Kèo nèo – rau ngon vùng sông nước
Có ăn thử mới biết tại sao người miền Tây “kết” loài rau bình dị này đến vậy.
Trong vô số loài rau mà đất trời ban tặng cho vùng sông nước Nam bộ, không thể không nhắc đến kèo nèo, loài cây cỏ tên nghe yếu ớt, nhưng lại có một sức sống mãnh liệt.
Loài cây được coi như một thứ rau dại ấy đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam bộ.
Mùa nước lên, hay khi lũ tràn về, mặc cho những loài cây cỏ khác bị trôi dạt tứ phương, kèo nèo vẫn bám trụ lại, từ dưới đáy bùn vươn cao mơn mởn, màu xanh biếc. Người dân miệt vườn hái thứ cây này về ăn cho qua những bữa cơm bình dân hàng ngày. Và cứ thế, kèo nèo đã trở thành một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Nam bộ.
Kèo nèo luôn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam bộ.
Chế biến kèo nèo theo kiểu người miền Tây cũng đơn giản, mộc mạc. Đầu tiên phải kể đến món kèo nèo luộc. Kèo nèo rửa sạch, cắt khúc, luộc sơ với nước sôi, vớt ra. Kèo nèo luộc chấm với kho quẹt hay nước cá kho đều ngon. Những cọng kèo nèo giòn giòn kết hợp với vị đậm đà ngọt bùi của nước chấm tạo nên một món ăn tuy đơn giản, dân dã, nhưng lại rất lạ miệng.
Cầu kì hơn một chút có thể làm món kèo nèo muối chua. Kèo nèo muối chua có vị chua chua mặn mặn, có thể để được vài ngày, và thường dùng ăn với các món chính như thịt kho, cá chiên… để món ăn đỡ ngấy.
Kèo nèo còn luôn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam bộ. Món lẩu mắm dù đã có nhiều loại trái và rau như: cà tím, hoa súng, rau đắng, rau muống… nhưng sẽ mất ngon nếu thiếu kèo nèo xanh mơn mởn. Ăn với kèo nèo, món lẩu mắm như đậm đà hơn, đặc sắc hơn.
Video đang HOT
Kèo nèo đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam bộ.
Không chỉ có lẩu mắm, mà trong canh chua của người miền Tây, kèo nèo trở thành thứ rau gia vị không thể thiếu. Người ta thường nấu canh chua cá bông lau chung với lá giang và kèo nèo.
Cách thực hiện món ăn cũng dễ: Nấu sôi nước, sau đó cho cá bông lau vào, rồi tiếp tục cho lá giang vào để tạo độ chua cho nồi canh. Khi canh sôi, cho kèo nèo vào rồi tắt bếp. Phi tỏi vàng thơm trút vào nồi canh. Rắc rau om, ngò gai, hành lá, ớt xắt lên.
Có thể thay cá bông lau bằng các loại cá khác hoặc thay bằng thịt gà, thịt ếch… Cái vị chua chua ngọt ngọt của nước canh ngấm trong từng cọng kèo nèo khiến ai cũng mê mẩn. Có ăn thử mới biết tại sao người miền Tây “kết” loài rau bình dị này đến vậy.
Theo 24h
Chuột đồng nướng thùng thiếc
Ăn một miếng cảm giác như heo quay vậy, da chuột mỏng tang nên giòn rụm.
Lên kế hoạch từ tháng trước nhưng đến cuối tuần vừa rồi tôi mới có dịp về quê một người bạn ở Tam Bình (Vĩnh Long) chơi.
Kế hoạch của chúng tôi mang tên "SBC" (nghĩa là săn bắt chuột), đứng trước những cánh đồng lúa xanh mượt đang trổ đòng, mùi hương lúa ngào ngạt làm cho con người ta khỏe hẳn ra, nhưng cũng tiếc một điều, những bông lúa tròn trịa bị chú "tý" cắn phá nhìn thật xót lòng!
"Bắt đầu nhen"- tiếng nói làm cắt ngang suy nghĩ của tôi, thằng bạn tôi ra hiệu đi gom chuột. Đáng lẽ ra phải huy động thêm người đi bắt nhưng do chuẩn bị từ tối hôm qua, nó đi đặt bẫy trước nên bây giờ chỉ đi kiểm tra xem anh "tý" nào dính là xâu đem về làm món lai rai.
Thằng bạn tôi nói, chuột đồng ăn thịt rất ngon, chế biến được rất nhiều món: muối sả chiên, nướng muối ớt, xé phay, xào lá cách, rô ti, khìa... nhưng "hôm nay tao sẽ đãi mày món rất dân dã: chuột nướng thùng thiếc".
Thấy tôi còn chưa hiểu, nó giải thích: là thùng thiếc tưới nước, xài lâu ngày thùng cũ và bị hư quai, không bỏ đi mà để dành làm công cụ chế biến món... chuột nướng này.
Chuột đồng nướng thùng thiếc không có khói, chỉ có chất ngọt lừ từ những xớ thịt tứa ra
Chuột không lột da mà trụng nước sôi gọi là "làm lông", sau khi mổ bụng rửa sạch, ướp gia vị xong, lấy 1 thanh tre tươi cỡ hai gang tay, một đầu ghim từ đầu đến đuôi con chuột, đầu kia đem cắm xuống đất, sau đó lấy thùng thiếc úp lại và chất rơm, lá cây đốt bên ngoài thùng thiếc.
Được khoảng 5 phút, nó dỡ thùng thiếc ra, lấy nước dừa thoa lên mình con chuột. Tôi hỏi: "Sao lại làm như vậy?" Nó cười hề hề: "Để chút rồi sẽ biết", rồi tiếp tục úp thùng lại và đốt tiếp khoảng 15 phút nữa là chuột chín.
Khi mở thùng thiếc ra thì ôi thôi, mấy chú chuột vàng hườm, quá hấp dẫn. Quá háo hức, tôi đành phải thử trước một miếng. Khi cho vào miệng, âm thanh rộn rạo phát ra, cảm giác như mình đang ăn heo quay vậy, nhưng da chuột mỏng tang nên giòn rụm như bánh tráng vậy.
Không có mùi khói, chỉ có chất ngọt từ những xớ thịt tứa ra ngọt lừ, phải nói là quá tuyệt mà không diễn tả được nữa. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu, nước dừa đã làm cho da chuột giòn và vàng như vậy.
Bạn có dịp nào đó về quê chơi, nhất là những miền có những cánh đồng bát ngát đều có món chuột đồng quay thùng thiếc, một lần thưởng thức bạn sẽ có ấn tượng không quên.
Theo 24h
Diệu kỳ lá cách Ngoài tự nhiên lá tỏa mùi hôi khó gần, nhưng vào món ăn lại bất ngờ ngát thơm. Mâu thuẩn vốn là thuộc tính cố hữu của cuộc sống. Không chỉ có ở người, mà còn hiện hữu nơi cỏ cây. Đơn cử như lá cách. Lá cách ác "miệng" thiện "tâm"! - Ảnh: Tạ Tri Cây lá cách có nơi còn gọi...