Khác xa trên phim, giới trẻ Hàn sống đơn độc, nói không với kết hôn
Không có phân cảnh lãng mạn nam và nữ chính hạnh phúc, tay trong tay bước vào lễ đường thường thấy, người trẻ xứ kim chi ưu tiên lối sống một mình, không ràng buộc trách nhiệm.
Đối với Park Hyun Ah, cuộc sống luôn cần đi theo một quy đạo nhất định như cách người Hàn Quốc truyền thống quan niệm.
Tuần tự, cô gái 30 tuổi đã hoàn thành dần các giai đoạn quan trọng, từ đương đầu với “cuộc chiến sinh tử” thi đại học đến vượt qua sự cạnh tranh tìm việc làm khốc liệt để có công việc ổn định.
Song, chỉ có duy nhất một nhiệm vụ khiến Hyun Ah cảm thấy vượt quá khả năng của mình: lập gia đình và sinh con đẻ cái.
“Lớn lên, tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi khi nào mình sẽ kết hôn. Càng về sau, tôi càng trở nên sợ hôn nhân”, cô cho biết.
Suy nghĩ tiêu cực của Hyun Ah không phải là không có căn cứ. Ngày nay, xu hướng thích độc thân càng có dấu hiệu gia tăng ở Hàn Quốc khi người trẻ lựa chọn một mình, thay vì ràng buộc bản thân vào các trách nhiệm mang tên vợ chồng, con cái.
Zing.vn tổng hợp các bài đăng trên CNN, CBC, SCMP và Korea Herald,phản ánh câu chuyện về một thế hệ trẻ lười yêu ở Hàn Quốc.
Trái ngược hoàn toàn với những kịch bản tình cảm mùi mẫn thường thấy trên phim truyền hình nước này, thanh niên ở xứ sở kim chi là những người ngại ngần hẹn hò, lo sợ hôn nhân, không có ý định sinh con.
Lười hẹn hò, không có ý định kết hôn
Lee Joon Hee, 27 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ. Anh chưa bao giờ chắc chắn về ý định hẹn hò.
“Sống một mình trong vài năm, tôi thấy ý tưởng về tổ ấm của riêng mình có phần hấp dẫn nhưng nghĩ đến việc gắn bó cả đời với ai đó, tôi lại thấy e ngại. Tôi không thích cô đơn, song tôi đã quá quen với điều đó”, Lee bày tỏ.
Ngay cả những người nổi tiếng ở nước này cũng thể hiện quan điểm không muốn lập gia đình. Nam diễn viên Kim Hee Won từng thú nhận trên sóng truyền hình rằng bản thân không thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm một người vợ.
“Nếu muốn sống thoải mái, hãy sống một mình. Nếu muốn sống hạnh phúc, hãy kết hôn. Nhưng tôi không chắc tôi đủ kiên nhẫn và hy sinh cho cuộc hôn nhân”, anh nói.
Ca sĩ Lee Bon từng thổ lộ nỗi sợ hãi khi phải gánh lên vai quá nhiều trọng trách nếu lấy chồng, sinh con. Mặc dù đã có bạn trai gần 10 năm, cô cho hay vẫn “không đủ tự tin nếu phải có trách nhiệm với ai đó”.
“Tôi không chắc có thể đối xử tốt với cha mẹ của bạn trai không”, nữ ca sĩ tự hỏi.
Xu hướng độc thân dần trở nên “lên ngôi” trong đời sống giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.
Blogger Lee Min Ji thậm chí tuyên bố thẳng thừng từ chối việc kết hôn. Cô khẳng định muốn cống hiến trọn đời cho bản thân và sự nghiệp.
Với cô, dừng lại ở việc hẹn hò là đủ. Cô và bạn trai đã yêu nhau 7 năm.
“Câu hỏi mọi người mỗi khi gặp tôi đều xoay quanh việc bao giờ cưới. Ai cũng thắc mắc hẹn hò lâu như vậy để làm gì khi cả hai không về chung một nhà”, nữ blogger cho hay.
