‘Kẻ thù’ khiến New York vỡ trận
Bất chấp loạt biện pháp nhằm ngăn nCoV lây lan, số người nhiễm ở New York vẫn không ngừng tăng do mật độ dân số quá dày đặc.
Với trên 8,6 triệu dân, New York đông đúc hơn bất cứ thành phố lớn nào khác ở Mỹ, với mật độ dân số gần 11.000 người/km2. Trong khi đó, San Francisco, thành phố có mật độ dân số cao thứ hai cả nước, thấp hơn đáng kể với khoảng 6.500 người/km2, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Khi quá đông người tập trung trong một không gian chật hẹp, virus dường như lây lan nhanh chóng hơn thông qua các chuyến tàu điện ngầm chật cứng, sân chơi náo nhiệt và những tòa chung cư chen chúc, tạo ra các vòng truyền nhiễm bất tận, biến New York thành tâm điểm Covid-19 của cả nước Mỹ.
“ Mật độ dân số thực sự là một kẻ thù trong tình huống hiện nay”, nhà dịch tễ học Steven Goodman tại Đại học Stanford đánh giá. “Những khu trung tâm dân số đông, nơi mọi người lúc nào cũng tương tác với nhau nhiều, là địa điểm virus lây lan nhanh nhất”.
Người dân xếp hàng bên ngoài bệnh viện Elmhurst ở thành phố New York để được xét nghiệm nCoV hôm 24/3. Ảnh: AFP.
Có thể thấy rõ thách thức mà New York, cũng như những nơi mật độ dân số dày đặc khác ở Mỹ đang gánh chịu, bằng cách so sánh với Los Angeles, bang California, thành phố đông dân thứ hai cả nước.
Tính đến ngày 24/3, thành phố New York ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm nCoV và hơn 190 người chết, trong khi Los Angeles báo cáo hơn 600 bệnh nhân và hơn 10 người chết. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng người dân Los Angeles nói riêng và bang California nói chung sống cách xa nhau hơn.
“Chúng tôi sống tản mát và mọi người thường sử dụng ôtô riêng. Hệ thống giao thông công cộng khá tệ. Trong khi đó ở thành phố New York, mọi người có tàu điện ngầm, xe buýt, Quảng trường Thời đại và sống trong những tòa chung cư nhỏ”, Lee Riley, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học California Berkeley, cho biết.
Xét trên mọi góc độ, người dân New York có cuộc sống nhộn nhịp và mức độ tương tác khi đi làm, cũng như hoạt động vui chơi nhiều hơn bất cứ nơi nào ở Mỹ. Trong một ngày làm việc, trung bình hơn 5 triệu người chen lấn trên các chuyến tàu điện ngầm. Gần 40 triệu người thăm Quảng trường Thời đại mỗi năm, khiến nó trở thành một trong những điểm du lịch tấp nập nhất thế giới. Trước khi nCoV xuất hiện, hơn 3.000 máy bay hạ cánh xuống thành phố mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến, sự đông đúc đã khiến New York dễ bị tổn thương hơn. Deborah Birx, điều phối viên lực lượng chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 23/3 cho biết tỷ lệ dân số nhiễm nCoV tại khu vực New York là gần 1/1.000, cao gấp 5 lần so với những nơi khác ở Mỹ.
“Vì vậy, những người ở New York là nhóm hiện cần cách biệt cộng đồng hoàn toàn và tự cách ly. Virus rõ ràng đã lây lan tại đó vài tuần mới có thể gây ra mức độ xâm nhập như vậy vào cộng đồng chung”, bà Birx nói.
Mối lo ngại về mật độ dân số cũng được đặt lên hàng đầu khi giới chức New York thảo luận về tình trạng nCoV lây lan. Thành phố giờ đây trở thành một trong những “điểm nóng” Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, với số ca bệnh trên đầu người cao hơn Italy, quốc gia đã ghi nhận gần 70.000 ca nhiễm và hơn 6.800 người chết.
Video đang HOT
Các bệnh viện trên khắp thành phố New York và những khu vực lân cận báo cáo số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng đông, cũng như tình trạng thiếu đồ bảo hộ, thúc đẩy Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đề ra kế hoạch chuyển hàng trăm nghìn khẩu trang, găng tay và áo bảo hộ đến các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, Cuomo thừa nhận những biện pháp ban đầu nhằm kiểm soát sự lây lan của virus không hiệu quả, đặc biệt tại thành phố New York, nơi mọi người vẫn tụ tập trong công viên vào cuối tuần và cách nhau không đủ xa. Thống đốc nói thêm rằng ông đang đợi chính quyền thành phố đề xuất kế hoạch ngăn người dân tiếp xúc quá gần nhau, có thể bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn những không gian công cộng.
