Khắc phục tình trạng đi sai làn đường
Tình trạng đi sai làn đường đang diễn ra khá phổ biến, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và là một trong những nguyên nhân gây ra nạn kẹt xe trên nhiều tuyến đường.
Chạy chen lấn giữa các làn
Ở các tuyến đường đã có dải phân cách tách riêng làn ô tô và xe máy, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn chạy trong làn ô tô. Ở một số tuyến đường có hạn chế thời gian xe máy được lưu thông, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn chạy vào bất kể giờ giấc.
Ở các tuyến đường không có dải phân cách, nhiều ô tô chạy luôn trong làn xe máy và nhiều xe máy chạy chen trong làn ô tô, gây ra tình trạng rất nguy hiểm. Trên đường cao tốc, nhiều người lái ô tô vẫn tự tiện chạy vào làn dừng xe khẩn cấp (bên trong vạch kẻ liền màu trắng), vi phạm luật giao thông.
Trên địa bàn TPHCM, đường Phạm Văn Đồng (nhất là đoạn qua vòng xoay Nguyễn Kiệm đến nút giao với đường Linh Đông) hiện có một số bất ổn: xe máy chạy lấn sang làn ô tô rất phổ biến, nhất là trong giờ cho phép xe máy chạy một làn trong cùng bên phải (từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ).
Trên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, nhiều xe chạy vào làn đường dừng xe khẩn cấp (bên trong vạch kẻ liền màu trắng), vi phạm luật giao thông. Ảnh: MINH THANH
Thậm chí trong giờ cao điểm, xe máy chạy tràn gần như hết các làn của ô tô, trong đó có trường hợp xe máy chạy với vận tốc còn lớn hơn vận tốc ô tô (tối đa cho phép là 80km/giờ). Có nhiều chỗ còn phân luồng chưa hợp lý, dẫn đến các phương tiện lưu thông cắt kéo lẫn nhau (đặc biệt là ở cầu vượt Bình Triệu), rất dễ xảy ra va chạm; có một số nút giao chưa để đèn tín hiệu hợp lý, chẳng hạn thiếu độ trễ để các luồng xe xen nhau không bị tắc ở giữa đường, hoặc lẽ ra phải có thêm nhiều tín hiệu để một dòng xe được lưu thông, thay vì 2 – 3 dòng cùng lưu thông; 2 làn xe máy (có dải phân cách) nhiều khi có sự tham gia của ô tô khiến mật độ lưu thông ở đây quá dày, dẫn đến tâm lý chạy ra làn đường ô tô; ở làn trong cùng bên phải, thường đọng nước sau mưa lớn nên nhiều xe máy chạy ở làn này phải tránh sang làn ô tô…
Như vậy, để bảo đảm an toàn giao thông ở tuyến này thì phải xem xét toàn bộ các yếu tố bất ổn, trong đó đáng chú ý nhất là việc phân tuyến chưa hợp lý và việc để xe máy chạy vào làn ô tô.
Tương tự với các tuyến khác, tình trạng chạy chen lấn giữa các làn cũng khá phức tạp. Như ở xa lộ Hà Nội, xa lộ Đại Hàn, trong giờ cao điểm, xe máy chạy chen giữa các xe tải, xe container rất nguy hiểm.
Vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu Ban An toàn giao thông TPHCM chấn chỉnh tình trạng xe máy đi vào làn ô tô sau khi xảy ra một số vụ tai nạn do xe máy đi sai làn. Việc đi sai làn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cần khắc phục triệt để.
Các giải pháp khắc phục
Nhằm hạn chế việc chạy sai làn, cần chú ý phân luồng hợp lý để việc lưu thông được thuận tiện. Nên quan tâm khảo sát đánh giá tuyến đường đó có lưu lượng ô tô và xe máy như thế nào để phân các làn ô tô và xe máy phù hợp, có dải phân cách hay không, có hạn chế theo giờ hay không, số làn cụ thể cho từng loại xe như thế nào…
Video đang HOT
Với những tuyến chưa có sự phân làn hợp lý, nên cải tạo lại dải phân cách, phân làn tuyến và không cho lưu thông trộn. Đồng thời, hạn chế các chỗ lưu thông cắt kéo như hiện nay, bởi khi lưu thông giao cắt thì bắt buộc chạy vào làn của loại phương tiện khác.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp lấn tuyến, sai làn, chuyển làn không bật tín hiệu… Lâu nay, cảnh sát giao thông ít khi xử phạt hành vi điều khiển phương tiện chạy sai làn đường (như trên đường Phạm Văn Đồng, rất ít khi có lực lượng kiểm tra xe máy chạy vào làn ô tô trong khung giờ cho phép xe máy chạy làn trong cùng bên phải).
