Keangnam định giá bán căn hộ bằng ngoại tệ là điều cấm kỵ
Sau nỗ lực đàm phán bất thành với Keangnam về việc sửa giá căn hộ từ USD về VNĐ, một nhóm cư dân đã gửi đơn lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị có biện pháp buộc Keangnam thực hiện Quyết định số 291/QĐ-XPHC của Thanh tra NHNN – Chi nhánh Hà Nội.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sai phạm của Keangnam trong việc định giá căn hộ bằng ngoại tệ có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Tư pháp.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga
Nhận định về vụ việc, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết: “Điều 128 Bộ Luật Dân sự (BLDS) định nghĩa điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Vi phạm điều cấm là vi phạm quy phạm pháp luật bắt buộc, thông thường được soạn thảo dưới dạng khắt khe nhất là “ cấm” làm một việc gì đó, hoặc dưới dạng nhẹ hơn là “ không được làm” hoặc “ phải làm” một việc nào đó.
Ví dụ, Điều 9 – Luật Doanh nghiệp 2005 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ kinh doanh theo ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận ĐKKD, điều này được hiểu là doanh nghiệp không được phép kinh doanh những ngành nghề chưa ghi trong Giấy chứng nhận ĐKKD. Nếu doanh nghiệp giao kết một hợp đồng trong lĩnh vực mà doanh nghiệp này chưa đăng ký kinh doanh thì hợp đồng bị coi là vi phạm điều cấm, đồng thời bị toà án tuyên vô hiệu.
Bảng giá tính 100% bằng ngoại tệ Keangnam đưa ra cho khách hàng
Hành vi định giá bằng ngoại tệ ( lấy ngoại tệ làm đồng tiền định giá và quy đổi giá trị thanh toán bằng tiền VND) trước khi Pháp lệnh quản lý ngoại hối ra đời (2006) không được coi là hành vi bị cấm theo quy định của Nghị định 63/NĐ-CP/1998, ngày 17/8/1998 về Quản lý ngoại hối ( đã bị thay thế bởi Pháp lệnh quản lý Ngoại hối). Để hướng dẫn nghiệp vụ xét xử cho các thẩm phán, Nghị quyết 04/2003/NQQ-HĐTP đã quy định:
“Nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam, hoặc trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thoả thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng đồng Việt Nam, thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và do đó không bị coi là vô hiệu toàn bộ…”.
NHNN chỉ rõ những vi phạm của Keangnam
Quy định này là phù hợp với pháp luật về quản lý Ngoại hối thời kỳ đó, khi mà chỉ có các hành vi chuyển hay mang ngoại hối ra nước ngoài, mua bán ngoại hối, thanh toán và cho vay ngoại hối mới được coi là hành vi bị cấm (Điều 39 Nghị định 63/1998).
Video đang HOT
Cùng với sự phát triển của các giao lưu thương mại, một mặt tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, tuy nhiên mặt trái của nó là nguy cơ mất giá của đồng tiền nội tệ. Nhằm kiểm soát điều này, mỗi quốc gia có những chính sách quản lý ngoại hối khác nhau, thích hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ.
Trong bối cảnh đó, Pháp lệnh quản lý Ngoại hối năm 2006 ra đời thay thế cho Nghị định 63/1998 trước đây thể hiện quan điểm rõ ràng và mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc kiểm soát gắt gao hơn mọi hành vi giao dịch ngoại hối. Theo đó Điều 22 Pháp lệnh quản lý Ngoại hối quy định “ Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng Ngoại hối“.
Như vậy, thay vì liệt kê các hành vi bị cấm tại Điều 39 Nghị định 163/1998/NĐ-CP trước đây, Pháp lệnh quản lý ngoại hối đã cấm tất cả các “ giao dịch” đều không được thực hiện bằng ngoại hối. Theo quy định của Điều 121 BLDS thì giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, nếu trong hợp đồng, cho dù là hợp đồng gì, các bên sử dụng ngoại tệ làm công cụ định giá hay công cụ thanh toán thì đều bị coi là vi phạm Điều 22 Pháp lệnh quản lý Ngoại hối và đều bị xử lý vi phạm hành chính như nhau.
