Khai quật mộ cổ 2.000 năm của hoàng đế TQ, phát hiện điều kinh ngạc
Khai quật lăng mộ của hoàng đế nhà Hán chỉ tại vị đúng 27 ngày, cách đây khoảng 2.000 năm, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy cả một kho tàng hiện vật và thông tin quý giá.
Khu mộ hoàng đế Lưu Hạ là quần thể lăng mộ còn nguyên vẹn nhất của hoàng tộc nhà Hán.
Theo Ancient Origins, hài cốt được tìm thấy trong lăng mộ chính là Lưu Hạ (92 TCN – 59 TCN) – vị hoàng đế thứ 9 của nhà Hán.
Lưu Hạ là cháu nội của Hán Vũ Đế, một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của nhà Hán. Năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế qua đời mà không có con nối dõi, các đại thần nhà Hán lập vương công là Lưu Hạ làm hoàng đế.
Nhưng Lưu Hạ bị phế truất chỉ sau 27 ngày do ngày đêm ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính, làm đảo lộn phép tắc, phạm tới 1.127 tội.
Lưu Hạ sống cũng không thọ, ông sớm qua đời năm 33 tuổi. Nhưng vì từng là hoàng đế nhà Hán nên Lưu Hạ được hưởng đầy đủ quyền lợi, bao gồm lăng mộ hết sức xa hoa.
Tiền vàng được tìm thấy bên trong khu mộ.
Năm 2015, các nhà khảo cổ Trung Quốc xác nhận ngôi mộ chính trong quần thể ngôi mộ gần Nam Xương, tỉnh Giang Tây chính là của hoàng đế Lưu Hạ. Lăng mộ này còn nguyên vẹn hoàn toàn với cơ số vật phẩm quý giá bằng vàng, bạc, ngọc bích.
Nhóm khảo cổ tìm thấy 10.000 đồng xu bằng vàng, đồng, cùng các nhạc cụ, xe ngựa, và xác ngựa hiến tế. Bên trong một quan tài, các nhà khảo cổ không phát hiện thấy xác chết, mà thấy chứa một chiếc rương toàn là đồng xu cổ.
Ngoài ra, khu mộ còn có rất nhiều vàng và cổ vật quý giá có niên đại từ thời nhà Tây Hán (206 TCN – 9).
Nhà nghiên cứu Xin Lixiang đến từ Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc nói, ông đã nghiên cứu 4.000 lăng mộ thời nhà Hán, nhưng đây là lăng mộ còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay. Các nhà khảo cổ muốn tìm hiểu kỹ hơn trước khi chính thức mở quan tài trong mộ chính.
Quần thể khu lăng mộ của Lưu Hạ rộng tới 40.000 m2, bao gồm có 8 ngôi mộ, các điện tưởng niệm, hệ thống thoát nước và nhiều con đường. Khu mộ này cũng là bằng chứng cho thấy phong tục chôn cất xa hoa của hoàng gia thời nhà Hán. Nhưng việc khu mộ này còn nguyên vẹn sau 2.000 năm là một điều may mắn đối với các nhà nghiên cứu, theo Ancient Origins.
Video đang HOT
Khu mộ còn nguyên vẹn nhưng trong tình trạng ngập nước.
Zhang Zhongli, một chuyên gia khảo cổ cao cấp tại Viện nghiên cứu khảo cổ học Thiểm Tây, mô tả những cấu trúc gỗ đặc biệt vẫn còn tồn tại sau hơn 2.000 năm trong lăng mộ.
378 vật phẩm bằng vàng tìm thấy trong lăng mộ ước tính nặng tới 78 kg, trị giá lên tới hàng triệu USD. Ngôi mộ là một kho tàng, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về tình hình văn hóa, xã hội Trung Hoa thời Tây Hán.
Khu lăng mộ cũng hé lộ những điều chưa biết về hoàng đế Lưu Hạ, rằng ông là người đam mê thư pháp, tôn sùng Khổng Tử, có hiểu biết về âm nhạc.
Theo Danviet
Kết cục bi thảm của Hoàng đế Trung Hoa "sinh nhầm thời đại"
Ít người biết rằng nằm giữa triều đại nhà Hán, có một hoàng đế Trung Quốc lập ra triều đại mới, nắm quyền 16 năm. Ông là người đề ra nhiều cải cách mang tính đột phá nhưng cuối cùng phải nhận cái chết đau đớn.
