Kết thân với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ khiến NATO bất an
NATO ngày càng lo sợ rằng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và hợp tác quân sự.
Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản HQ-9 xuất khẩu của Trung Quốc. Ảnh: China.cn
Tình hình căng thẳng gần đây ở Ukraine và Trung Đông khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với đối tác nước ngoài để thực hiện dự án 3,4 tỷ USD sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân, giúp quân đội có hỏa lực mạnh hơn và đặt nền móng để nước này có thể xuất khẩu tên lửa, theoNYTimes.
Cách đây hai năm, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã dội một gáo nước lạnh vào các đồng minh NATO khi tuyên bố chấp thuận giá bỏ thầu tên lửa của Trung Quốc, vốn thấp hơn giá tên lửa Patriot của Mỹ cũng như các hợp đồng tương tự của Tây Âu và Nga.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là một nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các hệ thống tên lửa Patriot của NATO. “Bạn không thể bảo vệ đường biên giới dài 911 km chỉ bằng tên lửa Patriot”, Merve Seren, chuyên gia an ninh ở Viện Nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội, một tổ chức chính sách công ủng hộ chính phủ Ankara, tuyên bố.
Từ khi tình hình xung đột Syria xấu đi, NATO đã hạn chế cung cấp tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, và bắt đầu rút các hệ thống này sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi. “Việc triển khai các hệ thống phòng không của NATO lúc tăng lúc giảm. Tôi không hiểu đây có phải là một thông điệp mà các đối tác của họ có thể tin tưởng hay không”, Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismai Demir nói.
Theo giới phân tích, thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa phần nào cho thấy Ankara đang hướng về phía Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào NATO. Thậm chí, ông Demir còn tuyên bố: “Lợi ích quốc gia của chúng tôi và NATO có thể không giống nhau trong một số hành động”.
Dự án tên lửa với công ty Trung Quốc “là một trong số những điều khiến người ta cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngả về Trung Quốc”, Mehmet Soylemez, chuyên gia nghiên cứu châu Á ở Viện nghiên cứu Chính trị và Xã hội ở Ankara nói. “Trung Quốc đang muốn thiết lập lại cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu”.
Về mặt kinh tế, kế hoạch này phần nào thể hiện được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại những khu vực mà Con đường Tơ lụa cách đây hơn 1.000 năm trên bộ và trên biển của họ đã vươn tới, và nay Bắc Kinh đang nỗ lực khôi phục lại mối quan hệ gần gũi đó với Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các cửa hàng tràn ngập hàng hóa Trung Quốc, từ máy hút bụi đến dụng cụ bày ở bàn ăn. Công ty Trung Quốc thâu tóm các mỏ đá và mỏ than, nắm 65% cổ phần cảng container lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc cũng đang giúp xây dựng gần chục tuyến đường sắt và đang là nhà cung cấp vũ khí lớn của Thổ Nhĩ Kỳ khi bán các tên lửa công nghệ thấp cho nước này.
Video đang HOT
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng chuyển hướng sang Trung Quốc vì lý do chi phí. Arzum, một trong những công ty sản xuất thiết bị nổi tiếng nhất Thổ Nhĩ Kỳ lại đặt hàng chế tạo các máy pha cà phê Okka từ miền đông nam Trung Quốc.
“10 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ không thực sự nhìn ra mối đe dọa Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Mối đe dọa này đã được chuyển thành cơ hội”, T. Murat Kolbasi, chủ tịch công ty Arzum nói.
Tên lửa phòng không Patriot của NATO triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Militarynews
Mối lo ngại của NATO
Theo các chuyên gia phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế và quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong nỗ lực hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ xưa của Bắc Kinh với một chiến lược đầy tham vọng có tên gọi “Sáng kiến Một vành đai Một con đường”. Thế nhưng, sáng kiến này lại đang gây ra những căng thẳng địa chính trị khi các nước đối tác ngày càng lo lắng về việc trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mới đây, Kazakhtan đã hạn chế chính sách nhập cư và đầu tư đối với công dân Trung Quốc vì sợ bị lấn át. Và để cân bằng với Bắc Kinh, nước này đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow.
Bản thân các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cũng tỏ ra bất an với nguy cơ lệ thuộc khi làm ăn với các đối tác Trung Quốc. Hồi cuối tháng 6, Tổng công ty Cơ khí Máy móc Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã đột ngột rút khỏi thỏa thuận trị giá 384,6 triệu USD mua 75% cổ phần mạng lưới điện Eskisehir của Thổ Nhĩ Kỳ mà không đưa ra bất kỳ lí do chính thức nào, khiến công ty này “mệt mỏi” và không còn muốn hợp tác với phía Trung Quốc.
Cán cân thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc trong những năm gần đây cũng mất cân bằng nghiêm trọng. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 25 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong khi xuất khẩu chỉ ba tỷ USD.