Tuy nhiên, dường như khi Pháp lệnh quản lý ngoại hối ra đời các thẩm phán chưa kịp cập nhật sự thay đổi của pháp luật, vì vậy trong thói quen xét xử vẫn áp dụng cách suy nghĩ đã lỗi thời rằng “ định giá bằng ngoại tệ, quy đổi ra VND để thanh toán” là được phép. Không chỉ hoạt động xét xử mà trong các giao lưu thương mại, dân sự hàng ngày, các cá nhân, tổ chức vẫn hồn nhiên niêm yết và quy đổi giá trị thanh toán bằng ngoại tệ sang tiền Việt mà không hề hay biết hành vi này đã bị pháp luật cấm.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì Ngân hàng Nhà nước mới thể hiện sự can thiệp rõ rệt về các giao dịch bằng ngoại tệ trong đó có cả việc niêm yết, định giá, quảng cáo bằng hàng loạt các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Các quyết định xử phạt vi phạm đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS quy định giá trị hợp đồng bằng ngoại tệ, rồi quy đổi giá trị thanh toán bằng tiền VND xuất phát từ quan điểm điều chỉnh của Nhà nước đối với việc kiểm soát ngoại hối đó là không chỉ cấm hành vi trực tiếp thanh toán bằng ngoại tệ mà cấm tất cả các “ giao dịch“, trong đó dùng ngoại tệ làm công cụ định giá trong hợp đồng cũng là một dạng giao dịch bị cấm.
Tổ hợp Keangnam Ha Noi Landmark Tower (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Quan điểm cấm này là hoàn toàn đúng đắn, bởi về bản chất việc quy đổi giá trị thanh toán theo tỷ giá ngoại tệ vào từng thời điểm khác nhau không khác gì về bản chất so với việc thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ, vì rốt cuộc các bên trong giao dịch phải mua ngoại tệ ở từng thời điểm để thanh toán. Khuyến khích điều này đồng nghĩa với việc coi nhẹ giá trị thanh toán của đồng nội tệ, như vậy là đi ngược với chủ trương kiểm soát lạm phát của Nhà nước.
Với quy định đó, Pháp lệnh quản lý Ngoại hối đã tạo ra giải pháp đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ giao dịch Ngoại hối được xem như công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi hoạt động quản lý hành chính phải có cơ chế hỗ trợ của hoạt động tư pháp, theo đó hợp đồng xuất phát từ hành vi bị NHNN kết luận là vi phạm pháp luật phải được toà án tuyên bố vô hiệu. Nếu không như vậy, thật khó có câu trả lời thuyết phục và logic cho câu hỏi: “ Cùng 1 hành vi vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính như nhau (thanh toán và định giá bằng ngoại tệ) nhưng nếu thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu, còn định giá thì không?“.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương ( ghi)
Theo Dantri
Nghệ An gấp rút ổn định tình hình ở giáo xứ Mỹ Yên
Liên quan đến vụ việc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, giữ người trái pháp luật xảy ra vào các ngày 30/8, 3 và 4/9 tại giáo xứ Mỹ Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An.
Ông bày tỏ quan điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với vụ việc và thông điệp gửi đến đồng bào Công giáo trên địa bàn nhằm khẩn trương ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi để bà con giáo dân yên tâm phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống.
Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng. (Nguồn: TTXVN)
- Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay, xin ông cho biết kết quả việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện cho đồng bào có đạo nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An yên tâm sống tốt đời, đẹp đạo?
Ông Thái Văn Hằng: Với quan điểm là đồng bào có đạo hay không có đạo, đều là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trước pháp luật, từ trước đến nay, cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Nghệ An, từ tỉnh đến cơ sở đều luôn quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người dân, trong đó có đồng bào Công giáo.
Những nhu cầu chính đáng, hợp pháp, phù hợp thực tế và phù hợp pháp luật Việt Nam của bà con giáo dân về cơ bản đều được đều giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện tu sửa, xây mới nhiều thánh đường Công giáo, cơ sở thờ tự phục vụ hoạt động hành đạo. Tỉnh đã hỗ trợ, giải quyết cho tách lập 23 xứ đạo, 43 họ đạo, các họ đạo mới được tách lập đã được giải quyết đất đai, hàng chục cơ sở tôn giáo được mở rộng khuôn viên...
Tỉnh cũng đã phê duyệt, cấp phép xây dựng cho hơn 70 nhà thờ, nhà phòng, nhà học giáo lý. 97% cơ sở tôn giáo đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết giao đất cho hầu hết các họ đạo được tách lập mới, mở rộng khuôn viên hơn 25 cơ sở (nhà thờ, xứ, họ). Đặc biệt, hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang xem xét, giải quyết mở rộng khuôn viên Đền Thánh An Tôn - Giáo họ Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc). Công tác đào tạo chức sắc, dạy giáo lý tín đồ cũng được quan tâm đúng mức.
Tỉnh cũng tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp tổ chức, đảm bảo các lễ lớn, lễ trọng của giáo họ diễn ra an toàn, trang trọng.
Thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, Nghệ An cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án trên địa bàn vùng Công giáo, nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho giáo dân... Nhờ đó, đến nay trong vùng giáo dân Nghệ An đã có hơn 25 làng nghề, hơn 33 làng có nghề và hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ giáo dân thoát nghèo.
