Khách Tây gợi ý những điểm đến ‘vừa xinh đẹp vừa tránh đông đúc’ ở Việt Nam
Từng chắp bút cho ba cuốn sách hướng dẫn du lịch và viết hơn một trăm câu chuyện về du lịch Việt Nam, Joshua Zukas đã đưa ra những gợi ý giúp du khách biết tới những điểm đến tránh được đông đúc nhưng không thể bỏ qua ở đất nước hình chữ S.
Theo Zukas, mỗi thị trấn, thành phố hay địa phương nào đó đều có những giá trị riêng. Những điểm đến nổi bật được ưa chuộng là có lý do, nhưng sự nổi tiếng kéo theo là lượng khách du lịch quá mức, đám đông, tiếng ồn và sự chờ đợi mệt mỏi.
“May mắn thay, có những lựa chọn thay thế khả thi cho các điểm nóng du lịch của Việt Nam. Đối với những ai muốn thoát khỏi những đám đông hơn là săn lùng những điểm nổi bật, có năm điểm đến tôi khuyên bạn nên cân nhắc khám phá”, Zukas chia sẻ.
1. Thay vì Sa Pa, hãy đến những vùng nông thôn khác ở miền Bắc
Sa Pa đã có một bề dày phát triển du lịch. Nổi tiếng là vùng đất tránh nóng ở miền Bắc từ thời Pháp thuộc, Sapa giờ đây cách Hà Nội sáu giờ đi xe, thậm chí còn phổ biến hơn với nhiều du khách. Do đó, trung tâm thị trấn thực sự là một công trường xây dựng hết năm này qua năm khác.
Trái lại, nhiều điểm đến khác xung quanh Sa Pa lại vẫn giữ được vẻ hoang sơ và yên bình. Zukas gợi ý một số cái tên tiêu biểu nằm ẩn mình trong vùng núi phía Bắc bao la của Việt Nam mà du khách có thể khám phá như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông với những khu lưu trú trên núi tuyệt vời, Mù Cang Chải nổi tiếng với ruộng bậc thang nhiều tầng, Hà Giang có những cung đèo đẹp nhất Đông Nam Á và Vườn quốc gia Ba Bể với những hang động tuyệt vời.
2. Thay vì Vịnh Hạ Long, hãy đến Hải Phòng
Vịnh Hạ Long, cách Hà Nội ba giờ đi xe, là điểm đến nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Ninh. Điểm nóng này có tất cả những đặc điểm nổi bật của một địa điểm du lịch hàng đầu như: nhiều truyền thuyết ly kỳ, khung cảnh đẹp như tranh vẽ, ẩm thực địa phương hấp dẫn và các chuyến du ngoạn trên biển giá cả phải chăng.
Nhưng đôi khi, số lượng du khách đổ tới đây dường như đang làm lu mờ tất cả những điều kể trên, khiến cả UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), bày tỏ lo ngại. Năm 2016, có 8,3 triệu lượt khách du lịch đến thăm Quảng Ninh. Đến năm 2019, tức một năm trước đại dịch COVID-19, con số đó đã tăng lên 14 triệu người.
Video đang HOT
Trong khi đó, vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà ở tỉnh Hải Phòng có phong cảnh tương tự, nhưng lại có ít tàu du lịch hơn. Đồng thời các hoạt động du lịch cũng đã được triển khai nhiều hơn trong những năm gần đây.
Các chuyến du ngoạn trên vịnh Lan Hạ hiện đang cạnh tranh với vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, tới đảo Cát Bà, du khách có thể tham gia các hoạt động dưới nước như chèo thuyền kayak hay bơi lội cũng như các hoạt động trên cạn như leo núi và đi bộ đường dài.
3. Thay vì Hội An, hãy đến Huế
Đi ngang qua khu phố cổ đầy đèn lồng của Hội An, địa điểm du lịch văn hóa của miền Trung Việt Nam, có thể khiến nhiều người choáng ngợp vì lượng khách đổ tới đây. Tình trạng quá tải thậm chí còn khiến chính quyền địa phương phải đề xuất phương án thu phí vào phố cổ gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.
