Kết quả chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018
Chiều 24.9, tại trụ sở Báo Nông Thôn Ngày nay (Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức Chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018.
Tham dự chấm chung khảo có nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo, cùng các thành viên Ban Giám khảo.
Cuộc thi có sức lan tỏa rộng khắp
Tại buổi chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018″, ông Nguyễn Văn Hoài – Trưởng Ban Sơ khảo, Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt cho biết, qua 5 năm tổ chức và là năm thứ 2 được nâng lên thành giải báo chí quốc gia, Tự hào nông dân Việt Nam luôn được giới báo chí đánh giá là một cuộc thi uy tín, có chất lượng, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà báo và những tác giả không chuyên khác.
Toàn cảnh buổi Chấm chung khảo Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018.
Sau gần 1 năm phát động Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2017-2018, Ban Tổ chức đã nhận được gần 1.500 tác phẩm dự thi, trong đó có: 1.132 tác phẩm gửi đến để đăng trên Báo NTNN/Dân Việt và 368 tác phẩm từ các chi hội Nhà báo cả nước gửi về (gồm cả gửi đến Báo NTNN và gửi về Hội Nhà báo Việt Nam).
Trong số các tác phẩm gửi về, Báo NTNN đã lựa chọn và đăng tải được 200 tác phẩm trên các số báo hàng tuần, báo điện tử Dân Việt. Sau khi nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng, Ban Sơ khảo Giải đã chọn ra 77 tác phẩm đã đăng tải trên Báo NTNN và các tác phẩm từ các chi hội Nhà báo gửi về để chấm sơ khảo lần 1. Kết quả, sau khi chấm sơ khảo lần 1, Ban Sơ khảo Giải đã lựa chọn ra được 25 tác phẩm lọt vào chung khảo để Ban Giám khảo tiến hành chấm điểm.
Bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại nông nghiệp 4.0
Tại buổi chấm chung khảo, các thành viên Ban Giám khảo đều đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi này, nhiều tác phẩm đã khai thác được các chân dung với những cách làm mới, độc đáo như mô hình nuôi gà trên cát của ông Hoàng Công Điền ở Thái Bình hay nông dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn, một bước đi đột phá trong phát triển lâm nghiệp hiện nay. Chưa kể, vấn đề ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nông nghiệp 4.0 cũng được phản ánh khá đậm nét, thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp và cho thấy nông dân đã dần theo kịp xu hướng như mô hình của ông Oanh 4.0 với phòng nuôi cấy mô các giống hoa quý ở Hưng Yên”.
Mặc dù tiêu chí của giải là gương chân dung người thực, việc thực nhưng đối tượng phản ánh trong các bài dự thi năm nay rất phong phú, không chỉ bó hẹp ở một chân dung điển hình mà đó còn là những hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, những mô hình tổ – đội hợp tác, là những nhóm người cùng say mê làm nông nghiệp sạch đã bắt tay với nhau để đưa thịt lợn sạch, gà sạch, rau sạch đến người tiêu dùng…
Văn phong, cách thể hiện của các tác giả cũng rất hấp dẫn và đầy chất thơ, chứ không bình bình, nhàm chán như hầu hết các bài viết về gương người tốt, việc tốt lâu nay. Đáng lưu ý, cuộc thi còn thu hút được những tác giả không phải là nhà báo chuyên nghiệp mà làm ngành nghề khác như giáo viên…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Giám khảo. Ảnh: Đ.D
Video đang HOT
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban Giám khảo thẳng thắn bày tỏ: “Ban giám khảo chúng tôi chấm độc lập, không hề có cuộc gặp gỡ, bàn bạc, nhưng khi khớp điểm lại với nhau lại khá đồng đều và thống nhất, thậm chí trùng khớp với nhau.
Nhìn chung mặt bằng đồng đều và khá thú vị, tôi đánh giá cao những tấm gương làm giàu từ chính quê hương mình và đi lên từ 2 bàn tay trắng, thậm chí có những nông dân bắt đầu từ 500.000 đồng, đây chính là những động lực truyền cảm hứng vô cùng lớn lao, giúp những người nông dân khác thêm tự tin và tiếp tục kiên trì với mô hình làm giàu tại chính quê hương mình”.
