Kế toán tòa án thoát chết hy hữu
Nạn nhân bị tai nạn, té chấn thương, nằm bất động dưới chân cầu hai ngày liền nhưng vẫn sống sót.
Khu vực cầu Long Giang Xây, nơi bà Thu bị nạn.
Ngày 8/3, bà Bùi Thị Ngọc Thu (45 tuổi, nhân viên kế toán của TAND huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã được ê kíp bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương phẫu thuật. Bà Thu được tìm thấy dưới chân cầu Long Giang Xây (xã An Thới Đông, Cần Giờ) sau hai ngày “ mất tích” trong tình trạng cơ thể không cử động.
“Mất tích” trên đường về nhà
Sáng 5/3, bà Thu đem theo sổ sách, chứng từ đi xe máy từ Cần Giờ đến TAND TP.HCM để quyết toán kinh phí năm 2012. Khoảng 14h cùng ngày, bà Thu quay về lại Cần Giờ. Tuy nhiên, sau đó cơ quan và gia đình không thể liên lạc điện thoại với bà Thu. Bà Chính (chị của bà Thu) không thấy em về nhà nên điện thoại báo với tòa. Bà liên lạc với những người quen của bà Thu cũng không ai biết bà Thu đi đâu. Lo sợ bà Thu bị cướp hoặc tai nạn dọc đường nên mọi người chia nhau đi các hướng truy tìm và nhờ công an vào cuộc. Cuộc tìm kiếm kéo dài trong vô vọng thì đến chiều 7/3, mọi người nhận được thông tin đã tìm thấy bà Thu.
Sống sót hi hữu
Anh Võ Trần Nam, quản lý nhà hàng Thanh Bình thuộc Công ty TMDV huyện Cần Giờ, là người tìm thấy bà Thu dưới chân cầu Long Giang Xây lúc 17h ngày 7/3, cho biết trước đó một ngày có hai phụ nữ làm công việc trồng cây trên đường Rừng Sác nghe tiếng người kêu cứu liền đi tìm nhưng không thấy gì. Tiếp đó, anh Nam tình cờ nghe người nhà kể việc bà Thu bị “mất tích” nên sực nhớ lời kể của hai phụ nữ trên. Lập tức, anh tìm bằng được hai phụ nữ và nhờ họ chỉ vị trí nghe tiếng kêu cứu. Anh Nam nói: “ Tôi nghĩ bà Thu bị nạn hay người khác bị nạn, mình có thể cứu mà không cứu, nạn nhân có mệnh hệ gì tội lắm”. Khu vực dưới cầu Long Giang Xây rừng cây mọc dày, cỏ cao quá đầu nên khó quan sát. Mất hơn nửa giờ tìm kiếm, anh Nam phát hiện một phụ nữ người dính đầy bùn đất, nằm ngập nửa người dưới nước. Anh Nam lên tiếng gọi, người phụ nữ đó khẽ rên đáp lại. Anh biết đó là bà Thu, liền lấy chai nước cho bà uống và điện thoại báo tin cho cơ quan chức năng.
Anh Nguyễn Trọng Phúc, thư ký TAND huyện Cần Giờ, cho biết khi nghe tin, anh liền chạy ngay đến hiện trường. Lúc đó, bà Thu nằm bất động, muỗi chích sưng phù khắp người, đầu bị thương chảy máu.
Bà Thu kể lại, khi đi trên đường về đến cầu Long Giang Xây thì có một xe mô tô chạy nhanh qua với tiếng máy nổ rất lớn khiến bà giật mình lạc tay lái, té xuống. Khi bà tỉnh dậy thì trời đã tối, đầu đau nhức dữ dội, toàn thân không cử động được. Lúc này nước sông dâng lên tới cằm, ngập hết người. Bà cố gắng với tay kéo chiếc túi xách hồ sơ kê đầu. Đêm trong rừng rất tối, muỗi chích khắp người mà không thể làm gì được. Buổi sáng thì trời nắng gắt cũng không được một ngụm nước. Cứ thế bà Thu cố gắng chống chọi trong tình trạng vừa đau, vừa đói khát, nắng nóng và nước ngập lạnh về đêm.
