Khắc phục “điểm đen” ngành lúa gạo: Cần chuỗi liên kết đúng nghĩa
Nhiều quốc gia đang thay đổi chính sách liên quan tới mặt hàng gạo. Trong nước, việc tiếp cận thị trường còn nhiều bất cập, lại chưa tận dụng được các lợi thế tạo ra, khiến việc xuất khẩu luôn khó khăn.
Xuất khẩu vẫn ảm đạm
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, ngoại trừ Philippines. Dự báo nguồn cung lúa gạo thế giới sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng do mức tăng từ các nước lớn.
Cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như trung Quốc, Indonesia, Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.
Cần xây dựng một chuỗi liên kết đúng nghĩa từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo. (ảnh minh họa) Ảnh: Nguyên Vỹ
Điều đáng lưu ý là những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng và nhập khẩu đang thay đổi mạnh mẽ chính sách liên quan, như thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo, thay đổi phương thức nhập khẩu, cho phép nhiều nguồn cung cùng tham gia các đợt thầu hoặc nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất để đảm bảo tự chủ lương thực…
Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Việc xuất khẩu của các nước sản xuất lúa gạo như Việt Nam rơi vào thế muôn trùng khó khăn.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%. Mặc dù xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh nhưng cũng mới chỉ bù được một phần giảm sút của thị trường Trung Quốc.
Video đang HOT
Nếu như nửa đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tạm ổn với mức sụt giảm nhẹ thì dự báo những tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn nhiều. “Không chỉ năm 2019, mà những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức”- bà Tâm nhận định.
Cần một chuỗi liên kết đúng nghĩa
Tính đến nay đã có gần 200 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc gia tăng số lượng thương nhân không mang nhiều ý nghĩa nếu vị thế hạt gạo Việt vẫn còn thiếu vững chắc.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho rằng, cách duy nhất để khắc phục “điểm đen” của ngành lúa gạo hiện nay là thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu nông dân không sản xuất theo tín hiệu thị trường, doanh nghiệp không đầu tư cho nguồn cung chất lượng cao thì cả hai sẽ còn khó dài dài.
“Thực tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện mối liên kết này nhưng vẫn chưa thành công là do thiếu vốn đầu tư. Sự tham gia của ngân hàng vào khâu này là rất quan trọng” – ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định cần phải có chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo đúng nghĩa. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kết nối được bên cung với bên cầu. Không có mắc xích bên ngoài thì các liên kết bên trong đều vô nghĩa.
Ông Khánh thừa nhận có những khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu gạo những năm gần đây. Nhiều đơn vị vẫn còn đem tư duy nông nghiệp truyền thống bước ra thị trường thế giới. Kiểu như đi chợ huyện, bán hàng đắt thì tốt, không đắt thì đổ bỏ.
Cuộc cạnh tranh xuất khẩu gạo sẽ ngày càng gay gắt nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế mà Nghị định 107 đã mở ra. Đơn cử như việc thực hiện báo cáo thông tin, rất nhiều doanh nghiệp chưa chịu làm. Doanh nghiệp cứ đòi Bộ Công Thương cung cấp thông tin thị trường trong khi chính mình không cập nhật thông tin cho Bộ.
Theo Danviet
Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu: Dưa hấu ảnh hưởng lớn
Một loạt những thay đổi trong chính sách nhập khẩu từ phía Trung Quốc có thể khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp nước ta gặp khó khăn nếu không thay đổi ngay từ bây giờ. Mặt hàng dưa hấu là một ví dụ.
Từ thay đổi chính sách
Theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây (địa phương của Trung Quốc giáp các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang) gần đây đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu (Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng rơm) trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5.2019.
Rõ ràng, chỉ một quy định nhỏ này cũng khiến nhiều DN lo ngại vì chi phí tăng.
Các doanh nghiệp cần chú ý đến những thay đổi trong chính sách nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc. Ảnh: T.L
Về quy định truy xuất nguồn gốc, như Bộ Công Thương đã thông tin, kể từ tháng 5.2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu DN nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm, bao bì trái cây nhập khẩu.
Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói... danh sách vườn trồng, DN đóng gói được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, trên cơ sở thông báo của Bộ NNPTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng tải "Danh sách các vườn trồng 8 loại trái cây" (gồm chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, xoài, dưa hấu, chuối và dứa) và "Danh sách các cơ sở đóng gói của Việt Nam" được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc trên hệ thống thông tin của cơ quan này.
Có một thực tế là, các quy định tương tự như của Trung Quốc đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam (bao gồm cả bạn hàng của họ là các DN nhập khẩu Trung Quốc) chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.
Đến tham vọng... tự sản xuất
Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng diện tích trồng dưa hấu theo hướng hiện đại nhằm chủ động được nguồn cung trong nước. Hiện, diện tích trồng dưa hấu tại Trung Quốc đạt khoảng 2 triệu ha, chiếm tỷ trọng 10% tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu của cả nước. Sản lượng bình quân khoảng 73 - 75 triệu tấn/năm.
Đã có 22/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc có diện tích canh tác dưa hấu. Đáng chú ý, các điểm sản xuất nhỏ lẻ nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng đang được thay thế bằng những vùng trồng lớn, có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Các chuyên gia nước này coi đây là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, vừa có thể áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất, giúp tăng năng suất và sản lượng vừa đảm bảo chất lượng và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Về mùa vụ, thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Hải Nam là địa phương vào vụ dưa sớm nhất, tiếp đó là Quảng Tây, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông... Do đó, thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Về tiêu chuẩn chất lượng, theo thông lệ quốc tế và tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng (trong đó có dưa hấu); các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, DN cần chủ động liên hệ với Bộ NNPTNT để được hướng dẫn cụ thể.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cơ cấu, mùa vụ sản xuất của các địa phương có truyền thống trồng dưa hấu cũng phải được tính đến để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, dẫn đến giải cứu.
Theo Danviet
Giá xăng tăng từ 16h30 chiều nay Sau 3 đợt giảm liên tiếp, từ 16h30 chiều nay, giá xăng E5 RON 92 tăng 420 đồng/lít. Như vậy, giá bán loại xăng này trên thị trường không cao hơn 19.653 đồng/lít. Chiều 2/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá xăng theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo đó, xăng RON 95 tăng 383 đồng/lít, xăng E5...