11 cây viết và 11 gương nông dân xuất sắc nhất
11 gương mặt nông dân được giới thiệu qua các bài báo đều là những nhân tố điển hình ở địa phương, có những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi người trong số họ đến với nghề nông theo một cách khác nhau, con đường làm giàu ít nhiều đều gian nan vất vả nhưng họ đều có một điểm chung là, không dễ dàng khuất phục khó khăn, quyết tâm vươn lên tìm một con đường khác. Và qua ngòi bút của các nhà báo, hình ảnh của họ trở nên mạnh mẽ biết chừng nào.
Ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban Giám khảo. Ảnh: Đ.D
Tại buổi chấm chung khảo, ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Giám khảo chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với 3 tác phẩm có cách viết rất hay, có sức nặng về ngôn ngữ báo chí. Có những câu chuyện có thể dựng làm phim ví dụ như “Ông Điền không… điên”, “Chuyện làm giàu “ngược đời” của lão nông Huỳnh Văn Hòa”… đặc biệt là bài “Chủ tịch Hội Cựu chiến binh “bao đồng” việc làm giàu”.
Đây là tác phẩm có cách viết cũng ít chỗ nào chê được và có nhiều điểm thú vị. Những bài viết đoạt giải đều có điểm chung là ghi nhận nhưng sáng kiến vô cùng độc đáo của người nông dân, trong hoàn cảnh còn đầy khó khăn họ vẫn có những sáng tạo tuyệt vời. Những tác phẩm này đều có sức thuyết phục lớn…
Đó là hình ảnh ông Trịnh Văn Tiến, thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) một mình vác dao, rựa tiến về phía núi khai hoang mở đất cách đây hơn 20 năm để lập nên một trang trại nuôi con đặc sản (hươu, nai, dê, nhím, ngựa bạch…) giữa chốn “thâm sơn cùng cốc”. Đến nay, trang trại nhà ông đã có 250 con hươu, nai, dê; 110 con ngựa; 100 con nhím; chưa kể lợn cắp nách, gia cầm các loại. Để chủ động nơi tiêu thụ sản phẩm, ông mở hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và nhà hàng ở TP.Tam Điệp. Nhờ cách làm ăn khép kín này, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 24 lao động.
Hình ảnh nông dân thời đại mới không chỉ có vậy mà còn có những người trẻ dám nghĩ dám làm, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như anh Nguyễn Văn Kết ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn, Hà Nội) xây hẳn nhà kính cho ếch ở, từ đó chế ngự được cả mùa đông băng giá khi nuôi được ếch ở cả bốn mùa. Hiện, trang trại của anh Kết cung cấp ếch giống và ếch thịt ổn định cho các siêu thị, trường học trên địa bàn 13 tỉnh phía Bắc.
Phát biểu kết luận buổi chấm chung khảo cuộc thi, nhà báo Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Sang năm BTC chúng tôi mong muốn cuộc thi sẽ có nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức để cuộc thi có thể phong phú hơn hơn và phản ánh những bước đi mạnh mẽ của bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam thời đại 4.0 một cách chân thực và sinh động”.
Đồng thời, ông Lưu Quang Định cũng gửi lời cám ơn đến các thành viên Ban Giám khảo, nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng Giải báo chí toàn quốc “Tự hào Nông dân Việt Nam” trong suốt thời gian vừa qua.
Ông Hoàng Trọng Thủy – nguyên TBT Tạp chí Nông thôn mới – Thành viên Ban Giám khảo:
25 bài viết đều có một điểm chung là bám được “trục” chuyển động từ thúc đẩy sản xuất sang điều chỉnh sản xuất, hướng đến giá trị kinh tế cao. Đây chính là xu hướng chuyển mình đầy mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và cũng là điểm độc đáo mà các bài viết năm nay đã bám sát và tập trung làm rõ.
Một điểm chung nữa là các bài viết đều tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, phản ánh chân thực bức tranh sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nhân vật đều ở lứa tuổi trung niên – độ tuổi sung sức nhất và có thể bám trụ với nông nghiệp lâu hơn.
