Kéo giảm 10% TNGT và UTGT tại TPHCM: Cần 400 tỉ đồng
Đó là kinh phí được Sở GTVT TPHCM dự tính để thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2012
Chiều 15-2, Sở GTVT TPHCM đã tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2012 cho các đơn vị trực thuộc. Nhiều giải pháp được ngành giao thông đưa ra tuy nhiên nỗi lo canh cánh vẫn là kinh phí thực hiện.
Chú trọng xử lý “điểm đen”
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn khẳng định việc giảm 10% tai nạn giao thông (TNGT) trên cả ba mặt (số vụ, số người chết, bị thương) và 10% ùn tắc giao thông (UTGT) là chỉ tiêu không dễ thực hiện, cần phải tập trung làm ngay từ đầu năm bằng nhiều giải pháp mới có thể đạt được. Trong ba nhóm giải pháp mà sở này đưa ra, bên cạnh những giải pháp mới, nhiều giải pháp cũ được ưu tiên hàng đầu.
Cụ thể là điều chỉnh các vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, giữ xe; phối hợp với UBND quận, huyện mở rộng các hẻm nối thông các tuyến đường có mật độ giao thông cao… Trong tháng 2-2012, các đơn vị phải thống kê và phân tích xong 24 điểm đen về TNGT của năm 2011 và trước ngày 10-3-2012 phải xây dựng kế hoạch xóa điểm đen để đến hết quý II/2012 hoàn tất việc khắc phục các vị trí trên. Cũng vào thời gian này, Sở GTVT sẽ lắp đặt xong dải phân cách trên 31 tuyến đường để tách làn xe hai bánh và ô tô, hạn chế nguy cơ xảy ra TNGT.
Vòng xoay Cây Gõ (quận 6) sẽ được Sở GTVT TPHCM tổ chức lại giao thông trong năm 2012 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc. Ảnh: Tấn Thạnh
Trong thời gian tới, Sở GTVT cũng sẽ tổ chức lại giao thông, phân làn giao thông một chiều tại 30 khu vực có nguy cơ xảy ra UTGT. Song song với việc phân luồng một chiều, 17 giao lộ cũng sẽ được các khu quản lý giao thông đô thị cải tạo để tăng diện tích mặt đường, tạo hướng rẽ phải nhằm giải thoát xe, tránh dồn ứ tại các ngã tư. Theo ông Toàn, để đạt mục tiêu đề ra, phải tập trung xử lý 24 điểm đen và 23 tuyến đường đen vì các vị trí này có giảm TNGT thì TNGT của toàn TP mới giảm. Ngoài các giải pháp trên, Sở GTVT còn chú trọng nghiên cứu xây dựng một số cầu vượt có kết cấu thép lắp ghép (dành cho xe tải trọng dưới 3 tấn) tại một số trục đường quan trọng; đề xuất các phương án xã hội hóa khi đầu tư cầu vượt cho người đi bộ trên đường Điện Biên Phủ, Quốc lộ 22 (trước Bến xe An Sương), Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám), Kinh Dương Vương.
Video đang HOT
TP chi hơn 100 tỉ đồng
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1, nhận định kế hoạch rất cụ thể và khả thi nhưng cái khó là tiền vốn lấy đâu ra. Thống kê của Sở GTVT cho thấy tổng chi phí để thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kế hoạch này lên đến hơn 400 tỉ đồng. Ông Toàn cho biết hiện tại UBND TP mới “rót” 105 tỉ đồng để lắp đặt dải phân cách, gắn đinh phản quang, đèn tín hiệu giao thông, phần tiền còn lại vẫn phải đợi UBND TP tìm vốn bố trí sau. “Chính vì vậy, chúng ta phải nghiên cứu vận dụng đồng vốn hiện có (gồm vốn duy tu, vốn bảo đảm giao thông và vốn ủy quyền – PV) một cách hiệu quả. Việc nào cấp bách, quan trọng hơn thì làm trước” – ông Toàn nhắc nhở.
