Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan khai mạc tại Hà Nội sáng nay, khi khu vực đang nỗ lực kiểm soát và khắc phục hậu quả Covid-19.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ khai mạc và phát biểu chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đánh giá năm 2020 “đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới”, trong đó đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội sáng nay. Ảnh: Vũ Anh.
“Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc cần hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ sát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thái độ thiện chí của các bên”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong bối cảnh đó, đã có những “điểm sáng đối phó thách thức được ghi nhận ở châu Á – Thái Bình Dương với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN”.
Video đang HOT
“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát Covid-19, cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế”, ông khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó phát biểu khai mạc, chào mừng lãnh đạo các nước ASEAN và các quốc gia đối tác của ASEAN tham dự hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và đại diện các phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam dự họp trực tiếp. Dự họp trực tuyến có lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác.
Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị giữa khối với những đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand. Thủ tướng cũng chủ trì Hội nghị Cấp cao Đông Á, Hội nghị Cấp cao Mekong với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khai mạc sự kiện sáng 12/11. Ảnh: Vũ Anh .
Hội nghị trực tuyến kéo dài tới 15/11, là hội nghị cấp cao cuối cùng và quan trọng nhất trong năm Việt Nam làm chủ tịch. Hội nghị là dịp để ASEAN đánh giá tổng thể kết quả hợp tác nội khối, ngoại khối và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Các lãnh đạo dự kiến thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện – số lượng nhiều nhất từ trước đến nay.
Các lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi 4 nội dung chính gồm đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN vượt qua các khó khăn thách thức; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi Covid-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
ASEAN và Nhật Bản sẽ công bố kế hoạch thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Khối cũng sẽ công bố lập kho dự phòng vật tư y tế ASEAN để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp. Các nước dự kiến thiết lập hành lang đi lại an toàn trong năm tới.
Chuyên gia Singapore đánh giá Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020
Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức tại Hà Nội dưới hình thức họp trực tuyến từ ngày 12-15/11, phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore, đánh giá về Hội nghị và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện ISEAS-Yusof Ishak kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS, Singapore phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: Lê Dương/Pv TTXVN tại Singapore
Đánh giá ý nghĩa của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đối với khu vực trong bối cảnh hiện này, ông Choi Shing Kwok cho rằng Hội nghị bị phủ bóng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đông Nam Á chỉ chiếm 2% số ca mắc COVID-19 và 1% số ca tử vong trên toàn cầu, nhìn chung đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch vẫn có tác động nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế của người dân trong khu vực, đặc biệt là những bộ phận dân chúng dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài thiệt hại trực tiếp về y tế và kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra, ông cho rằng sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị ở bên ngoài cũng tác động đến khu vực trong khi một số nước thành viên ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Myanmar cũng đã và đang trải qua những biến động chính trị trong nước cùng với dịch bệnh.
Đồng thời, ông Choi nhận định khu vực ASEAN cũng có những hy vọng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng chuyển hướng sang khu vực trong sự thúc đẩy của xu hướng đa dạng hóa và tái phân bổ, vốn đã nổi lên trước khi dịch bệnh xảy ra. Ông khẳng định các nền kinh tế đang nổi lên của khu vực như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích này.
COVID-19 cũng đã đẩy nhanh quá trình số hóa của Đông Nam Á, với việc các công ty chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến và các chính phủ phân bổ ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các nỗ lực chuyển đổi của họ. Ông nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ dẫn dắt khu vực đối phó với hoàn cảnh đầy thách thức hiện nay và vạch ra con đường để các nước và khu vực vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác khu vực đối phó với COVID-19 và khôi phục kinh tế, ông Choi Shing Kwok khẳng định 2020 là năm đặc biệt khó khăn và Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trước tất cả những khó khăn và trở ngại.
Ông đánh giá, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã đảm bảo sự quan tâm đồng đều của khối dành cho các cuộc thảo luận về những biện pháp đối phó trước mắt với dịch bệnh cũng như các kế hoạch phục hồi dài hạn sau đại dịch. Bên cạnh Quỹ ứng phó COVID-19 ASEAN - là một trong những cơ chế đầu tiên được thành lập để đối phó với những thách thức y tế trước mắt, Hiệp hội cũng đã xây dựng Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN để định hướng khu vực hành động khôi phục sau đại dịch.
Theo ông, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam cũng lưu tâm các vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, số hóa và Biển Đông. Khi dịch bệnh lan rộng và các nước phải đóng cửa biên giới hồi tháng 3, Việt Nam đã có sáng kiến chủ động chuyển sang hình thức họp trực tuyến ở các cấp khác nhau. Hình thức họp này giúp khắc phục những trở ngại, tiết kiệm thời gian và đem lại những động lực mới.
Về triển vọng ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, ông Choi đánh giá các cuộc đàm phán về RCEP đang diễn ra hết sức thuận lợi, khả năng RCEP được ký kết là rất cao. RCEP được ký kết sẽ là sự thúc đẩy tinh thần hết sức cần thiết đối với nhiều quốc gia trong khu vực khi chúng ta đang tiếp tục nỗ lực chống suy thoái kinh tế do dịch bệnh gây ra và cũng cho thấy rằng khu vực quyết tâm xây dựng lại tốt hơn trước những thách thức đối với thương mại đa phương.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN cắt giảm khí thải Đài truyền hình NHK cua Nhât Ban ngày 11/11 đưa tin, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản sắp tới, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự đinh chuyển tải thông điệp Tokyo sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN cắt giảm khí thải. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự đinh chuyển tải thông điệp Tokyo sẵn sàng hỗ trợ các nước...