Kẻ xả súng ở Mỹ ra tay tàn ác vì ghét đàn ông hôn nhau?
Cha của kẻ xả súng thảm sát ở hộp đêm Mỹ là ông Mir Seddique, nói với đài truyền hình NBC rằng con trai của ông có thể bị thôi thúc bởi nỗi căm ghét người đồng tính chứ không phải bởi tín ngưỡng Hồi giáo của anh ta.
Ngoài 50 thiệt mạng, ít nhất 53 người khác bị thương trong vụ xả súng tại Pulse, một hộp đêm của người đồng tính ở thành phố Orlando, gây chấn động nước Mỹ.
Tay súng được xác định danh tính là Omar Mateen, một công dân Mỹ sinh ra ở New York, có cha mẹ là người Afghanistan. Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố đó là một hành động khủng bố và cho biết Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang dẫn đầu cuộc điều tra.
Tổng thống Obama cho biết, nhà chức trách sẽ không từ bất cứ nỗ lực nào để tìm ra động cơ của kẻ giết người hoặc liệu anh ta có bất kỳ liên kết nào với những nhóm khủng bố hay không. Tổng thống Obama cũng một lần nữa nhắc lại thực trạng là người nào đó có thể dễ dàng có được vũ khí để bắn người ở trường học, nhà thờ, rạp chiếu phim và hộp đêm.
Ông Obama nói: “Chúng ta phải quyết định xem chúng ta muốn đất nước của mình trở thành như thế nào. Chủ động không làm gì cả cũng là một quyết định”.
Trong khi đó, cảnh sát cho biết, Mateen nổ súng bên trong hộp đêm Pulse ở trung tâm thành phố Orlando bằng loại súng trường tấn công tự động, có thể nhả một loạt đạn chỉ trong vòng vài giây.
Những nhân chứng tháo chạy thoát thân kể lại tiếng súng vang lên giữa tiếng nhạc lớn và khách vẫn nhảy. Mateen đọ súng với một viên cảnh sát làm việc thêm giờ ở hộp đêm này, sau đó rời khỏi tòa nhà và quay trở lại, bắt một số người làm con tin trong khoảng ba giờ. Một nhóm cảnh sát đặc nhiệm xông vào hộp đêm và hạ sát Mateen trong một vụ đấu súng.
Mateen cùng vợ cũ và con trai.
Cha của Mateen, là ông Mir Seddique, nói với đài truyền hình NBC rằng, con trai của ông có thể bị thôi thúc bởi nỗi căm ghét người đồng tính chứ không phải bởi tín ngưỡng Hồi giáo của anh ta.
“Chuyện này không liên quan gì tới tôn giáo cả,” ông Seddique nói khi nhớ lại một sự việc gần đây ở trung tâm Miami, một thành phố khác ở Florida.
Video đang HOT
“Nó nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau trước mặt vợ con nó và nó nổi giận”, cha của Mateen nói.
Ông Seddique xin lỗi những nạn nhân trong vụ xả súng tại Pulse, nơi mà họ tự gọi mình là “quán bar đồng tính nóng bỏng nhất ở Orlando.” Ông Seddique nói người thân “không hay biết gì về bất kỳ hành động nào nó thực hiện. Chúng tôi cũng bị sốc như cả nước.”
Ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ngày 12/6 cho rằng vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando là “khủng khiếp và không thể tưởng tượng nổi”. Ông cho rằng Mỹ không nên tiếp tục cho phép bán các loại vũ khí tự động nhằm tạo cơ hội cho những kẻ giết người.
Trong khi đó, trên trang mạng xã hội Twitter, ứng cử viên đang dẫn đầu của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cho rằng vụ xả súng là một hành động khủng khiếp.Cùng ngày, ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nói rằng vụ xả súng là hành động tồi tệ. Ông Trump là một trong những nhà chính trị đầu tiên cho biết các lực lượng chức năng đang điều tra vụ việc theo hướng một hành động khủng bố.
Theo Danviet
Hai lần qua mặt FBI của nghi phạm vụ thảm sát ở Mỹ
Dù phát hiện Mateen có mối liên hệ với kẻ đánh bom tự sát của IS, FBI đã không thể tìm ra manh mối để bắt giữ và ngăn chặn thảm kịch.
Omar Mateen, nghi phạm gây ra vụ xả súng tại Orlando. Ảnh: CBS
Ngày 12/6, cảnh sát bang California, Mỹ xác định Omar Mateen, 29 tuổi, là nghi phạm gây ra vụ xả súng đẫm máu tại một hộp đêm dành cho người đồng tính tại thành phố Orlando, khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, theo CNN.
Theo AP, Mateen là một người luyện tập môn thể hình, làm nghề bảo vệ, ngoan đạo và thường xuyên đến nhà thờ Hồi giáo địa phương, và đã từng bày tỏ mong muốn được trở thành cảnh sát nhưng chưa bao giờ nộp đơn xin gia nhập lực lượng này.
Mateen tới dự lễ cầu nguyện buổi tối tại Trung tâm Hồi giáo ở thành phố Orlando ba hoặc 4 lần mỗi tuần, gần đây nhất là hôm thứ sáu với con trai anh ta, giáo sĩ Syed Shafeeq Rahman cho hay. Giáo sĩ này nói rằng dù Mateen không tỏ ra hòa đồng, anh ta chưa bao giờ thể hiện dấu hiệu bạo lực.