Trong khi cố đô Huế, một thành phố di sản khác, cách Hội An 123km về phía bắc, dường như tĩnh mịch hơn. Phía bắc sông Hương là rải rác những cung điện, chùa chiền và đền thờ, mang đậm tính lịch sử.
4. Thay vì Đà Nẵng, hãy đến Quy Nhơn
Là thành phố lớn nhất miền Trung Việt Nam với hơn một triệu dân, Đà Nẵng có bãi biển ngay trong thành phố, có thể cạnh tranh với nhiều thành phố biển khác trên thế giới như Miami (Mỹ) hay Rio de Janeiro (Brazil) và Barcelona (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, việc tìm một nơi yên tĩnh bên bờ biển, đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ hay những tháng hè đầy nắng, có thể là một thách thức lớn.
May mắn thay, vị trí địa lý giáp biển của miền Trung Việt Nam đã và đang ươm mầm cho một số bãi biển đô thị khác ít được biết đến hơn. Phía nam Đà Nẵng là Quy Nhơn, một thành phố biển sạch sẽ và yên tĩnh được bao quanh bởi những ngôi tháp Chăm hàng trăm năm tuổi và những làng chài như mê cung. Phía bắc Đà Nẵng là Đồng Hới, một thành phố biển yên bình khác và gần những hang động độc nhất vô nhị của vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
5. Thay vì Phú Quốc, hãy đến Côn Đảo
Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất đất nước ở miền nam Việt Nam ngoài khơi Campuchia, từng được mệnh danh là Phuket hay Bali tiếp theo. Ở đây có không ít những công trường xây dựng bị bỏ hoang, những khách sạn chưa hoàn thiện.
Côn Đảo, cũng là một hòn đảo ở miền Nam Việt Nam, nhưng có ít du khách hơn. Theo đó, hòn đảo này dường như đã rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm của các điểm đến khác bằng cách hạn chế xây dựng, quản lý lượng khách du lịch và ban hành các chính sách bảo vệ môi trường. Những lựa chọn khách sạn có hạn và hòn đảo này không hề dễ đến.
Cô gái H'Mông tự học ngoại ngữ, dẫn khách Tây trải nghiệm Sa Pa
Cô gái người H'Mông Lý Thị Sú (23 tuổi, Sa Pa, Lào Cai) gây ấn tượng với du khách bởi gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi cùng khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát.
Mặc bộ trang phục truyền thống, đeo một chiếc túi nhỏ đựng nước, khăn cho du khách, Sú có thể đi bộ 15-20 km dẫn tour mà vẫn tràn đầy năng lượng.
Vừa đưa du khách trekking qua những cung đường đẹp nhất Sa Pa, Sú vừa chia sẻ về lịch sử ra đời, đặc trưng của bản Cát Cát, Ý Linh Hồ, thung lũng Mường Hoa, giới thiệu về trang phục, văn hóa của bà con dân tộc H'Mông...
Lý Thị Sú giới thiệu về mùa vàng Ý Linh Hồ tới hai du khách từ Tây Ban Nha.
Sú sinh ra và lớn lên ở Sử Pán - khu bản nằm cheo leo trên sườn núi đá Nà Trông, nhìn xuống thung lũng Mường Hoa, cách trung tâm thị xã Sa Pa chừng 15 km, xuôi về phía nam. Giống như nhiều đứa trẻ người Mông khác trong bản, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sú phải nghỉ học sớm, làm việc đỡ đần cha mẹ.
Cùng bạn bè ra trung tâm Sa Pa bán hàng, Sú bắt đầu làm quen với tiếng Anh. Từ những từ đơn lẻ đơn giản, cô bé H'Mông bắt đầu học các câu giao tiếp, chủ động làm quen với du khách quốc tế.
"Từ lúc nào không hay, mình có thể nghe và nói tiếng Anh với du khách, dễ dàng bán hàng hoặc hỗ trợ nếu họ cần. Từ năm 2013, mình bắt đầu làm hướng dẫn viên địa phương cho các đơn vị lữ hành hoặc các homestay, khu nghỉ dưỡng tại Sa Pa", Sú cho biết.
