Khác lạ ẩm thực Đà Lạt kiểu sinh viên
Người ta hay gọi Đà Lạt bởi những tên rất mỹ miều: Thành phố sương mù, thành phố hoa. Riêng với đám sinh viên tụi tôi, Đà Lạt còn là thành phố của vô vàn món ăn ngon.
Mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt là một cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng dáng dấp của Đà Lạt thì vẫn thế. Vẫn mộng mơ, vẫn quyến rũ, vẫn yên bình như lần đầu nhóm chúng tôi đến với nơi này. Sinh viên chúng tôi không dư giả gì để có thể đi xa xa một chuyến, vì thế, vào những lúc căng thẳng nhất, buồn chán nhất chúng tôi thường chọn Đà Lạt là điểm đến.
Đà Lạt luôn là điểm lựa chọn của tôi những lúc thấy buồn
Chi phí cho một chuyến du hành tự túc lên Đà Lạt thường rất rẻ, chỉ tầm khoảng 800.000 đến 1.000.000 cho một chuyến đi 2, 3 ngày khi xuất phát từ TPHCM. Trời Đà Lạt lúc nào cũng nhuốm một màu buồn buồn khiến ai đến đây cũng không khỏi nao lòng.
Vẻ đẹp yên bình của Đà Lạt giúp tâm hồn trở nên nhẹ nhõm
Buổi sáng sớm lúc nào cũng được bao phủ bởi một màn sương dày đặc và đến khi trời tối thì cái tiết trời lành lạnh thật thú vị. Nhưng với sinh viên chúng tôi thì cái thú khám phá những món ăn ở nơi này thì dường như được hưởng ứng nhiều hơn.
Bánh cuốn rất đặc biệt tại Đà Lạt
Video đang HOT
Thức ăn ở Đà lạt vô cùng phong phú và đa dạng, nhưng đặc biệt hơn là giá cả vô cùng rẻ nên rất thích hợp với những chuyến du lịch bình dân thế này.
Khu chợ Hòa Bình với vô vàn thức ăn được bán, chúng tôi thích thú với món bánh cuốn, bánh hỏi thịt nướng mà ở Sài Gòn không thể tìm thấy được. Bánh cuốn ở đây vừa được cuốn bằng nhân thịt lại vừa được ăn với thịt nướng thơm lừng, thêm vào đó là nước chấm chua chua ngọt ngọt thật đặc biệt. Có thể dễ dàng tìm thấy món này ở bất cứ quầy thức ăn nào trong chợ Hòa Bình.
Tình cờ một hôm chúng tôi lang thang trên đường Phan Đình Phùng thì phát hiện ra một quán kem dành cho học sinh mà ở đây có rất nhiều món ngon, ngọt độc đáo. Món dừa đông sương vừa dai dai lại vừa giòn giòn mang lại một cảm giác vô cùng thích thú khi ăn nó.
Kem bơ ở đây đặc biệt hơn bất cứ đâu vì được pha chế từ sinh tố bơ, kết hợp với một viên kem và còn có cả nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy. Nếu bạn đã cảm thấy ngấy với những thức ăn ngọt và béo thì hãy dung thử món Dâu tây đông sương ở đây, hoàn toàn được làm từ dâu tây tươi nên vừa có vị ngọt của đông sương mà vẫn giữ được vị chua tự nhiên của dâu tây đặc trưng của Đà Lạt.
Cũng trên đoạn đường Phan Đình Phùng này có một quán chuyên bán bánh tráng nướng lúc nào cũng thơm lừng và nghi ngút khói. Giữa cái lạnh của Đà Lạt thì việc ngồi nhâm nhi những chiếc bánh nóng hổi, giòn tan này bên cạnh bếp than thì còn gì thú vị bằng, mà giá thì vô cùng rẻ!
Đà Lạt còn có một con hẻm rất nổi tiếng khác nữa đó là hẻm Ánh sáng, nằm ngay khu vực trung tâm của chợ Đà Lạt. Hẻm có rất nhiều thức ăn ngon nhưng nổi tiếng nhất ở đây chính là mì Quảng và bún bò, mọi người ưu ái bình chọn cho hai món ăn đó chỉ có ở hẻm Ánh sáng là ngon nhất Đà Lạt.