Vương Mãng lập nên nhà Tân đã làm gián đoạn Trung Hoa thời nhà Hán.
Ngày 6.10.23, 42 vạn quân triều đình nhà Tân bị quân phản loạn đánh tan. 9 "hổ tướng" với 10.000 binh sĩ tinh nhuệ cũng bất lực. 3 ngày trước, quân nổi loạn đã đánh đến kinh thành Trường An, sau những màn giao tranh đẫm máu, không còn gì cản bước quân nổi loạn hướng đến cung điện của hoàng đế.
Ở sâu bên trong cung, Hoàng đế nhà Tân, Vương Mãng bần thần ngồi chờ cái chết. Sau gần 20 năm ngồi trên ngai vàng, Vương Mãng đã làm việc không ngừng nghỉ, đề ra những cải cách, mong muốn một Trung Hoa tốt đẹp hơn. Nhưng giờ đây mọi chuyện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, theo Smithsonian.
Hoàng đế khai quốc nhà Tân
Vương Mãng sinh năm 45 TCN, là cháu ruột của Thái Hoàng hậu Vương Chính Quân - Hoàng hậu duy nhất của Hán Nguyên Đế.
Từ thời của Hán Thành Đế, Vương Mãng đã nắm giữ quyền lực trong triều.
Sau khi hoàng đế băng hà, Vương Mãng được thăng chức làm Đại Tư mã. Ông đưa Hán Bình Đế mới 9 tuổi lên ngôi vua hòng để bản thân dễ bề thâu tóm quyền hành trong triều.
Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, Vương Mãng từ sớm đã thấy cơ nghiệp nhà Hán đang trên đà lụi tàn. Từ đó, ông nuôi mộng trở thành hoàng đế, thực hiện cải cách với mong muốn vực dậy giang sơn.
Sau này, ông là người dâng rượu độc để trừ khử Bình Đế, đưa một hoàng thân 2 tuổi lên ngôi vua. Năm thứ 8, Vương Mãng đường đường chính chính lên ngôi vua, lập nên triều đại nhà Tân.
Đời sống xã hội bị xáo trộn, chiến tranh với các ngoại tộc nổ ra khiến người dân căm phẫn. Nạn mất mùa, hạn hán, vỡ đê xảy ra khiến người dân khởi binh chống nhà Tân.
Vương Mãng nhận thấy số nhà Hán đã tận nên muốn tự mình làm hoàng đế.
Những tông thất nhà Hán nắm lấy thời cơ này, dẫn đầu cuộc khởi nghĩa với danh nghĩa khôi phục nhà Hán để đánh nhà Tân. Cánh quân khởi nghĩa lấy núi Lục Lâm làm căn cứ nên được gọi là quân Lục Lâm.
Năm 23, 42 vạn quân triều đình bị quân Lục Lâm đánh tan. Tình hình thành Trường An nguy cấp. Vương Mãng biết không thể cứu vãn tình thế, dẫn quần thần đến Nam giao tế cáo trời đất để nhờ trời cứu giúp.
Ông ngửa mặt lên trời than: "Hoàng thiên đã mang thiên mệnh cho Vương Mãng, sao lại không diệt trừ lũ giặc? Nếu tôi có lỗi gì, cứ dùng sấm sét giết chết là được rồi!"
Sáng sớm ngày 6.10, Vương Mãng đi ra cửa Bạch Hổ, lên xe của Vương Ấp đón sẵn đến Tiệm Đài, hy vọng vào sự ngăn trở của hồ nước xung quanh để chống lại quân địch. Các công khanh, đại phu và hoạn quan cùng theo đến Tiệm Đài.
Trên đài cao, quân Tân dùng tên bắn xuống chống trả khiến quân Lục Lâm không tiến lên được. Nhưng đến khi tên hết, quân Lục Lâm tiến lên, đến khi Vương Mãng bị dồn vào chân tường, không còn đường thoát.
Vương Mãng chết vào chiều ngày hôm đó, đầu bị chặt rời, xác bị chém thành từng mảnh, lưỡi bị cắt đứt. Đây là kết cục bi thảm đối với một trong những hoàng đế có quãng thời gian trị vì ngắn ngủi nhất lịch sử Trung Hoa. Vương Mãng ở ngôi tất cả 16 năm, thọ 68 tuổi. Triều đại Nhà Tân cũng chấm dứt tại đó.
