Khai mạc Triển lãm quốc tế Hoàng Sa-Trường Sa tại Đà Nẵng
Sáng 21/6, Triển lãm quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” đã được khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng, với nhiều tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lần đầu tiên được công bố.
Ông Bùi VănTiếng, Chủ tịch Hội khoa học và lịch sử Đà Nẵng phát biểu khai mạc Triển lãm.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học và lịch sử Đà Nẵng, cho rằng “Triển lãm Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng mang nhiều ý nghĩa bởi đây là triển lãm quốc tế đầu tiên về những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa hòa bình liên tục từ nhiều thế kỷ nay.
Các đại biểu cắt băng khánh thành triển lãm.
Ông Bùi Xuân Tiếng cho biết, triển lãm diễn ra trong bối cảnh hôm nay “là ngày thứ 52 kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không chỉ khoan thăm dò dầu khí mà còn là, chủ yếu là khoan thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt đồng thời nhằm hiện thực hóa yêu sách đường chín đoạn sai trái của họ.”
Nhiều học giả quốc tế nổi tiếng như Carl Thayer, giáo sư Úc (thứ hai từ phải sang), Tướng Pháp Daniel Schaeffer (thứ ba từ phải sang) đã tham dự khai mạc Triển lãm.
Ông Bùi Văn Tiếng bày tỏ “hi vọng cuộc triển lãm lần này không chỉ góp phần cho cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc rút ngay không điều kiện giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 và có khả năng là giàn khoan Nam hải số 9 cùng các tàu vũ trang, tàu quân sự hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam mà còn góp phần vào việc tranh luận học thuật nhằm vạch trần, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và rộng hơn là ý đồ của nhà cầm quyền Trung Nam Hải muốn độc chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải”.
Video đang HOT
Tiến sỹ khoa học Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng giới thiệu về các tài liệu được trưng bày tại Triển lãm.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Dân Trí, Tiến sỹ khoa học Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, triển lãm lần đầu tiên giới thiệu tấm bản đồ của Thủ tướng Hà Lan tặng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng vào năm 2011.
Tấm bản đồ do Thủ tướng Hà Lan tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được trưng bày tại triển lãm.
Đây cũng là lần đầu tiên bản đồ Partie de la Chine và các chú thích liên quan nằm trong tập Alas Universel, xuất bản tại Bỉ năm 1827, Việt Nam mới thu thập về được giới thiệu tại triển lãm. Bên cạnh đó, Triển lãm cũng lần đầu giới thiệu bộ hồ sơ đèn biển được Pháp xây dựng ở Hoàng Sa 1937-1939 do một công dân Đà Nẵng tặng và bộ hồ sơ về khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942 do một công dân ở TP Hồ Chí Minh trao tặng. Ngoài ra, Triển lãm cũng lần đầu công bố bản sao giấy khai sinh của một em bé Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940.
Đặc biệt, cuốn biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 liệt kê các thông số về thời tiết do các trạm khí tượng đo được tính đến ngày 31/2/1940 trong đó có trạm số 48859 trên đảo Phú Lâm và trạm 48860 trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa; Trạm số 48919 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời Pháp thuộc.
Bản đồ do Van Lochen, Hà Lan, thực hiện năm 1640 chứng minh Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Theo Tiến sỹ Sơn, Triển lãm cũng “giới thiệu thêm một loạt 7 bản đồ mới nhất được Viện Hán Nôm công bố, nằm trong các tài liệu Hán Nôm mà các học giả và nhà nước phong kiến Việt Nam vẽ từ thế kỷ 17 cho đến thế kỷ 19″.