Từ sự quan tâm của chính quyền và những cố gắng, nỗ lực của bà con giáo dân, tỷ lệ hộ giàu ở vùng giáo dân đã tăng lên 41% vào năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 giảm còn 16,63%. Số xã nghèo vùng giáo dân giảm từ 27 xã năm 2006 xuống chỉ còn 9 xã hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 8,6 triệu đồng/người năm 2006 lên 12,4 triệu đồng/người/năm hiện nay.
Thực hiện đường hướng hành đạo sống phúc âm trong lòng dân tộc, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tỷ lệ làng văn hóa, hộ gia đình giáo dân văn hóa tăng lên rõ rệt: Năm 2007 là 30.000 hộ, đến năm 2012 là hơn 35.000 hộ. Làng đạt chuẩn văn hóa từ 50 làng năm 2007 đã tăng lên 130 làng năm 2012.
- Thưa ông, vụ việc tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng ở Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên thuộc xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An, xin ông cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh đối với vụ việc này?
Ông Thái Văn Hằng: Vụ việc vừa xảy ra tại Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên là một trong nhiều vụ việc thể hiện những hành động quá khích của một số chức sắc, chức việc, giáo dân cực đoan dưới sự xúi giục từ các tổ chức, thế lực phản động trong và ngoài nước, dẫn đến việc một số người dân đã bị kích động, nghe theo, thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định rằng, việc giáo dân bao vây trụ sở chính quyền địa phương, giữ người trái pháp luật, hành hung cán bộ Nhà nước, đập phá tài sản là những hành vi vi phạm Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An áp dụng các biện pháp như: Tổ chức để lực lượng Công an bảo vệ trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã Nghi Phương là cần thiết và hợp pháp. Bất cứ nhà nước nào cũng phải bảo vệ chính quyền, bảo vệ tài sản công; bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cán bộ khi bị xâm hại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi theo dõi và thấy rằng, lực lượng Công an không sử dụng vũ khí mà chỉ sử dụng công cụ hỗ trợ và các biện pháp nghiệp vụ. Chúng tôi cho rằng, đây là hoạt động chính đáng, hợp pháp, tuân thủ pháp luật của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
-Thưa ông, để bà con giáo dân Giáo họ Trại Gáo, Giáo xứ Mỹ Yên thuộc xã Nghi Phương cũng như nhân dân trên địa bàn ổn định đời sống, lao động, sản xuất bình thường, giữ vững mối đoàn kết lương - giáo, chính quyền và các chức sắc tôn giáo cần thực hiện những biện pháp gì?
Ông Thái Văn Hằng: Để ổn định tình hình, củng cố mối đoàn kết lương-giáo, tiếp tục nâng cao đời sống người dân, với tinh thần cầu thị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Tòa Giám mục Giáo phận Vinh, đề nghị phối hợp, giải quyết vụ việc.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị các chức sắc tôn giáo tổ chức đối thoại xung quanh vụ việc, cùng tổ chức rút kinh nghiệm, nhận thức rõ những hành vi trái quy định của pháp luật để khắc phục, sửa chữa, phối hợp thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước cần nhận định một cách khách quan, toàn diện để phản ánh một cách chân thực nhất nội dung sự việc và những hành vi vi phạm pháp luật.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các chức sắc tôn giáo không được tiếp tục có những lời nói, hành động, văn bản mang nội dung kích động, lôi kéo người dân dẫn đến vi phạm pháp luật, đưa người dân từ chỗ vô tội trở thành kẻ phạm tội.
Tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai các đề án phát triển kinh tế-xã hội tại Nghi Phương, Nghi Lộc đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho bà con địa phương, để bà con yên tâm lao động, sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống, tham gia vào công cuộc phát triển địa phương ngày một giàu đẹp.
-Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự như ở Giáo họ Trại Gáo, thông điệp mà chính quyền địa phương gửi đến cộng đồng giáo dân Nghệ An nói chung, Giáo xứ Mỹ Yên nói riêng là gì, thưa ông?
Ông Thái Văn Hằng: Trong lịch sử dân tộc ta, đồng bào Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cũng như quê hương Nghệ An. Vụ việc gây rối trật tự công cộng tại Giáo họ Trại Gáo vừa qua chỉ là do một số người dân do hạn chế về kiến thức pháp luật, bị một số tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước kích động thông qua một số chức sắc tôn giáo, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Chúng tôi đề nghị các chức sắc tôn giáo hãy vì lợi ích của người dân, thực hiện đúng Lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI: "Người Công giáo tốt là người công dân tốt" và Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc." Bất cứ công dân của một quốc gia nào cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật của nước sở tại. Chúng ta là người dân đất Việt, đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
- Xin cám ơn ông.
Theo nhóm PV Thông tấn xã
Đình chỉ cơ sở y tế chưa được cấp phép mới từ 2014 Sở Y tế Hà Nội vừa có thông báo khẩn gửi các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở hành nghề đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân theo quy định tại Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân khẩn trương thực hiện...