Kênh đào Suez đạt doanh thu hằng tháng kỷ lục
Kênh đào Suez của Ai Cập đã ghi nhận doanh thu hằng tháng cao kỷ lục trong tháng 4, đạt 629 triệu USD tiền thu phí quá cảnh tàu, nhờ giao thông hàng hải phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tàu thuyền đi lại qua Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie ngày 1/5 cho biết doanh thu theo tháng nói trên cao hơn 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số tàu thuyền qua lại đoạn kênh dài 193km kết nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ này đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.929 tàu, chở tổng cộng 114,5 triệu tấn hàng – lượng hàng lớn nhất theo tháng được vận chuyển qua kênh này.
Số tàu chở dầu, khí tự nhiên hóa lỏng và container hàng hóa tăng lần lượt 25,8%, 12% và 9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, bên cạnh tác động của đại dịch, giao thông đi lại qua Kênh đào Suez còn bị gián đoạn bởi vụ mắc cạn siêu tàu chở hàng Ever Given cuối tháng 3. Vụ tàu bị mắc kẹt này khiến mỗi giờ số hàng hoá trị giá 400 triệu USD bị ách lại. Ước tính lưu lượng hàng hoá phía Tây kênh đào Suez trị giá 5,1 tỷ USD/ngày, phía Đông trị giá 4,5 tỷ USD/ngày.
Ai Cập tăng phí quá cảnh đối với tàu chở hàng hóa đi qua Kênh đào Suez
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập đã quyết định tăng 5-10% phí quá cảnh đối với các tàu chở hàng hóa đi qua Kênh đào Suez bắt đầu từ ngày 1/3.
Tàu hàng di chuyển qua kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của SCA cho biết cơ quan này đưa ra quyết định mới nhất nêu trên dựa trên sự tăng trưởng đáng kể của hoạt động thương mại toàn cầu cũng như sự cải thiện của các dịch vụ quá cảnh do Kênh đào Suez cung cấp. Theo quyết định của SCA, phí quá cảnh đối với các tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), tàu chở hóa chất và các tàu chở chất lỏng rời khác di chuyển qua Kênh đào Suez theo cả hai chiều sẽ tăng 10%. SCA áp dụng mức tăng 7% đối với các tàu chở ô tô và các loại phương tiện khác, tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), tàu chở hàng hóa tổng hợp, tàu hàng đa dụng, tàu trục hạng nặng, tàu bốc xếp hàng hóa và các đơn vị nổi đặc biệt. Trong khi đó, mức tăng 5% được áp dụng đối với tàu chở sản phẩm dầu mỏ, tàu chở dầu thô và tàu chờ hàng rời khô.
Kênh đào Suez là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ và là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối giữa châu Á và châu Âu. Tuyến đường thủy này chiếm khoảng 10% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập. Năm 2021, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 và sự cố mắc kẹt trong 6 ngày của tàu Ever Given, Kênh đào Suez vẫn đạt doanh thu kỷ lục khoảng 6,3 tỷ USD. Doanh thu của Kênh Suez trong tháng 2/2022 đã tăng 15,1%, đạt 545,5 triệu USD.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như an toàn hàng hải của Kênh đào Suez, Ai Cập đã bắt đầu triển khai dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường thuỷ này từ tháng 6/2021, với tổng kinh phí 191 triệu USD. Sau khi dự án được hoàn thành vào giữa năm 2023, thời gian di chuyển của tàu thuyền trên Kênh đào Suez sẽ được rút ngắn từ khoảng 13-15 giờ hiện nay xuống còn 11 giờ.
Mũi tàu Ever Given biến dạng sau vụ mắc kẹt trên kênh đào Suez Một bức ảnh đăng tải ngày 3/11 cho thấy hiện trạng của tàu Ever Given, với phần mũi tàu bị biến dạng, sau vụ bị mắc kẹt nhiều ngày trên kênh đào Suez tại Ai Cập. Phần mũi tàu container Ever Given bị hư hại (Ảnh: Getty). Siêu tàu chở hàng Ever Given, từng bị mắc kẹt dài ngày và chắn ngang kênh...