“Khi tôi chạm vào chiếc bàn này, virus có thể đã ở đó hai ngày. Bạn có thể cũng sẽ chạm vào đó nếu đến đây. Với mật độ dân số dày đặc của New York, rất nhiều người đã cùng chạm vào vô số điểm, như băng ghế trong công viên hay quầy tạp hóa”, Cuomo cho hay.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm 23/3 tuyên bố sẽ ký sắc lệnh nhằm yêu cầu bất cứ ai từ New York hoặc New Jersey đến bang này phải cách ly 14 ngày. Nhiều ca nhiễm nCoV ở Florida, đặc biệt tại Miami, Fort Lauderdale và West Palm Beach, có mối liên hệ với New York. Người New York gần đây còn có xu hướng bay tới Florida để tránh những hạn chế tại địa phương.
Ngoài chênh lệch về mật độ dân số, việc Los Angeles tiến hành ít xét nghiệm hơn cũng được cho là lý do khiến thành phố này ghi nhận ít ca nhiễm nCoV hơn New York. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng nhiệt độ cũng là yếu tố dẫn đến sự khác biệt về số người nhiễm giữa hai thành phố.
Khu vực phía nam bang California có khí hậu ấm áp hơn và một số phân tích ban đầu cho thấy điều này có thể làm chậm tốc độ virus lây lan. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, những khu vực có nhiệt độ trung bình trên 18 độ C chỉ ghi nhận chưa đầy 6% số ca nhiễm nCoV toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng mật độ dân số có khả năng vẫn là nguyên nhân lớn nhất khiến New York “vỡ trận” vì nCoV, đồng thời kêu gọi các thành phố và đô thị khác trên cả nước chú ý.
“Câu hỏi bây giờ là phần còn lại của nước Mỹ sẽ học được gì từ New York để tránh rơi vào tình huống mà họ đang đối mặt. Diễn biến dịch bệnh tại đây thậm chí có thể tồi tệ hơn trong thời gian tới”, Thomas Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cảnh báo.
Ánh Ngọc
Nhiều người giàu ở Mỹ được xét nghiệm virus, người nghèo thì xếp hàng
Các ngôi sao, chính trị gia và vận động viên chuyên nghiệp người Mỹ tuần này đã khiến nhiều người nổi giận khi tiết lộ họ được xét nghiệm Covid-19 mà không cần có triệu chứng.
Điều này đang thúc đẩy một niềm tin cho rằng những người giàu có và quyền lực ở Mỹ đã có một đặc quyền, được "lên hàng đầu" để xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh quốc gia này đang thiếu hụt năng lực xét nghiệm cần thiết.
Dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng ở Mỹ và tính đến hết ngày 21/3, đã có 23.649 ca nhiễm được xác nhận trên khắp các bang, với 302 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch hô hấp của một người lái xe tới trạm xét nghiệm lưu động. Ảnh: New York Times.
Người nghèo Mỹ gặp khó khi muốn xét nghiệm
Nhiều người Mỹ cho biết họ gặp khó khăn trong việc xét nghiệm, bị từ chối vì không có triệu chứng rõ ràng hoặc phải chờ rất lâu mới được xét nghiệm. Và việc những người nổi tiếng được xét nghiệm dễ dàng đã làm dấy lên quan ngại về sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Mỹ, khi những người có khả năng tài chính sẽ nhận được một dịch mức độ dịch vụ khác.
Khi được hỏi về vấn đề này hôm 18/3, Tổng thống Donald Trump cho rằng những người giàu có và quan hệ rộng không nên được ưu tiên xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên ông Trump - một người cũng giàu có và quan hệ rộng - thừa nhận rằng những người nổi tiếng đôi khi nhận được đặc quyền.
"Có lẽ chuyện đời luôn là vậy. Điều đó đôi khi vẫn xảy ra. Và tôi cũng để ý thấy rằng có vài người được xét nghiệm khá nhanh", ông Trump nói.
Hôm 18/3, đội bóng rổ Brooklyn Nets cho biết toàn bộ các thành viên của đội đã được xét nghiệm Covid-19 vào tuần trước, khi trở về từ San Francisco sau trận đấu với đội Golden State Warriors. Brooklyn Nets tìm ra một phòng xét nghiệm tư nhân có thể làm việc này, và thông báo rằng có 4 thành viên của đội, bao gồm cả ngôi sao All-Star Kevin Durant, dương tính với virus corona.
Mặc dù không có nguồn lực công nào được sử dụng trong trường hợp này, nó vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi về hệ thống y tế của Mỹ, trong đó có Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio.
"Chúng ta chúc họ hồi phục nhanh chóng. Nhưng, với tất cả sự tôn trọng, cả một đội NBA không nên được xét nghiệm Covid-19 trong khi có những bệnh nhân nguy kịch đang chờ được xét nghiệm. Xét nghiệm không nên dành cho người giàu có, mà phải cho người bị ốm", ông de Blasio viết trên Twitter.
Ông de Blasio là người của đảng Dân chủ và ủng hộ các kế hoạch cải cách y tế của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.
