Khác biệt trong cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Người Nhật Bản nổi tiếng thế giới nhờ sự thông minh, tính kỷ luật và cách ứng xử văn minh, lịch sự. Để có được điều này là nhờ hệ thống giáo dục tuyệt vời và vô cùng khác biệt.
1. Tiên học lễ, hậu học văn
Học sinh Nhật Bản trong 3 năm học đầu tiên gần như không phải trải qua bất cứ kỳ thi nào, trừ những bài kiểm tra nhỏ. Người ta tin rằng, trước khi lên 10 tuổi, điều quan trọng nhất trẻ cần học được là cách cư xử tốt và phát triển tính cách của bản thân thay vì việc đánh giá kiến thức. Trẻ em được dạy cách tôn trọng người khác, đối xử thân thiện với động vật và thiên nhiên. Chúng cũng sẽ được học đức tính rộng lượng, lòng nhân ái, sự đồng cảm, tự lập và lẽ công bằng.
2. Năm học mới bắt đầu từ 1/4
Trong khi hầu hết các trường học trên thế giới đều khai trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10, thì tháng 4 lại đánh dấu cho sự khởi đầu của học tập và kinh doanh của đất nước mặt trời mọc. Ngày đầu tiên đến trường thường trùng với mùa hoa anh đào nở, hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất Nhật Bản.
Một năm học được chia thành 3 kì: mùng 1 tháng 4 đến 20 tháng 7, mùng 1 tháng 9 đến 26 tháng 12, và mùng 7 tháng 1 đến 25 tháng 3. Học sinh Nhật Bản sẽ nghỉ hè 6 tuần, và cũng có hai kì nghỉ hai tuần vào mùa đông và mùa xuân.
3. Hầu hết các trường không tuyển lao công
Học sinh Nhật Bản phải tự làm sạch lớp học, nhà ăn, thậm chí là nhà vệ sinh chung của toàn trường. Học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ và nhận sự phân công dọn dẹp trong suốt năm học.
Các nhà quản lý giáo dục Nhật Bản tin rằng, quy định này sẽ giúp học sinh tạo lập được thói quen làm việc nhóm và giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, thời gian trẻ em tự giác quét nhà, lau dọn vệ sinh sẽ giúp chúng tôn trọng công việc của bản thân và người khác hơn.
4. Bữa trưa được tiêu chuẩn hóa và ăn trong lớp học
Hệ thống giáo dục Nhật Bản luôn cố gắng đảm bảo cung cấp các bữa ăn cho học sinh đủ chất dinh dưỡng, sạch sẽ và an toàn. Người thực hiện những bữa ăn không chỉ là đầu bếp chuyên nghiệp mà còn là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Video đang HOT
Hơn nữa, cả lớp sẽ ăn trưa cùng giáo viên, góp phần xây dựng mối quan hệ thầy trò tích cực, thân thiện.
5. Các lớp học phụ đạo rất phổ biến
Để được nhận vào một trường trung học tốt, học sinh Nhật Bản thường xuyên phải tham gia giờ học phụ đạo sau giờ học chính thức. Thông thường, các lớp học này sẽ được tổ chức vào buổi tối. Vì vậy, việc từng đoàn học sinh trở về sau giờ học tối là hình ảnh rất quen thuộc ở đất nước này.
Sinh viên Nhật Bản cũng vậy, ngoài 8 tiếng học tập trên giảng đường, họ còn tham gia vào việc nghiên cứu tài liệu ngay cả những ngày cuối tuần. Không có gì ngạc nhiên, hầu hết học sinh ở tất cả các cấp không có tình trạng lưu ban.
6. Ngoài môn học cơ bản, học sinh Nhật được học thư pháp và thơ ca truyền thống
Thư pháp Nhật Bản, hoặc Shodo dạy trẻ cách sử dụng bút lông và mực in để viết chữ tượng hình trên giấy gió. Đối với người Nhật, Shodo là một nghệ thuật truyền thống phổ biến.
Ngoài ra, Haiku là loại hình thơ có thể thức đơn giản nhưng truyền đạt những cảm xúc rất sâu sắc cho độc giả.
