Kết quả cuộc gặp suốt 2,5 tiếng giữa Trump và Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa gặp nhau tại Argentina ngày 1.12 và cả hai bên đều nói rằng họ đã có tiến bộ trong chuyện giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Reuters đưa tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ngày 1.12
Khi Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại, ông Trump và ông Tập cùng các trợ lý của họ đã ngồi xuống cùng nhau trong một bữa tối bên lề hội nghị G20.
Sau cuộc họp kéo dài 2,5 tiếng, dài hơn nửa tiếng so với dự kiến, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói với các phóng viên rằng cuộc đàm phán diễn ra “rất tốt đẹp”. Tuy nhiên, ông Kudlow không nói thêm chi tiết cụ thể nào khi lên máy bay về Washington với ông Trump.
Sau cuộc gặp, truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin “sẽ không có thêm lệnh áp thuế quan nào sau ngày 1.1.2019 và các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục”.
Mục tiêu của Bắc Kinh là thuyết phục Trump từ bỏ kế hoạch tăng thuế với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên mức 25% vào tháng 1 (hiện con số này là 10%). Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này và áp thêm thuế cho số hàng hóa trị giá 267 tỷ USD nếu không có tiến bộ trong các cuộc đàm phán.
Theo Reuters, ông Trump nói với ông Tập trong những phút đầu của cuộc họp rằng ông hy vọng họ sẽ đạt được “một điều gì đó tuyệt vời” về thương mại cho cả hai nước.
Ông Trump cho rằng “mối quan hệ tuyệt vời” giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là “lý do chính” để họ có thể phát triển về thương mại.
Đáp lại, ông Tập nói với ông Trump rằng Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể đạt được lợi ích của hòa bình và thịnh vượng thông qua hợp tác lẫn nhau.
Video đang HOT
Cuộc đàm phán ngày 1.12 giữa ông Trump và ông Tập được xem là cuộc họp quan trọng nhất giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung trong nhiều năm qua.
Một biên tập viên làm việc cho một tờ báo nhà nước Trung Quốc cũng đăng tải lời nhận xét tích cực về kết quả cuộc đàm phán.
“Dựa trên thông tin tôi nhận được, cuộc đàm phán giữa ông tập và ông Trump đã diễn ra tốt đẹp và đạt được sự đồng thuận”, Hu Xijin, biên tập viên của Thời báo Hoàn Cầu viết trên Twitter.
Theo Danviet
Vũ khí Trung Quốc chưa tung ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngày càng ít doanh nhân, khách du lịch, sinh viên Trung Quốc tới Mỹ và đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ còn lan rộng theo những cách khó đoán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Shutterstock)
Theo Washington Post, sự sụt giảm gần đây về số lượng doanh nhân, khách du lịch và sinh viên Trung Quốc tới Mỹ, thể hiện qua số hồ sơ xin cấp thị thực cũng như đặt vé máy bay, không phải là chính sách do chính quyền Bắc Kinh ban hành mà là lựa chọn của chính người dân Trung Quốc. Điều này đã cho thấy một vũ khí tiềm năng mà Trung Quốc có thể sử dụng với Mỹ nếu cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục, đó là cắt giảm khoản tiền 60 tỷ USD mà người Trung Quốc chi mỗi năm cho việc sử dụng các dịch vụ của Mỹ, bao gồm các hoạt động du lịch và đi lại tới xứ sở cờ hoa.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người Trung Quốc nhận thị thực làm việc, du lịch hay học tập tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay đã giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 13%.
Trong khi đó theo Skyscanner, một công cụ tìm kiếm do công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc sở hữu, số lệnh đặt chỗ trên các chuyến bay từ Trung Quốc tới các điểm đến ở Mỹ đã giảm 42% trong tuần đầu tiên của tháng 10 mặc dù đây là thời điểm nghỉ dài ngày của người Trung Quốc và họ thường đi du lịch nhiều trong khoảng thời gian này.
Không giống thương mại hàng hóa, lĩnh vực Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn về mức thâm hụt quá lớn với Trung Quốc, Mỹ được hưởng thặng dư đáng kể trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài, Washington sẽ chịu thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực dịch vụ. Kể từ năm 2011, thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đã tăng nhanh gấp 3 lần so với các hoạt động thương mại hàng hóa mà Tổng thống Trump vốn rất coi trọng.
"Chúng tôi cho rằng họ (Trung Quốc) sẽ thử hàng loạt phương án để khiến chúng tôi (Mỹ) lùi bước. Điều này sẽ không hiệu quả. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ không làm như vậy", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết.
