Khá “bảnh” lên bản tin Thời sự VTV: Hiểm họa “thần tượng” vô văn hóa trên MXH
Đời sống của Khá “bảnh” được mô tả là sự tổng hợp của bạo lực, văng tục chửi bậy và khoe của. Đáng nói là những hành vi vô văn hóa của Khá “bảnh” tuy gây ảnh hưởng xấu nhưng lại không dễ để xử lý. Bởi vậy, sự lên án mạnh mẽ từ dư luận là vô cùng cần thiết.
Tối 31/03, chương trình Thời sự 19h trên sóng VTV – Đài truyền hình Việt Nam đã dành khoảng hơn 2 phút để nói về trường hợp của Khá “bảnh” (Ngô Bá Khá) – hiện tượng mạng gây chú ý thời gian gần đây với quá khứ bất hảo, từng vào tù ra tội.
Khá “bảnh” – Hiểm họa “thần tượng” vô văn hóa trên MXH (Ảnh chụp màn hình VTV1)
Theo đó, Khá “bảnh” được mô tả là một đối tượng đã nhiều lần vi phạm pháp luật và bị xử lý như việc dừng xe, dàn hàng ngang chụp ảnh trên cao tốc khiến thanh niên này bị phạt 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng. Gần đây thì Khá lên mạng chửi bậy, đốt xe, khoe khoang vô văn hóa.
Khá bảnh cùng nhóm bạn ngang nhiên dừng đỗ trên cao tốc để dàn hàng ngang chụp ảnh.
Hành vi nói trên khiến Khá bị phạt 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng.
BTV chương tình Thời sự mô tả đời sống của Khá “bảnh” là sự tổng hợp của bạo lực, văng tục chửi thề, khoe tiền khoe của. Đáng nói là những hành động có thể nói là “vô văn hóa ” nói trên lại khó có thể bị xử lý. Chính vì vậy, rất cần sự lên án mạnh mẽ của dư luận, cũng như các hình thức xử lý của cơ quan chức năng, không để những hình ảnh vô văn hóa thế này lan truyền.
“Tôi nghĩ rằng nếu người ta cứ học theo, làm theo một cách vô thức thì đến một lúc nào đó nó sẽ biến thành lối sống thực của mình. Và khi đó, xã hội của chúng ta sẽ phải chịu hậu quả rất lớn của lối sống bản năng, hoang dã của những cá nhân thuộc một cộng đồng mạng nào đó, học theo những clip, những nội dung thiếu giá trị văn hóa, nhân văn.”, PGS. TS. Phạm Mạnh Hà – Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ nỗi trăn trở về môi trường mạng với những hiện tượng thiếu văn hóa hiện nay.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, chia sẻ quan điểm về sự việc này dưới góc nhìn Văn hóa, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia cho biết, trong lúc chưa thể ngăn chặn triệt để những hiện tượng mạng tiêu cực như trên thì điều cần làm là phê phán, phê phán mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc giáo dục, định hướng cũng cần quan tâm đặc biệt, “cần phân tích rõ ràng cho các em hiểu tại sao lại phải phê phán, tại sao những điều đó lại xấu, tại sao các em không nên theo các tấm gương đó một cách kỹ lưỡng, sâu sắc. Để từ đó, chúng ta có thể ngăn chặn đượng hiện tượng các em đua đòi theo những su thế mang tính tạm thời và ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của các em.”, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Theo Helino
Tung hô Khá 'bảnh' như ngôi sao: Giới trẻ thần tượng hay chỉ giải trí?
'Khi một người vi phạm pháp luật, một người có hành động xăm trổ, hổ báo mà được tung hô như thế cuối cùng sẽ tạo ấn tượng sai lầm cho giới trẻ. Các bạn sẽ nghĩ muốn được chú ý, muốn được nổi tiếng thì phải làm như thế, thậm chí còn làm độc hơn người ta mới được chú ý đến', TS Trần Thành Nam nói.
Những ngày qua, Khá 'bảnh' (Ngô Bá Khá) trở thành hiện tượng mạng xã hội đang nhận được sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ. Khá 'bảnh' nổi tiếng trên mạng xã hội là nhờ kiểu tóc 'bờm ngựa', phát ngôn gây sốc và điệu nhảy không giống ai đăng tải trên mạng xã hội. Trang cá nhân của Khá 'bảnh' hiện có hơn 600 nghìn lượt theo dõi...
