Khắc khoải bản Khằm
Đứng ở trên dốc cổng trời, một hẻm núi cao vút, hiểm trở, nơi con đường độc đạo duy nhất dẫn vào bản Khằm mà nhìn xuống, bản Khằm trông nhỏ nhoi và yên bình.
Bản Khằm nhỏ nhoi là vậy nhưng đang chứa rất nhiều nỗi đau
Trong khung cảnh hết sức bình yên ấy, mấy ai biết được, đã lâu lắm rồi, nơi đây vốn khắc khoải bởi những nỗi đau của tệ nạn nghiện ngập, tình cảnh tù đày của ma tuý.
Lay lắt những mảnh đời
Mới đầu mùa đông, nhưng miền Tây xứ Thanh đã lạnh se sắt, sương mù ở các hẻm núi tràn xuống bủa vây, đặc quánh, có cảm tưởng như véo ra được từng cục. Trong ánh lửa bập bùng và cái lạnh tái tê, Giàng A Dia, Trung Lý ( Mường Lát – Thanh Hoá) gọi chúng tôi dậy sắp sửa hành trình để vào với bản Khằm. Con đường đất vào bản đã bị sương mù làm nhão ra, trơn tuột và rất khó đi, có cảm tưởng như ở đây vừa xảy ra một cơn lũ rừng. Sau khoảng 3 giờ quần quật lội bộ, chúng tôi tới bản Khằm. Cái nhà hay nói đúng hơn là cái lều mà Giàng A Dia đưa chúng tôi vào là nhà Vàng A Cả.
Sương tan, những ánh mặt trời hiếm muộn cho một ngày mới le lói lách mây chiếu xuống. Đã 9 giờ 25 phút mà trên chiếc phản được kê bằng những bắp cây, cái thụt cái thò vẫn còn một đống chăn màn và một người nằm đó. Giàng A Dia cất tiếng gọi nhiều lần, một cái đầu bù xù tóc, hai con mắt lòng trắng choán đầy mới thò ra. Và, cũng phải nửa tiếng sau, cái thân hình rệu rạo đó mới dậy, nói đúng hơn là phải lăn, trườn ra khỏi chiếc phản và đống chăn màn ẩm ướt. Vàng A Cả ngồi trước chúng tôi. Có trí tưởng tượng phong phú mấy tôi cũng không thể hình dung ra được, trước đây Cả vốn là người lực lưỡng, đẹp trai, thổi khèn giỏi nhất của Bản Khằm, làm mê hồn các cô gái Mông. Cả đã được nhiều thiếu nữ Mông ở đây đem cả vào trong giấc ngủ. Cả sinh năm 1978, đẹp trai, nhanh nhẹn, đã có lúc Cả được bà con, chính quyền bầu làm Công an xã. Đường đời của Cả đang rộng thênh, đầy hy vọng thì Cả bỗng đánh mất mình. Cơn lốc ma tuý ập đến các xã trong huyện, vào bản Khằm, không làm chủ được mình, Cả đã bị nó cuốn đi. Từ thử cho biết rồi đến nghiện, Cả ngày đêm bị nàng tiên nâu mê hoặc. Và, như quy luật bình thường khác của kẻ nghiện, tài sản nhà Cả cứ ngày đêm chui tuột vào nõ điếu.
Ngày trước, do chính sách hỗ trợ của Chương trình 134, Cả cũng có một ngôi nhà to và đẹp ở bản Khằm. Thế mà từ ngày lâm nghiện, ngôi nhà ấy cũng bị Cả tháo đi để bán dần cho người khác kiếm tiền mua thuốc. Đầu tiên là ngói, sau đó đến ván bưng và sau đó là cột. Ngôi nhà ấy không còn. Để có chỗ ở cho người vợ trẻ và ba đứa con, Cả đã phải đi mua tạm ít vải bạt để quây lại. Con đói, vợ khóc, nhà cửa thì như vậy nhưng Cả đành bất lực bởi sự cùm kẹp của thuốc phiện.
Từ một Công an viên, chồng của một người vợ đẹp, cha của 3 đứa con dại ấy thế mà Cả đã bất chấp và đánh đổi tất cả. Hiện tại, cuộc sống hàng ngày của Cả chỉ là: Vào rừng, kiếm được thứ gì đem bán thứ đó để có tiền, mua thuốc hút, say rồi lại lăn quay ra phản, vật vã mà nằm.