Anh Nam bày tỏ: “ Tôi vô cùng khâm phục sức sống của phụ nữ này. Trong tình cảnh như vậy mà chịu đựng nổi trong hai ngày, sống sót thật hi hữu…”.
Tối 8/3, bệnh nhân Bùi Thị Ngọc Thu phẫu thuật xong và được chuyển ra hậu phẫu hồi sức. Nguồn tin của PV cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, liệt hai chân. BV Nguyễn Tri Phương đã tiến hành chụp CT, xét nghiệm… kết quả cho thấy bệnh nhân bị gãy đốt sống ngực nặng, gây chèn ép các dây thần kinh hai chân nên phải mổ giải áp, bắt vít cố định để hy vọng bệnh nhân có thể hồi phục. Tuy nhiên, có khả năng bệnh nhân bị liệt hai chân. Theo các bác sĩ, rất may cho bệnh nhân là nằm bất động hai ngày dưới nước mà không bị con gì cắn, đường huyết không bị tụt.
Video đang HOT
Theo xahoi
Hy hữu: Cô gái thoát chết sau 12 giờ tim ngừng đập
Tim gần như ngừng hoạt động hoàn toàn trong 12 tiếng liên tiếp, bệnh nhân đã cận kề cái chết nhưng đã may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần một cách kỳ diệu.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân Thảo từ chỗ cận kề cái chết đã có thể tự thở, tự đi lại bình thường
Bệnh nhân nữ 27 tuổi may mắn này đang điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Tim "chết", người sống
Bệnh nhân tên Nguyễn Thị Thảo, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ngày 20/12/2012, chị Thảo bị ho, sốt, khó thở, đau ngực. Sau khi vào bệnh viện địa phương điều trị 2 ngày, tình trạng khó thở tăng lên, chị Thảo được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim hoặc viêm cơ tim.
Chị Thảo được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong trạng thái tỉnh táo, cơ thể mệt mỏi, khó thở. Bệnh nhân không đo được huyết áp, tim loạn nhịp liên tục.
Khi vào viện, tim của bệnh nhân Thảo gần như đã ngừng hoạt động. Trạng thái này đã diễn ra liên tục 12 tiếng trước khi bệnh nhân được khởi động hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường để cấp cứu (Ảnh do bác sỹ cung cấp)
Ngay lập tức, chị Thảo được đặt một máy tạo nhịp cấp cứu trong buồng tim và đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Lúc này, khi đã đảm bảo kiểm soát được nhịp tim, các bác sĩ nhận thấy cơ tim co bóp quá yếu không đủ sức đẩy máu vào hệ thống tuần hoàn dẫn đến tình trạng sốc.
Các bác sỹ đã tính đến chuyện hỗ trợ tim phổi tại giường và chuyển ngay đến khoa Hồi sức tích cực.
Khi được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, chị Thảo thở máy hoàn toàn, tim loạn nhịp, không đo được huyết áp (mặc dù vẫn duy trì 4 loại thuốc trợ tim và chống loạn nhịp với liều tối đa).
Các xét nghiệm cho thấy chị đã bị suy đa tạng do các tạng không được tưới máu vì sốc tim, chắc chắn sẽ tử vong.
Bệnh nhân ngay lập tức được khởi động hệ thống tim phổi ngoài cơ thể tại giường (gọi tắt là ECMO).
"Bình thường, nếu không có hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân sẽ được xử lý để tiếp tục hoạt động. Nhưng như vậy sẽ khiến tim, phổi càng bị quá sức, vì vốn nó đã đang "ốm yếu". Nhưng với hệ thống này, tim và phổi của bệnh nhân được "nghỉ ngơi" hoàn toàn.
Hệ thống máy sẽ làm thay nhiệm vụ trộn oxy vào máu và tách khí cacbonic ra, rồi bơm vào hệ thống mạch máu (thực chất là làm thay công việc của tim và phổi), đem máu và oxy đến khắp cơ thể.
