Kết cục của những cô gái gia nhập IS
Năm 2015, dư luận Anh choáng váng trước thông tin ba nữ sinh trung học nước này đã chạy trốn sang Syria gia nhập tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Đúng bốn năm sau, từ một trại tị nạn ở Syria, một trong ba cô gái chia sẻ với truyền thông mong muốn được rời bỏ hàng ngũ IS quay trở về Anh.
Một bức ảnh chụp Shamima Begum trước khi gia nhập IS. Ảnh: THE TELEGRAPH
Theo The Telegraph, Shamima Begum (15 tuổi) cùng hai thiếu nữ khác là Kadiza Sultana (16 tuổi) và Amira Abase (15 tuổi) là bạn học tại Trường THPT Bethnal Green ở phía đông Thủ đô London (Anh). Năm 2015, chỉ bốn tháng trước khi tốt nghiệp, Shamima (con gái trong gia đình nhập cư người Bangladesh đã được cấp quốc tịch Anh) đã cùng hai nữ sinh nói trên âm thầm rời bỏ gia đình tới Syria để trở thành “cô dâu jihad” (cụm từ ám chỉ những cô gái tự nguyện làm vợ các tay súng IS).
Qua hình ảnh thu được từ các camera an ninh tại sân bay Gatwick của Anh, các cô gái tỏ ra vui vẻ như thể họ đang tham gia một chuyến ngoại khóa. Tuy nhiên, những thiếu nữ này không hề biết trước đó là chuyến bay một chiều, tiềm ẩn những rủi ro và nguy hiểm. Đến nay, Shamima là người duy nhất trong ba nữ sinh rời Anh gia nhập IS được xác định còn sống. Một nữ sinh khác trong nhóm đã chết trong một vụ đánh bom, người còn lại hiện không rõ tung tích.
Bốn năm sau cuộc hành trình trở thành “cô dâu jihad”, giờ đây Shamima đã 19 tuổi và đang mang thai đứa con thứ ba. Hai đứa con trước của cô đã qua đời tại Syria. Trả lời giới truyền thông từ một trại tị nạn ở phía bắc Syria mới đây, Shamima bày tỏ mong muốn được quay trở về Anh để sinh con.
Qua lời kể của Shamima, cuộc đời của những “cô dâu jihad” vô cùng khổ cực và hiểm nguy. Cô kể lại rằng đã được một tay buôn người đưa đến thị trấn Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, sát biên giới với Syria. Kẻ này đã đưa cho các cô gái hộ chiếu Syria mang tên giả và sau đó đưa họ tới thành phố Raqqa của Syria. Chỉ 10 ngày sau, Shamima đã quyết định lấy một thành viên IS mang quốc tịch Hà Lan làm chồng, trong khi Kadiza Sultana và Amira Abase cũng nhanh chóng kết hôn với hai tay súng IS khác.
Video đang HOT
Trái với những hứa hẹn hoa mỹ về “một cuộc sống trên thiên đường”, ba cô gái bị giám sát gắt gao như những tù nhân, chỉ được ra ngoài khi có thành viên IS đi cùng. Cuộc sống của họ gắn với nỗi thấp thỏm mỗi khi nghe tiếng súng hoặc sự sợ hãi khi Raqqa bị không kích. Shamima nói rằng cô chưa từng chứng kiến vụ hành quyết nào, song đã có lần nhìn thấy bộ phận cơ thể của một tù nhân bị vứt trong thùng rác. Điều đó luôn ám ảnh cô gái trẻ nhiều tháng sau đó.
Dù vậy, mong ước được trở về Anh của Shamima chưa chắc đã trở thành hiện thực. Nếu Shamima vẫn chưa đến 18 tuổi, Chính phủ Anh sẽ phải có nghĩa vụ đưa ra một quyết định tốt nhất vì lợi ích của cô và đứa bé sắp sinh. Nhưng hiện Shamima 19 tuổi và giới chức Anh có thể xếp cô vào trường hợp người đã trưởng thành, tự có ý thức về quyết định của mình nhưng không có dấu hiệu tỏ ra ăn năn, thay đổi. Trả lời báo chí trước đó, Shamima cho biết không hối tiếc với quyết định gia nhập IS của mình và lý do mong muốn quay lại Anh vì đang mang thai ở tháng thứ chín và muốn sinh con tại Anh. Do đó, gần như không có khả năng nguyện vọng của cô gái này được chấp thuận.
Ngày 15-2 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Anh, ông Sajid Javid tuyên bố “sẽ không chần chừ trong việc ngăn chặn những công dân Anh đã gia nhập IS như Shamima Begum”. Ông Javid cho rằng các công dân đó tỏ ra “hận thù nước Anh” và những người muốn trở về Anh sẽ phải trải qua nhiều cuộc thẩm vấn gắt gao và thậm chí có thể bị khởi tố. Trước đó, từng có trường hợp một cô gái quốc tịch Anh khác gia nhập IS, sau đó trốn khỏi vùng xung đột, nói dối cơ quan an ninh để được nhập cảnh trở lại nhưng đã bị cảnh sát Anh bắt giam với cáo buộc là phần tử khủng bố.