Hiện tại, bản Khằm có tất thảy gần 60 hộ. Đi từ hộ này sang hộ khác, những buồn đến cùng tôi. Tình cảnh của Vàng A Cả bi đát là vậy thế nhưng khi tìm đến với gia đình Vàng A Chu và Thào Thị Vua thì gia đình này còn bi đát và tệ hại hơn nhiều. Ngày xưa ở bản Khằm, Thào Thị Vua đẹp nổi tiếng, tựa như một bông hoa tam giác mạch mà người Mông hay trồng để làm cảnh và lấy hạt. Trời cho Vua rất nhiều thứ. Ngoài sắc đẹp, Vua còn nổi tiếng khéo tay trong việc dệt váy áo, chăm chỉ khi đi làm nương ruộng. Vua đã đi vào giấc ngủ của rất nhiều chàng trai Mông, ai cũng bảo nếu lấy được Vua như lấy được con ngựa tốt về nhà. Biết tôn vinh sắc đẹp và cá tính của mình, ở nhà cùng cha mẹ mãi, Vua mới chọn được Vàng A Chu để làm bạn đời. Đôi “trai anh hùng, gái thuyền quyên” của bản Mông này hạnh phúc được với nhau khi đứa con thứ 3 ra đời. Từ đây, vợ chồng Chu và Vua đã bước vào một quãng trượt dài khi họ muốn giàu có, muốn không phải đi nương.
Video đang HOT
Để làm giàu, nghe sự lôi kéo của cánh buôn bán thuốc phiện, Chu đã nhận lời chuyển thuốc phiện cho họ. Lợi lộc của món hàng “cơm đen, cơm trắng” này chưa thấy đâu thì hai vợ chồng Chu và Vua đều lâm vào nghiện hút. Thế là, tiền kiếm được đã không phục vụ được cho gia đình mà đành chuyển sang phục vụ cho cái dọc tẩu. Vài năm sau, khi chưa kịp thân tàn, ma dại vì thuốc thì Chu bị bắt, bị kết án. Hành trình trở về của Chu với vợ, với con còn dài dằng dặc và Chu cũng không muốn về nhà nữa vì người vợ, bông hoa rừng một thời đã nghiện hút quá nặng rồi. Giờ đây, 4 đứa con đẹp như mộng của Chu đành mỗi đứa một ngả. Kiếm được cái gì, bản Khằm ai tốt bụng cho gì thì chúng ăn nấy. Còn người mẹ tên Vua đành vật vờ, sống lay lắt, chờ cái chết đến để đưa mình đi mà thôi.
Bà Thào Thị Va, 80 tuổi nhưng vẫn phải làm lụng quần quật để nuôi cháu
Ở bản Khằm, ngoài những mảnh đời trên người ta còn biết đến Vàng A Sênh. SN 1975, năm nay mới 32 tuổi nhưng Sênh đã có đến 15 năm “đeo khói”. Tàn tạ, xộc xệch, kiếm tiền để mua thuốc phục vụ những cơn nghiện đã biến Sênh thành con ma, làm cho người già và trẻ em ở bản Khằm đều khiếp. Chiều xuống, bà Thào Thị Va, năm nay 80 tuổi vẫn phải tất bật với công việc. Một đàn cháu mà đứa con trai vô trách nhiệm, lâm nghiện hút, vận chuyển ma tuý, bị kết án để lại đã bắt cái thân già tuổi 80 của bà phải làm lụng, nuôi chúng. Khi chúng tôi hỏi, với thể trạng mệt mỏi, bà chỉ than được một câu “chi pâu hài à” (không biết gì đâu), rồi ngước mắt lên dốc Cổng Trời, nơi đang le lói chút nắng cuối ngày với một cái nhìn vô vọng.
