Khả năng thị trường khí đốt thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn 2025-2027
Theo báo Rossiyskaya Gazeta của Nga, thay vì sự dư thừa như dự báo trước đây, thị trường khí đốt toàn cầu có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn 2025-2027.
Những yếu tố góp phần vào khả năng này bao gồm sự chậm trễ trong việc triển khai các cơ sở sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới tại Mỹ, nguy cơ gián đoạn vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào các dự án LNG của Nga.
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Alexey Grivach, Phó Giám đốc điều hành Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia, cho rằng thị trường khí đốt hiện nay có thể đã chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Mặc dù châu Âu đang đối mặt với các khó khăn kinh tế, giá khí đốt vẫn ở mức cao.
Tình hình tại châu Á cũng không khả quan. Với các vấn đề có thể phát sinh tại thị trường châu Âu vào mùa Đông nếu thời tiết lạnh giá kéo dài, đặc biệt khi kết hợp với những yếu tố bất lợi khác.
Ông Sergey Vetchinin, tác giả của kênh Telegram chuyên về ngành dầu khí “Oil and Gas World,” nhận định rằng tình trạng thiếu hụt khí đốt là điều hoàn toàn có thể xảy ra, do sự chậm trễ trong khai trương các cơ sở LNG mới và các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ ảnh hưởng xấu đến dự án Arctic LNG 2. Các khách hàng tiềm năng lo ngại những rủi ro pháp lý hoặc kinh tế khi mua khí LNG từ một dự án bị trừng phạt.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Maxim Malkov, người đứng đầu bộ phận dịch vụ của công ty tư vấn dầu khí Kept, lại tỏ ra lạc quan hơn. Theo ông, với các năng lực sản xuất LNG hiện tại, nguồn cung khí đốt vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, và sự thiếu hụt sẽ khó xảy ra nếu tình hình ổn định. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu đang giảm tiêu thụ khí đốt, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc đang gia tăng, Nhật Bản đang khôi phục năng lượng hạt nhân, trong khi các quốc gia Nam Á vẫn gặp phải những hạn chế về cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG, do đó nhu cầu không có dấu hiệu tăng mạnh. Thiếu hụt khí đốt chỉ có thể xảy ra nếu một loạt yếu tố kết hợp, bao gồm sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á, mùa Đông lạnh giá, mùa Hè nóng bức tại châu Âu và châu Á, cùng các sự cố làm giảm công suất của một số nhà máy LNG.
IEA tìm cách thiết lập các cơ chế ổn định giá khí đốt
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang tìm cách thiết lập các cơ chế để ổn định giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tạo điều kiện bán khí đốt thừa cho các quốc gia thực sự cần, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine tiếp tục gây sức ép lên thị trường toàn cầu.
Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại đảo Melkoeya, Na Uy. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có quy mô nhỏ hơn thị trường dầu thô, phần lớn nhiên liệu này được bán thông qua các giao dịch không chính thức. LNG, đóng vai trò then chốt cho nhu cầu điện của Nhật Bản, cũng khó dự trữ hơn, dẫn đến biến động giá mạnh hơn.
Ngay trong năm nay, IEA sẽ thành lập một tổ chức để chia sẻ và phân tích thông tin về việc mua bán và dự báo nhu cầu khí đốt của các quốc gia, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho 31 quốc gia thành viên của cơ quan này.
Theo Viện Năng lượng Anh, các thành viên của IEA bao gồm Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu, chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu vào năm 2023. Sự minh bạch hơn về cung cầu của họ có thể cải thiện khả năng dự báo, hạn chế biến động quá mức của giá LNG và giảm chi phí mua sắm năng lượng.
IEA cũng sẽ xem xét việc xây dựng một khuôn khổ để các thành viên có nguồn cung dư thừa chia sẻ LNG trong các trường hợp khẩn cấp với các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Nhiều quốc gia châu Âu đang dự trữ khí đốt bằng các cơ sở lưu trữ ngầm dưới lòng đất tại các mỏ khí cũ. Khuôn khổ này có thể cho phép các cơ sở lưu trữ này ký kết hợp đồng cung cấp với các quốc gia đang phải hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, chẳng hạn như Nhật Bản, nơi Chính phủ đang khuyến khích khu vực tư nhân đảm bảo nguồn cung LNG dự phòng trong trường hợp khủng hoảng.