Với mức cảnh báo khủng bố cao như hiện nay và sự lo ngại của giới chức Anh về hiện tượng cực đoan hóa gia tăng, câu chuyện chia sẻ của Shamima được cho là khó giúp cô gái này quay lại nơi mình đã rời bỏ, và đó là kết cục chung cho những người đã trót tham gia hàng ngũ IS.
Theo Ngaynay
Châu Âu "khó chịu ra mặt" khi TT Trump muốn các nước tiếp nhận phần tử IS
Lời kêu gọi tiếp nhận và xét xử các phần tử khủng bố IS bị bắt ở Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các nước Châu Âu đã vấp phải những phản ứng không mấy tích cực từ các quốc gia này.
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra trên trang Twitter cá nhân của mình vào ngày 17/2. Khi đó, ông nói rằng Châu Âu phải nhận những phiến quân khủng bố này, nếu không Mỹ và các lực lượng vũ trang đồng minh ở Syria "sẽ buộc phải thả chúng ra ngoài".
Châu Âu tỏ ra ngần ngại trước việc tiếp nhận các phần tử khủng bố IS.
Lời kêu gọi đã được đưa ra, và gần như ngay lập tức một số nước đã lên tiếng khước từ. "Đây là những kẻ được coi là nguy hiểm bậc nhất trên thế giới. Chúng tôi sẽ không tiếp nhận chúng", một phát ngôn viên của Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết. Vị quan chức này cũng gọi lời kêu gọi của ông Trump là quá hấp tấp, trong khi tình hình ở Syria vẫn chưa ổn định.
Đức tỏ ra nhẹ nhàng hơn khi bác bỏ yêu cầu của ông Trump, đồng thời giải thích rằng những phiến quân IS có quốc tịch Đức vẫn có quyền quay về nước. Tuy nhiên, những người này sẽ không thể trở về ngay vì những rào cản pháp lý.
"Trên lý thuyết, mọi công dân Đức và những người bị tình nghi đã chiến đấu cho IS đều có quyền trở về nước", một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết, đồng thời giải thích rằng các nhân viên lãnh sự trước tiên phải tiếp cận từng trường hợp trước khi những người này có thể được chấp nhận trở về.
Chính phủ Bỉ đã tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố của ông Trump, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Bỉ Koen Geens đã chỉ trích Tổng thống Mỹ đang đưa ra những yêu cầu quá đáng cho các đồng minh Châu Âu của mình.
"Đáng lẽ sẽ tốt hơn nếu những vấn đề này được nêu ra thông qua các kênh ngoại giao thông thường thay vì qua một dòng tweet vào giữa đêm", ông Geens cho trả lời phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 17/2 và mong muốn một giải pháp được toàn Châu Âu chấp nhận được đưa ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurant Nunez nói rằng Pháp tin lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn sẽ không để các phần tử IS người Pháp được tự do hoạt động. "Lực lượng người Kurd mới là những người đang giữ những kẻ khủng bố và chúng tôi tin vào khả năng của họ", ông Nunez trả lời các hãng tin địa phương.
Tuy nhiên ông Nunez cũng thừa nhận rằng Pháp sẽ phải đối mặt với những phần tử khủng bố trở về nước. "Nếu những kẻ này trở lại lãnh thổ quốc gia chúng ta, chúng sẽ phải trải qua những cuộc điều tra, những phiên tòa xét xử và bị giam giữ", ông nói.
Tại Anh, câu chuyện về Shamima Begum, một công dân Anh làm vợ của một phiến quân IS đã làm dấy lên những tranh cãi về việc liệu Anh có nên tiếp nhận những công dân đã có quan hệ với các phần tử khủng bố tại Syria hay không.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã kêu gọi tước bỏ quyền công dân của "những kẻ nguy hiểm" quay trở về Anh khi hành động này "cho đến nay đã đã được thực hiện hơn 100 lần". Một lựa chọn khác, theo ông Javid, đó là trừng phạt những người trở lại "bất kể độ tuổi và giới tính". Ngược lại, Bộ trưởng Văn hóa Anh Jeremy Wright nói rằng chính phủ "đến một lúc nào đó phải chấp nhận họ".
Begum đã chạy trốn khỏi Anh ở tuổi 15, và nay ở tuổi 19 cô này đã có con thứ ba ở Syria. Mặc dù bày tỏ mong muốn quay trở lại Anh, song cô này tỏ ra không hối hận với hành động của mình và nói rằng cô vui khi được sống dưới luật Sharia hà khắc của IS và lấy chồng là phiến quân IS tại Syria.
Theo Infornet
Số phận những tay súng IS bị bắt giữ sẽ đi về đâu? Dù đã tuyên bố đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song Mỹ và các quốc gia châu Âu vẫn đang phải đối mặt với những hệ lụy mà cuộc chiến dai dẳng chống IS để lại. Trong đó, việc xử lý những tay súng IS bị các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn bắt giữ là một thách...