Cần lắm những bình yên
Theo tìm hiểu, năm 1990, bản Khằm được thành lập do một số lượng lớn người Mông di cư ở khu vực phía Bắc về. Những ngày đầu thành lập, dân bản rất thuần. Thế nhưng hiện nay, tình hình ở đây rất phức tạp, nhất là về ma tuý. Sự phức tạp này có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân cơ bản nhất để dẫn đến tình trạng nghiện hút và buôn bán ma tuý ở bản. Thứ nhất là do bản ở gần xã Phù Nhi, trước kia là vựa thuốc phiện của miền Tây tỉnh Thanh Hoá. Tàn dư nghiện hút và tình hình lén lút trồng cây thuốc phiện ở Phù Nhi đã “lây lan” sang bản Khằm. Nguyên nhân thứ hai là do xã nằm trên con đường độc đạo từ Mường Lát về Thanh Hoá. Đây cũng là con đường “huyết mạch” để vận chuyển ma tuý từ Luông – Pha – Băng đi qua Luông – Nậm- Phà của nước bạn Lào về Thanh Hoá. Vì lợi nhuận và nhận thức hạn chế, người dân đã trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán ma tuý. Để thu phục họ, lợi dụng sự kém hiểu biết, bọn cầm đầu của những đường dây đã trả tiền và cái nguy hiểm nhất là dạy họ, bắt họ phải dùng thuốc.
Con đường lên với bản Khằm đã khó, xuống càng khó hơn. Chúng tôi rời bản Khằm khi màn đêm và sương mù nhanh chóng bủa vây bản. Lại với những cái rét tái tê, những cơn gió núi thốc đến ù tai, ám ảnh tôi vẫn là đôi mắt mệt mỏi của bà cụ 80 tuổi Thào Thị Va. Không còn hy vọng nhưng vẫn phải sống, cuộc sống của bà, của lũ trẻ ở bản Khằm hiện tại đang là như vậy.
Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững, ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đây là quyết định quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hộicác xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) với mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường… giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.
Theo Xahoi
Người Mông xuống phố vui Tết Độc lập
Cứ đến dịp 2/9 là hàng nghìn đồng bào Mông từ khắp các bản làng vùng cao của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại kéo nhau về trung tâm huyện vui Tết Độc lập. Họ ăn mừng Quốc khánh còn to hơn Tết âm lịch.
Từ mờ sáng 2/9, hàng ngàn người Mông từ các bản làng xa xôi đã có mặt ở thị trấn trung tâm huyện Mường Lát vui Tết Độc lập. Ảnh: Lê Hoàng
Thị trấn nhỏ Mường Lát nằm lọt thỏm giữa trùng điệp núi rừng. Những ngày này, tại đây tràn ngập trong không khí lễ hội. Các chàng trai, cô gái Mông ăn vận những bộ áo váy đẹp lộng lẫy nhất, hòa theo dòng người đổ về phố huyện vui đón Tết Độc lập.
Với đồng bào Mông ở Mường Lát, lệ ăn Tết Độc lập đã có từ nhiều năm qua. Dịp này người dân ăn Tết còn lớn hơn dịp Tết Nguyên đán cổ truyền.
Thời tiết vào thu mát mẻ, tiết trời khô ráo, thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, lễ hội. Ngay từ mờ sáng ngày 2/9, hàng vạn đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú... đã có mặt tại trung tâm huyện để tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và mua sắm đồ dùng tại các khu chợ.
Để vui chơi trong những ngày Tết Độc lập, các chàng trai, cô gái người Mông đã chuẩn bị cho mình những bộ váy, áo đủ màu sắc, với hoa văn đặc sắc theo nét văn hóa của dân tộc mình. Nhiều gia đình phải vượt qua quãng đường đồi núi gần 100 km để được đón tết vui vẻ.
Năm nay, để chào mừng ngày Quốc khánh, UBND huyện Mường Lát tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như thi bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh bóng chuyền, hoạt động văn nghệ.
Ông Lâu Minh Pó, Trưởng Ban tổ chức huyện ủy Mường Lát, một người con của dân tộc Mông ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi chia sẻ về lí do người Mông rất hồ hởi mỗi khi đến ngày Quốc khánh: "Tết Độc lập có nguyên nhân bắt nguồn từ trong lịch sử phát triển của dân tộc Mông. Xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, người Mông là những người thua trận và chạy đi trú ẩn khắp nơi, trong đó có phần đất của Việt Nam ta ngày nay. Để lẩn tránh kẻ thù, người Mông chọn cách sinh sống trên các ngọn núi cao, vùng đất hiểm trở nhất".
Các cụ cao niên kể rằng, người Mông dặn dò con cháu cứ chạy ngược lên theo các con suối, khi nào thấy con suối chỉ còn nhỏ như cái dây nỏ thì dừng lại lập bản mà sinh sống. Sinh sống ở trên cao, người Mông dễ quan sát kẻ thù và cũng dễ tấn công lại kẻ xấu khi gặp nguy hiểm.
