“Kết quả lấy phiếu có thể khác nếu kinh tế không khó khăn”
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, đất nước đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới. Trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ rất nặng nề. Nếu tình hình kinh tế đỡ hơn, có thể kết quả lấy phiếu đã khác.
Nhìn nhận khó khăn có cả phần nội tại cũng như do khách quan khi trao đổi với báo chí ngay sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh cấp cao, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, các Bộ trưởng cần chung tay chung lòng cùng Thủ tướng, Chính phủ tháo gỡ khó khăn.
Vượt qua “cửa ải” lấy phiếu với kết quả rất cao (176 phiếu tín nhiệm cao, 280 phiếu tín nhiệm, chỉ 36 phiếu tín nhiệm thấp), nhất là so với nhiều Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, ông có thể chia sẻ đôi chút về cảm giác lúc này?
Tôi rất phấn khởi và trân trọng sự đánh giá của các vị đại biêu Quôc hôi (ĐBQH) và cũng là của nhân dân đối với ngành tư pháp cũng như cá nhân mình. Qua đó, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những gì mình đã làm được. Đương nhiên, vẫn còn một số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp, cũng không phải là ít.
Các ngành kinh tế, xã hội có thể nhìn thấy tác động rõ hơn. Còn đối với lĩnh vực tư pháp, không có gì gọi là quyền lợi để có va chạm trực tiếp, đó cũng là điều phải suy nghĩ đối với cá nhân tôi. Có nghĩa rằng còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc xem những gì còn yếu kém thì phải chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Sang năm, chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ” (ảnh: Việt Hưng).
Một số Bộ trưởng, trưởng ngành nắm các lĩnh vực kinh tế, xã hội nhận số phiếu tín nhiệm chưa cao. Nói như vậy có nghĩa ông vẫn đánh giá vấn đề ở khía cạnh tích cực hơn?
Tôi nghĩ vấn đề không hẳn là trách nhiệm cá nhân của từng Bộ trưởng các ngành đó. Thực ra, nhiều người mới nhận nhiệm vụ trong gần 2 năm từ đầu nhiệm kỳ này thôi trong khi sự tồn đọng trong ngành để lại từ nhiều năm rồi và rất lớn. Nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, trong điều kiện cơ chế tập chung quan liêu bao cấp một thời gian dài.
Tôi rất thông cảm và chia sẻ với các Bộ trưởng. Đương nhiên, thực tế có phần cá nhân, tôi nói không phải giải trình hộ các Bộ trưởng đó nhưng khó khăn là khách quan. Ngành tài chính, giáo dục, y tế… còn rất khó khăn
Bộ trưởng có thể giải thích về việc kết quả tín nhiệm của các chức danh trong cơ quan hành pháp cao hơn so với các chức danh thuộc Chính phủ?
Vấn đề này cũng rõ thôi, vì chức trách của ĐBQH ngoài lập pháp còn giám sát. ĐBQH có trách nhiệm theo dõi các hoạt động chỉ đạo điều hành và có lẽ phần công việc này nặng về phía Chính phủ, các Bộ. Cho nên số phiếu thuộc về khối cơ quan hành pháp thấp cũng là dễ hiểu.
Video đang HOT
Còn về số phiếu tín nhiệm của Thủ tướng, ông có đánh giá gì?
Đúng là có nhiều vấn đề mà trách nhiệm với người đứng đầu Chính phủ rất nặng nề. Trong giai đoạn phải nói là khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới tới nay, cả khó khăn do nội tại, cả khó khăn do bên ngoài tác động, suốt từ năm 2010 đến giờ. Thủ tướng và cả Chính phủ đều cần phải cố gắng hơn. Vì Thủ tướng là người đứng đầu, các vị Bộ trưởng ở từng lĩnh vực cũng phải chung tay chung lòng cùng với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn.
Nếu kinh tế thế giới tốt lên, nếu kinh tế đất nước chuyển biến, đỡ hơn, tôi nghĩ có thể kết quả bỏ phiếu sẽ khác.
Còn sang năm, tôi nghĩ, câu chuyện đầu tiên cần phải xem lại chính là Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm này. Tất nhiên đây là hoạt động thực hiện Nghị quyết TƯ 4 nhưng cũng cần phải xem xét hướng lấy phiếu đối với chức danh nào. Theo tôi chỉ cần lấy phiếu Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Không nhất thiết phải đề ra việc Quốc hội lấy phiếu với các chức danh trong Quốc hội.
Cơ chế hoạt động của Quốc hội là hoạt động nghị trường, là nguyên tắc quyết định tập thể, ý kiến các ĐBQH đều có giá trị ngang nhau. Mọi sự thể hiện cá nhân là không rõ so với Chính phủ. Sự tương tác với các ĐBQH tính chất cũng khác nhau nên mọi sự so sánh đều rất khó.
Có nên áp dụng việc lấy phiếu tín nhiệm và đặc biệt là việc công khai kết quả bỏ phiếu trong Đảng, thưa Bộ trưởng?
