Kết luận ca nam tài xế tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 tại Bắc Giang
Chiều 7/6, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Bắc Giang họp với các chuyên gia đầu ngành xem xét nguyên nhân tử vong của nam tài xế 45 tuổi sau tiêm vắc xin Covid-19.
Nguồn tin của VietNamNet cho biết, chiều 7/6, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Bắc Giang có cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành, khoa Cấp cứu A9, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để xem xét nguyên nhân ca tử vong tại Bắc Giang sau tiêm vắc xin Covid-19.
Các chuyên gia kết luận, trường hợp anh Nguyễn Văn H., 46 tuổi, trú tại xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, chưa loại trừ phản ứng quá mẫn sau khi tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên bệnh nhân có tiền sử đã điều trị viêm phổi, theo dõi lao phổi. Loại trừ nguyên nhân do chất lượng vắc xin.
Trước đó vào sáng 5/6, Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang, Bắc Giang tổ chức tiêm phòng vắc xin cho các lái xe công ty TNHH Bích Thủy, đóng tại thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, trong đó có anh H.
Trước khi tiêm, anh H. đã khai báo y tế và được Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Vôi khám sàng lọc, khai thác bệnh tiền sử qua phiếu sàng lọc theo quy định, không phát hiện bất thường, được kết luận đủ điều kiện tiêm.
Nhân viên y tế chuẩn bị vắc xin tiêm cho công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: Bộ Y tế
9h20, anh H. được tiêm, ở lại theo dõi 30 phút theo quy định. Trong thời gian này, sức khoẻ anh H. hoàn toàn bình thường.
10h10, anh H. được cho về nhà theo dõi tiếp. Trước khi về, anh được nhân viên y tế hướng dẫn theo dõi sức khoẻ trong 1 tuần đầu, nhất là từ 24-48h sau tiêm, nếu có các biểu hiện như sốt cao, co giật, tím tái, khó khở, hôn mê, phát ban… hoặc có dấu hiệu bất thường cần thông tin ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
Khi mới về nhà, sức khoẻ anh H. không có gì bất thường. Đến 13h cùng ngày, sau khi ăn uống xong, anh H. có biểu hiện sốt, nôn mửa, co quắp chân tay nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. Đến hơn 15h cùng ngày anh H. tử vong.
Video đang HOT
Ngay sau đó, lãnh đạo địa phương đã đến tận nhà anh H. để khai thác thêm thông tin. Gia đình cho biết, anh H. có tiền sử bệnh nền, từng bị co giật, sùi bọt mép nhưng trong quá trình khai báo, anh H. giấu thông tin này.
Để chủ động phòng chống Covid-19, địa phương đã phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ thành viên gia đình anh H. và kết quả đều âm tính.
Công an huyện Lạng Giang và các cơ quan liên quan đã khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Những ngày qua, Bắc Giang và Bắc Ninh là 2 địa phương triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhiều nhất cả nước cho các đối tượng là công nhân, người lao động trong khu vực nguy cơ cao. Bắc Giang đã tiêm tổng cộng hơn 150.000 liều vắc xin AstraZeneca trong 5 ngày qua.
Tiến sĩ Toán: 'Covid-19 đã đi qua đỉnh'
Tiến sĩ Toán - Lý Nguyễn Lê Anh nhận định một số điểm nóng dịch bệnh tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM cơ bản kiểm soát, là dấu hiệu Covid-19 đã đi qua đỉnh.
Tiến sĩ Toán - Lý Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhận định tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát khống chế hiệu quả đúng theo mô hình dự đoán ông đưa ra vào đầu tháng 5.
Theo ông, dịch đã đi qua đỉnh vào cuối tháng 5 (cụ thể trong các ngày 30, 31/5, 1/6) và đang có chiều hướng giảm mạnh. Đồ thị dự báo số ca nhiễm đầu tháng 7 còn khoảng 20 ca, sau đó giảm dần đến cuối tháng 7 không còn ca nhiễm.
Đến ngày 29/8, phần lớn ca nhiễm nCoV trung bình và nhẹ đang điều trị tại các cơ sở y tế khỏi bệnh, Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân Covid-19. Nếu kể đến việc điều trị các bệnh nhân nặng kéo dài, chuyên gia dự báo đến tháng 12 dịch mới có thể chấm dứt hoàn toàn. Như vậy, Covid-19 có thể sẽ suy giảm và kết thúc vào cuối tháng 7.
Biểu đồ dự báo Covid-19 theo phân tích của tiến sĩ toán - lý Nguyễn Lê Anh.
Tại TP HCM, tiến sĩ Lê Anh nhận định dịch đang đi ngang, số ca nhiễm mỗi ngày dao động ở 30 ca, các ổ dịch ở đây vẫn còn diễn biến phức tạp.
"So về số ca nhiễm TP HCM không nhiều bằng Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng đây lại là điểm nóng về dịch và đáng lo ngại. TP HCM cần tăng cường biện pháp chủ động chống dịch, nếu lơ là dịch có thể bùng phát mạnh tại một khu vực trong thành phố", tiến sĩ Lê Anh nói.
Ông cũng cho biết nếu các tỉnh thành khác trong cả nước số ca nhiễm tăng từ thấp lên cao, thì tại TP HCM số ca nhiễm khi phát hiện ở mức cao sau đó giảm dần, chứng tỏ dịch đã lây lan âm thầm trong cộng đồng trước đó khoảng 2 tuần.
