Kết luận vụ “xe ben đụng vỡ… đập thủy điện”
Đơn vị tư vấn đã có kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế. Lõi đập đã thay đổi từ bê tông mác 150 thành đá, cát sỏi.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 (thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kon Tum) vào ngày 22/11, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện Nam Việt (đơn vị tư vấn) đã tổ chức khảo sát thực địa công trình.
Qua khảo sát hiện trường sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, đơn vị tư vấn đã phát hiện: Hiện trường công trình đã thi công có nhiều thay đổi so với hồ sơ thiết kế.
Đây là vụ sập bờ đập thủy điện đầu tiên ở nước ta khi thủy điện chưa tích nước
Cụ thể, lõi đập chỉ có đá, cát sỏi chứ không như thiết kế là bê tông mác 150. Cống lấy nước theo thiết kế là đặt cửa ống phía ngoài thân đập, nhưng thực tế được bố trí ngay trên thân đập. Cống xả cát tại vị trí cống lấy nước cũng được đặt sai vị trí so với thiết kế. Hành lang kiểm tra thân đập không thấy cửa vào, cửa ra.
Phần đập không tràn, theo thiết kế là bê tông trọng lực, võ bọc phía ngoài là bê tông chống thấm mác 250, lõi là bê tông mác 150, nhưng hiện trạng thi công không đúng thiết kế. Tuyến kênh dẫn, mái kênh có một số đoạn thi công sai thiết kế.
Ngoài ra, việc bố trí cốt thép, cường độ bê tông, vật liệu sử dụng cần kiểm tra sự phù hợp với thiết kế.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn đã có kết luận nguyên nhân sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 là do thi công sai thiết kế. Lõi đập đã thay đổi từ bê tông mác 150 thành đá, cát sỏi. Vì vậy đã thay đổi từ kết cấu đập bê tông trọng lực sang kết cấu đập bản chống.
Video đang HOT
Trong quá trình thi công, do áp lực ngang của đá, cát sỏi cùng với việc xe tải chạy trên mặt đập đã tạo ra áp lực ngang cực lớn, đẩy toàn bộ bờ tường phía thượng lưu đổ sập.
Công trình thủy điện Đăk Mek 3 có công suất 7,5 MW. Công trình do Công ty Cổ phần Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư.
Sự cố sập bờ đập thủy điện Đăk Mek 3 xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 22/11 làm chết một công nhân. Sau khi sư cố xảy ra, chủ đầu tư đã ém thông tin, không báo cáo với các cơ quan chức năng.
Ngày 29/11, UBND tỉnh Kon Tum đã đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình để làm rõ nguyên nhân gây vỡ đập.
Theo 24h
Xe húc đổ đập thủy điện: Trong rủi có may
Đập có thiết kế dài khoảng 80m, cao 20m, tường dày 1m với khối lượng khoảng 7000m3 bê tông nhưng lại dễ dàng vỡ vụn sau cú va của chiếc xe ben(?!)
Câu chuyện đập thủy điện Đăk Mek 3 (Kon Tum) bị vỡ xảy ra sau hàng loạt sự cố của các thủy điện khác như Đăkrông (Quảng Trị), Sông Tranh 2 (Quảng Nam)... Bạn đọc tỏ ra băn khoăn không biết còn bao nhiêu công trình như thế này? Cá nhân, tổ chức liên đới sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
Hiện trường vỡ đập thủy điện
Cảm ơn chiếc xe ben!
Trong cái rủi ngẫm lại cũng có cái may. Chuyện xảy ra trong tuần qua với đập thủy điện Đăk Mek 3 khiến người ta thực sự sợ hãi khi nghĩ tới hậu quả vỡ đập thủy điện khi nó đi vào hoạt động. Bạn đọc từ địa chỉ: huyn...@yahoo.com.vn nhận định: "Khó tin quá, chỉ vì lực va quẹt của xe ben mà làm đập vỡ thế này. Nếu không may khi công trình hoàn thiện, đưa vào hoạt động tích trữ nước mà bị vỡ thì biết bao nhiêu người dân sẽ bỏ mạng đây?".
Tương tự, bạn đọc tại địa chỉ: hoangkim...@yahoo.com.vn nói: "Nếu không có sự cố này mà đưa đập vào sử dụng thì không biết hậu quả là thế nào. Lúc đấy không biết các cơ quan chức năng sẽ đổ lổi cho ai? Hay trước tiên là những những người dân ở xung quanh phải chịu hậu quả?".
Thậm chí, có bạn đọc còn cám ơn xe ben vì đã lật tẩy một sự thật về chất lượng công trình thủy điện này. Độc giả có địa chỉ: thuan...@gmail.com dẫn giải: "Quê tôi có rất nhiều bờ đê đắp bằng đất ruộng; rất nhiều lần bị máy cày, máy kéo có khi cả xe ben nữa đụng vào nó nhưng có sao đâu. Thế mà nay cả một đập thuỷ điện bị vỡ chỉ vì 1 chiếc xe ben chạy như rùa đụng vào. Nếu đập thuỷ điện đó thoát cái nạn này thì sẽ gây hoạ cho bao nhiêu người dân đây. Cảm ơn anh xe ben!".
