Kẹo Nougat ở Montélimar
Nước Pháp thường được biết đến với nền ẩm thực cao cấp, đồng thời nghệ thuật làm kẹo của Pháp cũng nổi tiếng thế giới với loại kẹo nougat của Montélimar.
Loại kẹo đặc biệt này nổi tiếng và được ưa thích đến nỗi khi bị cạnh tranh bởi các đối thủ như kẹo turrón của Tây Ban Nha và kẹo torrone của Ý, các nhà sản xuất kẹo nougat đã yêu cầu được có đặc quyền về nguồn gốc (controlled term of origin status) giống như đối với các loại rượu cao cấp và phô mai, để đảm bảo bản quyền của mình.
Nougat là tên gọi của một loại kẹo được làm từ đường hoặc mật ong và các loại quả cứng như quả hạnh nhân, quả hồ trăn hoặc quả phỉ. Kẹo nougat có thể mềm dẻo hay cứng giòn tùy từng loại, nhưng loại nào cũng rất dính. Có hai loại kẹo nougat thường thấy là lọai màu trắng và màu nâu. Kẹo nougat trắng được làm bằng cách đánh lòng trắng trứng với các loại quả và đường hoặc mật ong. Kẹo nougat nâu thì đậm đặc hơn, được làm từ đường caramen và các loại quả. Các biến tấu của loại kẹo này thường chỉ là được thêm vào trái cây khô, bột ca cao hoặc các loại mùi hương khác.
Kẹo nougat được biết đến ở Trung Đông từ thời xa xưa, sau đó được người Hy Lạp mang đến Marseille, nơi trở thành trung tâm sản xuất loại kẹo này ở Provence vào thời Trung cổ. Vào thời điểm trên, kẹo được làm từ các loại hạt nên mới có tên tiếng La tinh là nux gatum (bánh làm từ các loại hạt), sau đó được gọi là nougo và cuối cùng là nougat. Đến tận đầu thế kỷ thứ 18, kẹo nougat mới xuất hiện ở Montélimar nhờ công của Olivier de Serres, nhà sinh vật học đã trồng thành công cây hạnh nhân ở vùng này. Khi hạnh nhân được trồng phổ biến, những người làm kẹo bắt đầu thay thế hạt óc chó thường thấy trong kẹo nougat bằng quả hạnh nhân, biến thị trấn Montélimar trở thành trung tâm sản xuất kẹo nougat.
Cách làm kẹo nougat đến nay đã có nhiều thay đổi. Ngày nay kẹo nougat được làm với số lượng lớn, hơn 3.500 tấn kẹo được sản xuất hàng năm bởi khoảng 13 nhà làm kẹo. Cách tốt nhất để tìm hiểu loại kẹo ngọt ngào của thị trấn nhỏ này là đến tham quan một trong những nhà máy làm kẹo lâu đời nhất ở đây, nhà máy Maison Arnaud Soubeyran. Được xây dựng năm 1837, nhà máy kẹo này không chỉ giới thiệu với du khách về quá trình làm kẹo mà còn thỏa mãn cả những du khách muốn tìm hiểu lịch sử kẹo nougat.
Nhà máy sản xuất kẹo Maison Arnaud Soubeyran với chiếc biển quảng cáo nổi tiếng
Cũng nhờ kẹo, thị trấn Montélimar, nằm trên con đường giữa Paris và quốc lộ số 7 ngày nay, trở thành một địa điểm hấp dẫn khách du lịch.
Video đang HOT
Năm 2005, nước Pháp mở cửa Palais des Bonbons et du Nougat (Lâu đài kẹo và kẹo Nougat) để vinh danh nghề làm kẹo của nước Pháp. Ngoài việc giới thiệu tổng quan các loại kẹo khắp thế giới, lâu đài còn là nơi để khối kẹo nougat lớn nhất thế giới, nặng đến hơn 1 tấn.
Mời bạn đọc tham quan quy trình chế biến loại kẹo nổi tiếng này qua ảnh
Nguyên liệu để làm nougat
Sấy khô các loại quả
Đánh lòng trắng trứng và mật ong
Nấu nước đường
Trộn quả vào bánh
Cán mỏng kẹo
Cắt thành miếng
Gói kẹo
Đóng gói
Trữ kẹo
Theo PNO
Món lạ macaron
Những chấm tròn macaron như hình những ngôi sao nhỏ nằm cạnh các loại bánh kẹo sang trọng. Những viên hình tròn chỉ nhỉnh hơn cái trứng cút cỏ với bao nhiêu là màu từ xanh nhạt, xanh lá, nâu, tím hồng.