"Cách mạng Tháng Tám thành công, người Mông sung sướng vô cùng bởi được tuyên truyền để tự giải phóng khỏi quan niệm "chỉ sinh sống cô lập trên núi cao". Cũng từ đây người Mông có dịp xuống núi, được giao lưu với các dân tộc anh em, được học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất...", ông Pó nói.
Ở Mường Lát, bản người Mông có khi cách xa trung tâm huyện tới cả vài ba ngày đi bộ. Chính vì vậy, Tết Độc lập cũng là dịp người Mông xuống chợ mua sắm đồ dùng. Trẻ em hiếu kỳ quây kín bên các quán kem, nước ngọt có ga ướp lạnh. Các thiếu nữ không rời mắt khỏi các quán bán dày dép, đồ trang sức, quần áo... Trong khi đó, lớp trung niên lại đặc biệt chú ý tới vật dụng dùng trong gia đình, như con dao, cái cuốc, chậu đựng nước, xoong nồi...
Những đứa trẻ theo cha mẹ xuống phố chơi Tết. Ảnh: Lê Hoàng
Điện thoại di động là thứ hàng đặc biệt được nhiều người ưa thích, ngắm nghía. Dù ở một số bản vùng núi cao, gọi được một cuộc điện thoại là hết sức khó khăn do sóng di động chưa phủ tới, hoặc chập chờn, song điều đó gần như không quan trọng lắm. Người ta có thể đi bộ cả ngày chỉ để gọi một cuộc điện thoại, hoặc mua điện thoại đơn giản chỉ để lấy cái... nghe nhạc khi lên rẫy.
Ngày nay, đã có thể mua sẵn váy, áo hay mặc những bồ đồ cách tân nhưng trong Tết Độc lập, người Mông thường thích mặc những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình. Tự mình xe sợi, dệt vải rồi may áo vẫn được coi là tiêu chí của một người phụ nữ Mông trưởng thành. Chính vì vậy, vui Tết ngày Quốc khánh, nhiều cô gái Mông mặc trên mình những chiếc váy, áo sặc sỡ với những kiểu hoa văn đặc trưng. Những chiếc váy áo đó đã được họ tỉ mẩn chuẩn bị trong vòng nhiều tháng trời.
Trong khi các cô gái xuống chợ xúng xính trong các bộ váy sặc sỡ, đủ màu sắc hoa văn thì các chàng trai cũng chỉn chu không kém. Tết Độc lập cũng là dịp nhiều thanh niên có cơ hội tìm cho mình một người bạn đời ưng ý. Ngoài bộ quần áo truyền thống thì việc chàng trai nào biết nhảy múa, biết thổi kèn lá, thổi khèn, biết múa gậy... sẽ có những ưu thế lớn trong việc trao gửi thông điệp tình yêu đến bạn đời.
Ngồi nghỉ chân ven đường cùng cô vợ trẻ xinh đẹp và hai đứa con nhỏ sau một ngày vui hội cùng gia đình, Anh Lùa A Lừ (40 tuổi), ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý tâm sự, nhà ở cách huyện gần 20km nhưng năm nào anh Lừ cũng chở vợ con đi chơi Tết Độc lập.
"Bản ta nhà nào cũng nghỉ cái nương, cái rẫy từ mấy bữa rồi. Bắt đầu từ sáng sớm 1/9, các gia đình gọi nhau đóng cửa nhà, đuổi con trâu, con ngựa vào rừng kiếm ăn rồi cùng đi chơi hết. Gặp bạn bè vui lắm, đêm nay ta sẽ cho vợ con ngủ lại phố huyện, chơi đến hết ngày 2/9 mới quay về", anh Lừ chia sẻ và cho biết, đã mua sắm được một số vật dụng gia đình dịp này chuẩn bị cho mùa rẫy sắp tới.
Lê Hoàng
Theo VNE
Rộn ràng Tết Độc lập của người Mông Ngay từ ngày 1/9, đồng bào Mông từ khắp các xã, thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa lại nô nức kéo nhau về thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, để chung vui ngày Tết Độc lập. Ngay từ sáng sớm ngày 1/9, khi sương mù vẫn còn bao phủ trên những ngọn núi cao, đồng bào Mông từ khắp các xã...