Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng

Theo dõi VGT trên

Trong khuôn khổ Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2019, sáng nay (4/10) tại Hà Nội, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã phối hợp tổ chức Lễ trao giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 – 2019 cho 11 tác phẩm xuất sắc nhất.

Vừa tôn vinh nông dân, vừa tôn vinh nhà báo

Đánh giá về giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN), ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: Giải báo chí này được phát động từ năm 2013, với tên ban đầu là Cuộc thi viết THNDVN. Nhận thấy vai trò, ý nghĩa lớn lao của cuộc thi này, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo NTNN đã quyết định phối hợp nâng tầm giải lên thành giải báo chí toàn quốc. Và tới thời điểm này, đây cũng là cuộc thi duy nhất tập trung viết và tôn vinh gương nông dân giỏi.

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 1

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí Toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 – 2019 phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Trọng Hiếu

Năm nay, giải đã nhận được 938 tác phẩm gửi về dự thi sau gần 1 năm phát động. So với các năm trước, giải báo chí THNDVN vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các nhà báo, bạn đọc, bạn viết công tác ở các lĩnh vực trên mọi miền Tổ quốc tham gia.

Ngày 5/9, Ban sơ khảo gồm 4 thành viên đã nghiêm túc lựa chọn, đánh giá và chọn được 25 tác phẩm xuất sắc nhất giải gửi cho Hội đồng chấm chung khảo chấm độc lập.

Tiếp đó, ngày 24/9, Hội đồng ban giám khảo gồm những nhà văn, nhà báo có uy tín như nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo; nhà văn Văn Chinh; nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam; chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có những đánh giá độc lập, khách quan để chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất.

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 2

Đại diện Ban Giám khảo, Ban Tổ chức trao giải và tặng hoa cho các tác giả đoạt giải khuyến khích. Ảnh: Trọng Hiếu

“Các tác phẩm đoạt giải đã khắc hoạ sâu sắc hình ảnh những người nông dân giỏi, giàu sức sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên trong việc làm giàu cho bản thân, không những thế còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng. Nét mới của Giải báo chí THNDVN 2018 – 2019 là nhiều bài viết có tính phát hiện cao, một số tác phẩm được thể hiện theo cách mới như Longform, Mega Story, Emagazine có kết hợp các video rất sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Văn phong của các tác giả vừa có sự sắc sảo, gãy gọn của một nhà báo, vừa thể hiện chất thơ, cảm xúc của mỗi tác giả dành cho nhân vật”, ông Lợi cho hay.

Video đang HOT

Đánh giá về những tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban giám khảo cho biết: “Tôi cực kỳ ấn tượng với loạt bài của nhóm tác giả Bạch Hân – Trần Thường (“Hồi sinh những cánh đồng chết” – Vietnamnet); “Cuộc chinh phục dòng Mê Kông của lão nông Bảy Bon mê mệt cá”; hay bài “3 hạt lạc, 11 khóm lúa và chuyện đời, chuyện nghề của CEO Trần Mạnh Báo”… Đó là những câu chuyện thật, mảnh đời thật. Những giống lúa của anh Trần Mạnh Báo giờ đây đã được bà con nông dân vùng đồng bằng sông Hồng tin tưởng sử dụng, góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa…, hay như gương anh nông dân lập công ty tôm chỉ từ con số 20.000 đồng…”.

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 3

Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (đầu tiên bên trái ảnh), ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (đầu tiên bên phải ảnh) trao giải và chứng nhận cho các tác giả đoạt giải Ba.