Do đó, trong dịp tổng kiểm tra đang tiến hành hiện nay, cần quan tâm xử lý các trường hợp đi sai làn đường, kể cả ô tô hay xe máy, bởi ô tô vi phạm thì gây ùn tắc, xe máy vi phạm thì gây nguy hiểm của người tham gia giao thông… Ngoài ra, nên cải tạo các tuyến đường để tránh tình trạng đọng nước, ổ gà hoặc các điểm gồ ghề do mặt cống nhô cao hay lõm xuống; chú ý lắp các biển báo ở nơi dễ nhìn và dễ nhận biết, tránh các biển khó hiểu hoặc gây hiểu nhầm…
Bởi trong một số trường hợp, người tham gia giao thông (nhất là người đi xe máy) không cố ý đi sai làn nhưng vì phải tránh các vũng nước, các ổ gà… nên phải lấn sang làn khác, mà thường chuyển làn đột ngột, nên sẽ gây nguy hiểm. Ở những nơi đủ điều kiện thì nên tách riêng làn ô tô và xe máy để bảo đảm các phương tiện lưu thông an toàn hơn.
TRỊNH MINH GIANG
Theo SGGP
Từng bước kiềm chế các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng
Đây là ý kiến của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, chiều 22/7.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ quan tâm, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Theo đó, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trật tự ATGT vẫn diễn biến hết sức phức tạp, liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, nhất là trong những tháng đầu năm 2019 liên tục xảy ra các vụ TNGT do sử dụng rượu bia và chất kích thích, gây bức xúc trong dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp xử lý tình trạng này.
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, vi phạm quy định về tải trọng xe vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như tại Hà Nội, TPHCM cũng như tại các trạm thu phí có xu hướng gia tăng trở lại. Chính vì vậy, hôm nay Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tham gia chỉ đạo Hội nghị sơ kết 6 tháng của Uỷ ban ATGT quốc gia.
Phát biểu thêm trước khi Thủ tướng kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhận xét, về kết quả nổi bật của công tác bảo đảm TTATGT quốc gia, mặc dù nhu cầu đi lại, số lượng phương tiện tăng nhanh, nhiều kỳ nghỉ, lễ hội diễn ra khắp cả nước và nhiều sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, tình hình TTATGT có những chuyển biến rất tích cực, TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ giảm 7,1%, số người chết giảm 7,55% và số người bị thương giảm 9,52%.
Để có kết quả này, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong cả nước.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Bí thư đã có Kết luận số 45 năm 2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18 về TTATGT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12 tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo đảm TTATGT và hoạt động vận tải phục vụ nhân dân trong các dịp cao điểm hoặc giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tham gia giải quyết nhiều biện pháp để kiềm chế, kéo giảm TNGT, đặc biệt Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về thắt dây an toàn đối với người đi ô tô, vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao ý thức tuân thủ giao thông của người dân. Ngành GTVT cũng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo nâng cao kết cấu hạ tầng, xử lý "điểm đen" TNGT, điểm tiềm ẩn, tổ chức khám sức khoẻ đối với lái xe kinh doanh vận tải, phát hiện và chấm dứt hợp đồng đối với lái xe dương tính với ma tuý.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông được thực hiện đồng bộ cả chiều rộng và chiều sâu, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành, địa phương và cả cộng đồng xã hội.
Chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại của công tác này, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Tuy TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp. Đó là, còn xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người, thiệt hại lớn về tài sản, bức xúc trong xã hội, còn một số đoạn tuyến đường có nguy cơ xảy ra TNGT cao như trên Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, đoạn dẫn hầm Hải Vân chưa có dải phân cách...
Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, nghiện ma tuý, chất kích thích vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi hoạt động kiểm tra, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra của lực lượng giao thông và các đợt kiểm tra sức khoẻ tập trung, tỉ lệ còn thấp so với thực tế, vai trò trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải trong việc phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích còn rất hạn chế. Tình trạng trẻ em vi phạm quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, xảy ra một số vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục phụ nữ trên xe buýt gây bức xúc trong dư luận...
Tình trạng tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, như Hà Nội. Tình trạng TTATGT trên các tuyến vận tải ven biển ngày càng phức tạp, với việc gia tăng nguy cơ TNGT giữa tàu, phương tiện thuỷ ngày càng cao.
"Mặc dù không mong muốn nhưng tôi vẫn phải nhắc nhở Chủ tịch UBND 11 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó có 6 tỉnh tăng hơn 10% là Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc. Đề nghị Chủ tịch tỉnh chỉ đạo để trong quý III và 6 tháng cuối năm phải có sự chuyển biến", Phó Thủ tướng lưu ý.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ sau:
Uỷ ban ATGT quốc gia tiếp tục đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện năm ATGT 2019 với chủ đề "ATG cho hành khách và người đi mô tô, xe máy"; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 và các địa phương có TNGT tăng trong 6 tháng đầu năm.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Uỷ ban ATGT quốc gia cần chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão, cao điểm 2/9 và Tháng ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2019 và những tình huống đột xuất về TTATGT; đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về bảo đảm TT ATGT. Trong đó, lưu ý đến việc bảo đảm TTATGT là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đây được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, yêu cầu các tỉnh, thành phố, các Ban cán sự có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức Chỉ thị 18 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, Kết luận số 45 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18 và Nghị quyết 12 của Chính phủ.
Đối với Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm TTATGT năm 2019, trong đó tập trung xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng GTVT, hoàn thành xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới quốc lộ và thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch năm 2019, lưu ý một số đoạn tuyến có nguy cơ TNGT trên QL1A; có kế hoạch bảo đảm ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong mùa mưa, lũ.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe phải hoạt động quá thời gian làm việc theo quy định là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sử dụng ma tuý và ngủ gật gây ra TNGT.
Rà soát toàn bộ việc cấp phép và hoạt động của các phương tiện liên vận nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn; kiểm tra hoạt động của đơn vị kinh doanh và người lái phương tiện biển số nước ngoài trên địa bàn các tỉnh biên giới và TPHCM, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Công an tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, đặc biệt tập trung vào các hành vi lvi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không thắt thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô.
"Kết nối, chia sẻ, dùng chung các dữ liệu về TTATGT với ngành GTVT; đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT trên các quốc lộ trọng điểm và một số tuyến đường bộ cao tốc; ban hành quy định mới về thống kê TNGT phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân mua, bán giấy phép lái xe giả", Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên trong dịp đầu năm học mới 2019-2020; lập Kế hoạch tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9/2019.
Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố. Đổi mới phương thức tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông trong đơn vị vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được Quốc hội thông qua.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ, Kế hoạch Năm ATGT 2019 tại địa phương; tổ chức Hội nghị kiểm điểm kết quả công tác bảo đảm TTTAGT 6 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ quý III và 6 tháng cuối năm 2019.
Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với Uỷ ban ATGT quốc gia và Bộ GD& ĐT tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vào đầu năm học 2019-2020 để khởi động tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường, tháng 9/2019; chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trên xe buýt và các địa điểm đông người.
"Chúng ta đã hoàn thành cơ bản mục tiêu kéo giảm TNGT trong 6 tháng đầu năm, từ nay cho đến hết năm 2019, với sự đồng lòng, quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương, chúng ta sẽ thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, tiếp tục được kéo giảm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm TNGT từ 5-10% trong năm 2019", Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Lê Sơn
Theo Chinhphu
Nghiên cứu lắp đặt camera giám sát ở các điểm 'đen' trên QL 6 Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, lắp đặt camera giám sát ở các điểm "đen" tại QL 6. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có văn bản về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến QL 6 qua...