"Mỗi khi cầu nguyện xong, anh ta chỉ đứng dậy ra về. Anh ta không trò chuyện với ai cả, chỉ lặng lẽ như vậy, không hề gây ra rắc rối gì", Rahman cho biết.
Tuy nhiên, trước khi bị cảnh sát bắn hạ tại hộp đêm, Mateen đã gọi tới đường dây 911 của cảnh sát, tuyên bố trung thành với thủ lĩnh phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Ngay sau đó, IS cũng đã ra tuyên bố nói Mateen là thành viên của nhóm, thực hiện vụ tấn công dạng "sói đơn độc" trên lãnh thổ Mỹ.
Mối liên hệ với kẻ đánh bom tự sát
Năm 2013, Mateen có một những lời lẽ lăng mạ các đồng nghiệp tại công ty bảo vệ G4S và tuyên bố rằng mình có "mối liên hệ với khủng bố". Các đặc vụ FBI đã lấy lời khai nhân chứng, xem video giám sát và kiểm tra hồ sơ của Mateen, nhưng không phát hiện điều bất thường. FBI cũng đã thẩm vấn Mateen nhưng nhà chức trách không tìm thấy điều gì đáng ngờ, đặc vụ Ronald Hopper, người phát ngôn của FBI, cho hay.
Đến năm 2014, FBI tiếp tục thẩm vấn Mateen sau khi nhận thấy anh ta có liên hệ với Moner Abu Salha, công dân Mỹ đã tham gia một vụ đánh bom tự sát cho phiến quân IS vào năm 2014. Tuy nhiên, họ cho rằng mối liên hệ này là rất nhỏ, không tạo thành nguy cơ đe dọa vào thời điểm đó.
Theo Hopper, vì các đặc vụ đóng hồ sơ của Mateen sau hai lần thẩm vấn mà không thu được kết quả gì, nên người đàn ông 29 tuổi này mới có thể tiếp tục mua vũ khí để phục vụ cho âm mưu của mình.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng. Ảnh: CNN
Nhờ công việc bảo vệ, Mateen được phép mua súng, và anh ta đã sắm một khẩu súng trường tấn công AR-15 cùng một khẩu súng ngắn trong những ngày gần đây để sử dụng cho cuộc bắn giết đẫm máu. "Anh ta không thuộc diện bị cấm, nên có thể đường hoàng đi vào hiệu bán súng. Cả hai khẩu súng đều được anh ta mua trong tuần qua", một đại diện Cục Kiểm soát Rượu, Thuốc lá và Súng của Mỹ cho biết.
Người cha ủng hộ Taliban
Ông Seddique Mateen, một người Afghanistan nhập cư vào Mỹ, là cha đẻ của nghi phạm Omar Mateen. Ông này cũng là người dẫn cho chương trình Durand Jirge trên kênh Payam-e-Afghan, phát sóng từ California, Mỹ.
Trong chương trình này, ông Seddique nói về nhiều chủ đề chính trị khác nhau bằng tiếng Dari của người Afghanistan, thậm chí từng tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống nước này. Ông Seddique còn thể hiện quan điểm ủng hộ phiến quân Taliban khi nói rằng "những người anh em chiến binh thuộc phong trào Taliban ở Waziristan và trên cả nước đang trỗi dậy" và "các vấn đề sẽ sớm được giải quyết".
Ông này cũng từng lên tiếng ca ngợi và tỏ lòng biết ơn phiến quân Taliban, đồng thời lên án chính phủ Pakistan. Seddique đăng một đoạn video, quay cảnh ông ta mặc trang phục rằn ri và đóng giả làm tổng thống Aghanistan để ra lệnh cho quân đội, cảnh sát bắt giữ một vài quan chức cấp cao nước này.
Tuy nhiên, cảnh sát Mỹ xác định ông Seddique chưa từng có bất cứ tiền án tiền sự nào, ngoài một lỗi đậu xe trái phép cách đây vài năm.
Khi FBI cho rằng Mateen có thể đã "ngả về phía chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan", và điều ta vụ xả súng như một hành động khủng bố, ông Seddique cho rằng con trai mình không hề liên quan đến tôn giáo cực đoan. Ông nói rằng Mateen đã rất giận dữ khi nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau ở Miami cách đây vài tháng.
"Chúng tôi xin lỗi vì tất cả mọi chuyện. Chúng tôi không hề biết bất cứ hành động nào mà nó đã làm. Chúng tôi cũng bị sốc như cả đất nước này", ông nói.
Trí Dũng
Theo VNE
Toàn cảnh vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ Đêm 11/6, nghi phạm Omar Mateen lái xe đến hộp đêm của người đồng tính cách nhà y 200 km để tiến hành vụ thảm sát, sát hại 50 người trong 3 giờ trước khi bị cảnh sát tiêu diệt. Omar Mateen, 29 tuổi, vốn là cư dân ở thành phố Fort Pierce, cách thành phố Orlando gần 200 km. Trước 2h sáng...