Tại đất nước Hàn Quốc, “Bao giờ lập gia đình” trở thành câu hỏi thường trực, như lời hỏi thăm xã giao ai cũng nói với người trẻ khi có dịp gặp mặt.
Còn đối với cha mẹ, chuyện con cái cần lấy vợ, gả chồng luôn được coi là nghĩa vụ bắt buộc của người con để làm tròn chữ hiếu.
“Bố mẹ luôn khiến tôi cảm thấy áp lực chuyện kết hôn mỗi khi tôi trở về nhà thăm họ”, một người đàn ông 34 tuổi sống tại thủ đô Seoul than phiền.
Mỗi lần bắt đầu hỏi thăm, câu chuyện chỉ dừng ở mức đùa giỡn. Song đến cuối cuộc trò chuyện, mọi thứ dần căng thẳng và bị đẩy đi quá xa.
Các báo cáo, thống kê của các cơ quan chính phủ Hàn Quốc trong giai đoạn thập niên này đều chỉ ra một kết quả: tỷ lệ kết hôn tại nước này ngày càng có xu hướng giảm.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe và Xã hội vào năm 2018, chỉ 26% đàn ông và 32% phụ nữ độc thân trong độ tuổi 20-44 đang ở trong một mối quan hệ.
Video đang HOT
Trong số những người không hẹn hò, 51% nam giới và 64% nữ giới cho biết họ chọn sống một mình.
Gánh nặng kinh tế bủa vây
Thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt, việc kiếm được một công việc có mức lương ổn định trở thành “đường đua” cam go giữa những người đang trong độ tuổi đi làm tại Hàn Quốc.
Thực tế ấy khiến nhiều người trẻ nước này buộc phải dành nhiều thời gian để học thêm các chứng chỉ, kỹ năng nhằm giúp bản thân “sáng giá” hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Thói quen “vùi đầu” vào sách vở từ sáng sớm đến tối khuya, ngày này qua ngày khác khiến thanh thiếu niên không còn quỹ thời gian trống để dành cho việc hẹn hò, yêu đương.
Quá nhiều áp lực bủa vây từ công việc đến gia đình khiến giới trẻ không còn mặn mà với việc hẹn hò, kết hôn. Ảnh: SBS.
Kim Joon Huyk – sinh viên đại học, dành phần lớn thời lượng trong ngày đến trường học, hoàn thành đống bài vở. Tối nào, anh cũng tranh thủ đi học thêm một khóa thiết kế trò chơi.
“Tôi chẳng có nhiều thì giờ. Kể cả tôi có thích ai đó, tôi cũng thấy có lỗi vì không có thời gian dành cho người ấy”, Kim chia sẻ.
Vừa mới tốt nghiệp, Lee Young Seok cũng lo sợ việc có người yêu sẽ ảnh hưởng đến quá trình tìm việc.
“Sự nghiệp là điều tôi ưu tiên nhất hiện tại. Hiện tại, nếu hẹn hò ai đó, tôi e sẽ không thể cam kết chăm sóc tốt cho mối quan hệ”, chàng trai 26 tuổi bày tỏ.
Chi phí đắt đỏ cũng là một trong các nguyên nhân chính khiến người trẻ Hàn e dè chuyện hẹn hò. Theo ước tính, chi phí trung bình cho mỗi cuộc hẹn rơi vào khoảng hơn 63.000 won (55 USD), tương đương với mức lương làm việc tối thiểu 8 tiếng.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% số người được hỏi coi chi phí đi chơi là gánh nặng. Trong đó, 50% người tham gia khảo sát cho biết ngay cả khi gặp được đối tượng phù hợp, họ cũng buộc phải cân nhắc chuyện đồng ý hẹn hò nếu khả năng tài chính không cho phép.
Ngay từ bước hẹn hò, thanh thiếu niên Hàn đã cảm thấy tài chính là thứ áp lực khiến mối quan hệ khó duy trì lâu dài. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi tính đến chuyện hôn nhân.