Mua và nếm thử, cảm nhận đầu tiên là hai lớp bánh giòn tan bên ngoài, cắn ngập răng thì lại đến lớp kẹo dẻo mềm ở giữa hơi dai và thơm ngọt tan dần trong miệng cùng những mùi thơm nhẹ từ mùi quế, mùi socola cho đến mùi chanh...
Theo nhiều người, từ macaron có chung nguồn gốc với món mì ống macaroni và những thức ăn làm từ nguyên liệu là bột và trứng ở Italy. Câu chuyện về xuất xứ của macaron ở Pháp bắt đầu vào thời Cách mạng Pháp khoảng cuối thế kỷ 18, khi hai nữ tu từ Italy sang vùng Nancy của Pháp để cư trú. Họ mang theo công thức làm món bánh nướng thơm ngon từ bột hạnh nhân và trứng từ quê nhà, món bánh macaron ấy đã giúp họ kiếm thêm thu nhập trong thời gian khó khăn. Và từ đó, macaron được bày bán trong các tiệm bánh, được nướng ở trong gia đình với các công thức đơn giản.
Cũng từ những nguyên liệu chính là bột hạnh nhân, đường, lòng trắng trứng, những đầu bếp Pháp đã mang nét tinh tế vào món ăn bình dân này và biến chúng thành loại thức ăn tao nhã và cao cấp. Họ tạo ra nhiều mùi hương và màu sắc cho macaron, từ màu và mùi hoa hồng, màu và mùi trà xanh, màu vàng tươi thơm dậy mùi chanh, màu tím hồng của mùi phúc bồn tử cho đến màu nâu nhạt dậy mùi quế... Người Pháp thường dùng macaron với trà hay cà phê để khép lại bữa tiệc ngon hay những buổi trà chiều. Do món ăn không dùng men nở nên macaron còn được dùng trong dịp lễ Passover - Lễ Vượt Qua (ngày lễ của người Do Thái từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 hàng năm).
Các nghệ nhân làm macaron vẫn thường nhắc đến cái tên Pierre Herme, một bậc thày làm macaron. Những viên macaron của Herme là nghệ thuật pha trộn của hương vị sắc màu và cảm giác. Ông sáng tạo ra những viên macaron có một không hai bằng việc kết hợp giữa rượu mùi Campari và bưởi, hạt dẻ cười với mơ, socola và muối - đường caramen, vải và trái phúc bồn tử... Dưới bàn tay của các nghệ nhân làm bánh Pháp, macaron bé nhỏ đã và đang làm ngạc nhiên và say mê bao người sành ăn ở nhiều quốc gia.
Công thức làm macaron khá đơn giản, nhưng để tạo ra những viên macaron ngon như người Pháp là cả một kinh nghiệm. Anh Đào Văn Sơn, bếp phó điều hành của khách sạn Sofitel Plaza Saigon cho biết khi làm macaron, người đầu bếp phải chú trọng tất cả các công đoạn làm bánh. Từ khâu quấy bột đánh lòng trắng trứng sao cho bông đều lên, lúc cho bột hạnh nhân và đường vào thật khẽ và quấy đều tay để lòng trắng trứng vẫn giữ được độ xốp và quyện "vừa đủ". Nếu quấy ít quá, macaron sẽ không có lớp chân giòn xốp hay phía trên mặt không bằng phẳng và mịn như lụa. Còn nếu quấy bột quá mạnh tay, macaron sẽ phẳng dẹt, bánh sẽ cứng và dễ gãy.
Những người đầu bếp có tay nghề làm macaron lâu năm thường mách nhỏ với nhau rằng bột phải được quấy cho đến khi chúng chảy mềm quánh như dòng nham thạch mới làm ra món macaron hảo hạng. Bột bánh phải được đưa vào lò ngay sau khi cho ra khay, lò nướng phải có độ nóng đều hai mặt, thời gian nướng phải thật chính xác. Kỳ công là thế nên từng mẻ nhỏ macaron thường được giao cho người làm bánh có tay nghề cao thực hiện.
Theo PNO
Sushi kinh dị Người Trung Quốc thích ăn bò cạp, người Thái thích ăn châu chấu rang.... và người Nhật cũng có cách thưởng thức côn trùng rất riêng đúng theo " phong cách Nhật" Sushi côn trùng Bản thân món sushi đã rất khó ăn đối với những người không phải người Nhật bởi có nhiều loại sushi sử dụng thịt sống làm nguyên liệu....