Bên cạnh kinh phí, cơ chế cũng là vấn đề quyết định thành – bại của kế hoạch này. Vì vậy, ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, kiến nghị Sở GTVT rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, tránh tình trạng các khu quản lý giao thông đô thị đồng loạt nộp mấy chục dự án về sở rồi cùng nhau ngồi… chờ. Để tránh tình trạng trên, ông Toàn yêu cầu các khu quản lý giao thông đô thị trình ngay các dự án về sở, khi tiền vốn “chạy” về sở này thì dự án cũng đã được phê duyệt xong. Ngoài ra, Sở GTVT cũng chấp thuận cho các đơn vị áp dụng cơ chế vừa thiết kế vừa thi công để nhanh chóng thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm nay.
Mở rộng Quốc lộ 1A cũng cần vốn
Sáng 15-2, Ban Pháp chế HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện kế hoạch kéo giảm TNGT và UTGT năm 2012 trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận 12.
Làm việc với huyện Bình Chánh, đoàn giám sát nhất trí chương trình hành động mà địa phương này đề ra nhằm kéo giảm 10,7% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT và giảm 30% số điểm mất cắp thiết bị, vật tư, dây chiếu sáng. Đoàn giám sát thống nhất sẽ kiến nghị UBND TP bố trí vốn để mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, sửa chữa, gắn đèn tín hiệu, gờ giảm tốc trên một số tuyến đường “đen” như: Đoàn Nguyễn Tuấn, Hương lộ 11, giao lộ Quốc lộ 1A – Hưng Nhơn…
Huyện Bình Chánh là địa bàn cửa ngõ của TP, năm 2011 xảy ra 125 vụ TNGT làm 130 người chết và 24 người bị thương, số người chết do TNGT của huyện Bình Chánh cao nhất TPHCM.
Theo Người Lao Động
Tuyển sinh 2012: 310.000 chỉ tiêu hệ đại học
Đó là con số được đưa ra tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 do Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 24-12. Và ngành giáo dục cũng giống như nhiều bộ ngành khác đã phải nhìn nhận "tăng nóng thì phải trả giá" và "đến lúc cần tái cấu trúc để nâng chất lượng", như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị.
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhóm ngành kinh tế - tài chính luôn thu hút thí sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Khi giải thích về định hướng giảm mức tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để giữ chất lượng, ông Luận thừa nhận những năm qua "năm nào cũng tăng 10% chỉ tiêu, quy mô đào tạo phát triển quá nhanh". Trong khi con số đưa ra tại hội nghị cho thấy xét tiêu chí diện tích đất của các trường, nếu tính bình quân 25m2/sinh viên thì hiện mới chỉ có 9/38 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đạt yêu cầu khi lên kế hoạch xin chỉ tiêu.
Chấm dứt "khai man giảng viên"
Ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), khẳng định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của các trường ĐH, CĐ sẽ do các trường tự xác định, căn cứ vào hai tiêu chí: số sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Nhưng khác với năm trước, quy mô sinh viên sẽ chỉ tính số sinh viên chính quy, số giảng viên sẽ chỉ tính giảng viên cơ hữu.
Các năm trước, để đảm bảo tỉ lệ sinh viên/giảng viên tương ứng với mức chỉ tiêu đề xuất, nhiều trường công bố cả danh sách giảng viên thỉnh giảng, trong đó có những giảng viên thỉnh giảng thuộc diện "đánh trống, ghi tên" mà không thực giảng tại trường. Quy định mới sẽ chấm dứt tình trạng "khai man" này.
Ông Quang cũng cho biết dù còn có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ GD-ĐT kiên quyết áp dụng quy định "các trường ĐH không đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)" và chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông chỉ được xác định bằng 50% so với tổng chỉ tiêu hệ chính quy của mỗi trường.
Xin nới chỉ tiêu vì thiếu kinh phí
Ông Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho rằng việc giảm chỉ tiêu đột ngột sẽ khiến các trường gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Ông Khoa dẫn giải: mỗi năm lương chi cho cán bộ giảng viên phải tăng hơn năm trước, chưa kể rất nhiều chi phí khác, trong khi ngân sách cho trường thì thấp.