Đánh giá của người đời sau
Theo các sử gia Trung Quốc, tham vọng cải cách của Vương Mãng vô tình đắc tội với hầu hết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ.
Thứ nhất, khi Vương Mãng nắm quyền, việc đầu tiên ông làm là bắt tay vào cải cách ruộng đất. Vương Mãng hạ chiếu thư lệnh cho tất cả các cường hào, địa chủ trên cả nước chỉ được giữ lại không quá 300 mẫu ruộng, còn lại trao trả toàn bộ cho triều đình.
Mệnh lệnh vừa ban ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía các quý tộc, địa chủ. Tuy nhiên, tầng lớp này phải miễn cưỡng tuân lệnh.
Sau đó, Vương Mãng đem ruộng đất thu được phân phát lại cho nông dân, khiến họ một lần nữa trở thành các tá điền. Nhưng mâu thuẫn xã hội, giai cấp vẫn còn đó. Mất mùa, hạn hán tiếp tục xảy ra khiến đời sống của người dân không hề được cải thiện.
Vương Mãng đề ra những cải cách không hợp thời đại, dẫn đến cái chết bí thảm.
Thứ hai, sau khi xưng đế, Vương Mãng thấy những nô tì, kẻ hầu người hạ kia vừa không có tự do, vừa bị bóc lột, nên đã hạ chiếu thư trả tự do cho họ.
Xem xét từ góc độ hiện đại, đây là chính sách mang đầy tính nhân văn và ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, ở thời đại lúc bấy giờ, những con người đó một khi được trả tự do, không biết phải làm gì để sinh tồn. Có người còn căm hận hoàng đế vì khiến cuộc sống của mình thay đổi.
Những quý tộc, địa chủ lúc bấy giờ, cũng hết sức căm phẫn vì khiến họ mất đất, mất đi kẻ hầu người hạ.
Thứ ba, Vương Mãng còn cải cách trên phương diện lễ nghi. Ông hạ lệnh cho toàn quốc khôi phục các lễ nghi từ thời Tây Chu. Chỉ dựa vào một chiếu thư, Vương Mãng cho ra đời hơn 10 loại tiền khác nhau với sự chênh lệch rất lớn về mệnh giá.
Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các thương nhân, mà còn can thiệp tới đời sống sinh hoạt, buôn bán hằng ngày của nông dân. Mọi người vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống tiền tệ đã được duy trì từ thời Hán Vũ Đế.
Có thể nói, trong suốt 2.000 năm qua, Vương Mãng là một trong những hoàng đế gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử Trung Quốc. Có người ca ngợi ông là nhà cải cách lỗi lạc, là bậc anh hùng sinh nhầm thời. Người lại chê trách ông là kẻ ngông cuồng, thực hiện nhiều chính sách cải cách chẳng qua là để củng cố sự thống trị của cá nhân.
Các ý kiến của giới sử học Trung Quốc về Vương Mãng, dù vậy không hề có sự thống nhất chung. Có người cho rằng Vương Mãng thực hiện nhiều chính sách cải cách chẳng qua là để củng cổ chế độ thống trị, thỏa mãn dục vọng cá nhân, dối lừa lịch sử và xứng đáng chịu sự trừng phạt.
Sử gia Trung Quốc Cát Kiếm Hùng từng nói: "Nếu Vương Mãng thành công thì mọi người sẽ nhìn lại lịch sử nhà Tân với một con mắt khác".
"Nhiều hoàng đế khi lên ngôi thường nêu ra những phương hướng cải cách mới lạ, nhưng sau đó lại trở về với hiện thực. Vương Mãng thì trái lại, vẫn nhiệt tình và ngoan cường tiến hành cải cách theo lý tưởng của mình và chọn lấy cái chết bí thảm".
Theo Danviet
Đài Loan : Đào trộm mộ, người đàn ông chết bí ẩn với tư thế lạ Người dân Đài Loan (Trung Quốc) tá hỏa khi phát hiện xác một người đàn ông mắc kẹt dưới ngôi mộ với tư thế "trồng cây chuối". Chiếc hố người đàn ông đào để trộm các đồ quý giá được chôn theo người chết Taiwan News hôm 20/6 đưa tin, thi thể người đàn ông được phát hiện tại nghĩa trang Meizhen Baijiali,...