Nếu chịu khó khám phá, bạn hãy thử một lần đi sâu vào khu vực hồ Tuyền Lâm, sẽ có một nhà hàng đặc sản thịt rừng cực ngon. Ở đây, bạn sẽ được thưởng thức món thịt rừng nướng tại bàn ngon và thơm tới… điếc mũi. Món này sẽ còn ngon hơn nếu bạn dùng kèm với một đĩa rau xà-lách trộn chua ngọt.
Còn gì thú vị hơn khi được ngồi giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã, trong những mái chòi lợp lá nằm trên mặt nước, xung quanh là những rặng thông xanh rì rào gió mát.
Chúng tôi về lại Sài Gòn mà lòng còn vương vấn hương vị của phố núi Đà Lạt một cách khác lạ.
Theo aFamily
Món mì Quảng của mẹ tôi
Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng.
Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm để ngâm gạo cho mềm. Sáng ra, khi con đường làng còn mờ mịt khói sương, cha tôi đã gánh gạo, củi, xoong nồi đến nhà có cối xay. Hồi đó chưa có máy xay bột, người ta thường phải xay bằng cối đá. Cối đá có tay quay bằng gỗ, một đầu nối với tai cối, một đầu hình chữ T để nắm mà xay. Thỉnh thoảng, cha tôi ngừng tay để thêm gạo và múc một ca nước đục đã chảy xuống xoong trong quá trình xay, đổ vào họng cối.
Số bột này sẽ được dùng để đúc các loại bánh tráng dày có gia tỏi, đường, gừng, mè, khi nướng sẽ cho mùi thơm; bánh tráng mỏng để gói ram, gói rau sống thịt heo; một số để làm mì khô.
Lá mì để xắt mì khô không quá dày, cũng không mỏng quá. Sau khi phơi hoặc xông lửa cho ráo mặt, dùng dao xắt chuối mài bén, đặt cây thước trên năm lá mì xắt một lần. Sau đó, đem phơi khô, rồi cho vào cất trong bao nylon.
Mì khô dùng để chế biến các món trộn với tôm thịt hay nấu canh với lòng gà, lòng vịt rất ngon. Ngày thường, chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ được ăn mì Quảng.
Nhưng vào dịp tết, mẹ thường nấu cho ăn đã đời. Những lá mì được đúc cuối cùng, ra cái nào, mẹ tôi cũng dùng dầu phộng đã khử với củ nén thoa lên bề mặt của bánh. Động tác này làm cho bánh dễ gỡ ra, thơm và béo hơn.
Trước ngày đúc mì, mẹ bắt con gà lớn nhất, nhốt trong giỏ sắt sau nhà để chuẩn bị cho bữa mì Quảng. Nhân mì nấu bằng thịt gà ta thơm ngon đáo để. Rau sống tươi xanh gồm xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn. Mì vừa đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phộng.
Tô mì nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương quê ngào ngạt. Anh em tôi "lùa" mì đến đâu, cái ngon, cái thú vị thấm tới đó.
Giờ đây, tôi có thể bước vào bất kỳ quán ăn sang trọng nào để gọi tô mì Quảng, nhưng không thể bì với bữa ăn đầm ấm cùng gia đình trong mái nhà tranh vách đất năm nào. Và mỗi lần đi trên con đường quê, bất chợt thấy bóng ai đang lom khom phơi mì, tôi cứ tưởng hình ảnh của mẹ ngày tôi còn thơ bé.
Theo: Phunuonline
Đậm đà bún bò Huế Bún bò Huế đạm bạc, lại thanh lịch với nước bún trong để lộ sợi bún trắng thêm lát ớt đỏ hồng... Mỗi vùng miền có những món ăn đặc sản riêng. Miền Bắc có bún thang, bún riêu, bún ốc, bún mọc... Miền Nam có bún mắm, bún nước lèo... Miền Trung lại có bún mắm nêm, bún dấm ruốc, bún chả...