Năm 2010-2011, trường bị cắt giảm 1.000 chỉ tiêu đào tạo tại chức, khó khăn về kinh phí nên trường cũng phải cắt giảm rất nhiều chương trình, không dám cử cán bộ, giảng viên đi dự hội thảo, hội nghị, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi... Vì thế, đề nghị Bộ GD-ĐT không áp quy định cứng, giữ cho các trường ổn định chỉ tiêu chính quy và giảm từ từ đối với hệ không chính quy.
Đồng ý với những chủ trương nhằm đẩy chất lượng đào tạo của Bộ GD-ĐT nhưng bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nên phân bố chỉ tiêu theo ngành, nhất là ở mảng đào tạo không chính quy, vì có những ngành cần mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu nhân lực, trong khi có những ngành nên thu hẹp lại. Nếu bộ chỉ xem xét trên tổng chỉ tiêu của cả trường để cắt, giảm chỉ tiêu sẽ có những bất cập. Đây là việc các trường phải chủ động cân đối nhưng Bộ GD-ĐT cũng cần mềm dẻo trong quản lý.
Ông Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất: nếu chỉ tiêu do các trường xác định không vượt quá mức so với điều kiện hiện có thì Bộ GD-ĐT cũng nên xử lý linh hoạt để các trường có thể giữ ổn định chỉ tiêu hệ chính quy.
Trao đổi lại với những trường "xin nới chỉ tiêu", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: "Khi số lượng và chất lượng không song hành thì phải ưu tiên cho chất lượng. Việc tăng quy mô quá nhanh khiến chất lượng bất ổn. Trên thực tế, có những tỉnh tuyên bố nói không với bằng tốt nghiệp tại chức, bằng tốt nghiệp trường ngoài công lập. Xét ở khía cạnh pháp lý thì họ không đúng, nhưng ngành GD-ĐT cũng không thể bám víu vào quy định pháp luật để phê phán, mà phải nghiêm túc xem lại chất lượng sản phẩm của mình. Vì thế, việc "giảm hoặc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh" là một trong những giải pháp để tập trung giải quyết bài toán chất lượng".
Ông Luận nói thêm: quy định mới không cho các trường ĐH tuyển sinh hệ TCCN là việc "sửa sai sau một thời gian dài làm sai luật". Sai sót này khiến hệ thống trường TCCN không phát triển được, nhiều trường TCCN phải lo nâng cấp lên CĐ, ĐH để tồn tại.
Ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng sẽ có chỉ tiêu chiếm 32% Hệ ĐH chính quy toàn ngành dự kiến có 310.000 chỉ tiêu (năm 2011 là 292.780 chỉ tiêu), trong đó khối trường trực thuộc Bộ GD-ĐT là 130.000 (bằng 105% so với năm 2011). Riêng khối sư phạm, chỉ tiêu hệ chính quy giảm gần 5% so với năm 2011 (tính toàn ngành) và giảm gần 28% (khối trường thuộc Bộ GD-ĐT). Tương tự, ở hệ vừa học vừa làm, liên thông, chỉ tiêu năm 2012 cũng giảm gần 7% (toàn ngành) và giảm trên 30% (khối trường thuộc bộ). Ở bậc CĐ, chỉ tiêu hệ chính quy năm tới vẫn tăng 6%, hệ vừa học vừa làm, liên thông tăng 49,4% (toàn ngành). Bậc TCCN hệ chính quy, tính toàn ngành thì ổn định so với năm trước nhưng ở khối trường thuộc Bộ GD-ĐT giảm mạnh (bằng 69,9% so với năm 2011). Tính theo nhóm ngành đào tạo thì ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng sẽ có chỉ tiêu chiếm 32% so với tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2012, cao nhất trong các khối ngành. Tiếp đến, ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 30%, ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngành sư phạm chỉ chiếm 9,5% và 9%, các ngành nghệ thuật, TDTT, y dược, nông lâm ngư chiếm từ 5-7,5%.
Theo TTO
Ấm lòng với 500 học bổng "Vì tương lai của bạn" . Hành trình chia sẻ 500 học bổng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 4 thành phố lớn TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội vừa khép lại với những câu chuyện đầy xúc động. Sau những sẻ chia là những niềm vui và nụ cười hạnh phúc. Cùng nhìn lại những hoạt động của hành trình "Vì tương...