Trong lĩnh vực quân sự, dự án hợp tác sản xuất tên lửa với Trung Quốc của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ các đồng minh trong khối NATO, khi họ phát hiện ra rằng đối tác sản xuất tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ là một công ty do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. NATO lo sợ bị lộ bí mật quân sự nếu công nghệ Trung Quốc được tích hợp vào hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi xem xét dự án này cách đây hai năm, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã không tham vấn với Bộ Ngoại giao về việc các đồng minh NATO sẽ phản ứng như thế nào trước một thỏa thuận hợp tác chưa từng có tiền lệ giữa thành viên của khối với Trung Quốc.
“Bộ Ngoại giao chỉ được thông báo về thỏa thuận này sau khi tiến trình đàm phán sơ bộ hoàn tất. Đây không được coi là một dự án đặc biệt có thể gây ra nhiều hậu quả chính trị”, ông Demir nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến Bắc Kinh gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 7. Ảnh: SCMP
Chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố kế hoạch trên, các nước NATO đã tổ chức một chiến dịch vận động nhằm bãi bỏ quyết định, với lý do các tên lửa Trung Quốc sẽ không tương thích với tiêu chuẩn của NATO, và khối quân sự này sẽ không chia sẻ các thông tin kỹ thuật với Bắc Kinh để điều chỉnh tương thích.
Ngoài các quan ngại về bí mật công nghệ, NATO còn cho hay đối tác trong dự án trên của Thổ Nhĩ Kỳ chính là Tập đoàn Cơ khí Chính xác Trung Quốc (China Precision), vốn đã bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt vì cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Iran, Triều Tiên, Pakistan và Syria.
Cuối tháng trước, dưới sức ép của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tuyên bố hủy dự án trên. Tuy nhiên, nước này cũng lựa chọn lối đi riêng của mình, khi quyết định sẽ ký hợp đồng với một số nhà thầu phụ để mua sắm các bộ phận tên lửa từ các nhà sản xuất nước ngoài, có thể là China Precision.
Tấm kim loại khắc tên China Precision trong chiếc hộp gỗ sáng bóng vẫn nằm trên bàn làm việc của Thứ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Demir vào buổi sáng hôm Su-24 Nga bị bắn rơi. Những giờ đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc sẽ giúp quan hệ hợp tác quân sự hai nước trong tương lai dễ dàng hơn, theo quan chức quốc phòng cấp cao này.
“Khoảng thời gian đàm phán với các công ty Trung Quốc rất có giá trị”, ông Demir nói.
Duy Sơn
Theo VNE
Đức rút tên lửa phòng không Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ
Đức đang rút các hệ thống tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng ba năm sau khi thực hiện nhiệm vụ tại đây.
Lính Đức canh gác cạnh tên lửa Patriot. Ảnh: Cihan
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn các nguồn tin tại cảng Iskenderun cho biết tàu Đan Mạch chở các hệ thống tên lửa Patriot hôm 22/12 rời nước này. Con tàu đang hướng tới Đức.
Chính phủ Đức trước đó cho biết nhiệm vụ sẽ kết thúc vào tháng 1/2016. Đức viện dẫn "nguy cơ tên lửa đạn đạo tấn công là thấp", đồng thời "chi phí cho nhiệm vụ cao" là lý do rút tên lửa và quân.
Berlin triển khai các tên lửa Patriot tới thành phố Kahramanmaras, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1/2013, trong một phần nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Syria.
Đức cung cấp hai trong số 5 hệ thống tên lửa của NATO được triển khai đến Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 250 binh sĩ tham gia nhiệm vụ.
Theo RT, dù tên lửa Patriot của cả Mỹ và Đức hiện đã rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, tuần trước nói các tên lửa Patriot của Tây Ban Nha sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ thêm một năm nữa.
Ông Stoltenberg cũng nói NATO đang tìm cách triển khai thêm máy bay và tàu chỉ huy tới Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường năng lực phòng vệ cho nước này, sau khi một chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 Nga ngày 24/11.
Không quân Hoàng gia Anh dự kiến triển khai thêm máy bay tới căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana, còn các máy bay Tornado của Đức sẽ tới Incirlik để thực hiện các chuyến bay trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo. Đan Mạch và Đức cũng dự kiến triển khai thêm các tàu chỉ huy tới với lực lượng NATO ở Địa Trung Hải.
Trọng Giáp
Theo VNE
Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại Romania Ngày 17.12, Mỹ và Romania đã công bố việc thiết lập trên lãnh thổ Romania một căn cứ kỹ thuật dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Reuters ngày 18.12 cho biết. Trạm radar Aegis trên bộ do công binh Mỹ xây tại căn cứ Deveselu, Romania - Ảnh: Quân đội Mỹ Theo Reuters, Đại sứ quán Mỹ tại Romania...