Khách nhập cảnh Việt Nam tự trả phí xét nghiệm và cách ly
Khách nhập cảnh Việt Nam dự kiến được cách ly 5 ngày tại cơ sở lưu trú, trong thời gian này sẽ làm xét nghiệm PCR hai lần.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm trên tại cuộc họp với các đơn vị về việc mở rộng cách ly tại cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam nhập cảnh.
Ông Dũng cho hay tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mở lại các đường bay quốc tế từng bước, thận trọng nhưng không nên quá khắt khe, sẽ kìm hãm cơ hội phát triển.
“Hiện nhu cầu của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn sang Việt Nam khảo sát là rất lớn, nếu chúng ta đóng cửa và cách ly 14 ngày thì không ai sang”, ông Dũng nói.
Vì vậy, qua ý kiến các bộ ngành, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19 vào ngày mai (11/9).
Theo đó, về kiểm dịch, trước khi lên máy bay về Việt Nam, khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính của nước sở tại trước đó khoảng 3 ngày, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly.
Tại các cơ sở lưu trú, dự kiến khách sẽ được cách ly 5 ngày; trong khoảng thời gian này, sẽ xét nghiệm PCR hai lần; nếu có kết quả âm tính, khách được chuyển về theo dõi tại gia đình. Khách sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm và cách ly.
Đề xuất trên trước mắtáp dụng với cán bộ mang hộ chiếu công vụ, ngoại giao; cơ quan, tổ chức quốc tế; chuyên gia, nhà quản lý, lao động kỹ thuật cao; nhà đầu tư, người thân của những người này; chưa đặt vấn đề với khách du lịch quốc tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý khi mở các đường bay quốc tế, lượng khách về Hà Nội và TP HCM sẽ rất lớn, nên hai địa phương cần tăng cơ sở lưu trú, đăng công khai danh sách và chi phí. Các cơ sở lưu trú được đề nghị có khuyến mãi, kiểm soát dịch vụ tốt, không tăng giá; có phương án phòng chống dịch hiệu quả.
Với khách đi từ nước thứ ba, như quá cảnh sang Nhật Bản, Hàn Quốc… rồi về Việt Nam, sẽ phải đi máy bay khác, sau đó thực hiện đúng quy định cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày.
Bộ Y tế được đề nghị quan tâm đến khả năng sẵn sàng xét nghiệm PCR trả kết quả nhanh, chính xác.
“Chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính, cấp visa nhanh, có thông tin kết nối tốt với các địa phương, doanh nghiệp để khách có thể nhập cảnh dễ dàng cũng như thực hiện tốt việc cách ly”, ông Dũng nói và cho biết sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo để các bộ, ngành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, không gây khó khăn, không phát sinh thêm thủ tục.
Ngày 3/9, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc mở đường bay với các nước được đánh giá là có khả năng an toàn cao. Bộ đề nghị ngày 15/9 kết nối đường bay với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngày 22/9 kết nối đường bay với Lào, Campuchia và Đài Loan.
Sau khi đánh giá năng lực cách ly, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tần suất bay với mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ là 2 chuyến mỗi tuần (một chiều đến, một chiều đi), dự kiến số hành khách nhập cảnh cần cách ly một tuần là gần 5.000 người tại Hà Nội và TP HCM.
Từ ngày 1/4, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước. Gần đây, một số hãng hàng không nước ngoài đã được khai thác lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam, song chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay chở khách vào Việt Nam thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao, hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và đều được cách ly phòng dịch.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dân chủ quan, đổ ra đường tụ tập rất nguy hiểm
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng là yêu cầu người dân ở nhà vì vậy nếu lơ là, coi thường cách ly xã hội là rất nguy hiểm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng trả lời báo chí để làm rõ hơn về cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời báo chí, làm rõ hơn vấn đề thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. (Ảnh: VGP)
- Qua 1 tuần cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện thì cũng thấy nhiều biểu hiện của việc chủ quan, lơ là, người dân vẫn ra đường đông hoặc tụ tập..., thưa ông?
Ngày 27/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15 và sau 4 ngày (ngày 31/3), Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16. Cấp độ của Chỉ thị 16 so với Chỉ thị 15 là cao hơn một bước.
Lý do bởi nhận định tình hình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, có những nước có số ca tử vong lớn. Khi đó, Thủ tướng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ trong chỉ thị 16.
Một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và trước mắt sẽ được áp dụng đến ngày 15/4.
Về vấn đề cách ly xã hội, đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.
Đặc biệt Chỉ thị 16 yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m...
Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.
Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ khác.
Tôi thấy rằng nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ như: Thiết lập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh để kiểm tra nhiễm COVID-19, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam chưa khai báo...
Nhưng một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm.
Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân.
Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để kiểm soát chặt. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người.
Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay hành vi tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính...
- Một số tỉnh có văn bản yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội, TP.HCM, trước đó lại có nơi cấm người dân từ Hà Nội, TP.HCM đến địa phương mình...Chính phủ nhìn nhận gì về hiện tượng này, thưa ông?
Chúng ta phải nhìn dưới 2 góc độ. Thứ nhất là Chỉ thị 16 của Thủ tướng có những việc chưa có tiền lệ. Thứ hai là một số địa phương đau đáu quyết tâm ngăn ngừa dịch, vì vậy khái niệm thôn cách ly thôn, xã cách ly xã... thì địa phương cho rằng quản lý chia nhỏ theo địa phận ở địa phương.
Cho nên một số địa phương có điểm tích cực khi đưa ra nhiều giải pháp mạnh, sáng tạo, như Hà Nội thành lập các trạm kiểm soát đo thân nhiệt, test nhanh kiểm tra người nhiễm bệnh, phân vùng tìm người liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai...
Đến khi Thủ tướng công bố dịch thì có địa phương cho rằng Hà Nội và TP.HCM hiện nay có số ca nhiễm lớn nên cho đây là vùng dịch.
Người ở Hà Nội và TP.HCM khi về các địa phương này thì phải cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly. Bên cạnh đó, cũng có vấn đề các xe vận tải hàng hóa không được vào thì không có nguyên liệu sản xuất...
Sau khi có những chuyện như vậy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16.
Sau khi có văn bản này và cũng qua các cơ quan báo chí thông tin nên các địa phương hiểu rõ hơn. Cụ thể là không được "ngăn sông cấm chợ", không được làm các rào cản giao thông trên đường vì như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chỉ dừng vận tải công cộng còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân.
Tôi cho rằng "cách ly xã hội" là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau, nhưng sau khi có văn bản hướng dẫn và báo chí thông tin thì đến nay cơ bản địa phương đều đồng tình.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.
Thủ tướng đã đưa ra 2 thông điệp: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam và sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất.
- Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước đang phải đối phó. Vậy chúng ta có kéo dài cách ly xã hội qua ngày 15/4 hay không, thưa Bộ trưởng?
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh.
Như vậy, đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện chỉ thị 16, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước gì về việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Nhật ký chống dịch COVID-19 chiều 7/4
XUÂN TRƯỜNG
Cách ly người từ Hà Nội, TP.HCM, Chủ nhiệm VPCP: Nghiêm ngặt để tránh lây dịch Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc thực hiện cách ly nghiêm ngặt để tránh dịch bệnh lây lan, tuy nhiên một số địa phương làm "quá căng, quá chặt". Mới đây, một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Phòng ra văn bản để thực hiện cách ly tập trung và thu phí ăn ở đối với người...