Chàng trai 30 tuổi Yoon Hwan từng rất sung sướng khi người bạn gái lâu năm đồng ý lời cầu hôn. Nhưng cũng rất nhanh chóng, vấn đề “cơm áo gạo tiền” buộc anh phải suy tính lại chuyện lập gia đình.
Số tiền Yoon dành dụm được mới chỉ dừng ở mức 10 triệu won – con số quá khiêm tốn để có thể chi trả cho nhu cầu mua nhà của các cặp vợ chồng trẻ.
“Tiền tiết kiệm của tôi sau ngừng ấy năm thậm chí không đủ để mua một căn hộ nhỏ ở Seoul. Có lẽ, tôi sẽ kết hôn khi nào có đủ tiền”, Yoon buồn bã nói.
“Hôn nhân vẫn là giấc mơ xa vời vì thiếu tiền”, Kim Myoung Soo, 30 tuổi, chia sẻ. Ngay cả kết hôn, chàng trai làm nghề bán dầu nhớt công nghiệp này cũng không có ý định sinh con vì không thể cáng đáng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, đặc biệt với khoản đầu tư vào giáo dục luôn đắt đỏ tại Hàn.
Chi phí cưới xin quá đắt đỏ, chưa kể các khoản chi bắt buộc sau khi lập gia đình biến chuyện kết hôn thành giấc mơ xa xỉ với nhiều người. Ảnh: AP.
Câu chuyện của Lee hay Yoon không phải là trường hợp cá biệt. Tại đất nước củ sâm, hàng trăm nghìn người trẻ buộc phải trì hoãn việc lập gia đình vì nỗi lo không đáp ứng được vấn đề tài chính trong tương lai. Riêng chi phí cưới xin trung bình của các cặp ở Hàn Quốc đã lên tới 90.000 USD.
Tỷ lệ kết hôn giảm kéo theo tỷ lệ sinh giảm. Số trẻ sơ sinh ở Hàn Quốc là 326.900 trẻ vào năm 2018, giảm mạnh từ mức 1 triệu trẻ vào năm 1970, theo Viện Thống kê Hàn Quốc.
Tỷ lệ sinh con của người dân xứ sở kim chi cũng thuộc top thấp nhất thế giới, chỉ 0,95% vào năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 phụ nữ, chỉ 95 đứa trẻ được chào đời.
Sự ra đời của các lớp học dạy hẹn hò
Gánh nặng kinh tế không phải là vấn đề duy nhất mà người trẻ Hàn phải đối mặt. Xã hội còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” khiến nhiều phụ nữ hiện đại nhất quyết không chịu đựng nỗi bất công khi trở thành người có gia đình.
Sự bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc dẫn đến mặc định khi một cô gái lấy chồng, người vợ buộc phải tạm gác sự nghiệp sang một bên để trở thành bà nội trợ chăm lo cho nhà chồng.
Vì lý do đó, nhiều người thà độc thân cả đời, không sinh con đẻ cái để có thể sống một cuộc đời như mong muốn còn hơn “tự buộc mình” vào cái gọi là gia đình.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực, tấn công tình dục và quay trộm cũng là những vấn đề gây nhức nhối trong đời sống ở Hàn Quốc.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, có đến 19.000 trường hợp ghi nhận bị người tình tấn công trong năm 2018. Bạo lực tình dục ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Ngay cả khi đối tác nữ may mắn không bị bạn trai tấn công, họ cũng phải đương đầu với vấn nạn khác: nạn quay trộm để sản xuất nội dung khiêu dâm. Có đến 6.400 trường hợp liên quan đến tình trạng nghiêm trọng này được lưu vào hồ sơ cảnh sát trong năm 2017.
Những lớp học dạy hẹn hò tại Hàn được mở ra giúp người trẻ có cái nhìn tích cực hơn về chuyện yêu đương, kết hôn. Ảnh: CBC.
Trước vấn nạn “lười hẹn hò, ngại kết hôn, không chịu sinh con” chưa tìm ra lời giải đáp cụ thể nào, một số trường đại học tại Hàn đã tổ chức các khóa học dạy người trẻ cách yêu đương, hẹn hò để phần nào xoa dịu đi suy nghĩ tiêu cực của thanh thiếu niên.
