Tân Rai đã làm con đường xuống cấp trầm trọng.
Đường tỉnh 769 đang được sửa chữa lại nhưng nhiều đoạn vẫn còn hư hỏng nặng - Ảnh: Hà My
Ngao ngán vì xe chở nguyên liệu bôxit quá tải
Đại tá Ngô Văn Chiến - trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tỉnh Đồng Nai - cho biết trong nhiều cuộc họp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều lo ngại tuyến quốc lộ 20, tỉnh lộ 769 - nơi xe vận chuyển bôxit đi qua - vốn quá chật hẹp, nguy cơ tai nạn giao thông luôn xảy ra".
Thực tế cho thấy thời gian qua có rất nhiều lượt xe chở nguyên vật liệu từ các cảng về Nhà máy Tân Rai vi phạm giao thông. Điển hình như chỉ trong 20 ngày đầu của tháng 2/2013, qua công tác kiểm tra xe quá khổ, quá tải lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện gần 40 trường hợp xe vi phạm. Ông Chiến khẳng định: "Không có ranh giới ưu tiên cho xe vận chuyển nguyên vật liệu bôxit. Tất cả đều phải bình đẳng. Xe nào vi phạm pháp luật chúng tôi phải xử lý".
Ông Lê Quang Bình - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai - cũng nói điều đáng lo ngại nhất lúc này là cầu La Ngà trên quốc lộ 20. Bởi cầu này nối qua sông La Ngà, là tuyến huyết mạch từ Lâm Đồng về Đồng Nai đang luôn trong tình trạng quá tải. Theo ông Bình, chủ trương của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông khi phát hiện xe quá tải, quá khổ phải xử lý triệt để, kể cả xe chở bôxit.
Cầu La Ngà trên tuyến đường huyết mạch nối Lâm Đồng với Đồng Nai vốn đã quá tải, nay lại phải hứng thêm những đoàn xe tải nặng chở bôxit hằng ngày xuôi ngược - Ảnh: Ngọc Hậu
Chờ quyết định của Chính phủ
Tháng 11/2012, Tổng cục Đường bộ với Bộ Giao thông vận tải vào làm việc với Bình Thuận cho biết phương án vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi qua tỉnh Bình Thuận bắt đầu từ La Dạ (đường tỉnh 714, huyện Hàm Thuận Bắc) đến quốc lộ 28 đi vào đường tỉnh 711 (huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình) ra quốc lộ 1.
Tiếp đó, đi thêm khoảng 85km trên quốc lộ 1 để đến cảng Vĩnh Tân. Tổng chiều dài của đoạn đường đi qua Bình Thuận là hơn 140km với kinh phí đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng. Báo cáo này có đánh giá mặt đường thảm nhựa quốc lộ 1 rộng 12m, tải trọng tốt cho việc vận chuyển xe chở nặng. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa đánh giá mặt đường này phải chịu đựng được bao lâu suốt thời gian vận chuyển bôxit...
Theo một cán bộ có trách nhiệm trong ngành giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, nếu chọn phương án vận chuyển bôxit về cảng Vĩnh Tân thì Bộ Giao thông vận tải phải tính toán lập dự án đầu tư nâng cấp chất lượng tuyến đường trên. Lý do, xe chở bôxit có tải trọng lớn nên tuyến đường này hiện không thể chịu đựng được. Ngay cả quốc lộ 1 cũng đang xuống cấp và lưu lượng xe qua lại hằng ngày vốn đã rất lớn. "Chúng tôi chưa biết ai là chủ đầu tư nên không thể nói thêm gì được. Vấn đề này Chính phủ chưa dứt khoát và chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản chính thức nào" - vị này cho hay.
Chưa quyết phương án làm đường chuyển bôxit đến cảng Vĩnh Tân
Theo ông Phạm Quang Vinh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB), đến nay vẫn chưa quyết phương án làm đường chuyển bôxit tới cảng Vĩnh Tân sau khi không đầu tư cảng Kê Gà.
Khi có chủ trương ngừng xây cảng Kê Gà, cuối năm 2012 TCĐB đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ phương án tuyến vận chuyển bôxit qua một số tỉnh lộ để đến cảng Vĩnh Tân. Tuy nhiên, đến nay phương án cho tuyến vận chuyển này vẫn chưa được phê duyệt và TCĐB cũng chưa rõ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) sử dụng ôtô có trọng tải 25 tấn hay 40 tấn để vận chuyển bôxit, trong khi các tuyến đường địa phương mà xe vận chuyển bôxit đi qua chỉ chịu nổi xe có tải trọng khoảng 25 tấn.
Theo TCĐB, TKV phải bỏ tiền nâng cấp tỉnh lộ 769 và 725 để vận chuyển bôxit, nhưng việc cấp vốn nhỏ giọt khiến tiến độ thực hiện rất chậm. Còn việc cải tạo đường vận chuyển bôxit từ Nhân Cơ (Đắk Nông) về Tân Rai (Lâm Đồng) rồi tới cảng Vĩnh Tân mới chỉ là phương án, chưa xác định nguồn vốn. Theo ông Phạm Quang Vinh, TCĐB, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng phương án tuyến vận chuyển bôxit, còn việc TKV bỏ tiền làm đường hay dùng tiền ngân sách là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Ông Vinh cũng cho biết việc ngừng xây cảng Kê Gà khiến chi phí nâng cấp đường vận chuyển bôxit tăng hơn phương án trước đó.
Theo 24h
Dự án bauxite: Đổ tiền vào hang dế Giá xuất khẩu thấp hơn giá thành, chi phí vận tải tốn kém, nhất là khi phương án xây dựng cảng Kê Gà bị loại bỏ, lại thêm những hệ lụy lớn về môi trường..., hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đối mặt với nhiều khó khăn. Dự án bauxite ở Tây Nguyên vừa ra lò mẻ alumin đầu tiên...