Độc giả đặt câu hỏi về chất lượng công trình
Đáng nói, sự việc "động trời" trên xảy ra từ ngày 22/11 song cho tới ngày 26/11, cơ quan chức năng mới được biết. Trước mặt phóng viên, ông Lê Bá Thanh (Giám đốc Công ty CP thuỷ điện Hồng Phát - Đăk Mek, chủ đầu tư đồng thời là đơn vị thi công công trình thuỷ điện Đăk Mek 3) còn nhắc đi nhắc lại công trình đảm bảo chất lượng, việc vỡ đập là do tài xế chạy xe ben quá tải va vào.
Với phát ngôn này, ông Thanh đã bị dư luận "ném đá" quá nhiều. Về sau chính ông này phải đính chính: Do khối lượng đất, đá đổ lèn vào quá lớn và đổ dồn dập trong đợt cao điểm thi công nên đập không chịu nổi. Khi có lực bên ngoài tác động vào, đập sập đổ...
Không biết lời khẳng định "công trình đảm bảo chất lượng" của ông chủ đầu tư ra sao nhưng ghi nhận từ hiện trường của phóng viên cho thấy, thành bêtông thân đập phía thượng lưu dày 1,6m, hạ lưu dày 1m, phần ở giữa thân đập được chèn một ít đá tròn, số còn lại là đất cát.
Công trình có bị rút ruột?
Trước những thông tin từ sự cố vỡ đập thủy điện, đa phần bạn đọc cho rằng cần phải xem xét lại chất lượng thi công công trình của nhà thầu. Độc giả Phùng Đức Thọ tại địa chỉ tho...@yahoo.comviết: "Đập thủy điện bị vỡ do ô tô đâm phải! Thật nực cười, lý do không thể chấp nhận, bởi công trình thủy điện phải chịu được sức ép của hàng triệu m3 nước". Từ đây, độc giả này đề nghị: "Các cơ quan chức năng phải điều tra xem có dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc thiết kế, trong quá trình thi công không? Công trình nát bét, vỡ vụn như vậy, phải chăng việc rút ruột công trình đã lây lan đến lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện?!"
Trách nhiệm thuộc về ai cũng là vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm. Độc giả Quốc Dũng ở địa chỉ: quocdung...yahoo.com.vn tỏ ra bức xúc: "Thật kinh khủng! Các đơn vị giám sát đi đâu mà để xảy ra sự việc như vậy? Chính quyền địa phương cũng chỉ biết khi báo chí nêu. Trách nhiệm thuộc về ai?".
Trước sự cố này, các chuyên gia khẳng đinh chuyện xe ben húc đổ đập thủy điện quả là điều khó tin. Rõ ràng phải có lỗi nào đó trong khâu thiết kế, hoặc quá trình thi công khiến công trình bị vỡ vụn vì chiếc xe ben tông vào như vậy.
Ông Lê Bá Thanh, đại diện chủ đầu tư cho rằng đập thủy điện vỡ là do xe ben húc vào
Một chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về thủy điện phân tích: "Để gây vỡ thân đập như nhà đầu tư giải thích thì chiếc xe ben phải chạy với tốc độ rất cao mới đủ lực tác động. Cứ cho xe chạy với tốc độ chóng mặt thì cũng chỉ gây vỡ một đoạn nhỏ tối đa chục mét thôi, đằng này vỡ đến 60m chiều dài, nghe lạ tai quá. Điều này có lẽ do chất lượng thân đập được thi công kém, mong manh quá, như đồ hàng mã!".
Ngày 30/11, UBND tỉnh Kon Tum đã đưa ra nhận định ban đầu về sự cố vỡ đập Thủy điện Đăk Mek 3 ngày 22/11 gây chết người là do chủ đầu tư đã thi công sai so với hồ sơ thiết kế cơ sở.
Trước đó, ngày 29/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Phạm Thanh Hà đã ký công văn yêu cầu đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình thủy điện Đăk Mek 3. Công văn nêu rõ, chủ đầu tư cần phải báo cáo ngay sự cố cho Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Kon Tum và các ngành liên quan; Nộp toàn bộ hồ sơ công trình (khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công, tổ chức thi công, giám sát của công trình, hồ sơ chất lượng công trình) cho Sở Xây dựng trước ngày 1/12; Có phương án, kế hoạch cụ thể và thực hiện khắc phục hậu quả.
Theo 24h
"Xe húc" đổ đập thủy điện: Ém thông tin? 5 ngày sau sự cố tường thượng lưu đập tràn thủy điện Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) vỡ vụn vì "bị xe ben tông phải", phóng viên có dịp "mục sở thị" cảnh tan hoang nơi đây. Đập thủy điện thành đống đổ nát Ngày 27/11, cùng đi với đoàn công tác liên ngành của tỉnh...