Kết hợp điều trị bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mãn tính gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực.
Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị, trong đó xu hướng kết hợp giữa đông y và tây y nhằm làm tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị.
Phát hiện sớm bệnh
ĐTĐ là nhóm của các bệnh lý chuyển hóa, có đặc điểm là tăng đường huyết do sự thiếu hụt về tiết Insulin, về tác động của Insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính kéo dài kéo theo những tổn thương, rối loạn chức năng, suy giảm các cơ quan khác nhau trong cơ thể, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. ĐTĐ thường được chia làm 2 nhóm chủ yếu type 1 và type 2, trong đó ĐTĐ type 2 chiếm đa số (85-90%).
Hiện nay số người mắc bệnh ĐTĐ trên toàn thế giới xấp xỉ 300 triệu người, trong đó tốc độ phát triển nhanh nhất ở các nước đang phát triển. ĐTĐ cùng với bệnh lý tim mạch và ung thư là 3 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ. Nguyên nhân gây tử vong do ĐTĐ thường gặp là bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, nhiễm trùng, suy thận mãn. Ngoài ra ĐTĐ còn có thể ảnh hưởng lên mắt gây mù mắt.
Bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ, hoặc khi bệnh nhân có những biểu hiện của các biến chứng như: tê 2 chi dưới, nhiễm nấm ở bộ phận sinh dục, nhiễm trùng ở da, mờ mắt, đau thắt ngực, tai biến mạch máu não… Chỉ một số ít trường hợp bệnh được phát hiện do có biểu hiện của triệu chứng tăng đường huyết: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều.
Những đối tượng như sau cần được kiểm tra đường huyết để phát hiện bệnh sớm: Sàng lọc cho tất cả những người trên 55 tuổi. Tuổi từ 40-45, kèm theo một yếu tố nguy cơ. Tuổi từ 35-40 tuổi kèm theo 2 trong số các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, HA 140/90 mmHg. Những người béo phì hoặc dư cân (BMI 23).
Có liên quan ruột thịt với người mắc bệnh ĐTĐ (thế hệ cận kề). Phụ nữ lứa tuổi ở vào giai đoạn quanh mãn kinh. Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt như được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ; hoặc có tiền sử sinh con to, cân nặng lúc sinh> 4.000g. Với người Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy nếu cân nặng của con 3.600g đã phải coi là yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Video đang HOT
Những người đã từng được chẩn đoán rối loạn đường huyết lúc đói, hay rối loạn dung nạp glucose; người có các rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa acid uric, người có microalbumin niệu dương tính… Người có nghề nghiệp tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, có những thay đổi đột ngột về môi trường sống.
Hướng điều trị
Đối với mỗi người bệnh ĐTĐ điều có một chế độ điều trị riêng biệt để phù hợp với mức độ bệnh, đặc điểm sinh hoạt của mỗi người bệnh. Việc điều trị cũng cần phải toàn diện. Bên cạnh việc dùng thuốc cần phải có chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục phù hợp với tình trạng bệnh và thuận tiện cho việc tuân thủ.
Đối với người bệnh ĐTĐ, nên kiêng hay hạn chế tối đa các loại đường hấp thu nhanh (mứt, nước ngọt, bánh ngọt, trái cây khô), nên ăn nhiều rau xanh sẽ làm giảm sự hấp thu đường và cholesterol sau ăn, giúp tránh táo bón. Đối với việc tập luyện, bệnh nhân nên tập các môn rèn luyện sự dẻo dai bền bỉ như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, các bài tập dưỡng sinh… Nên tránh các môn đòi hỏi thể lực cao như cử tạ.
Bài tập nên có cường độ nhẹ nhàng lúc đầu và tăng dần theo thời gian. Tránh quá sức, và phải có sự theo dõi của thầy thuốc. Việc tuân thủ chế độ ăn và tập luyện đúng cách sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, góp phần làm giảm quá trình phát triển thành bệnh ĐTĐ đối với những trường hợp rối loạn dung nạp glucose/ rối loạn đường huyết lúc đói.
Ngày nay các thầy thuốc Đông y khi điều trị bệnh nhân ĐTĐ sẽ tùy thuộc tình trạng để quyết định chỉ dùng thuốc Tây y hoặc thuốc Đông y, hay kết hợp cả 2 nhằm làm tăng tác dụng hạ đường huyết, giảm các tác dụng phụ khi dùng thuốc tây liều cao, giảm chi phí điều trị.
