‘Kết quả phiếu tín nhiệm để xem xét quy hoạch cán bộ’
“Kết quả phiếu tín nhiệm là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá quy hoạch, sử dụng cán bộ”, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định.
Tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu vào ngày 4/7 tới đây.
Phát biểu tại buổi khai mạc sáng nay, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, đây là lần đầu tiên Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Công tác này sẽ trở thành một trong những nội dung quan trọng thường niên của HĐND các cấp, nhằm phát huy dân chủ và chức năng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.
Ông Phạm Quang Nghị tham gia kỳ họp HĐND thành phố. Ảnh: ĐL.
Bí thư cũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là công việc rất quan trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự vì sự nghiệp chung. Việc xem xét đánh giá của người được đưa ra lấy phiếu cũng phải hết sức thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ trên năng lực lãnh đạo điều hành trên công việc được giao và phẩm chất đạo đức lối sống cá nhân.
Video đang HOT
“Với người được đánh giá, đây là thử thách mà mỗi cán bộ phải trải qua, là cơ hội cho mỗi người hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm trước mỗi lĩnh vực được giao phụ trách. Kết quả phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, khích lệ người hoàn thành tốt chức trách, nhắc nhở, lưu ý kịp thời những người có khuyết điểm, yếu kém về năng lực, phẩm chất. Để toàn thể đội ngũ cán bộ ai cũng phải thường xuyên rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ”, Bí thư phát biểu.
Người đứng đầu thành phố cũng khẳng định, kết quả phiếu tín nhiệm là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá trong quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ của thành phố phù hợp với phẩm chất, năng lực cống hiến của mỗi người.
Trao đổi với báo chí trước ngày lấy phiếu tín nhiệm, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Chu Sơn Hà nhận định, tất cả đại biểu HĐND thành phố đều có trách nhiệm với người dân thủ đô, nghiên cứu kỹ về báo cáo của các chức danh. Họ không chỉ nghe dư luận, nghe các thông tin trái chiều, còn tìm hiểu từ báo cáo của các ban của hội đồng nhân dân, thậm chí mỗi đại biểu có cách giám sát riêng để đánh giá khách quan.
“Trong các báo cáo, các đồng chí được lấy phiếu đã kiểm điểm những việc làm được, chưa làm được. Nghiên cứu 18 báo cáo, tôi thấy báo cáo kiểm điểm đúng tinh thần của nghị quyết 35 về công tác và phẩm chất đạo đức. Trong tồn tại của thành phố, mỗi cá nhân có đề cập một phần trách nhiệm”, ông Chu Sơn Hà nhận xét.
Vị đại biểu HĐND cũng cho biết, trong Quốc hội, trong số gần 500 đại biểu nhận được báo cáo, chỉ có một đại biểu yêu cầu báo cáo bổ sung của chức danh được lấy phiếu, còn kỳ họp HĐND này ông chưa thấy đại biểu nào yêu cầu báo cáo bổ sung.
Theo VNE
Lấy phiếu tín nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước vào tháng 5
Ngoài những chức danh ở Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo phường, xã, thị trấn... cũng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm từ kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2013
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung nghị quyết hướng dẫn thi hành việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, ngoài những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị quyết hướng dẫn còn quy định các chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, phường, thị trấn. Các chức danh này gồm Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND, các Ủy viên của UBND xã, phường, thị trấn.
Nếu một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (như Phó chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Kinh tế) thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất. Thời gian lấy phiếu thực hiện định kỳ tại kỳ họp đầu tiên hằng năm kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND các cấp.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng... sẽ được tiến hành. Ảnh: Hoàng Hà.
Về nội dung báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại theo hướng đơn giản các nội dung giải trình. Bên cạnh đó, quy định về mẫu phiếu cũng được yêu cầu chuẩn bị theo hướng mỗi lá phiếu cho từng người thay vì nhiều người cùng một phiếu.
Với người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp", Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó có đơn xin từ chức.
Về điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học Công nghệ và Môi trường góp ý nên quy định rõ ràng hơn. Đơn từ chức gửi trước bao nhiêu ngày và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận để tránh trường hợp "ngày mai bỏ phiếu tín nhiệm, tối nay gửi đơn", rất khó xử lý.
Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.
Do còn một số điểm góp ý được tiếp thu ngay tại buổi họp sáng nay nên nội dung chính thức của nghị quyết hướng dẫn sẽ được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký và ban hành để có hiệu lực từ 1/2 - thời điểm nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh cho Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có hiệu lực.
Theo VNE
10 sự kiện xã hội nổi bật 2012 Phản đối TQ vi phạm chủ quyền lãnh thổ, động đất liên tiếp tại thủy điện Sông Tranh 2, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm... Nghị quyết Trung ương 4 về tự phê bình và phê bình Ngày 16/1/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)...