“Đặc biệt, câu chuyện những người nông dân ở Quảng Trị đã mạnh dạn thay đổi, bắt tay với doanh nghiệp quyết tâm trồng lúa sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để làm nên cánh đồng lúa hữu cơ tươi tốt trên chính những mảnh ruộng từng hứng chịu thương đau trong chiến tranh. Đó là cuộc cách mạng của người nông dân trên đồng ruộng. Điều đấy khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ, và đó cũng là tác phẩm được Ban Giám khảo thống nhất cao trao giải nhất”, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 4

Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo NTNN/Dân Việt, Phó Trưởng ban tổ chức Giải báo chí (bên phải ảnh), ông Phan Quốc Nam, đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền – Nhà tài trợ chính trao giải Nhì cho các tác giả. Ảnh: Trọng Hiếu

Chấm khắt khe, công tâm

Trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyên Huân (Báo Nông nghiệp Việt Nam) về tiêu chí lựa chọn những tác phẩm xuất sắc để trao giải, ông Nguyễn Văn Hoài – Trưởng ban Sơ khảo Giải báo chí toàn quốc THNDVN 2018 – 2019 cho biết: “Ban Giám khảo chấm giải dựa theo 3 tiêu chí chính: Muốn tác phẩm được điểm cao thì đương nhiên nhân vật phải có thật, có thành tích trong đời sống sản xuất chứ không phải nhân vật hư cấu, tự xây dựng lên. Nhật vật đó phải toát lên được những tình tiết câu chuyện độc đáo;

Thứ hai, tác phẩm phải có văn phong bút pháp hay, hấp dẫn, thể hiện được số phận đặc biệt của nhân vật. Thứ ba, nhân vật ấy ngoài làm giàu cho bản thân, cũng phải có đóng góp cho xã hội, lan toả rộng rãi trong cộng đồng”.

Được trao giải cao nhất của cuộc thi, nhà báo Bạch Hân, đại diện nhóm tác giải loạt bài “Hồi sinh trên những cánh đồng chết” (Báo Điện tử Vietnamnet) xúc động nói: “Là phóng viên theo mảng nông nghiệp nhiều năm nay, tôi đã được đến thăm nhiều mô hình của bà con nông dân và tình cờ biết đến mô hình trồng lúa hữu cơ tại Quảng Trị. Tôi đã 2 lần từ Hà Nội vào thăm mô hình và cực kì ấn tượng khi thấy ở nhiều nơi, người nông dân vẫn lạm dụng thuốc trừ sâu, nhưng tại cánh đồng lúa hữu cơ này, không hề có bóng dáng bao bì thuốc trừ sâu, tôm cá sinh sôi rất nhiều. Điều ấy thôi thúc chúng tôi tìm gặp lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu cặn kẽ và viết loạt bài”.

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 5

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải (thứ nhất bên phải ảnh), ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội NDVN (bên trái ảnh) trao quà và giấy chứng nhận cho nhóm tác giải đoạt giải Nhất. Ảnh: Trọng Hiếu

Khắc họa chân thực cuộc cách mạng của nông dân trên đồng ruộng - Hình 6

Nhà báo Bạch Hân – Vietnamnet đại diện nhóm tác giải đoạt giải Nhất chia sẻ về quá trình phát hiện, xây dựng đề tài. Ảnh: Trọng Hiếu

Nói về mô hình này, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, chúng tôi trăn trở rất nhiều, bởi Quảng Trị là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cải tạo đồng ruộng, nâng cao giá trị gia tăng, nhất là tăng thu nhập cho nông dân.

Đã có nhiều mời gọi, chính sách thu hút đầu tư vào tam nông, tuy nhiên qua tìm hiểu một số loại giống lúa của Thái Bình Seed, chúng tôi nhận thấy một số giống lúa phù hợp với đồng đất Quảng Trị và đã mời Công ty Đại Nam ở Bà Rịa – Vũng Tàu về Quảng Trị xây dựng mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ trên những cánh đồng bạc màu, chịu nhiều tang thương trong chiến tranh”.