Hình ảnh Khá "bảnh" được nhiều học sinh hâm mộ. (ảnh: MXH)
Đầu tháng 3 năm nay, Khá 'bảnh' xuất hiện trên mặt báo khi cùng một nhóm thanh niên dừng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dàn hàng tạo dáng chụp ảnh trên đường rồi tung lên facebook. Với hành vi này, Khá 'bảnh' đã bị phạt 5.500.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Mới đây, Khá 'bảnh' lại gây 'bão mạng' với hình ảnh mình được nhiều bạn trẻ, trong đó có không ít bạn còn nguyên đồng phục, thậm chí cả người lớn xin chữ ký, xin chụp ảnh, phấn khích gọi tên. Trong ảnh, Khá 'bảnh' mặc áo phông đơn giản, lộ cánh tay xăm kín và đeo đầy vàng. Sự xuất hiện của Khá 'bảnh' trên phố (được cho là ở thành phố Yên Bái) gây nghẽn cả đoạn đường.
Điều này khiến không ít người tỏ ra lo lắng khi dường như các giá trị, chuẩn mực đạo đức của giới trẻ đã thay đổi. Tại sao giới trẻ bây giờ lại lấy một thanh niên như Khá 'bảnh' làm quy chuẩn để thần tượng, ngưỡng mộ?.
Chia sẻ về vấn đề này, TS tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, những bạn có hành động này đều đang ở độ tuổi teen. Mà đặc điểm tâm lý, định hướng giá trị của các bạn tuổi teen bây giờ không theo giá trị trước đây (giá trị truyền thống) mà luôn có xu hướng tìm sự kích thích, những điều mới lạ, không nhàm chán thậm chí những gì nổi loạn.
'Nhìn dưới góc độ tích cực thì phản ánh các bạn muốn khám phá, tìm kiếm sự mới lạ, tìm kiếm giới hạn bản thân có thể làm được gì. Sự kiện chào đón Khá 'bảnh' cũng giống như việc chúng ta chụp hình với ngôi nhà đẹp, ô tô sang hay một ngôi sao điện ảnh, người nổi tiếng, hiện tượng độc đáo, thậm chí cả người tai tiếng nào đó để đưa lên mạng thôi.
Khá 'bảnh' cũng là một trong những điều khiến các em tìm kiếm sự kích thích mới lạ. Chúng ta cũng không cần phải lo lắng là giới trẻ thần tượng bạn này. Vì đây chỉ là một hiện tượng vui thích giải trí giống như Lệ Rơi trước đây.
Giới trẻ thích chẳng qua là do phong cách lạ, đôi khi kiểu tóc buồn cười hoặc là dáng ngổ ngáo, kỳ dị.... Chỉ mang tính chất giải trí với suy nghĩ 'ờ người này nổi tiếng' chứ không đến mức thần tượng kiểu chụp ảnh rồi mang về treo trong nhà, gắn bó với thần tượng bằng những buổi sinh hoạt của CLB Fan', TS Nam nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia tâm lý cũng bày tỏ sự quan ngại trước hiện tượng này. Đó là định hướng giá trị của giới trẻ càng ngày càng khác so với trước đây. Và những yếu tố độc, mới, lạ không nhất thiết hợp lý, giá trị đích mà các bạn ấy cũng ngưỡng mộ.
TS tâm lý Trần Thành Nam
'Nguyên nhân là do công tác giáo dục định hướng giá trị cho giới trẻ hiện nay có nhiều vấn đề. Như tôi từng nói, những bạn hay ngưỡng mộ, hay thể hiện sự yêu thích với những hành động của Khá 'bảnh' hầu như là tuổi teen.
Mà ở độ tuổi này tâm lý các em luôn luôn muốn thể hiện và muốn khám phá. Khám phá những điều bố mẹ cấm, nhà trường cấm thì lại có xu hướng thích làm. Ở trên mạng cũng vậy, chẳng mấy ai lên mạng đưa ra những hình ảnh, bình luận tiêu cực giống nhân vật Khá 'bảnh' - thể hiện tư tưởng phá luật ... đôi khi đó lại là đặc điểm của một số bạn trẻ cũng có xu hướng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ.