Một số nghiên cứu tại Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, những bệnh nhân rối loạn dung nạp glucose/rối loạn đường huyết lúc đói hoặc ĐTĐ có đường huyết không quá cao (không quá 180mg/dl) có thể kiểm soát đường huyết tốt chỉ với việc điều trị bằng thảo dược. Tại châu Á, những thảo dược thường hay được sử dụng và đã được chứng minh có hiệu quả hạ đường huyết trước ăn và sau ăn như khổ qua, nhân sâm, tỏi, hạt mê thi, quế, hoàng liên…
Bên cạnh việc dùng dạng thuốc sắc có thể gây bất tiện cho người sử dụng, còn có các dạng thuốc được bào chế theo phương pháp hiện đại (dạng viên con nhộng, viên nang) nhằm làm tăng tác dụng hạ đường huyết và dễ dàng sử dụng cho bệnh nhân hơn. Việc điều trị ĐTĐ bằng các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên ngoài tác dụng làm hạ đường huyết, còn có thể có một số tác dụng có ích khác trên người bệnh mà trong quá trình điều trị chúng tôi ghi nhận được như: giảm triệu chứng táo bón, giảm cảm giác nóng trong người, hồi hộp, đánh trống ngực, tiểu đêm, cải thiện giấc ngủ…
Tuy nhiên, điều trị bệnh ĐTĐ bằng thảo dược cần phải có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín, tránh tự ý sử dụng theo kinh nghiệm hay lời đồn, mách bảo của người khác. Vì các thảo dược có thể gây độc trên gan, thận hoặc không hiệu quả nếu như sử dụng không đúng cách và đặc biệt là sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Th.S BS CK2 Lê Ngọc Thanh, Viện Y dược học dân tộc TPHCM
Theo SGGP
Mẹ bầu bị đái tháo đường nguy hiểm khôn lường
Theo thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Hữu Chức (Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, được phát hiện trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ ở thai phụ không mắc sẵn đái tháo đường týp 1 hoặc 2...
Ảnh minh họa.
Bác sĩ Chức cho biết đái tháo đường thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều biến chứng cho cả mẹ và thai nhi: trong thời kỳ mang thai, ngay sau sinh và lâu dài về sau.
Vì vậy, tất cả các thai phụ trong quá trình mang thai cần được sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là ở nhóm thai phụ có nguy cơ cao.
Theo các nghiên cứu, khoảng 15% phụ nữ có thai có thể mắc đái tháo đường thai kỳ trên thế giới. Chủng tộc người châu Á có tỷ lệ mắc cao hơn các chủng tộc khác. Ở Đông Nam Á: 7,6% ở thai phụ có nguy cơ thấp, 31,5% ở thai phụ có nguy cơ cao.
Tần suất đái tháo đường thai kỳ cùng với đái tháo đường týp 2 ngày càng tăng.
Hiện tượng đái tháo đường thai kỳ do khi có thai, nhau thai mẹ tiết ra Lactogen, Estrogen, Prolactin gây ra hiện tượng tăng tiết insulin và kháng insulin. Nồng độ các hormone tăng dần, đạt đủ lớn để gây bệnh ở tuần thứ 24 - 28 thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai. Ví dụ, ở ba tháng đầu thai kỳ: Đây là giai đoạn hình thành các cơ quan, khi đường máu của mẹ tăng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các dị tật bẩm sinh.
Ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn phát triển và trưởng thành của các cơ quan, đặc biệt là não bộ của thai. Khi có ceton trong máu của mẹ sẽ ảnh hưởng lên trí tuệ của đứa trẻ về sau.
Ba tháng cuối: Đường máu của mẹ tăng làm tăng đường máu của con sẽ kích thích tụy thai tăng sản xuất insulin gây thai to.
Đái tháo đường thai kỳ rất nguy hiểm, bác sĩ Chức chia sẻ đối với người mẹ hậu quả trước mắt gây ra tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, đa ối, sảy thai, thai lưu, đẻ non, nhiễm trùng tiết niệu, chấn thương tầng sinh môn, vết mổ rộng do thai to.
Hậu quả lâu dài của đái tháo đường thai kỳ đó là những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2. Tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần có thai sau.
Còn đối với thai nhi và trẻ sơ sinh người mẹ bị đái tháo đường tuyp 2 thai nhi có cân nặng lớn, thai chậm phát triển trong tử cung. Đái tháo đường thai kỳ gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh do bệnh màng trong, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết trong những ngày đầu sau đẻ, hạ calci máu, đa hồng cầu, tăng Billirubil máu, dị tật bẩm sinh: tim mạch, thần kinh.
Về lâu dài những đứa trẻ này thường có nguy cơ béo phì, kém phát triển trí tuệ và có nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2.
Bác sĩ Chức khuyến cáo đái tháo đường thai kỳ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời mang đến nhiều biến chứng cho cả mẹ, thai nhi, trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai, sau đẻ. Các biến chứng đều có thể dự phòng được nếu kiểm soát đường huyết tốt, do đó việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Theo infonet
Ăn nhiều thịt bò hại khủng khiếp thế này, biết để điều chỉnh 'nhanh còn kịp' Nhiều người quan niệm thịt bò 'lành', bổ dưỡng và rất tốt cho cơ thể nên có thể ăn thoải mái mà không phải lo nghĩ gì. Tuy nhiên theo các bác sỹ, nếu ăn quá nhiều thịt bò, cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Internet Thịt bò là loại thực phẩm rất...