Kẻ thua lỗ ra đi, người ôm tỷ đô nhảy vào
Đầu năm, Parkson Mỹ Đình đóng cửa, cuối năm Big C muốn rời bỏ Việt Nam cho thấy 2015 là một năm đầy khó khăn và thách thức với lĩnh vực bán lẻ.
Đầu năm 2015, thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam chứng kiến sự kiện khá hy hữu khi 1 thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội ngay trong đêm vì thua lỗ.
Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết kể từ khi mở cửa năm 2011, kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra, thậm chí thua lỗ, khiến đơn vị này buộc phải đóng cửa các quầy hàng tại tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Parkson đóng cửa vô thời hạn ở Keangnam
Sau vụ Metro đình đám bán lại cho một nhà đầu tư Thái Lan vào năm ngoái, cuối năm nay, Big C cũng đứng trước việc rời bỏ Việt Nam. Ngày 15/12, Casino Group khiến nhiều người bất ngờ khi phát đi thông cáo báo chí về kế hoạch “giảm gánh nợ tài chính” trong năm 2016. Theo đó, tập đoàn của Pháp sẽ bán đi một số tài sản để giảm khoản nợ 2 tỷ Euro (tương đương 2,6 tỷ USD).
Casino Group không đánh giá cao thị trường Việt Nam. Theo tập đoàn này, thị trường thị trường không trọng yếu. Vì vậy, Casino Group lên kế hoạch bán đi các mảng hoạt động tại Việt Nam. Như vậy không loại trừ khả năng hệ thống Big C Việt Nam sẽ sớm đổi chủ trong thời gian tới.
Thâm nhập vào Việt Nam từ năm 1998, sau 17 năm phát triển, Big C đã trở thành một trong những nhà bán lẻ với hệ thống 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động,
Big C có thể rời bỏ thị trường
Sau nhiều năm bỏ hoang, Thuận Kiều Plaza tọa lạc ngay tại khu vực trung tâm sầm uất nhất thuộc Q.5, Tp.HCM đã được CTCP đầu tư An Đông, thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại.
Gần 20 năm trước, dự án này vốn từng được xem như tòa nhà hiện đại, cao nhất TP.HCM. Sau khi dự án hoàn thành, người dân không đến ở. Khu thương mại dần vắng khách và trở nên hoang hóa.
Theo báo cáo thị trường của Savills Việt Nam, nguồn cung bán lẻ quý III/2015 tại Hà Nội đạt 971.000 m2, tăng 2,3% theo quý và 17% theo năm. Đây là những con số làm khó thị trường, bởi trong khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường mặt bằn bán lẻ rơi vào khó khăn, giá thuê luôn trong xu hướng giảm, hoạt động thị trường ảm đạm, thậm chí đã có những trung tâm thương mại phải đóng cửa.
Trong khi đó, nhà bán lẻ Nhật Bản là Aeon đang đổ bộ vào Việt Nam qua hình thức mua lại vốn của các đơn vị nội. Aeon Long Biên khai trương vào tháng 10/2015. Với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, Aeon Long Biên có diện tích 9,6 ha, có khu mua sắm, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng, khu thể thao…Dự kiến sau đó, TTTM Aeon Bình Tân (TP HCM) có diện tích 4,6 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 128,5 triệu USD sẽ khởi công vào tháng 7/2016.
Video đang HOT
Cuối tháng 3, Tập đoàn Bán lẻ Emart của Hàn Quốc công bố mở siêu thị đầu tiên tại TP HCM vào cuối năm nay với tổng vốn đầu tư là 60 triệu USD.
Nguyễn Kim đã được một nhà bán lẻ Thái Lan thâu tóm
Đầu năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm điện máy Nguyễn Kim. BJC – một tập đoàn bán lẻ Thái Lan khác cũng đã mua Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018.
Và mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) cũng lên tiếng, sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.
Tiềm năng thị trường bán lẻ trong nước là có thật. Theo phân tích, Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua tăng trưởng cao nhất tại Châu Á và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Lương cơ bản của người dân đã tăng 15% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng thêm 10 -15% trong năm tới. Song song đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất khu vực và sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Nhưng thực tế hiện cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hoàn toàn không phải là một cuộc dạo chơi đơn thuần. Việc các trung tâm thương mại, mua sắm tại Việt Nam bị lâm vào tình cảnh “ảm đạm” trước hết là do tâm lý của người Việt Nam vẫn ưa chuộng loại hình bán lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, nền kinh tế bị suy thoái khiến sức mua giảm sút cũng tạo nên tâm lý thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng.
Báo cáo của Parskon nhận xét: “Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn rất thách thức khi chi tiêu trong ngành bán lẻ còn yếu, và cạnh tranh khốc liệt khi ngày càng có nhiều đối thủ mới trên thị trường”.
Nam Hải
Theo_VietNamNet
Tại sao Casino Group 'tháo chạy' khỏi BigC Việt Nam?
