Kết quả khả quan từ việc điều trị sốt xuất huyết bằng Đông – Tây y kết hợp
Trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, cùng với các biện pháp phòng bệnh luôn được Bộ Y tế và các Sở Y tế khuyến cáo, vấn đề điều trị cho người mắc sốt xuất huyết cũng được quan tâm.
Bên cạnh việc điều trị theo phương pháp Tây y, từ lâu Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cả Đông – Tây y trong điều trị sốt xuất huyết; phương pháp này đã mang lại một số kết quả khả quan.
Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh tư vấn điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đông – Tây y kết hợp điều trị sốt xuất huyết
Đầu tháng 8/2022, chị Huỳnh Ngọc Mai (ngụ Quận 8) mắc sốt xuất huyết với các triệu chứng sốt cao, đau mỏi cơ khớp, đau đầu… Theo lời giới thiệu của người quen, chị Mai tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh. Sau khi xác định chị Mai mắc sốt xuất huyết bằng phương pháp xét nghiệm máu với các thiết bị xét nghiệm hiện đại, các bác sĩ đã tư vấn cho chị được điều trị ngoại trú. Cùng với bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm, chị Mai được kê thêm thang thuốc bồi bổ sức khoẻ, nâng cao thể trạng và hướng dẫn theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng.
Một tuần sau, chị Mai tái khám với thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh. “Tôi không ngờ sốt xuất huyết có thể điều trị bằng y học cổ truyền nhanh và nhẹ nhàng như thế, sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh”, chị Mai chia sẻ cảm nhận sau khi khỏi bệnh.
Bỗng dưng sốt cao liên tục, nhức mỏi cơ khớp toàn thân, bà Trần Thị Thiên Lý (64 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đến Bệnh viện Y học cổ truyền – nơi bà đang theo dõi, điều trị các bệnh lý mạn tính thoái hóa khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp để được thăm khám. Nghi ngờ bà Lý mắc sốt xuất huyết, bác sĩ Phạm Thị Minh – Khoa Nội lão chỉ định xét nghiệm và xác định, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ngày thứ 3. Do bệnh nhân đang điều trị cùng lúc nhiều bệnh nền, bác sĩ Minh tư vấn cho bà Lý nhập viện theo dõi, điều trị. “Chúng tôi cho người bệnh ngưng sử dụng một số loại thuốc như kháng đông, giảm tiểu cầu, Aspirin… sau đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, kết hợp bù dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế”, bác sĩ Minh cho biết. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4, bệnh nhân vật vã, li bì, có dấu hiệu chuyển nặng, các xét nghiệm được tiến hành để theo dõi sát tình trạng bệnh nhân kết hợp sử dụng bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm, tình trạng bệnh cải thiện dần. Đến ngày thứ 10 sau nhập viện, bệnh nhân khoẻ mạnh, ổn định và được xuất viện về nhà.
Video đang HOT
Đây là hai trong nhiều trường hợp được điều trị sốt xuất huyết bằng y học hiện đại kết hợp y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh thời gian qua. Bác sĩ Phạm Thị Minh – Khoa Nội lão cho biết, Bệnh viện Y học cổ truyền là một trong những cơ sở y tế điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại từ rất lâu nhưng chưa được nhiều người dân biết đến. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội lão tiếp nhận từ 5 – 7 người bệnh sốt xuất huyết, ở các khoa khác của bệnh viện cũng tiếp nhận số lượng bệnh nhân tương đương. Đa số các ca sốt xuất huyết điều trị tại đây là bệnh nhân thể nhẹ và được điều trị ngoại trú. Chỉ những bệnh nhân có bệnh nền mới được tư vấn nhập viện theo dõi.
Theo bác sĩ Phạm Thị Minh, sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị theo triệu chứng. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt kèm theo triệu chứng xuất huyết và thoát huyết tương. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến tình trạng sốc do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng và có thể dẫn đến tử vong.