Bệnh nhân Thảo trong quá trình phẫu thuật, cấp cứu (Ảnh do bác sỹ cung cấp)
Song song với hoạt động của hệ thống này là kết hợp tìm và điều trị nguyên nhân gây ra bệnh và chờ cho đến khi tim, phổi của bệnh nhân hồi phục dần. Hệ thống chỉ ngừng khi nào tim và phổi của bệnh nhân khỏe mạnh và đủ khả năng hoạt động độc lập trở lại", PGS.TS Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Bác sỹ Mai Văn Cường, Phạm Thế Thạch, Bùi Văn Cường của khoa Hồi sức tích cực và 2 bác sỹ của viện Tim mạch là bác sỹ Phạm Nhật Minh, Vương Hải Hà là những người đã trực tiếp tham gia cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo.
Bác sỹ Mai Văn Cường và bác sỹ Phạm Thế Thạch cho biết: Hệ thống ECMO này khác với hệ thống hỗ trợ tim phổi trong phòng mổ. Hệ thống tim phổi trong phòng mổ chủ yếu được dùng để hỗ trợ tim trong quá trình thực hiện ca mổ tim, phổi hoặc mạch máu và thường hoạt động được trong vòng 4 đến 12 tiếng (xung quanh cuộc mổ).
Nhưng hệ thống ECMO có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài (có thể lên đến hàng tháng - cho những bệnh nhân nặng, chờ ghép tim).
Với bệnh nhân Thảo, thời gian thực hiện kỹ thuật này cho đến khi tim của chị hồi phục được kéo dài 136 giờ đồng hồ.
Trở về từ cõi chết
Ngày thứ 6 sau khi được cấp cứu bằng hệ thống ECMO, bệnh nhân Thảo đã có thể rút ống nội khí quản, tự thở bình thường.
Sau 2 tuần được điều trị và theo dõi sát sao, bệnh nhân Thảo đã khỏe mạnh hoàn toàn, tự thở, tự đi lại được mà không cần hỗ trợ nào.
Đã thoát khỏi "bàn tay tử thần", nhưng đến ngày được ra viện, chị Thảo vẫn như không tin vào sự may mắn của mình.
Bác sỹ Phạm Thế Thạch cho biết: Để thực hiện được kỹ thuật này, các bác sỹ sẽ tiến hành mổ và đặt các ống thông vào động mạch chủ và tĩnh mạch chủ ở đùi để nối thiết bị tim phổi nhân tạo bên ngoài nhằm đảm bảo quá trình hoạt động bình thường, vận chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Điều khó khăn nhất khi thực hiện kỹ thuật này là phải làm sao để tránh tình trạng chảy máu hoặc đông máu (gây tắc bộ màng trao đổi oxy). Liên tục phải kiểm soát tình trạng đông cầm máu, và sớm phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng suy các tạng (tim, phổi, thận, gan, não, máu,...)
Trong quá trình thực hiện cấp cứu đối với bệnh nhân Thảo, bác sỹ Thạch nhấn mạnh yếu tố thời gian.
"Yếu tố thời gian là rất quan trọng, bệnh nhân bị viêm cơ tim diễn tiến rất nhanh, sốc tim quá gấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ khó qua khỏi", bác sỹ Thạch nói.
Kỹ thuật tiên tiến này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng (ví dụ viêm phổi do vi khuẩn hoặc do cúm H5N1 hoặc H1N1 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả), các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim...
Kỹ thuật ECMO được khoa Hồi sức tích cực - bệnh viện Bạch Mai triển khai từ năm 2009. Đến nay, đã có 10 bệnh nhân được cấp cứu bằng kỹ thuật này, trong đó có 6 trường hợp thành công (cả về mặt kỹ thuật lẫn sự sống bình thường cho người bệnh).
"Kỹ thuật này sẽ mở ra hi vọng cứu sống cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nặng về tim hoặc phổi cấp tính nặng", bác sỹ Thạch cho biết.
Theo xahoi
Hướng dẫn giáo viên mầm non xử trí tai nạn cho trẻ Gần 300 giáo viên, nhân viên y tế thuộc nhiều trường mầm non nội và ngoại thành TP.HCM cùng nhiều phụ huynh đã tham dự buổi nói chuyện chuyên đề "Dự phòng và xử trí các tai nạn thường gặp ở trẻ em", diễn ra ngày 22.12 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Với lối nói chuyện sinh động kèm minh họa...