4 thành viên của đội bóng rổ Brooklyn Nets, trong đó có ngôi sao Kevin Durant (ngồi giữa), dương tính với Covid-19. Ảnh: AP.
Robin Fraser, một phụ nữ 30 tuổi bị đau cơ xơ hoá và rối loạn tự miễn dịch khiến cô có nguy cơ cao bị biến chứng nếu nhiễm virus corona. Sốt và ho từ tuần trước, và được bác sĩ khuyên đi xét nghiệm nhưng khi tới nơi cô được thông báo rằng hiện không có đủ bộ kit xét nghiệm, vì vậy cô không thể được kiểm tra xem đã nhiễm virus hay chưa.
"Điều đó thật không công bằng", cô Fraser nói.
Trên mạng, Fraser thấy những người nổi tiếng và chính trị gia được xét nghiệm, và cô thấy buồn vì điều đó.
"Tại sao họ lại được đưa lên đầu hàng? Những người như tôi, người bình thường, bị đẩy về phía sau của hàng. Tại sao thành viên quốc hội được xét nghiệm còn chúng tôi không thể?", Fraser bức xúc.
Năng lực xét nghiệm của Mỹ đang tăng, nhưng chưa đủ nhanh
Sự giận dữ của công chúng do khó khăn tiếp cận xét nghiệm đã bắt đầu thành hình kể từ khi Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 hôm 20/1. Lô bộ dụng cụ xét nghiệm đầu tiên được phát triển bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) bị lỗi khiến năng lực xét nghiệm ban đầu ở Mỹ bị hạn chế đáng kể.
Thêm vào đó, chính phủ đưa ra tiêu chí khá nghiêm ngặt cho việc xét nghiệm, yêu cầu người bệnh phải có đủ triệu chứng, có lịch sử đi lại tới vùng dịch, khiến cho nhiều người gặp khó khăn trong việc đi xét nghiệm virus. Thậm chí đến khi được lấy mẫu dịch hô hấp, người xét nghiệm vẫn phải chờ kết quả rất lâu trong bối cảnh các phòng thí nghiệm bị quá tải.
Để gỡ nút thắt này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thông báo sẽ cho phép một số phòng xét nghiệm tư nhân lớn phát triển bộ xét nghiệm Covid-19, và giảm bớt các quy định chặt chẽ trước đây về việc khi nào có thể đưa các bộ xét nghiệm ra thị trường. (FDA nổi tiếng khắt khe trong các yêu cầu thử nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm).
Trong vòng 2 tuần qua, sự cởi trói này đã dẫn dến việc năng lực xét nghiệm được gia tăng, nhưng là với các phòng xét nghiệm tư nhân. Những cơ sở này cũng không bị ràng buộc bởi tiêu chí mà CDC đưa ra để xét nghiệm bệnh nhân, và ai cũng có thể xét nghiệm nếu chi trả đủ tiền.
LabCorp là một công ty xét nghiệm tư nhân lớn ở Mỹ, họ bắt đầu cung cấp dịch vụ xét nghiệm Covid-19 từ ngày 5/3. Quest Diagnostics, một công ty lớn khác, cũng bắt đầu làm việc này từ ngày 9/3.
LabCorp cho biết họ sẽ có thể thực hiện 10.000 ca xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày, tính tới cuối tuần này và nâng gấp đôi năng lực, lên 20.000 xét nghiệm mỗi ngày, vào cuối tháng.
Time Square tại thành phố New York tối ngày 18/3. Bang này đã có 10.000 ca nhiễm. Ảnh: New York Times.
Để so sánh, CDC và các phòng xét nghiệm của chính phủ Mỹ mới chỉ thực hiện tổng cộng 30.000 xét nghiệm trong vòng 8 tuần kể từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở nước Mỹ, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Đại học Johns Hopkins.
Trong thời gian này, thay vì khuyến cáo mọi người đi xét nghiệm Covid-19, giới chức Mỹ yêu cầu người bệnh ở tại nhà nếu có triệu chứng, và chỉ đi xét nghiệm khi họ thấy khó thở, theo New York Times.
Xét nghiệm dịch tễ - quá trình sàng lọc và xác định những người tiếp xúc với người bệnh, rồi sau đó xét nghiệm và cách ly họ - là cách duy nhất để phá vỡ hoàn toàn chuỗi lây nhiễm, theo tiến sĩ Adhanom Ghebreyesus Tedros, Tổng giám đốc WHO. Nếu việc này không được thực hiện, virus sẽ bùng phát trở lại ngay khi các yêu cầu cách ly xã hội được nới lỏng.
Chống đại dịch Covid-19, Mỹ triển khai Vệ binh Quốc gia ở 3 bang Ông Trump hôm Chủ Nhật (22/3) cho biết đã kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang California, New York và Washington để chiến đấu với sự lây lan của Covid-19. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng việc liên bang điều động lực lượng vệ binh không phải là quân luật. Các thống đốc bang sẽ giữ...