Tại lớp học dạy cách yêu, người trẻ được hướng dẫn cách lựa chọn đối tác phù hợp cho đến trải qua giai đoạn chia tay như thế nào. Các khía cạnh khác từ hẹn hò đơn thuần đến tình dục cũng được đề cập chi tiết.
Thế hệ trẻ tham gia khóa học bắt buộc phải tiến hành các “bài tập hẹn hò”, trong đó các học viên sẽ bắt cặp với nhau một cách ngẫu nhiên và cùng đi chơi, trò chuyện trong vòng 4 tiếng.
Những lớp học như này thu hút số lượng đông sinh viên tham gia. Nhiều người chưa từng hẹn hò trước đó và muốn tự tạo cho mình một cơ hội.
Tuy nhiên, những gánh nặng đè lên vai không thể bỗng chốc biến mất, việc kiếm tìm một tình yêu thực sự vẫn là giấc mộng xa vời với nhiều người.
Chàng trai 24 tuổi Kim Jong Huyp vừa có cuộc hẹn đầu tiên sau 3 năm. Song với anh, đây đơn thuần là một bài tập phải làm thuộc khóa học, không phải vì mục đích tìm kiếm một cô bạn gái.
Theo Zing
Đàn ông Hàn Quốc tiết kiệm hơn 20 năm chưa chắc đủ tiền kết hôn
Nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn chuyện kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
Yoon Hwan nói anh như "ở trên chín tầng mây" khi bạn gái nhận lời cầu hôn vào năm ngoái. Chàng trai 30 tuổi đã mường tượng ra một tương lai hạnh phúc bên người vợ hiền và những đứa con đáng yêu.
Nhưng tất cả cảm xúc tuyệt vời, háo hức đó dường như chỉ có trong tưởng tượng.
Trở về thực tại, Yoon thiếu tiền.
Đừng nói đến chuyện lo cho người khác, anh còn không chắc mình đủ sống.
Sau nhiều năm làm công ăn lương, Yoon có khoảng 10 triệu won (gần 200 triệu đồng) tiền tiết kiệm. Số tiền này chưa đủ để anh mua một căn hộ nhỏ tại Seoul - thứ cơ bản nhất nếu muốn lấy vợ, sinh con ở Hàn Quốc.
"Tôi sẽ kết hôn nếu có tiền", anh chàng đang chuẩn bị làm bài kiểm tra để trở thành một kỹ sư điện tử nói.
Yoon chỉ là một trong hàng trăm nghìn thanh niên Hàn Quốc phải trì hoãn việc kết hôn vì không đủ khả năng tài chính.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Yonhap về câu chuyện giới trẻ Hàn Quốc không thể kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
"Khóa tình yêu" ở tháp Namsan, Hàn Quốc là điểm đến lãng mạn của các đôi yêu nhau. Ảnh: Korea.net.
Gánh nặng 'đàn ông xây nhà'
Không thể mua được nhà là một trong những lý do chính khiến Yoon từ bỏ ý định kết hôn ở thời điểm hiện tại.
Tại xứ sở kim chi, người dân Hàn Quốc vẫn quan niệm rằng khi kết hôn, "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Người chồng có trách nhiệm mua nhà còn vợ sẽ là người sắm sửa các đồ đạc nội thất.
Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng khó khăn, thất nghiệp gia tăng và giá nhà cao đột biến trong những năm gần đây, nhiều đàn ông nói việc cưới xin khiến họ căng thẳng.
Nền kinh tế của Hàn Quốc đang bế tắc trong suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên - những người trong độ tuổi từ 15-29 - ở mức 10,8% vào tháng 3, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4,3%, theo dữ liệu của chính phủ.
Đôi vợ chồng Hàn Quốc mệt mỏi, ngủ gật tại hôn lễ tập thể ở Seoul. Ảnh: Getty.
Nhiều người trẻ không thể có được việc làm tử tế trong nước đã phải đến Nhật Bản, Trung Quốc... tìm cơ hội.
