Kêu gọi giải pháp ngoại giao cho hạt nhân Iran
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 10/11 đã bày tỏ “lo ngại đặc biệt” sau việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ( IAEA) công bố báo cáo cho thấy chương trình hạt nhân của Iran có thể nhằm mục đích quân sự.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ảnh: Internet)
Ông Ban Ki-moon kêu gọi Chính phủ Iran nhanh chóng chứng minh mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân mà nước này đang theo đuổi và tuân thủ mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như của IAEA. Ông kêu gọi các bên tiếp tục đàm phán và tỏ ý tin tưởng rằng giải pháp ngoại giao, chứ không phải can thiệp bằng quân sự, là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này.
IAEA ngày 8/11 công bố báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran, trong đó khẳng định có thông tin “đáng tin cậy” rằng Iran có thể đã nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân. Iran ngay sau đó đã bác bỏ báo cáo của IAEA, khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là hoàn toàn vì mục đích hòa bình; đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bị tấn công.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran có thể gây “tác động nghiêm trọng” tới toàn khu vực mà không giúp ngăn chặn chương trình hạt nhân của Teheran. Ông cho biết Mỹ tập trung vào giải pháp ngoại giao và đã tiến hành đối thoại với các đồng minh về việc áp đặt thêm trừng phạt với Iran liên quan đến các hoạt động hạt nhân của nước này, và tấn công Iran chỉ là “giải pháp cuối cùng.”
Trước đó, Trung Quốc đã khẳng định trừng phạt không phải là giải pháp cho vấn đề, đồng thời khẳng định đối thoại và hợp tác là cách tiếp cận hữu hiệu nhất.
Bộ trưởng Panetta đưa ra cảnh báo trên sau khi Tổng thống Israel Shimon Peres cho biết một cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran “ngày càng nhiều khả năng xảy ra;” trong khi đó, Teheran đe dọa trả đũa mạnh tay mọi hành động quân sự hay đe dọa sử dụng vũ lực nào.
Video đang HOT
Trong phản ứng của mình, Ngoại trưởng Đan Mạch Villy Soevndal cho rằng các nước phương Tây không nên chọn giải pháp tấn công Iran để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này. Ông Soevndal cho biết hoạt động quân sự chống Iran sẽ gây hậu quả đặc biệt nguy hiểm và Đan mạch sẽ không tham gia vào hoạt động này trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, ông Konstantin Kosachev cam kết Nga sẽ làm tất cả để ngăn chặn hành động quân sự nhằm vào Iran. Theo ông, các hành động quân sự nhằm vào Iran sẽ chỉ dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng và Nga kêu gọi các bên bình tĩnh và không áp đặt thêm trừng phạt đối với Iran.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga, ông Igor Barinov thì cho biết Nga sẽ phối hợp với Trung Quốc để ngăn không cho tình hình diễn biến theo “kịch bản Irắc hoặc Afghanistan.”
Ông nhấn mạnh thông tin của các cơ quan tình báo phương Tây đã châm ngòi cho các hành động quân sự quy mô lớn nhằm vào Irắc, nhưng sau đó vẫn không phát hiện ra bất kỳ vũ khí hủy diệt nào ở Iraq. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng xây dựng thêm lò phản ứng hạt nhân ở Iran.
Phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ Nga, Chủ tịch Công ty quốc doanh Rosatom của Nga, ông Sergei Kiriyenko cho biết việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân không phải là vấn đề khiến cộng đồng quốc tế phải nghi ngại, và không liên quan tới các vấn đề nhạy cảm, do vậy hoàn toàn có thể thực hiện được.”
Ông Kiriyenko cho biết thêm rằng Iran cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục xây thêm các lò phản ứng hạt nhân./.
Theo TTXVN
Nga đối đầu với phương Tây vì Iran
Trong khi các chính phủ phương Tây đang tập hợp nhau lại để tìm cách tăng cường sức ép lên Iran bằng các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn thì Nga kiên quyết bác bỏ khả năng trừng phạt thêm nữa nhà nước Hồi giáo. Rõ ràng, vì Iran, Nga đã chọn con đường đối đầu với các nước phương Tây.
Hôm 8/11, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã chính thức công bố một bản báo cáo về chương trình hạt nhân của Iran. Bản báo cáo này khẳng định họ có những "bằng chứng đáng tin cậy" chứng tỏ Iran đang tìm cách sản xuất các đầu đạn hạt nhân để có thể lắp đặt trên các tên lửa tầm trung Shahab-3.
Phản ứng ngay sau khi bản báo cáo trên được tung ra, Washington tuyên bố họ sẽ tìm kiếm "thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu: "Đó là những lời cáo buộc nghiêm trọng, những lời buộc tội nghiêm trọng và Iran phải có nghĩa vụ hợp tác với IAEA theo một cách thức minh bạch và đáng tin cậy để giải quyết những mối quan ngại đó".
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ "bàn bạc với các đồng minh và đối tác để tìm cách gây áp lực hơn nữa lên Iran", ông Toner cho biết đồng thời nói thêm rằng, Washington đang xem xét "một loạt sự lựa chọn" nhằm chống lại nhà nước Hồi giáo.
"Tôi không muốn bác bỏ bất kỳ lựa chọn nào và những biện pháp trừng phạt đơn phương là có thể", phát ngôn viên Toner nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm với Mỹ, Anh và Pháp đồng loạt lên tiếng bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran". Hai nước này đã khẳng định "quyết tâm sẽ tìm kiếm những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nếu Iran không chịu hợp tác trong vấn đề hạt nhân".
"Mục tiêu của chúng tôi vẫn là bảo đảm rằng Iran tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế", tuyên bố chung của Anh và Pháp đã viết như vậy.
Theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe, việc Liên Hợp Quốc áp dụng những biện pháp trừng phạt ở "quy mô chưa từng thấy" vào lúc này là hợp lý. Vì thế, ông Juppe kêu gọi nhanh chóng tiến hành một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân Iran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague, cho rằng, tranh cãi giữa phương Tây và Iran xung quanh vấn đề hạt nhân "đang bước vào giai đoạn nguy hiểm ". "Iran càng có thêm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân thì nguy cơ về một cuộc xung đột càng trở nên lớn hơn", ông Hague cảnh báo.
Ngoại trưởng Hague tuyên bố, chính phủ Anh sẽ sớm công bố những biện pháp trừng phạt đơn phương mà nước này áp dụng đối với ngành tài chính, dầu mỏ-khí đốt và các "thực thể, cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân Iran".
Trong khi các cường quốc phương Tây sôi sùng sục tìm các biện pháp trừng phạt Iran thì Nga đã phản ứng một cách đầy tức giận với bản báo cáo của IAEA. Moscow cho rằng, bản báo cáo của IAEA chứa toàn những dữ liệu mà mọi người đều đã biết nhưng đã được bóp méo đi vì mục đích chính trị.
"IAEA đã tung hứng với các thông tin để làm sao tạo được ấn tượng rằng chương trình hạt nhân của Iran có mục đích quân sự", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Nga cáo buọc, những biện pháp trừng phạt thêm nữa chỉ có thể được xem là một nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm lật đổ chính quyền hiện nay ở Iran.
"Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào thêm nữa nhằm chống Iran đều được cộng đồng quốc tế hiểu là một cách để phương Tây thay đổi chính quyền ở Tehran. Cách tiếp cận đó là không thể chấp nhận được với chúng tôi. Nga không định xem xét đề nghị trừng phạt Iran", Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Gennady Gatilov đã nói như vậy với Interfax.
Tuy nhiên, ông Gatilov không nói rõ liệu Moscow sẽ dùng quyền phủ quyết hay đơn giản chỉ là bỏ phiếu trắng nếu các nước đưa ra một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Iran. Nga đã miễn cưỡng ủng hộ 4 gói biện pháp trừng phạt trước đó nhằm vào Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoài việc từ chối tìm kiếm thêm các biện pháp trừng phạt Iran, giới lãnh đạo Nga mấy ngày nay cũng không ngừng lên tiếng cảnh báo về việc một số nước được cho là đang bàn kế hoạch đánh Iran. Theo Moscow, một cuộc tấn công vào Iran sẽ để lại những "hậu quả khôn lường".
Theo VNMedia
Phản ứng của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Iran Hôm 9/11 các tờ báo chính thống Trung Quốc đã cho đăng phản ứng đầu tiên của nước này về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự vì vấn đề hạt nhân Iran. Tờ Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc đã đăng bài bình luận cho rằng sự bế tắc trong vấn đề hạt nhân giữa Iran và Mỹ có thể biến...