‘Khách sạn mở tivi phải trả tác quyền âm nhạc là đương nhiên’
“Tivi có âm nhạc, có nghĩa là âm nhạc được khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy, việc phải trả tiền tác quyền là đương nhiên”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Ngày 25/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch họp về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng đang được dư luận quan tâm.
Ngay sau cuộc họp, ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – đã giải đáp một số thắc mắc của truyền thông.
Ông Hùng khẳng định theo luật sở hữu trí tuệ, các quy định hướng dẫn và công ước Berne, việc triển khai thu tiền tác quyền tại Đà Nẵng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị VCPMC phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Về phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết việc thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn tại Đà Nẵng đã được tiến hành từ 3,4 năm nay. Riêng Hà Nội và TP.HCM đã được thu hơn 10 năm.
“Tivi mà dùng riêng ở gia đình thì không có vấn đề gì nhưng ở đây là dùng trong kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền. Chỉ cần làm một phép so sánh thế này, nếu không có tivi, dịch vụ của khách sạn sẽ bị giảm. Việc sử dụng tivi là để nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua tivi có âm nhạc thì có nghĩa là âm nhạc đã được các chủ khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy việc phải trả tiền tác quyền là đương nhiên”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc khu vực miền Bắc VCPMC – cũng đồng quan điểm cho rằng: “Truyền hình đã và đang tiến hành thanh toán tiền bản quyền cho chúng tôi thì đó là họ thanh toán quyền phát sóng tác phẩm đến công chúng. Đối với việc thu tiền từ các tivi ở khách sạn là thu tiền từ các tivi có sử dụng vào mục đích kinh doanh chứ không phải là thu tiền của người xem là người dân bình thường”.
Video đang HOT
Ông Giang cho biết thêm hiện nay Trung tâm không thể kiểm soát được lượng ca khúc mà khách sạn sử dụng, cũng như số đầu tivi có trong khách sạn mà chủ yếu là dựa trên số liệu mà khách sạn cung cấp. Do đó việc rạch ròi tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được khách sạn đang sử dụng vẫn ở mức tương đối, tức là chưa thực sự công bằng.
Lãnh đạo VCPMC mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được phần mềm hỗ trợ để kiểm soát được tần suất sử dụng ca khúc tại những đơn vị kinh doanh này thì việc thu và phân phối tác quyền sẽ minh bạch hơn.
VCPMC khẳng định dù thế nào họ cũng sẽ kiên trì thuyết phục để các chủ kinh doanh khách sạn nói riêng và cộng đồng hiểu rõ hơn về việc thực thi tác quyền.
Ngày 24/5, trao đổi với Zing.vn, chủ nhiều khách sạn ở Đà Nẵng bức xúc trước việc họ bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) yêu cầu trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc.
Sự việc xảy ra ngày 28/4, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam ký văn bản số 177 gửi các khách sạn ở Đà Nẵng.
Trong nội dung văn bản, VCPMC yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng phải trả tiền khi sử dụng những tác phẩm âm nhạc. “Việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền được thực hiện từ ngày 10/5″, văn bản nêu.
Văn bản do VCPMC ban hành còn nhấn mạnh nếu chủ doanh nghiệp không trả tiền sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính theo Nghị định 131 của Chính phủ.
Theo Zing
"Việc cấp phép cho ca khúc là... thảm họa!"
Nhạc sĩ Nguyễn Cường việc cấp phép cho các ca khúc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn là nhảm nhí, thậm chí bị ví là "thảm họa". Nhạc sĩ Phó Đức Phương thì cho rằng, việc đó là không cần thiết, tốn công của, gây mệt mỏi cho đời sống âm nhạc...
"Việc cấp phép các ca khúc là không cần thiết"
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chỉ ra 4 điều hệ lụy khi Cục NTBD ra văn bản "phổ biến rộng rãi" cho hơn 300 ca khúc.