Giá trung bình của các căn hộ ở Seoul đạt mức cao kỷ lục 829 triệu won (hơn 16,3 tỷ đồng) vào tháng 9 năm ngoái, tăng gấp đôi so với cuối năm 2008, theo dữ liệu của ngân hàng KB Kookmin.
Đây là lần đầu tiên giá nhà vượt mức 800 triệu won (khoảng 15,8 tỷ đồng) ở Hàn Quốc - nơi thu nhập bình quân đầu người hơn 35 triệu won (khoảng 700 triệu đồng).
Điều này có nghĩa là nếu một người có thu nhập trung bình muốn mua một căn hộ ở Seoul, người này phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập hàng năm của mình trong hơn 20 năm.
Với tình hình hiện tại, Yoon nói anh gần như hết hy vọng với chuyện nhà cửa, kết hôn, sinh con.
Hôn nhân là giấc mơ xa vời
Giới trẻ ngày càng lo lắng về tương lai ảm đạm dường như là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ kết hôn thấp kỷ lục ở Hàn Quốc.
Năm 2018, chỉ có 256.622 đôi đăng ký kết hôn, mức thấp nhất kể từ năm 1972.
"Tôi có bạn gái và muốn kết hôn, nhưng hôn nhân vẫn là giấc mơ xa vời vì tiền", Kim Myoung-soo, 30 tuổi, làm nghề bán dầu nhớt công nghiệp, nói.
Thu nhập chưa đến 30 triệu won mỗi năm (590 triệu đồng), Kim lo rằng anh khó có thể mua nổi một căn hộ đủ sống ở thủ đô. Không chỉ vấn đề nhà cửa, nếu lấy vợ, Kim nói anh không có kế hoạch sinh con do chi phí giáo dục quá cao.
Ở Hàn Quốc, ngoài học ở trường, nhiều học sinh còn phải tham gia các lớp luyện thi tư thục - được gọi là "hagwon" - vào buổi tối, thường để học thêm tiếng Anh và Toán học, hai trong số những môn quan trọng nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Năm 2018, Hàn Quốc có 326.900 trẻ sơ sinh. Con số này thấp hơn nhiều so với 1 triệu trẻ sơ sinh vào năm 1970. Tổng tỷ suất sinh - số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời - cũng ở mức thấp kỷ lục 0,98.
Cơ quan thống kê dự báo rằng dân số của nước này có khả năng đạt đỉnh là 51,94 triệu vào năm 2028 trước khi giảm xuống còn 39,29 triệu vào năm 2067.
"Thế hệ Sampo" Hàn Quốc - những người trẻ từ bỏ chuyện hẹn hò, kết hôn và sinh con. Ảnh: Yonhap.
Xu hướng giới trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân đang gia tăng trong những năm gần đây.
Một thương nhân 45 tuổi mang họ Lee, đề nghị giấu tên, nói rằng anh không muốn kết hôn vì thấy sống một mình thoải mái hơn.
Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện, cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do.
Có 5,62 triệu hộ gia đình độc thân vào năm 2017, chiếm 28,6% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc.
Sau 3 năm trì hoãn kế hoạch kết hôn, Kim vẫn hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện và anh có thể lấy vợ, sinh con trong tương lai không xa.
"Tôi mong mọi thứ sẽ thay đổi trong 3 năm tới", Kim nói.
Theo Zing
Couple gái xinh hẹn hò trai đẹp kém tuổi: Giả vờ chị chị em em tí thôi chứ kiểu gì cũng yêu nhau hết ấy mà! Cứ bảo chị em thôi, nhưng đây biết thừa rồi nhé: Chị em nhưng cứ cơ hội tới là tỏ tình chứ gì! "Chị ơi, anh yêu em" là mô tuýp tình yêu lệch tuổi đáng yêu từ phim ảnh ra đến đời thực. Các chị đẹp có sức hút như nào thì khỏi cần bàn cãi. Cứ nhìn cặp đôi "chị đẹp"...