Và các bạn ấy chính là những người đầu têu. Trong đám đông tung hô Khá 'bảnh' đó, tôi nghĩ rằng không phải ai cũng biết đến nhân vật này, không biết anh ta nổi tiếng về vấn đề gì. Nhưng bị tâm lý a dua theo các thành viên khác trong nhóm, một số người nhận ra và bắt đầu có hành động thể hiện sự ngưỡng mộ... làm cho đám đông hùa theo.
Đám đông càng lớn, tính ham vui, hành xử thêm cảm xúc, bắt chước theo người khác mà không có lý tính gì càng nhiều. Giống như kiểu một người đứng giữa đường ngửa mặt lên trời thế là mọi người đi ngang qua đều dừng lại ngửa mặt lên trời nhìn theo mà không biết nhìn điều gì...Hiện tượng này tương tự như vậy', TS Nam phân tích.
Một lần nữa, TS Nam không cho rằng giới trẻ không phải đang thần tượng Khá 'bảnh' mà chỉ dừng ở mức vui chơi, giải trí mà thôi. Song ông cũng nhấn mạnh 'dù gì đi chăng nữa thì cũng đáng lưu tâm'.
Khi một người vào tù ra tội, một người có hành động xăm trổ, hổ báo mà được tung hô như thế cuối cùng sẽ tạo ấn tượng sai lầm cho giới trẻ. Các bạn sẽ nghĩ muốn được chú ý, muốn được nổi tiếng thì phải làm như thế, thậm chí còn làm 'độc' hơn người ta mới được chú ý đến.
'Nếu những hiện tượng này vẫn tiếp diễn, những kênh kiểu như thế này mà không được quản lý... rất nhiều người tiếp cận được sẽ tạo nên một ấn tượng sai lầm trong các bạn tuổi teen... tuổi phá phách, nổi loạn, tuổi muốn khám phá giới hạn của bản thân mình thì nó sẽ bắt chước và làm những hành động đấy. Chúng sẽ nghĩ vi phạm pháp luật, nói tục, chửi bậy vẫn được chào đón, vẫn được nổi tiếng thì mình có độc hơn cũng chả làm sao. Điều này thực sự không tốt cho giới trẻ và cho xã hội', TS Nam lo ngại.
Để phòng ngừa, xuất phát đầu tiên là phải giáo dục giá trị cho giới trẻ. 'Việc chúng ta cần làm là giúp các bạn trẻ tự nhận ra được những hiện tượng đấy là những hiện tượng phản xã hội, những hiện tượng đấy là hiện tượng cần lên án chứ không phải là hiện tượng được cổ vũ', TS Nam bày tỏ.
Theo đó, công cuộc giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ là công việc của toàn xã hội chứ không chỉ của riêng ngành giáo dục. Và người quan trọng nhất chính là bố mẹ, tiếp đến là giáo dục trong nhà trường.
'Quan trọng nhất đối với giáo dục giá trị không phải bằng lời nói, bằng mồm mà bố mẹ giáo viên phải là những người giáo dục con mình, học trò của mình những giá trị bằng chính những hành động cụ thể.
Mình cứ bảo con phải yêu thương bạn bè, anh em nhưng bố, bà mẹ vẫn đánh con như két bay, cô giáo nói yêu thương nhưng vẫn thẳng tay tát trò, cho trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng... thì làm sao trẻ nghĩ yêu thương được. Bố mẹ, thầy cô dạy con trung thực nhưng chỉ cần bước chân ra đường trẻ nhìn thầy đâu cũng là sự giả dối, bảo sao chúng có thể tin....Cần phải bằng hành động và tấm gương nhân cách cụ thể.
Chúng ta nói hay, minh họa một vài hành động hay nhưng ngoài xã hội, trên mạng xã hội toàn những việc trái lại những điều cô nói, bố mẹ nói... mà lại được tung hô, ngưỡng mộ thì những điều trẻ được dạy dỗ về giá trị đều bằng không hết', TS Nam nhấn mạnh.
Theo N.Huyền/Infonet.vn
Nhìn cảnh học sinh đón tiếp Khá Bảnh, tôn sùng như thần tượng, những người làm giáo dục nói gì? Hình ảnh Khá Bảnh được học sinh ở Thành phố Yên Bái hào hứng đón tiếp như đón thần tượng khiến phụ huynh và thầy cô phải suy nghĩ. Những hình ảnh đang được lan truyền mạnh mẽ trong ngày hôm nay chính là cảnh một nhân vật có tên là Khá Bảnh được học sinh đón tiếp, xin chụp ảnh, xin chữ...