Cuộc 'tháo chạy' của Casino Group đang làm dấy lên hoài nghi, lo ngại về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế.
Thị trường bán lẻ đang râm ran thông tin Casino Group - Tập đoàn đa quốc gia của Pháp đang có ý định bán khoản đầu tư tại chuỗi siêu thị BigC Việt Nam nhằm giảm áp lực nợ vay. Khoản đầu tư này đã mang lại nguồn lợi không hề nhỏ cho Casino Group suốt chục năm qua.
Sau thương vụ chuyển nhượng siêu thị Metro Cash & Carry hơn một năm trước, "ông lớn" BigC Việt Nam có thể là thương vụ "khủng" trong ngành bán lẻ vào năm tới. Khó khăn từ suy thoái kinh tế khiến Casino_Group dự tính chuyển nhượng các khoản đầu tư tại hệ thống siêu thị BigC Việt Nam để cơ cấu danh mục tài sản, giảm áp lực nợ vay hơn 2 tỷ USD của tập đoàn. Casino Group muốn tập trung vào các thị trường chủ chốt là Pháp, châu Mỹ latinh và châu Á.
Cuộc "tháo chạy" của DN sở hữu Metro Cash & Carry, BigC đang làm dấy lên hoài nghi, lo ngại về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế.
Vậy Casino Group là ai và và đang hoạt động tại những đâu?
Thông tin trên Trí thức trẻ, Casino Group là tập đoàn bán lẻ có tuổi đời 115 năm của Pháp với hơn 14.574 cửa hàng cùng 336.000 nhân viên hoạt động trên toàn thế giới. Năm ngoái, Casino Group được xếp hạng là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 11 trên thế giới với doanh thu đạt 48,5 tỷ euro.
Ngoài bán lẻ, Casino Group còn tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh khác gồm có thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, bất động sản thương mại. Trong đó, thương mại điện tử đang được hứa hẹn là "cỗ máy in tiền mới" cho Casino Group. Hiện tại, mảng thương mại điện tử của tập đoàn này cũng được đánh giá đứng vị trí thứ 6 trên toàn thế giới với những trang mua sắm gồm cdiscount, extra...
Riêng mảng bán lẻ, Casino Group hiện hoạt động kinh doanh tại 8 quốc gia gồm: Argentina (22 cửa hàng), Brazil (1999 cửa hàng), Colombia (739 cửa hàng), Pháp (10.517 cửa hàng), Uruguay (54 cửa hàng), Việt Nam (35 cửa hàng) và Ấn Độ Dương (131 cửa hàng).
Trong đó, tại Thái Lan, Casino Group hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 trên thị trường. Riêng tại Việt Nam, Casino Group hiện tham gia vào thị trường với 2 thương hiệu gồm chuỗi siêu thị Big C và website thương mại điện tử Cdiscount.vn.
Trong báo cáo tài chính của năm 2014, Casino Group vẫn xem Việt Nam như thị trường tiềm năng. (Ảnh minh họa).
Trong báo cáo tài chính của năm 2014, Casino Group vẫn xem Việt Nam như thị trường tiềm năng, bằng chứng là họ liên tiếp mở thêm 5 trung tâm mua sắm mới với tổng cộng 8.300 nhân viên, hoạt động tại 15 thành phố khác nhau trên toàn quốc.
Tuy nhiên, như thông tin đã đưa kể trên, việc phải ra thông báo bán mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan là do kết quả kinh doanh không khả thi và suy thoái kinh tế tại Brazil - một trong những thị trường quan trọng bậc nhất của tập đoàn.
Dù liên tiếp mở thêm các cửa hàng và trung tâm mua sắm mới trong năm vừa qua (năm 2014 có tổng cộng 752 cửa hàng mở thêm mới so với con số 642 vào năm 2013) tuy nhiên thực tế tình hình kinh doanh của Casino Group không mấy khả thi.
Ngoài giá cổ phiếu lao dốc, tập đoàn này hiện đang gánh trên vai khoản nợ 5,8 tỷ USD và đây được cho là nguyên nhân chính khiến họ tính tới phương án bán mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan.
Trước đó vào hồi tháng 7, tập đoàn này cũng đã phải bán bớt chuỗi siêu thị tại khu vực Mỹ Latin với giá trị khoảng 1,7 tỷ euro.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1998, Casino Group đã đầu tư phát triển hệ thống 32 đại siêu thị bán lẻ- trung tâm thương mại mang thương hiệu BigC trên toàn quốc. Ngoài ra, còn mở thêm 10 cửa hàng tiện ích.
Thương hiệu siêu thị BigC đã liên tục xuất hiện tại các khu vực trung tâm sầm uất, đông dân cư, như 8 siêu thị tại Tp.HCM và 2 siêu thị tại Hà Nội. Nhờ đó, giúp công ty đầu tư không ngừng tăng trưởng doanh thu cao hơn.