“Đến nay, nông dân Quảng Trị đã làm ra được những hạt gạo hữu cơ Ong Biển thơm ngon, thân thiện với môi trường. Các nhà khoa học ở Đại học Toshima (Nhật Bản) đã về tận nơi lấy mẫu nghiên cứu, phân tích các chất có trong hạt gạo hữu cơ và phát hiện 2 chất đặc biệt tốt cho sức khỏe con người: Giúp ngăn ngừa ung thư, béo phì, hỗ trợ cho những bệnh nhân bị tiểu đường… Sản phẩm gạo hữu cơ Ong Biển đã được nhiều khách hàng tin tưởng, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi rất cảm ơn Báo NTNN/Dân Việt, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã phối hợp tổ chức cuộc thi viết rất đặc biệt này, cảm ơn các nhà báo đã lặn lội về Quảng Trị, qua đó phát hiện những mô hình hay, giúp mô hình lan tỏa ra khắp đất nước để ngày càng có nhiều gương nông dân điển hình được tôn vinh”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Theo Danviet

Dạy nghề nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn

Mỗi năm, có hàng nghìn lao động nông thôn (LĐNT) được dạy nghề nông nghiệp, nhưng chất lượng đào tạo chưa tương xứng với số lượng lao động được dạy nghề.

2,3 triệu LĐNT được dạy nghề

Sau 10 năm triển khai dạy nghề theo Đề án 1956, ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức đào tạo được trên 2,3 triệu LĐNT. Riêng giai đoạn 2016-2020, Đề án đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 1,6 triệu LĐNT và hoàn thành tới 82% mục tiêu đào tạo.

Dạy nghề nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn - Hình 1

Lao động nông thôn đang bị già hóa (ảnh chụp Lâm Đồng). Ảnh: Nguyệt Tạ

Trong hội thảo nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT do Bộ NNPTNT tổ chức, ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, qua 10 năm (từ năm 2009 - 2019) triển khai dạy nghề cho LĐNT (Đề án 1956), tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt trên 90%. Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3 - 4 lần trước đây.

Bên cạnh những thành tựu, lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng chỉ rõ hạn chế việc dạy nghề. Ví dụ, dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nơi hoạt động dạy nghề chưa tính tới sự thay đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước. Lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm... do đó, chưa nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là hiện nay, một bộ phận lớn lao động trẻ đã không còn hứng thú với làm nông nghiệp. Vì vậy, họ chấp nhận đi làm công nhân ở khu công nghiệp, dù công việc không ổn định, thu nhập cũng không cao.

Đào tạo theo chuỗi

Để khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh công tác dạy nghề cho LĐNT, Bộ NNPTNT chú trọng tới việc sắp xếp cơ cấu đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp và dạy nghề nông nghiệp để lao động trẻ khởi nghiệp ở nông thôn.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đã định hướng với các địa phương phối hợp với các trường đào tạo thực hiện dạy nghề theo tỷ lệ 50-30-20. Tức là 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp, 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã và trang trại, 30% đào tạo cho an sinh xã hội nông thôn.

TS Đào Thế Anh - Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO) cho rằng, hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng dạy nghề cho LĐNT để họ làm nông nghiệp thuần túy chứ chưa có sự liên kết, đổi mới trong dạy nghề.

"Lao động cần được đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới. Đào tạo quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; đào tạo quản lý thương hiệu cộng đồng, cách làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc..." - ông Thế Anh nói.

PGS-TS Phạm Văn Cường - Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: "Thực tế hiện nay, nhiều lao động trẻ nông thôn không thích làm nông nghiệp, nên không có nhu cầu học nghề. Họ thà đi làm công nhân dù biết công việc đó vất vả, không ổn định và thu nhập thấp, chứ nhất định không làm nông nghiệp. Trên những cánh đồng chỉ còn lao động già, người già đi học nghề. Vấn đề là phải truyền thông để thay đổi nhận thức của lao động trẻ, để họ yêu nông nghiệp, sau đó là có cơ chế hỗ trợ tích cực việc đào tạo nghề gắn với khởi nghiệp nông nghiệp cho nhóm lao động này" - ông Cường phân tích.

Thứ trưởng Nam cho biết thêm, thời gian tới, việc dạy nghề nông nghiệp sẽ chuyển hướng sang chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Đặc biệt, thực hiện đổi mới dạy nghề, dạy nghề linh hoạt, khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp" - ông Nam nói.

Theo Danviet

Bạn thấy bài viết này có hữu ích không?
Có;
Không

Tin liên quan