Tuy nhiên, 25 bài viết năm nay thực sự chưa có bài nào nổi bật và xuất sắc, tinh thần bền bỉ làm giàu chưa rõ ràng, chưa trở thành động lực truyền cảm hứng cho bạn đọc… Trên “mặt trận” chế biến điển hình tương đối nhiều nhưng chưa có bài viết nào xuất sắc về lĩnh vực chế biến. Tính phát hiện mới chỉ dừng lại ở phát hiện nhân vật chứ chưa có phát hiện về tính giải pháp như làm cách nào để làm giàu; làm cách nào để ứng phó với những khó khăn trong sản xuất…
Nhà văn, nhà báo Văn Chinh – Thành viên Ban Giám khảo: Loạt bài năm nay có chuyển động tinh tế hơn, cụ thể đều chung tinh thần sản xuất ngon và sạch. Ví dụ như bài về anh kỹ sư bỏ nghề về nuôi lợn sạch, đây cũng chính là bước chuyển biến lớn trong tư duy của nông dân về làm sạch, nuôi sạch và cho ra sản phẩm sạch.
Điều này minh chứng cho việc người nông dân đang từng bước công nghiệp hóa nền nông nghiệp, sử dụng ít đất đai nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế cao. Hay như anh nông dân nuôi lợn bằng chip, đã biết ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nhỏ.
Tôi đánh giá đây chính là chuyển động đầy tốt đẹp, đưa nông dân từ bị động sang chủ động và từng bước… Các bài tương đối đồng đều, chất lượng, cách viết giản dị nhưng thu hút, gần gũi với nông dân.
Các thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: Đ.D
Theo Danviet
Công bố 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017
Sáng nay (5/10) tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tổ chức Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" năm 2017 đã tổ chức họp báo công bố 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, 24 Gương mặt 30 năm Đổi mới và Chương trình truyền hình trực tiếp "Tự hào Nông dân Việt Nam" lần thứ 5.
Các đại biểu tham gia trả lời các câu hỏi của báo chí.
Tiếp nối thành công từ 4 lần tổ chức Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc các năm 2013, 2014, 2015, 2016, năm 2017 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã tiếp tục tổ chức Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm.
Về kết quả bình chọn, năm 2017, trên cơ sở 137 hồ sơ đề cử của 63 tỉnh, thành phố, Hội đồng bình chọn chung khảo của Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" đã chọn ra được 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017".
Đây là những hội viên, nông dân có thành tích tiêu biểu nhất trong 3 phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam gồm: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới" và "Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Trong số 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017" được bình chọn có 9 người là nữ giới, 54 người là nam giới; 10 người là người dân tộc thiểu số.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 lớn tuổi nhất là ông Võ Văn Ten, sinh năm 1942, hội viên Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh. Ít tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Nữa, sinh năm 1988, hội viên Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp.
Ông Lưu Quang Định, TBT Báo Nông thôn ngày nay trả lời báo chí.
Đối chiếu với 4 nhóm tiêu chí của Chương trình thì trong số 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017" có 54 người đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; 3 người có thành tích xuất sắc trong sáng chế, sáng tạo giải pháp kỹ thuật; 1 người có thành tích xây dựng nông thôn mới và 5 người có thành tích xuất sắc trong tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo Tổ quốc.
Kỷ niệm 5 năm Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" (2013-2017) và 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (1986-2016), bên cạnh 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017", Ban Tổ chức Chương trình cũng đã tìm kiếm và bình chọn ra 24 gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới.
Đây là những nông dân, doanh nhân xuất phát từ nông dân có những thành tích tiêu biểu nhất trong 30 năm đổi mới đất nước ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong số này có những nông dân từng là cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp thời kỳ "Đêm trước đổi mới" ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc dám chịu trách nhiệm trước Đảng, thực hiện ý nguyện của nhân dân trong việc tổ chức khoán sản phẩm (khoán chui) những năm trước khi Đảng ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý trong nông nghiệp (khoán 10) năm 1988. Bên cạnh đó còn có những Anh hung Lao động, những Vua phát minh sáng kiến, những con người bình dị nhưng đã tạo nên nhiều kỳ tích trong công cuộc Đổi mới.
63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2017 và 24 Gương mặt tiêu biểu 30 năm đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được tôn vinh và trao danh hiệu trong một buổi lễ trang trọng, với sự tham dự của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ... vào tối ngày 14/10/2017 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương (Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Công bố danh sách 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017 Hôm nay, 27.7, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý , Trưởng Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2017 đã thông qua danh sách 63 nông dân được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2017. Theo Ban Tổ chức, tính đến hôm nay, năm nay...