Sau 17 năm hoạt động, đến nay siêu thị BigC đã vươn lên trở thành nhà bán lẻ nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, xếp sau hệ thống Co.op Mart (thuộc Sài Gòn Co.op). Chuỗi siêu thị BigC luôn có nhiều chương trình hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút khách hàng, tăng mạnh doanh thu.
Nếu giao dịch bán BigC thành công, thương vụ này ước tính có thể đem về cho Casino Group khoảng 750 triệu Euro (tương đương 19.500 tỷ đồng). Ngoài ra, tập đoàn này còn dự tính chuyển nhượng các siêu thị tại thị trường khác, dự kiến thu về khoảng 550 triệu euro tại Thái Lan và 200 triệu euro tại Columbia.
Đây là số tiền không hề nhỏ trong bối cảnh Casino Group đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tại Brazil, cổ phiếu sụt giảm, hụt doanh thu... Đặc biệt là chịu áp lực phải giảm khoản nợ hơn 2 tỷ Euro trong năm 2016. Do đó, việc rao bán BigC Việt Nam nằm trong kế hoạch tái cấu trúc danh mục đầu tư ở nước ngoài mà Casino đang xúc tiến.
Tuy nhiên, phía BigC Việt Nam cho hay, động thái rao bán khoản đầu tư này chưa ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư của BigC tại Việt Nam và các dự án vẫn tiếp tục.
Trong hàng chục năm hoạt động tại Việt Nam, điều công chúng nhìn thấy là sự tăng trưởng rất nhanh về quy mô và số lượng siêu thị BigC được mở thêm. Tuy nhiên, hệ thống BigC đã thu được doanh số, lợi nhuận lớn cỡ nào, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp bao nhiêu... thì đến giờ vẫn là điều bí ẩn.
Năm 2010- 2014, các công ty của hệ thống BigC liên tục được cơ quan thuế vinh danh trong nhóm 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, BigC Thăng Long, BigC An Lạc, BigC Đồng Nai.
Trong nhóm ngành bán lẻ, siêu thị, cả 3 công ty sở hữu quản lý 3 siêu thị này đều xếp vị trí đứng đầu Top 10 nộp thuế lớn nhất gồm: công ty TNHH TMQT và DV Siêu thị BigC Thăng Long, công ty TNHH TM và DV Siêu thị Big C An Lạc và công ty TNHH TM và DVQT Big C Đồng Nai.
Nghi vấn chuyển giá
Thời báo Kinh doanh cũng đưa tin, thời gian qua, một số tập toàn đa ngành nước ngoài có động thái thoái vốn, chuyển nhượng lại khoản đầu tư vào các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Đơn cử, hồi tháng 5/2015, công ty Keangnam Interprises (Hàn Quốc) cũng rao bán toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Landmark 72 Hà Nội. Giá trị tài sản này được định giá lên tới 800 triệu USD. Công ty này đã phải rao bán toà nhà trong nỗ lực xử lý các khoản nợ theo phán quyết của toà án Hàn Quốc.
Cùng ngành bán lẻ, thương vụ chuyển nhượng ồn áo nhất là năm 2014, Tập đoàn bán lẻ Metro Cash & Carry (Đức) đã bán lại Metro Cash & Carry Việt Nam cho Tập đoàn BJC của Thái Lan, với giá trị 655 triệu EUR (tương đương 879 triệu USD). Song hai bên vẫn chưa hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng.
Metro Cash & Carry từng bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm nghi vấn hoạt động chuyển giá do liên tục báo lỗ lớn, số thuế nộp không "nhằm nhò" gì so với doanh thu khủng hàng năm...
Khi cơ quan thuế vẫn chưa thể chứng minh, kết luận doanh nghiệp này có chuyển giá, trốn thuế hay không thì chủ đầu tư đã nhanh chóng tìm được đối tác "sang tay" siêu thị Metro trong thông điệp chung là "tái cơ cấu khoản đầu tư và tập trung vào thị trường trọng điểm ở châu Á".
Từ năm 2012, cơ quan thuế đã nghi vấn hoạt động chuyển giá, trốn thuế khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài liên tục báo lỗ lớn mà vẫn tăng trưởng doanh thu, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu lớn như Coca Cola, Metro Cash & Carry, BigC, Keangnam... bị đưa vào tầm ngắm nghi vấn chuyển giá.
Do đó, cuộc "tháo chạy" của doanh nghiệp sở hữu Metro Cash & Carry, BigC đang làm dấy lên hoài nghi, lo ngại về hoạt động chuyển giá, gây thất thu thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt là số liệu doanh thu, lợi nhuận thực bị che giấu của các nhà bán lẻ nước ngoài này trong hàng chục năm qua.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đặt mục tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2016 Năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 100.000 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, một số nước ở Trung Đông. Năm 2015, ước tính cả nước đưa được 115.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 127,8% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với năm 2014. Một số thị...