Trong Đảng đã có quy định, sắp tới sẽ tổ chức lấy phiếu nhưng mức độ công bố đến đâu thì chắc còn chờ hướng dẫn nữa, có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của Quôc hôi. Theo quy định những người lấy phiếu với chức trách bên nhà nước sẽ thôi lấy phiếu tín nhiệm bên Đảng. Còn việc công khai, cá nhân tôi nghĩ phải nên công khai, vì Đảng cũng nắm quyền lực của người dân, cũng là phục vụ nhân dân. Nếu cũng công khai được như Quốc hội thì tốt thôi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Sáng ngày 12/6, PV Dân trí đã có những cuộc phỏng vấn nhanh cử tri ở một số tỉnh ĐBSCL liên quan đến kêt quả bỏ phiếu: Anh Nguyễn Đức Tính (29 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, một tri thức trẻ): Tôi cho rằng việc đánh giá qua bỏ phiếu là hết sức cần thiết, giúp người dân cảm nhận được các vị lãnh đạo có được tín nhiệm hay không. Tuy nhiên với 3 mức đánh giá tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp thì còn chung chung quá. Theo tôi để cụ thể hơn thì nên chỉ có 2 mức đánh giá là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, như thế sẽ giúp cho các vị lãnh đạo cố gắng hơn nữa trong công việc điều hành của mình, từ đó sẽ đạt được lòng tin của người dân.
Anh Nguyễn Đức Tính, cử tri tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ông Huỳnh Quốc Sử (40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, một người dân buôn bán nhỏ): Qua kết quả được Quốc hội công bố, với những cán bộ “không được đánh giá cao” như ở ngành ngân hàng, giáo dục, y tế, giao thông… theo tôi có thể không phải do năng lực họ thấp kém mà do đặc điểm riêng biệt của từng ngành nghề. Ví dụ như ngành ngân hàng, tiền tệ do xu hướng kinh tế thế giới thay đổi liên tục nên cũng ảnh hưởng không nhỏ lĩnh vực này ở trong nước, dẫn đến việc điều hành của vị “tổng tư lệnh” ngành này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo có phiếu thấp cần nhìn vào kết quả số phiếu để từ đó thay đổi mình, thay đổi cách điều hành làm sao đảm bảo tốt an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân.
Ông Huỳnh Quốc Sử, cử tri tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Ông Nguyễn Văn Trí (một nông dân ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang):Trong cuộc họp này, Quốc hội mạnh dạn cho đại biểu bỏ phiếu tính nhiệm các lãnh đạo đầu ngành, bà con rất mừng với kết quả vừa qua. Tuy nhiên, với người dân chúng tôi rất mong sớm có một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các vị quan chức ở địa phương mình. Vì thực tế, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lúc nào cũng đúng, có lợi cho dân, thế nhưng đến người thực hiện là các “quan” ở địa phương thì sai lệch, nhũng nhiễu làm người dân bất an, mất niềm tin.
Ông Nguyễn Văn Trí, cử tri tỉnh An Giang. (Ảnh: Nguyễn Hành)
Huỳnh Hải – Nguyễn Hành
Theo Dantri
Chốt danh sách 47 chức danh lấy phiếu tín nhiệm hôm nay
Công bố danh sách 47 chức danh lãnh đạo hàng đầu trong bộ máy nhà nước để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, 2 vị trí Bộ trưởng Tài chính và Tổng Kiểm toán nhà nước không đủ điều kiện lấy phiếu kỳ này.
Theo tờ trình số 439 (ngày 7/6/2013) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày, tiêu chí để xác định danh sách người được đưa ra lấy phiếu gồm các điều kiện: Người đó đang giữ chức vụ được QH bầu và phê chuẩn; Có thời gian giữ chức vụ đó trên dưới 1 năm để đủ thời gian đánh giá hoạt động, công tác.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết trường hợp ông Vương Đình Huệ - nguyên Bộ trưởng Tài chính, đủ thời gian công tác 1 năm ở cương vị này nhưng vừa được Quốc hội miễn nhiệm để đảm nhiệm nhiệm vụ khác nên không đủ điều kiện lấy phiếu tại Quốc hội. Ông Huệ sẽ được lấy phiếu ở đơn vị công tác mới, trong khối cơ quan của Đảng.
Ông Đinh Tiến Dũng vừa được bầu làm Bộ trưởng tài chính nên chưa đủ thời gian 1 năm đảm nhiệm cương vị này cũng như ông Nguyễn Hữu Vạn cũng vừa dược bầu làm Tổng Kiểm toán nhiệm 2 tuần trước nên không đủ thời gian công tác để đánh giá tín nhiệm
Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhất (ảnh: Việt Hưng).
Vì vậy, từ danh sách 49 người như dự kiến ban đầu, Quốc hội lần này chỉ lấy phiếu đối với 47 chức danh.
Nhấn mạnh ý nghĩa lần đầu lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao đối với các vấn đề nhân sự. Ông Hùng thông tin, đây cũng là một hoạt động đặc biệt của Việt Nam khi chưa có nước nào trên thế giới thực hiện việc này.