Đồ thị dự báo của tiến sĩ Lê Anh được vẽ dựa trên sự cân bằng giữa nỗ lực chống dịch và áp lực lây nhiễm của virus. Số ca nhiễm trong ngày thể hiện sự tương quan giữa lây lan và dập dịch. Quy luật của sự tương tác này là đường cong có dạng nhất định, giúp dự báo được tình hình dịch. Tuy nhiên vẫn có những ca bệnh đã ủ bệnh lâu hoặc không có triệu chứng nên sau nhiều ngày mới phát hiện, do đó phải chờ dữ liệu qua nhiều tuần thì đồ thị sẽ chính xác hơn.
Tại TP HCM sáng 7/6, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết những ngày tới số ca nhiễm trên địa bàn sẽ tăng 40-45 ca mỗi ngày nhưng đều trong khu cách ly, phong tỏa nên không còn khả năng lây lan cộng đồng. Điều này nằm trong dự đoán ban chỉ đạo phòng dịch thành phố.
Ông Bỉnh đánh giá chùm ca nhiễm liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng bùng phát mạnh, lây lan nhanh do biến chủng virus Ấn Độ có đặc tính lây lan mạnh. Sinh hoạt tôn giáo ở nhóm này lại được tổ chức trong môi trường chật hẹp, nhiều người và tiếp xúc gần.
Cuối tháng 5, TP HCM ghi nhận 70 ca nhiễm mỗi ngày, sau đó số ca ghi nhận giảm dần còn 20-25 trong cộng đồng mỗi ngày. Từ ngày 6/6, c ác F1 được lấy mẫu xét nghiệm lần hai nên khi có kết quả, số ca nhiễm có thể tăng cao trở lại, ông Bỉnh nhận định.
Lực lượng chức năng phun khử trùng tại Quận 12, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Tại Bắc Ninh , ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, nhận định, tỉnh đã khoanh được các điểm nóng, kể cả ở khu vực nhỏ và khu vực lớn, từ đó thực hiện tổng lực các bước xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm, tiến tới khống chế dịch. Đối với huyện Thuận Thành, giới chức có phương án không để dịch kéo dài. TP Bắc Ninh áp dụng chiến lược xét nghiệm toàn diện để chỉ điểm những điểm dịch còn lẩn khuất trong cộng đồng. Từ đó giúp chính quyền sớm truy vết, khoanh vùng kịp thời.
Ông Tuấn cho rằng Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, số ca mắc sẽ còn tăng lên, dẫn đến nhiều người thuộc diện F1, tạo áp lực lên hệ thống cách ly tập trung. Bên cạnh đó sẽ dẫn đến khó khăn phân bổ các nguồn lực và nhân lực.
Để không đứt gãy quá trình sản xuất, một số nhà máy trong khu công nghiệp hoạt động trở lại, sàng lọc sức khỏe công nhân, test nhanh thường xuyên, đảm bảo có nguồn nhân lực sức khỏe tốt tham gia vào quá trình sản xuất của nhà máy. Điều này hướng tới hai mục tiêu, doanh nghiệp hoạt động trở lại, duy trì được sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bắc Giang vẫn đang là điểm nóng với trên 3.000 ca nhiễm. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương nhận định việc chính quyền giữ chân được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang và phong tỏa sớm các điểm nóng là một nỗ lực rất lớn của địa phương. Chính điều này thực sự đã ngăn chặn Covid-19 không lây lan trên diện rộng, góp phần rất lớn giữ an toàn cho cả nước.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch đánh giá huyện Lục Nam là một trong những điểm sáng trên mặt trận chống Covid-19, đã kiểm soát được tình hình và ít có khả năng dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là địa phương có ca nhiễm đầu tiên tại địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy Lục Nam, cho biết ngay từ khi xuất hiện ca F0 đầu tiên, huyện Lục Nam đã kích hoạt toàn bộ bộ máy để triển khai đồng bộ, khẩn trương các chỉ đạo của tỉnh Bắc Giang, cũng như những hướng dẫn, khuyến cáo từ Bộ Y tế. Khi mới có 7 ca mắc, địa phương đã chủ động lên phương án giãn cách xã hội tại một số điểm nóng.
Địa phương triển khai bố trí xây dựng 34 điểm cách ly tập trung với sức chứa tối đa 4.000 người, chủ động phương án cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thời điểm nóng nhất, tại các khu cách ly tập trung ở Lục Nam có trên 2.000 F1, mặc dù xuất hiện F0 nhưng được phát hiện kịp thời nên không xảy ra tình trạng lây chéo.
"Đây được xem là một trong nỗ lực rất lớn của địa phương", bà Dung cho biết.
Hiện, tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường nên cơ quan chức năng không chủ quan và tiếp tục lên kế hoạch ứng phó với các tình huống xấu nhất. Bắc Giang vẫn đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm định kỳ ba ngày một lần tại những khu vực phong tỏa để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức việc kéo giãn, giảm mật độ công nhân tại những điểm nóng nhằm giảm nguy cơ lây lan, đặc biệt tại thôn Núi Hiểu.
Tỉnh thực hiện quyết liệt việc cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch để ngăn chặn virus lây lan với nguyên tắc: "Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không cho ai đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài".
Tiến sĩ Nguyễn Lê Anh cho rằng tại hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, số ca nhiễm ghi nhận không nhiều. Tuy nhiên, hai nơi này tập trung rất đông dân khiến tình hình dịch rất đáng lo ngại, không được phép chủ quan.
Ông đánh giá cơ quan chức năng đang đi đúng chiến lược dập dịch, chủ động giãn cách xã hội, phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong toàn dân.
Trưa 7/6, thêm 92 ca Covid-19 tại 5 địa phương Bộ Y tế cho biết trong số 92 ca Covid-19 mới có 84 ca trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, còn lại một số ca được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, cộng đồng. Tính từ 6h đến 12h ngày 7/6, nước ta có 92 ca mắc mới Covid-19 (BN8792-8883), đều là ca lây nhiễm trong nước...