Một là, không cần thiết. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, việc công bố danh sách hơn 300 ca khúc nhạc đỏ được phổ biến rộng rãi là không cần thiết vì bản thân các ca khúc đã được phổ biến rộng rãi rồi. Hàng vạn ca khúc khác cũng thế, không cần thiết phải cấp phép. Hai là, bất khả thi. Ba là, tốn kém thời gian và tiền bạc của Nhà nước. Và bốn là gây rốn ren trong đời sống xã hội nói chung, gây rối ren, mệt mỏi, nhiễu nhương trong đời sống âm nhạc nói riêng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng việc cấp phép ca khúc tốn công sức, mất thời gian, gây mệt mỏi...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ: "Mấy tháng trước, khi trả lời báo chí xoay quanh vấn đề cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tôi có nói rằng chỉ nên liệt kê danh sách các ca khúc bị cấm. Nhưng nghĩ lại, tôi cũng thấy việc này là không cần thiết, nó tốn công sức. Theo tôi, chỉ đưa ra những nguyên tắc cấm, ví dụ như ảnh hưởng đến an ninh, ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, gây thù hằn dân tộc, vi phạm thuần phong mỹ tục...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, hành động cấp phép ca khúc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn có sự bất cập trong tư duy và sai lầm phương pháp quản lý.
"Không nên lẫn lộn khái niệm cấp phép. Chỉ có tác giả (chủ sở hữu tác phẩm) mới được quyền cho phép hay không cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ có quyền kiểm duyệt tác phẩm nào vi phạm hay không...", nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ thêm...
"Cấp phép cho Quốc ca Việt Nam - Chuyện rất buồn cười"
Đồng quan điểm với nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng một ca khúc ra đời, quyền thuộc về tác giả. "Tôi chẳng thấy đất nước nào trên thế giới cấp phép ca khúc cả. Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quyền cấm hát, cấm biểu diễn ca khúc nào đó nhưng không có quyền cấp phép. Quyền thuộc về tác giả", nhạc sĩ Nguyễn Cường khẳng định.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói thêm: "Sáng tác ca khúc cũng là một trong những hoạt động nghệ thuật. Vẽ tranh cũng thế. Nhưng Cục có đến từng phòng tranh để cấp phép cho từng bức tranh hay không? Sao lại cấp phép cho ca khúc?".
Vị nhạc sĩ này thẳng thắn cho rằng, việc cấp phép cho các ca khúc là nhảm nhí, thậm chí là "thảm họa". Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn công bố danh sách hơn 300 ca khúc được phổ biến rộng rãi, trong đó có Quốc ca Việt Nam là rất "buồn cười".
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho rằng việc cấp phép ca khúc là nhảm nhí, buồn cười...
"Cục có thể công bố danh sách các ca khúc bị cấm vì vi phạm chống phá này nọ, nhưng cũng phải hết sức cẩn thận kẻo gây phản ứng trong dư luận. Tôi được biết, từng có người bước vào vòng lao lý vì hát một số ca khúc nhạy cảm, nhưng nay các ca khúc đó đang được hát trên truyền hình", nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết.
Trước thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến những ca khúc không vi phạm thuần phong mỹ tục, không vi phạm chống phá này khác... thì không cần phải cấp phép, nhạc sĩ Nguyễn Cường rất đồng tình.
"Các sáng tác của tôi cũng vậy, sáng tác nhiều, tôi cũng chưa khi nào đến xin cấp phép các ca khúc của mình cả", tác giả "Ly café Ban Mê" chia sẻ.
Khi hay tin, ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của mình có tên trong danh sách vừa được công bố phổ biến rộng rãi, nhạc sĩ Phạm Tuyên khá... hoang mang. Ca khúc mà nhiều thế hệ khán giả thuộc làu làu, giờ mới được phép phổ biến rộng rãi?
Theo Nguyễn Hằng (Dân Trí)
Đêm nhạc Phó Đức Phương: Ấn tượng, thăng hoa nhất là màn saxophone Màn song ca đầy ngẫu hứng của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần qua ca khúc Về quê gây ấn tượng và cảm xúc trong đêm liveshow Trên đỉnh phù vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tối 29.12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã tổ chức liveshow kỷ niệm 50...