Khả năng Đức củng cố sườn phía Đông NATO
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 6/2 đã đề cập khả năng ông sẵn sàng tăng viện binh sĩ tới Litva nhằm củng cố sườn phía Đông của NATO trong bối cảnh Nga được cho là đang tăng quân ở khu vực giáp Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Berlin ngày 12/1/2022. Ảnh (tư liệu): THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD trước khi rời Berlin tới thăm Mỹ, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, Đức “sẵn sàng làm tất cả những gì cần để củng cố” nhóm tác chiến do Đức dẫn đầu ở Litva. Thủ tướng Scholz cũng cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với lãnh đạo 3 nước Baltic, gồm Tổng thống Litva Gitanas Nuseda, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins, dự kiến thăm Berlin vào ngày 10/2 tới. Hiện NATO đã triển khai bốn đơn vị tác chiến đa quốc gia với tổng quân số khoảng 5.000 người tới Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia. Các nhóm tác chiến này tương ứng do Mỹ, Đức, Canada và Anh dẫn đầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz một lần nữa bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine do chính sách của Đức không đưa vũ khí đến các khu xung đột. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh: “Chính phủ Đức theo đuổi đường lối rõ ràng từ lâu nay: Chúng tôi sẽ không bao giờ cung cấp vũ khí giết người tới các khu vực khủng hoảng và sẽ không đưa vũ khí tới Ukraine”. Ông cũng cho biết, theo các cuộc khảo sát, hầu hết người dân Đức đều chia sẻ quan điểm với Chính phủ Đức về vấn đề này. Chủ trương phản đối cung cấp vũ khí cho Kiev đang khiến Đức chịu nhiều áp lực từ các đối tác EU, trước hết là Ba Lan và các nước Baltic, và Mỹ – những quốc gia kêu gọi Berlin cần có tín hiệu rõ ràng.
Video đang HOT
Trong khi đó, trên kênh RTL, Thủ tướng Scholz cho biết ông đã nhận thấy một số cải thiện trong căng thẳng giữa phương Tây và Nga, đó là các bên đã gia tăng đối thoại, dù là giữa Mỹ với Nga hay trong định dạng Normandy gồm các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine.
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) Wolfgang Ischinger ngày 6/2 bày tỏ hy vọng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự diễn đàn này thông qua hình thức trực tuyến. Tuyên bố được đưa ra sau khi Điện Kremlin thông báo Tổng thống Putin không có kế hoạch tham dự hội nghị sẽ diễn ra từ 18-20/2 tới tại thành phố Munich của Đức.
Theo ông Ischinger, Tổng thống Putin đã bác bỏ lời mời trực tiếp tham dự MSC, song có thể Tổng thống Nga muốn tham dự hội nghị trực tuyến. Ông Ischinger cũng cho biết dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham dự diễn đàn thường niên này.
Ngoài ra hội nghị còn có sự tham dự của khoảng 35 nguyên thủ và thủ tướng các nước, bên cạnh Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, cùng khoảng gần 100 bộ trưởng.
Thủ tướng Đức lên kế hoạch công du Nga
Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo ông sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moskva.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (ảnh) thông báo sẽ sớm gặp Tổng thống Nga tại thủ đô Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF của Đức, Thủ tướng Scholz xác nhận: "Tôi sẽ sớm trao đổi (với Tổng thống Putin - pv) tại Moskva về những chủ đề cần thiết... Chuyến thăm đã được lên kế hoạch và sẽ sớm diễn ra".
Thông tin về chuyến thăm được công bố trong bối cảnh quan hệ Nga - Đức đang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine và việc Ủy ban Giám sát Truyền thông của Đức mới đây đã cấm phát sóng kênh truyền hình RT tiếng Đức (RT DE) với lý do thiếu giấy phép cần thiết.
Phóng viên TTXVN tại Nga dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này ngày 2/2 cho biết Moskva sẽ thực thi các biện pháp trả đũa đối với các hãng truyền thông Đức đăng ký hoạt động tại LB Nga.
Tuyên bố nêu rõ: "Quyết định của Cơ quan quản lý truyền thông Đức là tín hiệu rõ ràng cho thấy mối quan ngại của Nga bị phớt lờ. Bước đi này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa chống lại truyền thông Đức đăng ký tại Nga cũng như các tổ chức trung gian Internet đã xóa tài khoản của kênh truyền hình (RT DE - pv) khỏi nền tảng của họ một cách tùy tiện và bất hợp lý".
Cũng trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định kênh RT DE hoạt động trên cơ sở giấy phép phát sóng vệ tinh do Serbia cấp và hoàn toàn tuân thủ Công ước châu Âu về Truyền hình Xuyên biên giới mà Đức cũng tham gia. Vì thế, Moskva sẽ không thể không đưa ra các biện pháp đối phó nếu như Berlin từ chối tìm ra giải pháp mang tính xây dựng trong vấn đề này.
Trong khi đó, người đứng đầu Đài truyền hình nhà nước Nga RT, bà Margarita Simonyan, ngày 2/2 cho biết kênh tiếng Đức của mạng này sẽ tiếp tục phát sóng. Hiện kênh RT DE vẫn đang hoạt động trên mạng Internet và ứng dụng di động sau khi bị chặn trên mạng vệ tinh của châu Âu từ ngày 22/12/2021 theo yêu cầu của nhà chức trách Đức, chưa đầy một tuần sau khi phát sóng.
Lãnh đạo Đức, Pháp kêu gọi giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/1 đã kêu gọi Nga góp phần giảm căng thẳng tình hình Ukraine, nhấn mạnh sự hợp tác và đối thoại với Nga trong khi cũng đưa ra cảnh báo gửi tới Moskva. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại cuộc họp báo ở...