Cả 2 loại hình nghệ thuật này đều hướng đến việc dạy trẻ tôn trọng nét văn hóa và bản sắc riêng, giàu truyền thống của đất nước Nhật Bản hàng trăm năm tuổi.
7. Học sinh đều phải mặc đồng phục đến trường
Hầu như học sinh ở tất cả các trường đều phải mặc đồng phục. Ngoài một số trường có thiết kế riêng, còn lại đều mặc theo kiểu mẫu truyền thống là con trai mặc phong cách quân đội và con gái mặc đồ thủy thủ.
Quy định này nhằm góp phần loại bỏ rào cản giàu – nghèo trong xã hội, giúp tất cả học sinh bình đẳng khi học tập. Bên cạnh đó, việc mặc đồng phục còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong giới trẻ.
8. Tỷ lệ đi học ở Nhật là 99,99%
Có lẽ, mỗi chúng ta từng có ít nhất 1 lần trốn học. Tuy nhiên, sinh viên Nhật không có thói quen bỏ học hay đến muộn. Hơn nữa, theo khảo sát có tới 91% học sinh, sinh viên Nhật không bao giờ bỏ sót những lời giảng dạy của giáo viên. Thật khó để các quốc gia khác cũng có được con số thống kê đáng tự hào như vậy.
9. Một kỳ thi quan trọng duy nhất quyết định tương lai của học sinh
Vào năm cuối của trường trung học, học sinh Nhật Bản sẽ tham gia một kỳ thi quan trọng nhất, quyết định tương lai của họ. Mỗi học sinh sẽ được chọn trường đại học mà mình muốn theo đuổi, và trường đó sẽ yêu cầu một số điểm nhất định. Nếu học sinh không đạt được số điểm đó thì không thể tham gia học đại học.
Tỷ lệ cạnh tranh ở Nhật là rất cao, chỉ có khoảng 76% học sinh đỗ đại học. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các giai đoạn chuẩn bị kì thi đại học được đặt tên là “bài kiểm tra địa ngục”.
10. Đại học là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời
Sau khi vượt qua “bài kiểm tra địa ngục”, học sinh Nhật Bản sẽ được nghỉ ngơi thoải mái. Đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi người. Đôi khi, người Nhật gọi thời gian học đại học là một “kỳ nghỉ” trước khi bước vào thời kỳ làm việc đầy căng thẳng và áp lực.
Theo Danviet
Trẻ em Nhật Bản hàng ngày tự đi học để rèn tính tự lập
Nhiều người nước ngoài cảm thấy khó tin khi thấy trẻ em Nhật Bản tự đi học. Tuy nhiên, đây là cách người lớn nước này rèn cho con tinh thần tự lập và khả năng tự giải quyết vấn đề.
Kênh SBS2 của truyền hình Australia vừa chiếu phim tài liệu ngắn Những đứa trẻ tự lập của Nhật Bản trên YouTube. Video cung cấp cho người xem điểm khác biệt cơ bản giữa cách các cô bé nước này đến trường so với trẻ em Australia cũng như những yếu tố xã hội ảnh hưởng tới quá trình hình thành tính tự lập trong người Nhật.
Video kéo dài khoảng 8 phút, mở đầu bằng dòng chữ Kawaii ko ni wa tabi o saseyo (Để bé yêu gia nhập hành trình). Theo đó, trẻ em cần bắt đầu tiếp nhận khó khăn, thử thách từ bé.
Noe Ando tranh thủ đọc sách trên chuyến tàu đến trường. Ảnh cắt từ clip.
Nó cho thấy thực tế ở Nhật Bản, khi mỗi đứa trẻ đều được xã hội hóa để trở nên tự lập và biết cách chăm sóc bản thân sớm hơn so với trẻ em các nước phương Tây.
Trong video, cô bé Noe Ando ăn sáng cùng gia đình rồi bắt đầu ngày học bình thường bằng cách tự bắt tàu đến trường. Nữ sinh nhỏ tuổi thậm chí phải đổi tuyến tại ga JR Shinjuku, ga tàu có số lượng hành khách đông nhất thế giới.