"Chính các dại biểu sẽ thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là đánh giá các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước mà các đại biểu đã bầu bầu từ nhiệm kỳ (chưa được 2 năm)" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Hùng khẳng định, Quốc hội sẽ cân nhắc cẩn trọng, công tâm và thực sự khách quan trong đánh giá từng chức danh, theo các căn cứ cụ thể.
Trước hết, các đại biểu đã nghiên cứu báo cáo tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, lối sống đạo đức của các vị lãnh đạo. Báo cáo này được những người báo cáo đã thực hiện nghiêm túc, UB Thường vụ đã gửi đúng và sớm từ trước khi khai mạc kỳ họp để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu đánh giá.
Căn cứ thứ 2 chính là thực tế tình hình kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác tư pháp của đất nước. Từ đánh giá về tình hình, đại biểu có thể "soi" trở lại kết quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và các vị được bầu, phê chuẩn nói riêng. "Từ những chuyển biến, kết quả có thể nói lên nỗ lực cũng như tồn tại yếu kém đã khắc phục hoặc chưa khắc phục được. Thông tin này có thể nói là rộng khắp, cử tri, đồng bào cả nước đều biết, có thông tin, đều có thể để có đánh giá một cách toàn diện cách hoạt động của nhà nước cũng như các vị đứng đầu được lấy phiếu lần này" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra còn các căn cứ khác như kết quả hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và báo cáo kiến nghị của cử tri cả nước mà UB TƯ MTTQ đã tập hợp gửi đến Quốc hội thời gian qua.
Hơn tất cả, ông Hùng nhấn mạnh, căn cứ quan trọng nhất để đánh giá tín nhiệm mỗi chức danh chính là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu với tinh thần thận trọng, khách quan.
Ông Hùng chia sẻ suy nghĩ dưới góc độ là 1 người được tham gia bỏ phiếu đồng thời là người được các đại biểu đánh giá tính nhiệm. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông có 2 tâm trạng, vừa hồi hợp chờ đợi xem Quốc hội đánh giá tín nhiệm đối với bản thân mình như thế nào để còn phấn đấu và trăn trở xem làm sao để thả lá phiếu vào thùng sao cho chính xác. Chủ tịch Quốc hội khái quát, động tác thả lá phiếu rất đơn giản nhưng ý nghĩa rất quan trọng.
"Chúng tôi tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, nhà nước và đặc biệt là đồng bào cử tri" - Chủ tịch Quốc hội quả quyết.
Ngay sau khi công bố danh sách 47 chức danh đưa ra lấy phiếu và được Quốc hội biểu quyết thông qua với hơn 95% "phiếu thuận", các đoàn đại biểu tổ chức thảo luận riêng về việc này. 16 giờ chiều, các đoàn đại biểu Quốc hội trở lại hội trường, nghe báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận và tiến hành bỏ phiếu.
Kết quả bỏ phiếu cũng như Nghị quyết về lấy phiếu sẽ được công bố công khai đến đồng bào cử tri cả nước vào đầu giờ sáng mai (11/6).
Danh sách 47 chức danh được Quốc hội thông qua:
Trương Tấn Sang - Chủ tịch nướcNguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nướcNguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hộiUông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hộiTòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hộiHuỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hộiPhan Xuân Dũng - Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trườngNguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm UB Kinh tếTrần Văn Hằng - Chủ nhiệm UB Đối ngoạiPhùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sáchNguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UB Tư phápNguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninhPhan Trung Lý - Chủ nhiệm UB Pháp luậtTrương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hộiNguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểuNguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộiKsor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộcĐào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồngNguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủHoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Chính phủNguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủVũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủNguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủHoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịchNguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Nội vụNguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng nhà nướcPhạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hộiHà Hùng Cường - Bộ trưởng Tư phápTrịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Xây dựngVũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủVũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công thươngPhạm Vũ Luận - Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạoPhạm Bình Minh - Bộ trưởng Ngoại giaoCao Đức Phát - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thônGiàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộcTrần Đại Quang - Bộ trưởng Công anNguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trườngNguyễn Quân - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệNguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Thông tin và truyền thôngPHùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòngĐinh La Thăng - Bộ trưởng Giao thông - Vận tảiNguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tếHuỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủBÙi Quang Vinh - Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tưTrương Hòa Bình - Chánh án TAND tối caoNguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND tối caoTheo DantriSa thải ngay cán bộ uống bia rượu "Nếu có cán bộ, công chức nào vi phạm một cách nghiêm trọng, gây ra tiếng xấu cho ngành thì chúng tôi sẵn sàng sa thải", người đứng đầu ngành tư pháp chia sẻ. Ngày 16/4, trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị toàn quốc về tổng kết thi hành Luật Hôn nhân - gia đìnhnăm 2000, Bộ trưởng Tư pháp...