Khí tự nhiên thải ra ít carbon dioxide hơn than đá và được các quốc gia đang theo đuổi các nỗ lực giảm phát thải carbon như Mỹ và Nhật Bản ưu tiên. Nhưng giá LNG hiện tại cao hơn gấp đôi mức giá trung bình của 5 năm qua, ngay cả sau khi đã giảm đáng kể so với đỉnh điểm năm 2022, khi giá mặt hàng này tăng vọt do cuộc xung đột ở Ukraine.
Báo cáo thị trường khí đốt tháng 1/2024 của IEA cho thấy giá LNG giao kỳ hạn trên sàn TTF của Hà Lan cao gấp 2,5 lần mức trung bình trong giai đoạn 2016-2020. Giá LNG giao ngay của châu Á cũng cao hơn gấp đôi mức trung bình trong cùng kỳ.
Khí tự nhiên chiếm hơn 30% trong cơ cấu năng lực điện của Nhật Bản trong năm tài chính 2022 và dự kiến chiếm khoảng 20% năng lực điện của nước này trong năm tài chính 2030. Việc ổn định và hạ nhiệt giá LNG là một thách thức đối với Nhật Bản trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, bởi Nga cung cấp gần 10% lượng nhập khẩu LNG của Nhật Bản.
Trước đó, ngày 11/7, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của năm 2024 và 2025, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang chững lại, với Trung Quốc - động lực chính cho tăng trưởng trong nhiều năm qua - cũng ghi nhận sự sụt giảm.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA cho biết nhu cầu dầu mỏ chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý II/2024, mức tăng chậm nhất trong hơn một năm qua. IEA lưu ý, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong quý II giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. IEA cho biết sự sụt giảm gần đây cho thấy sự suy yếu nội tại và một xu hướng chững lại rõ rệt trong ngành sản xuất.
IEA dự đoán lượng tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trung bình chưa đến 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 2025, do tăng trưởng kinh tế trì trệ, hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và xu hướng điện khí hóa các phương tiện giao thông sẽ kìm hãm nhu cầu. Cơ quan này đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 và năm 2025 lần lượt xuống còn 103,1 triệu thùng/ngày và 104 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Tudor Pickering Holt & Co cho biết việc các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng năng lượng tăng đột biến có thể thúc đẩy đáng kể nhu cầu khí đốt tự nhiên trong nửa cuối thập niên này.
Các nhà phân tích cho biết thế giới có thể cần thêm tới 8,5 tỷ feet khối (khoảng 240 triệu m3) khí đốt tự nhiên mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Báo cáo ước tính nhu cầu điện hiện tại từ các trung tâm dữ liệu là 11 GW. Trong kịch bản cơ sở, con số trên dự kiến sẽ tăng lên 42 GW vào năm 2030.
Giá khí đốt tự nhiên có thể đạt trung bình 4 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh (BTU) trong nửa sau của thập kỷ này.
Giá khí đốt tự nhiên chạm mức thấp nhất trong ba năm rưỡi vào tháng Hai xuống còn 1,61 USD/ 1 triệu BTU. Mức giảm phần lớn do thời tiết mùa Đông ôn hòa, buộc nhiều nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng.
Giới phân tích nhận định các nhà khai thác đường ống dẫn năng lượng như Kinder Morgan, Williams và Energy Transfer sẽ có lợi thế để tận dụng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng, trong khi các nhà sản xuất khí đốt như EQT và Chesapeake Energy cũng sẽ được hưởng lợi.
Các công ty công nghệ và điện lực của Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng hệ thống điện của đất nước không mở rộng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các công nghệ mới, ví dụ như AI tạo sinh. Điều này khiến các doanh nghiệp vận hành trung tâm dữ liệu đôi khi bỏ qua các công ty tiện ích và ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất điện, hoặc tự xây dựng những công ty điện lực để đảm bảo nguồn cung năng lượng riêng.
Theo dữ liệu mới nhất từ Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, nhu cầu tổng thể về năng lượng tại Mỹ đã tăng từ 2.000 GW vào năm 2022 lên 2.600 GW trong năm 2023. Chính mức tăng trên thúc đẩy hàng loạt yêu cầu kết nối với lưới điện từ các dự án sản xuất điện và lưu trữ năng lượng.
Tại sao nước đi đầu trong chuyển đổi năng lượng châu Âu lại tăng cường sử dụng khí đốt? Đức là quốc gia điển hình cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nhờ vào nguồn lực khổng lồ hướng tới việc biến tầm nhìn "xanh" của EU thành hiện thực. Giờ đây, những vấn đề đang xuất hiện trong tầm nhìn đó khi an ninh năng lượng ngày càng trở nên quan trọng. Đức đang đầu tư hàng chục tỷ euro...