Trước kia, Trung Quốc từng sử dụng lĩnh vực du lịch như một "vũ khí" để đối phó với các nước. Năm ngoái, khi Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra tranh cãi ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh đã cấm bán các gói tour du lịch tới thủ đô Seoul và đảo Jeju, Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đã nghe theo lời kêu gọi của chính phủ và sự tẩy chay này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại gần 7 tỷ USD chỉ trong vài tháng.
Nếu Trung Quốc thực hiện chiến dịch tẩy chay tương tự, Mỹ có thể mất đi hàng triệu "khách hàng" thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc - những người sẵn sàng rót một khoản tiền lớn để học tập tại Mỹ và luôn "khao khát" những chuyến du lịch tới Mỹ.
Một lệnh cấm từ Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp du lịch của Mỹ mất đi nguồn khách hàng đáng kể, trong khi các trường đại học tại Mỹ cũng không còn được hưởng lợi từ số lượng sinh viên Trung Quốc đông đảo như trước đấy. Ước tính khách du lịch Trung Quốc chi khoảng 6.900 USD cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, có tới hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký học đại học tại Mỹ trong năm 2017, gần gấp đôi Ấn Độ - quốc gia đứng ở vị trí thứ hai về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.
Hệ quả với cả hai bên
Khách du lịch Trung Quốc tại Mỹ. (Ảnh: Getty)
Theo nhà nghiên cứu Joy Dantong Ma tại Viện nghiên cứu Paulson ở Chicago, nếu Trung Quốc quyết định mở rộng cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách cấm công dân nước này chi tiền vào các chuyến du lịch, sử dụng dịch vụ tài chính hay hợp đồng tư vấn, Mỹ sẽ cảm nhận được hệ quả nhanh hơn cả khi Bắc Kinh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa Washington.
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cần thời gian để tái sắp xếp các chuỗi cung ứng hàng hóa phức tạp, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch du lịch nếu họ không muốn đi đến một nơi nào đó, chẳng hạn Mỹ.
"Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bạn sẽ thấy cuộc chiến này lan sang những lĩnh vực khác như du lịch. Các ngành công nghiệp dịch vụ khác hoàn toàn so với ngành xuất khẩu hàng hóa. Khi nhu cầu về hàng hóa không còn nữa, bạn chưa thấy ngay các tác động. Nhưng khi nhu cầu về dịch vụ chấm dứt, các chỉ số sẽ giảm ngay lập tức", chuyên gia Ma nhận định.
Tính đến nay, du lịch và lữ hành vẫn là những ngành dịch vụ lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, các hãng hàng không, khách sạn và hãng điều hành tour du lịch của Mỹ đã thu được 32 tỷ USD, gấp đôi doanh thu từ các hợp đồng bán máy bay của Mỹ cho Trung Quốc.
Khi người Trung Quốc ngày càng giàu lên, họ càng ra nước ngoài nhiều hơn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, gần 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới Mỹ vào năm 2016, trong khi vào năm 2009, con số này chỉ là 525.000 người.
Theo Washington Post, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc nếu có ý định tẩy chay Mỹ vì lo ngại rằng điều này sẽ khiến những người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, những người đang muốn con cái theo học tại Mỹ hoặc đơn giản là tới Mỹ du lịch, nổi giận.
Hồi tháng 7, một thanh niên từ vùng Nội Mông đã kích hoạt một quả bom gần đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên chưa đầy một giờ sau đó, người dân vẫn tiếp tục xếp hàng chờ xin cấp thị thực.
Ông Zhou, 50 tuổi, người đã nộp hồ sơ xin cấp thị thực tới Los Angeles, San Francisco và Las Vegas trong tháng này, đã chờ bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh trong hơn 6 giờ rưỡi đồng hồ để nộp đơn. Điều này cho thấy việc Trung Quốc muốn cấm người dân tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều so với Hàn Quốc trước đây.
"Tôi nghĩ khả năng này không xảy ra. Mỹ là nước lớn hơn và quan trọng hơn so với Hàn Quốc. Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng quan trọng hơn. Người Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ hơn (nếu Bắc Kinh cấm họ tới Mỹ)", Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại hãng tư vấn Matthews Asia, nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
Mỹ đã sẵn sàng đứng ra bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc? Gần đây, Mỹ có nhiều động thái cho thấy rõ lập trường của nước này về quan hệ Đài Loan - Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc Trung Quốc ngày càng tăng cường sức ép ngoại giao lên Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Trong vòng chưa đầy ba năm, năm...