Từ thực tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bác sĩ Minh nhìn nhận, điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại mang lại hiệu quả cao ở giai đoạn đầu của bệnh, tương ứng với mức độ I và độ II theo cách phân loại của y học hiện đại. Ưu điểm của sử dụng y học cổ truyền trong điều trị sốt xuất huyết là hạn chế bệnh chuyển nặng, bệnh nhân phục hồi nhanh và giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị.
Cần linh hoạt khi điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền
Theo bác sĩ Phạm Thị Minh, y học cổ truyền xếp sốt xuất huyết vào nhóm ôn bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độc tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết. Trong đó, nhiệt độc tấn công vào phần Vệ, Khí gây sốt cao; tấn công vào phần Dinh gây xung huyết và vào phần Huyết gây xuất huyết. Bệnh ở giai đoạn nặng có thể chuyển thành chứng Quyết, nhẹ là nhiệt quyết tương đương với sốc nhẹ, nặng là hàn quyết, tương đương với sốc nặng. Nguyên tắc điều trị cơ bản của y học cổ truyền là thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân nhiệt độc; lương huyết, chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu.
Bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh khám, theo dõi cho bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú.
Song, ứng dụng y học cổ truyền vào điều trị sốt xuất huyết cần linh hoạt theo từng giai đoạn bệnh, ở mỗi giai đoạn khác nhau lại có những bài thuốc khác nhau. Cụ thể, ở giai đoạn nhiệt độc tấn công vào phần Vệ và Khí, có thể dùng các bài thuốc thanh nhiệt có tác dụng điều trị sốt, làm giảm các triệu chứng của sốt xuất huyết. Ở giai đoạn nhiệt độc tấn công vào phần Dinh và Huyết, có dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết Dengue nặng, cần điều trị bằng y học hiện đại kết hợp bài thuốc bổ dưỡng phối hợp điều trị. Ở giai đoạn phục hồi, các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm… giúp nâng cao thể trạng khiến người bệnh phục hồi nhanh chóng.
Đơn cử, tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh, người bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết sẽ được xét nghiệm để xác định bệnh. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, ở giai đoạn nào thì sử dụng hoàn toàn bằng đông y, ở giai đoạn nào cần đông – tây y kết hợp. Bác sĩ Minh lưu ý, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân sốt xuất huyết ưu tiên điều trị tại nhà, bồi bổ sức khỏe và sử dụng một số bài thuốc theo đông y. Khi có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng như đau bụng dữ dội, nôn và nôn ra máu, chảy máu chân răng, nướu, đau bụng…, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi. Ở giai đoạn này, các chuyên gia khuyến cáo không sử dụng theo phương pháp y học cổ truyền mà chuyển sang y học hiện đại, chỉ sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền mang tính chất bổ trợ, nâng đỡ thể trạng người bệnh. Các bài thuốc y học cổ truyền điều trị sốt xuất huyết kinh điển có thể kể đến là bài Tang cúc ẩm gia giảm, Ngân kiều tán, Bổ trung ích khí, Sinh mạch tán…
Bác sĩ Phạm Thị Minh cảnh báo, người dân không nên tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được kiểm chứng, tuyệt đối không lạm dụng các phương pháp cắt lể, giác hơi, cạo gió… Ngoài ra, hiện nay trên thị trường, nguyên liệu thuốc y học cổ truyền trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rất nhiều. người dân muốn điều trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền cần đến các bệnh viện chuyên ngành, cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chẩn đoán, có phác đồ điều trị phù hợp, tránh tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Bộ Y tế: 'Sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng'
Bộ Y tế dự báo số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa)
Trong hơn 2 năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.
Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu.
Huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.
Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.
Đối với Sở Y tế các địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở chỉ định dịch tễ, điều tra véc tơ. Kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh.
Đồng Nai: Phát động chiến dịch đồng loạt ra quân phòng, chống dịch sốt xuất huyết Ngày 13/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã dự lễ phát động "Chiến dịch đồng loạt ra quân phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết" tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt đề nghị tất cả các xã, phường...