Sú đã có 9 năm làm hướng dẫn viên địa phương cho du khách.
Hiện nay, Sú thường dẫn các tour đưa du khách trekking mùa lúa tại Sa Pa. Cung đường qua Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van được du khách ưa thích. Du khách sẽ đi bộ từ khu vực trung tâm thị trấn đến Cát Cát, Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van, men theo con đường nhỏ quanh co nằm giữa những ruộng lúa trĩu bông.
Sú cho biết, cung đường này khoảng 15-16km, di chuyển trong 5-6 tiếng. Tùy theo sức khỏe và mong muốn của du khách, Sú sẽ chọn cung đường phù hợp. Cô có thể đưa khách trải nghiệm lội suối, leo đồi, vào nhà dân xem nhuộm vải, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Mùa lúa tại Sa Pa là thời điểm Sú đón nhiều du khách nhất trong năm.
"Mỗi tour trekking có mức giá khác nhau, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi ngày, các hướng dẫn viên địa phương như mình có thể kiếm được 400.000-600.000 đồng, chưa tính tiền tip", Sú chia sẻ.
Những tháng cao điểm hè, Sú gần như đi tour nguyên tháng. Thu nhập những tháng này thường khá cao.
"Sú là cô gái rất nhanh nhẹn, thông minh, am hiểu văn hóa địa phương và rất chịu khó nâng cao kỹ năng. Du khách tại resort chúng tôi thường yêu thích những hướng dẫn viên địa phương như Sú.
Vì là người bản địa nên hầu như chỗ nào các bạn ấy cũng biết. Trên đường đi, trước bất kỳ câu hỏi nào của du khách, các bạn hướng dẫn viên địa phương đều ân cần giải thích, giới thiệu, đáp ứng sự tò mò trước những điều mới lạ của du khách", bà Thu Lưu - Giám đốc kinh doanh khu nghỉ dưỡng sinh thái tại Sa Pa - cho biết.
Sú được nhiều du khách quốc tế yêu thích vì sự am hiểu địa hình, văn hóa Sa Pa.
Tại Sa Pa hiện nay, có rất nhiều bà con dân tộc học tiếng Anh để làm hướng dẫn viên, phục vụ khách du lịch. Đây cũng là cách để họ khéo léo quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa tới du khách phương xa.
Anh Mercedes và chị Ivan, du khách Tây Ban Nha cho biết: "Sa Pa thực sự quá đẹp và có nhiều nét văn hóa truyền thống thú vị. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi đã tìm được những hướng dẫn viên là người bản địa. Họ rất am hiểu địa hình, văn hóa ở đây, mang tới cho chúng tôi những thông tin ngoài sách báo, truyền thông".
Anh Mercedes và chị Ivan đến từ Tây Ban Nha.
Để trở thành hướng dẫn viên địa phương giỏi và chuyên nghiệp, ngoài việc tự trau dồi ngoại ngữ, kiến thức, tình yêu với mảnh đất Sa Pa, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, các hướng dẫn viên cũng cần phải trải qua các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn để được cấp thẻ hành nghề được tổ chức bởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai và Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai theo định kỳ.
Công việc hướng dẫn viên du lịch mang đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân tộc tại Sa Pa.
Công việc hướng dẫn viên du lịch mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nhiều bà con người Mông, Dao tại Sa Pa, giúp xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo động lực để họ bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống địa phương. Mỗi hướng dẫn viên này chính là một đại sứ văn hóa của du lịch Sa Pa.
Khách Tây chơi gì về đêm ở Hà Nội? Cuộc sống về đêm ở Hà Nội thu hút khách quốc tế với nhiều hoạt động thú vị như uống bia ở phố Tạ Hiện, ăn phở đêm, tham gia các tour đêm... Ăn kem, đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm Hồ Hoàn Kiếm là một trong những điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội không chỉ với du khách trong nước mà...