Với người trưởng thành, việc chen qua đám đông trong ga vào giờ cao điểm cũng là thử thách lớn. Trong khi đó, Noe mới 7 tuổi.
Hành trình đến trường của Noe Ando khiến nhiều người ngạc nhiên, không dám tin. Tuy nhiên, mẹ của em cho rằng đây là điều hết sức bình thường.
"Bố mẹ không thể lúc nào cũng ở cạnh con cái. Vì thế, con bé phải học cách tự giải quyết vấn đề. Nếu bắt nhầm chuyến tàu, Noe phải tự mình phát hiện và sửa chữa sai lầm", bà mẹ trẻ nói.
Tiếp đến, đoàn làm phim phỏng vấn Jake Adelstein - một nhà báo điều tra người Mỹ nổi tiếng với các bài báo về tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản. Bản thân Jake cũng trải qua cú sốc văn hóa khi cô con gái 4 tuổi của ông bắt đầu tự đi học tại đây.
Sau thời gian quan sát, ông cho biết xã hội và văn hóa làm việc của Nhật Bản sẽ phải tái cơ cấu hoàn toàn nếu các bậc phụ huynh phải đưa con đi học mỗi ngày.
Nhằm làm rõ hơn điểm khác biệt trong cách dạy con của nước này, đoàn làm phim đến gặp gia đình Fraser ở Australia. Như nhiều gia đình phương Tây khác, Emily Fraser (10 tuổi) được bố lái xe đưa đón đến trường.
Khi biết về cách sống của trẻ em Nhật Bản, cô bé rất hào hứng và khẳng định mình sẽ sẵn sàng tự đi học nếu sống ở nước này. Emily cũng mong đợi học lên trung học phổ thông để có thể tự đến trường và sống tự lập hơn.
Nhà làm phim thu thập ý kiến xung quanh những khác biệt xã hội, sự kỳ vọng đối với trẻ em của người dân Nhật Bản và Australia.
"Xã hội chúng ta đang mắc chứng hoang tưởng về việc để trẻ con một mình", một người đàn ông Australia nói.
Trên thực tế, dân số Nhật Bản đông gấp 5 lần Australia nhưng tỷ lệ giết người chỉ bằng 1/4. Sau khi đoạn phim tài liệu này được đăng trên mạng xã hội, nhiều người cũng nêu quan điểm của họ về cách người Nhật dạy con sống tự lập từ bé.
Một người dùng bình luận: "Tôi cho rằng ngoài tỷ lệ tội phạm thấp, người Nhật thường nuôi dạy trẻ em theo kiểu tập thể. Vì thế, khi bị lạc hoặc gặp rắc rối, trẻ nhỏ có thể nhờ sự giúp đỡ từ người lạ, đặc biệt từ người già.
Người phương Tây trưởng thành trong hoàn cảnh trái ngược khi họ luôn có nguy cơ bị tổn thương khi tiếp xúc với người lạ".
Một người khác nhận định trường hợp như Noe Ando không quá phổ biến ở Nhật Bản. Đương nhiên, người lớn nước này cũng rèn cho con thói quen tự lập bằng cách để các em tự đi học nhưng với khoảng cách ngắn và các em thường đi theo nhóm dưới sự hướng dẫn của học sinh lớn tuổi hơn.
Tuy nhiên, phần lớn người xem đều khẳng định trẻ em Nhật Bản trưởng thành và tự lập hơn nhiều so với trẻ em phương Tây. Người lớn nước này dạy con kỹ năng sống cơ bản nhất bằng những việc hết sức bình thường như tự ăn cơm, làm vệ sinh cá nhân hay đi học từ khi các em còn nhỏ tuổi.
Theo Zing
10 điểm riêng biệt làm nên sức mạnh giáo dục Nhật Bản Học sinh Nhật Bản vốn nổi tiếng thông minh, tinh thần tự lập, lối sống nề nếp. Những phẩm chất này được hình thành rất sớm nhờ nền giáo dục đặc biệt. Ở Nhật Bản, các trường áp dụng phương châm "tiên học lễ, hậu học văn'. Học sinh không phải tham dự bất cứ kỳ thi nào trước khi học lớp 4....