Trong số này có các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 – 1841) đến thời Bảo Đại (1925 – 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa… Đây là những văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá trị về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài ra Triển lãm cũng giới thiệu nhiều cuốn sách cổ viết về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686 ); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Đại Nam nhất thống chí (1882); Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)…
Triển lãm cũng giới thiệu phiên bản Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838)…; trưng bày các bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; các bản đồ nước ngoài và Trung Quốc về cương vực lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tiến sỹ Sơn cho biết “tất cả những tài liệu đều có giá trị, là những tài liệu ghi chép bằng văn bản của nhà nước Việt Nam, của các học giả, công trình nghiên cứu của nước ngoài, thừa nhận Việt Nam đã có một quá trình khai phá, xác lập thực thi chủ quyền từ ít nhất thế kỷ 16. Chúng ta cần những tài liệu này trong việc xây dựng bộ hồ sơ về bằng chứng lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bản đồ Partie de la Chine được công bố tại triển lãm.
Triển lãm “Hoàng Sa-Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ mở cửa tới ngày 30/6.
Thùy Trang
Theo Dantri
Đại biểu đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết cần thể hiện lập trường chính nghĩa của Việt Nam, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc với hành động vừa đám vừa xoa, vừa đánh vừa đàm, vừa ăn cướp vừa la làng.
Sáng nay, 19/6, tại buổi Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) bất ngờ dành thời lượng phát biểu của mình trình bày những băn khoăn của mình về tình hình biển Đông. Trong bài phát biểu đại biểu Nghĩa thiết tha đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết chính thức về tình hình biển Đông hiện nay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông (Ảnh Việt Hưng)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết cần thể hiện lập trường chính nghĩa của mình, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc với hành động vừa đám vừa xoa, vừa đánh vừa đàm, vừa ăn cướp vừa la làng. Đồng thời nghị quyết cho phép các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế.
"Nếu Quốc hội không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông, thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Các đại biểu chắc chắn sẽ nghe nhiều ý kiến chất vấn của cử tri, còn dư luận thế giới chắc chắn sẽ bình luận rằng: một hành vị xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng gì thì việc gì nghị sỹ và nhân dân các nước khác lên tiếng. Đó còn có thể là cái cớ để Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa", đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo ngại.
Vì vậy, đại biểu Trương Trong Nghĩa mong rằng lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp nhận kiến nghị này. Nếu cần thì lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, trường hợp đa số ủng hộ thì ta làm.
"Tôi rất mong đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi. Tôi xin lỗi vì phải trình bày điều này tại buổi họp, vì trong chương trình còn lại không có mục nào dành cho biển Đông" đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ những băn khoăn của mình.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nói: "Ý kiến của địa biểu Trương Trọng Nghĩa cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Tôi cũng có đề nghị như vậy. Vấn đề là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn cách thức như thế nào để đáp lại cái đề nghị của đại biểu".
Theo đại biểu Nam, cách thức chiến thuật có thể khác nhau nhưng bản chất của Trung Quốc thì không thay đổi. Do vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông vừa qua cũng chỉ là sự tiếp tục của chiến lược Trung Quốc về độc chiếm biển Đông. Và việc làm này có thể sẽ làm tình hình phức tạp tăng lên.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu bà đã có quan điểm, Quốc hội nên có Nghị quyết về tình hình biển Đông. "Tôi đồng tình với quan điểm Việt Nam cần phải kiên trì đối thoại nhưng trên nguyên tắc không được xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Việt Nam kiên nhẫn có giới hạn, có mức độ thôi chứ không thể quá... nhún được", đại biểu nói.
Theo đại biểu Bùi Thị An, tình hình hiện nay có nhiều khó khăn vì vậy phải đòi hỏi sự thông minh, khôn khéo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó nhân dân luôn đồng lòng, cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa và mong muốn giải quyết được vấn đề này.
"Nhân dân cũng mong muốn nhà nước đấu tranh mềm mỏng nhưng đảm bảo đúng nguyên tắc chủ quyền, nhất định không được xâm lấn đất nước Việt Nam. Mình cũng phải chuẩn bị tất cả các căn cứ pháp lý để kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế", đại biểu Bùi Thị An nêu quan điểm.
Quang Phong
Theo Dantri
Điều trị vết thương cho 2 con hổ bị quẳng xuống đường Sau khi được đưa về Trung tâm bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát, 2 cá thể hổ bị quẳng từ trên xe xuống đường đang được các cán bộ ở đây chăm sóc, điều trị vết thương. Ngày 17/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia...