Kết thúc ‘kỷ nguyên tiêm chủng hàng loạt’ ở bang Maryland
Điểm tiêm chủng đại trà hoạt động lâu nhất Maryland, nằm trong công viên Six Flags America, chuẩn bị đóng cửa, khi số người đến tiêm ngày càng thưa thớt.
Ở các lều còn sót lại, y tá tiếp tục tiêm vài trăm liều vaccine cuối cùng, trong khi đồng nghiệp của họ tháo dỡ những lều khác.
Nhân viên tại đây từng căng mình làm việc kể từ khi số ca nhiễm ngày ở Mỹ lên đến hàng nghìn. Nay, máy sưởi giữ ấm cho y tá những tháng mùa đông được ngắt điện. Ô che nắng khu vực bảo vệ nằm yên trong hộp. Các cọc tiêu giao thông từng dùng để điều phối dòng người chất thành đống.
Bang Maryland chính thức kết thúc “thời kỳ tiêm chủng hàng loạt”, từng bắt đầu vào tháng 2. Khi ấy, người dân toàn quốc còn mòn mỏi chờ đợi nguồn cung vaccine khan hiếm. Những chiếc xe hơi đỗ đầy sân công viên Six Flags, kéo dài tới đại lộ trung tâm.
Tại phần còn lại của đất nước, chiến lược triển khai vaccine cũng thay đổi.
Dù số ca nhiễm biến thể Delta gia tăng, các điểm tiêm chủng lớn ở Massachusetts, California, New York đóng cửa trong vài tuần gần đây. Khi nhu cầu vaccine giảm đáng kể, chính phủ chuyển hướng lựa chọn những nơi khiêm tốn như nhà thờ, nhà văn hóa, thay vì địa điểm hoành tráng như Six Flags.
Hơn 342.000 người đã tiêm phòng tại công viên, nhiều nhất toàn bang. Maryland cũng là một trong 10 khu vực đứng đầu về tỷ lệ chủng ngừa. Hiện 63% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
“Thật là vui buồn lẫn lộn. Tôi cảm giác nhiệm vụ đã hoàn thành”, Mark ONeill, trưởng nhóm tiêm chủng trung tâm Six Flags, chia sẻ từ lều chỉ huy.
Song ông cũng nhận ra số ca nhiễm tăng những ngày gần đây. Nếu cần thiết, giới chức sẵn sàng dựng lại các điểm tiêm phòng như Six Flags một lần nữa.
“Chúng tôi đã thành công. Nếu cần trở lại, mọi thứ đều có sẵn”, ông ONeill nói.
Nhân viên tại điểm tiêm chủng Six Flags tháo dỡ các lều lưu đông, ngày 6/7. Ảnh: Washington Post
Nhân viên của ông đến từ nhiều ngành nghề. Có người tạm nghỉ kinh doanh để phục vụ công tác hậu cần. Một y tá từng điều trị tại khu hồi sức tích cực của Bệnh viện tại Washington. Một cựu Vệ binh Quốc gia từ bỏ công việc chăm sóc cây cảnh. Có trợ lý giám đốc tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của Nasa, giờ phụ trách vaccine cho người khuyết tật.
Suốt 5 tháng dài, ở điều kiện khắc nghiệt, họ trở thành một gia đình hiếm có, đoàn kết với sứ mệnh chung là tiêm chủng cho càng nhiều người Maryland càng tốt.
Đó không phải chặng đường dễ dàng. Họ đối mặt với những cơn bão, tắc nghẽn giao thông và thiếu nước sinh hoạt. Đã có nhiều người giận giữ vì phải xếp hàng quá lâu, có sự phẫn nộ của cộng đồng da đen sinh sống trong khu vực.
Tuy nhiên, ngay thời khắc khó khăn nhất, nhân viên tại Six Flags vẫn nghĩ đến bệnh nhân đang vật lộn trong khu điều trị Covid-19, các gia đình đau khổ tại nhà tang lễ. Họ nhớ lý do mình lựa chọn công việc này.
Video đang HOT
Kết quả, tất cả người dân Maryland đã tiêm vaccine sống sót qua tháng 6, dù mắc Covid-19 hay không.
Ngày cuối cùng, Ann Gerald, trưởng phòng hậu cần, đi bộ quanh bãi đậu xe, tay cầm tập hồ sơ. Nhìn thấy Johnathan Pitts, nhân viên điều hướng xe cộ trong chiếc áo bảo hộ màu cam, cô hỏi: “Ngày cuối rồi, cậu thấy sao? Vui buồn lẫn lộn phải không?”.
“Tôi cảm giác mình đã hoàn thành điều gì đó”, Pitts đáp.
Tất cả đều xứng đáng
Những ngày đầu tháng 2, khi điểm tiêm chủng Six Flags được dựng lên, người dân nô nức đến nhận vaccine. Hệ thống có 10.000 đơn đăng ký trong hai giờ. Maryland đang phục hồi sau đợt bùng phát mùa đông, với hơn 1.700 người nhập viện.
Tại buổi họp báo thành lập các điểm tiêm chủng lớn, trong đó có Six Flags, Thống đốc Larry Hogan kêu gọi: “Covid-19 sẽ không lùi xa một sớm một chiều”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai vaccine công bằng.
Hầu hết các cuộc hẹn đầu tiên tại Six Flags là cư dân vùng ngoại ô giàu có. Số khác còn do dự hoặc chưa thể đặt lịch tiêm.
Ann Gerald, đội trưởng đội hậu cần, chỉ đạo các đồng nghiệp tại trung tâm tiêm chủng Six Flags. Ảnh: Washington Post
Donna-Lee Baker hiểu cả hai điều đó. Y tá 35 tuổi làm việc ở Six Flags từ tháng 2, sống cách địa điểm này 10 phút đi bộ. Bạn bè và gia đình cô từng chật vật với hệ thống đăng ký trực tuyến. Baker cũng từng hoài nghi vaccine. Song sau khi chứng kiến nhiều người qua đời vì virus, cô xắn áo tiêm chủng.
Sau khởi đầu khó khăn vì các trận bão và nguồn cung hạn chế, đến tháng 4, Six Flags tiêm ít nhất 3.000 liều vaccine mỗi ngày. Thời gian đỉnh điểm, xe hơi xếp thành 12 làn. 48 lều tiêm được triển khai, 280 nhân viên làm việc không ngừng nghỉ, trong đó có 40 thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
William Ruckman, một cựu binh, có nhiệm vụ chuyển vaccine đến lều y tế. Những ngày bận rộn nhất, ông chở hàng trăm lọ mỗi giờ, lên đường 15 phút một lần. Ngày 17/4, Six Flags đạt kỷ lục tiêm 4.866 liều vaccine.
Các nhân viên làm việc xuyên tuần. Nikkia Redd, 39 tuổi, cựu trợ lý giám đốc Trung tâm Vũ trụ Kennedy, tham gia hồi tháng 3. Cô hỗ trợ những người khuyết tật và không nói được tiếng Anh. Quá trình này thường khó khăn và chậm hơn thông thường, đôi khi đến một tiếng. Nhiều người sợ kim tiêm, hoảng loạn hoặc không ý thức điều gì đang diễn ra. Redd kiên nhẫn giải thích, nắn bóp chân tay hoặc trò chuyện cùng họ để giải tỏa căng thẳng.
Đến nay, số người đăng ký tiêm giảm dần, phần vì vaccine có mặt khắp mọi nơi, từ trạm xá đến hiệu thuốc, phòng khám. Việc chủng ngừa Covid-19 trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Các nhân viên Six Flags phân tán đến những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Không còn phải làm việc liên tục hàng giờ, Redd dành nhiều thời gian hơn với cậu con trai một tuổi. Các chuyến hàng của Ruckman thưa thớt hơn. Nhóm y tá nam ngừng tiêm vaccine, bắt đầu giúp đội hậu cần tháo dỡ mặt bằng.
Ngày cuối cùng
Hôm 3/6, Thống đốc Hogan thông báo giải tán lực lượng tình nguyện viên theo từng giai đoạn. Nguồn lực chuyển sang phòng tiêm chủng lưu động và y tế cộng đồng.
Ngày tiêm chủng cuối, Six Flags không có màn ăn mừng nào. Vài trăm người vẫn đến nhận vaccine. Nhân viên y tế cố gắng làm quen với ý nghĩ mọi thứ sắp kết thúc. Y tá Baker nhắc mọi người ký tên vào chiếc mũ làm kỷ niệm. Redd mừng rỡ gặp lại nhiều đồng nghiệp trong một chiếc lều. Gerald, trưởng đội hậu cần, đi lại ở bãi đậu xe, sắp xếp những cọc tiêu sai vị trí hoặc ghi chú lại chiếc ghế bị hỏng để báo cáo cho bang.
Các y tá sau khi hoàn thành mũi tiêm cuối cùng dành cho Raul Gomez, 22 tuổi, trong xe hơi. Ảnh: Washington Post
Hai anh em đến từ Mexico City là những người cuối cùng đến tiêm vaccine. Cùng lúc, các y tá nhìn theo một nhân viên bảo vệ đóng chiếc cổng lớn. Họ vỡ òa trong tiếng hò reo. Một số bắt đầu nhảy nhót, số khác chụp ảnh tự sướng.
“Chúng ta đã hoàn thành”, một người nói.
“Các bạn làm tốt lắm”, Baker nhìn xung quanh.
Ở băng ghế sau xe hơi của dì mình, Raul Gomez, 22 tuổi, hít sâu và nhìn đi nơi khác khi được y tá tiêm vào cánh tay – mũi tiêm cuối cùng tại Six Flags.
Mỹ rẽ hai ngả vì tiêm chủng không đồng đều
Chiến dịch tiêm chủng chậm chạp tại một số nơi tạo cơ hội để biến thể Delta lây lan nhanh chóng, đặc biệt ở nhóm trẻ tuổi và người già trong viện dưỡng lão.
Số ca mắc và nhập viện tại Mỹ đang tăng trở lại, song vẫn ở mức thấp. Bệnh nhân tập trung ở khu vực trung tâm, phía nam và phía tây. Biến thể Delta dễ lây lan, hiện chiếm phần lớn số ca nhiễm mới. Song vì vaccine đủ hiệu quả chống triệu chứng nghiêm trọng, số trường hợp nhập viện chủ yếu tăng lên ở những nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chuyên gia y tế công cộng cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn, đưa khu vực đã và chưa tiêm chủng rẽ hai hướng hoàn toàn riêng biệt. Khi gần một nửa dân số đã nhận đủ hai liều vaccine, tình hình dịch tễ giữa các bang cũng rất khác nhau. Một số trở lại cuộc sống bình thường, số khác vẫn cần có hạn chế đề ngăn ngừa Delta lây lan.
Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh trong hai tuần qua ở những bang có mức tiêm chủng thấp như Arkansas, Mississippi và Missouri.
"Hãy nhớ nếu không chủng ngừa, bạn vẫn sẽ nhiễm bệnh, đặc biệt có nguy cơ chuyển nặng và tử vong", Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phát biểu trong cuộc họp báo tuần trước.
Ở Mississippi, nơi chỉ 34% dân số đã tiêm hai liều vaccine, số ca nhiễm và nhập viện đều gia tăng. Giới chức khu vực khuyến cáo người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính nên tránh các cuộc tụ tập đông người đến hết ngày 26/7.
Tiến sĩ Thomas Dobbs, quan chức y tế bang, cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán từ tuần trước rằng biến thể sẽ thành chủng trội lưu hành ở Mississippi. Thật đáng buồn, điều đó thành hiện thực. Chúng ta bắt đầu phải trả giá cho nó". Ông chỉ ra rằng đợt bùng phát tập trung ở người trẻ, trong các cuộc tụ tập mùa hè hoặc giữa người lớn tuổi ở viện dưỡng lão.
"Chương trình tiêm chủng chậm khiến tất cả gặp rủi ro, đặc biệt là người yếu thế", ông nói thêm.
Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố Kansas, Mỹ, tháng 6/2021. Ảnh: NY Times
Thông thường, nhân viên y tế phải gửi mẫu dương tính đến phòng thí nghiệm để giải trình tự nếu muốn biết bệnh nhân có nhiễm biến thể hay không. Quá trình này mất vài tuần. Dữ liệu về biến thể từ đó chậm theo, không phản ánh đủ tình hình trong thời gian thực. Song các nhà nghiên cứu ước tính số ca mắc mới tại nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao ít hơn đáng kể so với khu vực tiêm chủng chậm chạp. Ngay cả khi biến thể Delta chiếm ưu thế ở các bang, xu hướng này không đổi, theo Scripps Research.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng biến thể Delta sẽ lan nhanh ở những nơi nó lưu hành lâu hơn. Mức độ tiêm chủng không đồng đều của các nước dẫn đến kết quả rất khác biệt.
Tại Ấn Độ, nơi biến thể xuất hiện lần đầu, Delta gây ra đợt bùng phát lớn. Nước này phát hiện nhiều bệnh nhân khi dân số được tiêm hai liều vaccine chưa đến 1%. Bệnh viện quá tải, hàng nghìn người không có giường, nguồn cung oxy cạn kiệt và các lò hoả táng đỏ lửa suốt đêm.
Tuy nhiên, tại Anh, khi biến thể Delta chiếm ưu thế, phần lớn dân số đã tiêm chủng. Số ca nhiễm tăng lên nhưng lượng người nhập viện và tử vong vẫn ở mức thấp so với đỉnh dịch trước đó. Đặc biệt, Anh ưu tiên tiêm phòng cho người cao tuổi và có bệnh nền.
Ở Mỹ, số người chết vẫn thấp. Song chiến dịch tiêm chủng giảm tốc gây lo ngại. Giới chức khó thuyết phục người trẻ tiêm vaccine, song chính quyền Joe Biden đang nỗ lực hết mình để nâng cao nhận thức của nhóm dân số này. Họ chiêu mộ các ngôi sao nổi tiếng, gần đây nhất là nữ ca sĩ Olivia Rodrigo, để chia sẻ thông điệp ủng hộ vaccine.
Giới nghiên cứu chưa rõ số ca nhập viện ở Mỹ sẽ tăng đến đâu. Hiện 80% người trên 65 tuổi đã tiêm hai liều vaccine. Song người trẻ hầu hết chưa chủng ngừa.
"Dựa trên tình hình ở Anh, chúng tôi hy vọng tỷ lệ nhập viện sẽ thấp hơn các đợt bùng phát trước. Nhưng nó vẫn đáng kể, trừ khi chúng ta hạn chế lây nhiễm", Karthik Gangavarapu, nhà khoa học tại Scripps Research, nhận định.
Đến nay, dữ liệu cho thấy vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiệu quả cao với biến thể Delta, đặc biệt trong ngăn ngừa bệnh chuyển nặng hoặc tử vong. Gần 60% người trưởng thành Mỹ đã tiêm hai mũi vaccine, song tỷ lệ này trên tổng dân số chưa đến 50%.
"Chúng ta đã đi được chặng đường dài trong cuộc chiến chống dịch", Jeffrey D. Zient, điều phối viên ứng phó Covid-19 của chính phủ, cho biết.
Thiếu niên ở Philadelphia được tiêm vaccine Covid-19, tháng 5/2021. Ảnh: Reuters
Giữa tháng 5, khi dịch bệnh hạ nhiệt, CDC cho phép người đã tiêm phòng đầy đủ bỏ khẩu trang nơi công cộng. Ca dương tính tăng lại, người Mỹ hoang mang giữa nhiều thông điệp y tế. Khuyến nghị của chính quyền địa phương đôi khi khác với hướng dẫn của CDC. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây lặp lại cảnh báo: ngay cả người đã tiêm chủng vẫn cần đeo khẩu trang để tránh biến thể Delta.
Song CDC không thay đổi quyết định. Tiến sĩ Walensky lưu ý về tầm nhìn toàn cầu của WHO, bao gồm cả những nước với chương trình tiêm chủng chậm chạp hoặc chưa có vaccine.
Tuần trước, Los Angeles khôi phục quy định đeo khẩu trang trong nhà, dù đã tiêm chủng. Bà Walensky chỉ ra các thông điệp không nhất quán, cho rằng "quyền đưa ra chỉ thị thuộc về cấp địa phương".
"Nếu bạn sống ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và nguy cơ lây nhiễm cao, giới chức có thể cân nhắc việc đeo khẩu trang nếu nó có ích cho cộng đồng", bà nói thêm.
Thị trưởng New York Bill de Blasio chưa có kế hoạch yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại. Ông cũng cho rằng động thái này là không cần thiết. Thành phố gần đây báo cáo 400 ca nhiễm mỗi ngày, tăng từ mức 200 trong vài tuần trước. Giới chức y tế tập trung vào số người nhập viện, cho biết tỷ lệ này vẫn tương đối thấp. Khoảng 53% cư dân thành phố đã được tiêm chủng. Ông Blasio nói khi tỷ lệ nhập viện tăng, thành phố sẽ có biện pháp thích ứng.
Italy có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch với người chưa tiêm chủng Chính phủ Italy dự kiến áp đặt các hạn chế đối với những người chưa tiêm chủng nhằm cố gắng ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong sắc lệnh, dự kiến được thông qua trong tuần này và có thể có hiệu lực...